Tháng 3 âm lịch dù lên rừng hay xuống biển, dưới đồng bằng hay trên núi cao, bạn cũng có thể tham dự được rất nhiều lễ hội truyền thống Việt Nam đặc sắc, mang dấu ấn riêng của từng vùng miền. Đây cũng là dịp mà du lịch ở các địa phương diễn ra lễ hội phát triển mạnh, chào đón hàng trăm ngàn lượt du khách tham quan mỗi năm. Vừa trẩy hội tưng bừng, vừa cầu nguyện bình an lại tranh thủ vãn cảnh non sông tươi đẹp, tiện cả mọi bề. Còn chờ gì nữa mà không sắm sửa “bộ hành” rồi tung tăng dự hội?
Trở thành một ngày quốc lễ truyền thống Việt Nam được người dân cả nước trông đợi, giỗ Tổ Hùng Vương được rất nhiều tỉnh thành tổ chức long trọng nhằm tỏ lòng tưởng nhớ đến công lao dựng nước của các 18 đời Vua Hùng. Trong đó phải kể đến vùng đất linh thiêng Việt Trì, Phú Thọ.
Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày đại lễ để bách tính trăm họ hướng về cội nguồn, tỏ lòng thành kính, biết ơn đến 18 đời Vua Hùng. @Internet
Trước ngày đại lễ, người dân đã sớm chuẩn bị rất nhiều lễ vật góp giỗ, dâng lên Vua Hùng, đặc biệt nhất là bánh chưng, bánh giày trong truyền thuyết Lang Liêu, nhiều địa phương tổ chức hẳn một cuộc thi gói bánh dâng Vua. Ngoài ra, lễ vật có hoa thơm, quả ngọt, bánh kẹo, xôi chè, bánh mật, bánh gai, trầu cau,và vật tam sinh (bò, dê, heo), tùy theo sản vật của địa phương mà dâng lên thần thánh.
Những ngày này, người dân phía Bắc rủ nhau đến đất Phú Thọ để tận mắt chứng kiến "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng", một lễ hội được UNESCO là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loạiđại diện của nhân loại".
Trong dịp này, có khá nhiều nghi lễ được diễn ra. @Internet
Nghi thức tế lễ diễn ra trang trọng với quy mô lớn với âm nhạc dân gian, trang phục sặc sỡ tái hiện hình ảnh của các dân tộc anh em, ban tế lễ với nhiều chức sắc và chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương. Tế lễ là nghi thức dâng lễ vật lên những các vị Vua Hùng và các vị Thần lớn như: Trời, Đất, Mùa Màng, Đức Khổng Phu Tử, Hai Bà Trưng, Đức Thánh Trần, các bậc tiên liệt có công với quê hương, đất nước, các vị Thần linh, Thành Hoàng, Thổ địa của làng xã…
Một chủ tế đang chuẩn bị đọc văn tế trước ban thờ Vua Hùng trong không khí trang nghiêm mà hào hùng. @Internet
Đội hình rước kiệu đi đầu là cờ Tổ quốc, cờ thần; Trống, chiêng; Đội cờ hội; Đội tàn, tán, lọng; Đội rước bát bửu; Rước Kiệu Văn ( hoặc kiệu bát cống); Đội ( phường) Bát âm ( nhạc rước); Chủ tế; Đội hình tế ( Ban tế); Lãnh đạo UBND địa phương và đại biểu; quần chúng nhân dân.
Nghi thức rước lễ vật truyền thống. @Internet
Nghi thức thờ cúng trên căn bản là giống nhau ở các địa phương nhưng phần hội lại rất đặc sắc, mỗi nơi một khác. Nơi thì tổ chức hội thi giã bánh giày, gói bánh chưng, hát Xoan, múa rối nước, triển lãm ảnh và cổ vật, đấu vật, bóng chuyền, bắn nỏ, bơi chải truyền thống trên sông Lô thể hiện nét đẹp khỏe khắn, tinh nhanh và sự khéo léo.
Nhiều tiết mục văn nghệ tái hiện lại cảnh dựng nước từ thuở sơ khai được biểu diễn khắp cả nước. @ Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ
Phủ Tây Hồ được xây vào thế kỷ 16, thờ mẫu Liễu Hạnh. Trong phủ trên cao là tượng chúa Liễu, hai bên là tượng chầu bà đệ nhị, bà đệ nhất. Ở giữa tượng vua cha Ngọc Hoàng, Nam Tào Bắc Đẩu. Phía dưới là tứ phủ công đồng: tượng quan hoàng Mười, quan hoàng Bẩy và nhiều di vật có giá trị khác.
Phủ Tây Hồ vẫn là một điểm đến linh thiêng mà người Hà Nội thường xuyên viếng thăm để cầu may mắn. @ Flickr Tuấn Trịnh
Tương truyền, Mẫu Liễu Hạnh là công chúa Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống trần gian do làm vỡ chiếc ly ngọc quý. Người tiên nữ ấy đã ngang dọc một trời, giúp dân an cư lập nghiệp, diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan. Đến triều Nguyễn bà được nhà vua phong “mẫu nghi thiên hạ”, là một trong bốn vị thần “Tứ bất tử” của Việt Nam.
Ban Sơn Trang tại Phủ Tây Hồ là những bức tượng thờ Mẫu mang nét đẹp văn hoá từ ngàn xưa. @lehoi.cinet.vn
Mùng 3 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ mẫu Liễu Hạnh, một trong những lễ hội truyền thống Việt Nam đặc biệt tại Hà Nội đại diện cho tục thờ mẫu từ ngàn xưa. Đoàn rước kiệu các Mẫu từ phủ Tây Hồ qua đường Yên Phụ, Cổ Ngư, ngược lại đường Quán Thánh tới đền Nghĩa lập lấy mã rồi quay lại phủ.
Nô nức trẩy hội. @Internet
Phủ Tây Hồ linh thiêng là nơi người dân Hà Nội đến lễ bái cầu may và nhân tiện vãn “Phủ Tây Hồ bâng khuâng, huyền thoại”, “vỗ về hồn ta bơ vơ”.
Lễ hội phủ Tây Hồ năm nào cũng thu hút rất đông người tham gia. @Internet
Bên cạnh phần lễ trang trọng với đoàn rước, dâng hương, lễ hội Phủ Tây Hồ còn có phần hội đặc sắc với cuộc thi văn, hát chầu văn, đàn hát ở chùa Phổ Linh (thôn Tây Hồ) lôi cuốn nhiều người đến trẩy hội. Trong đó, các cuộc thi hát chầu văn trên điệu nhạc dân gian bay bổng và ngôn từ đậm chất văn học, chủ yếu nói về cảnh đẹp và con người Việt Nam là một đặc sản nghệ thuật đặc sắc, được nhiều khách du lịch say đắm chỉ trong lần nghe đầu tiên.
Ngoài Phủ Tây Hồ, bạn có thể dạo quanh hồ Tây để thăm viếng thêm nhiều cảnh chùa nổi tiếng. @ Hình ảnh đẹp
Những quán bánh tôm, bún ốc quanh phủ cũng là điểm dừng chân sau một ngày trẩy hội của du khách.
Bánh tôm Tây hồ ngon trứ danh và chỉ ăn tại hồ Tây mới đúng phong vị. @Internet
Nếu bạn muốn sống trong không khí núi rừng với cồng chiêng Tây Nguyên, đốt lửa ngắm trăng và nhâm nhi rượu cần ấm nóng thì bạn nên đến lễ hội đua voi Đắk Lắk đúng vào tháng 3 dương lịch.
Để biết chắc chắn thời điểm tổ chức và nơi ăn chốn ở, bạn đã phải lên kế hoạch từ tháng 2 và liên lạc với người dân địa phương. Tốt nhất vẫn là được sống trong một gia đình người Đắk Lắk để tận hưởng trọn vẹn phong vị núi rừng và nếp sống bản xứ.
Lễ hội đua voi Tây Nguyên. @Zingnews
Lễ hội đua voi được xem là lễ hội truyền thống Việt Nam lớn nhất của đồng bào người Tây Nguyên nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và thuần dưỡng voi, một loại động vật gắn liền với đời sống và sản xuất miền núi rừng. Ngoài ra, lễ hội cũng là dịp để bà con cầu nguyện thần linh ban cho mùa màng tốt tươi, đời sống sung túc và cầu sức khoẻ cho đàn voi của họ.
Rất nhiều bộ ảnh đẹp đậm chất núi rừng hoang dã đã được ra đời từ lễ hội đua voi. @ lehoi.cinet.vn
Mọi nét đẹp văn hoá đặc trưng Tây Nguyên đều được tinh chắt tất cả trong mùa lễ hội này bao gồm hội đâm trâu, không gian văn hóa cồng chiêng, lễ cúng bến nước, cúng sức khỏe cho voi. Cuộc đua voi chỉ diễn ra trong vòng một ngày duy nhất cũng là ngày được chờ đợi nhất. Khoảng 20 đến 30 chú voi tinh nhanh và khoẻ mạnh nhất sẽ tham gia thi đấu ở nhiều hạng mục như chạy tốc độ, bơi vượt sông Sêrêpốk, đá bóng, kéo vật nặng… Phần thưởng cho chú voi thắng cuộc là những tấm mía, chuối và thức ăn ngon và vòng nguyệt quế cho voi vô địch.
Trong tiếng hò reo, cổ vũ, tinh thần của những chú voi thi đấu càng hăng say hơn. @ Báo Đắk Lắk
Không khí núi rừng tưng bừng trong tiếng hò reo, cổ vũ nhiệt tình của bà con. Tối đến, âm nhạc vang lên từ những nhạc cụ tạo ra thứ âm thanh đặc trưng của núi rừng, chút rượu cay nồng, ấm nóng bên đống lửa hồng sẽ níu chân bất kì du khách nào tới đây.
Hơi men rượu cần thấm vào cơ thể là thứ cảm giác nhiều du khách không thể nào quên được. @ Báo Đắk Lắk
Lễ hội Tháp Bà Pônagar ở tỉnh Khánh Hòa còn gọi là Lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu hay Lễ vía Bà. Nữ thần Pônagar là Mẹ xứ sở của người Chăm, có tên gọi đầy đủ là Yang Pô Inư Nagar. Xoay quanh sự tích về Bà Mẹ Xứ Sở linh thiêng có rất nhiều truyền thuyết ra đời, kỳ lạ và thần bí.
Đến nay, không chỉ người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận thờ cúng bá mà cả người Kinh và một số dân tộc thiểu số ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Yên, Đắc Lắc, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế cũng đến dự lễ vía Bà cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi và luôn đủ cơm ăn, áo mặc.
Chuẩn bị chu toàn cho lễ hội. @Internet
Nghi thức cúng bà rất đặc sắc, thể hiện tín ngưỡng và nét đẹp văn hoá của người Chăm bao gồm lễ thay y, lễ thả hoa đăng, lễ cầu quốc thái dân an, cúng Ngọ, thí thực, tế lễ cổ truyền, Lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương, lễ dâng hương tạ Mẫu. Trong đó, nước và khăn dùng để tắm tượng được người dân xin về để lấy phước hoặc rửa mặt hay tắm cho trẻ con, hoặc tưới lên ghe thuyền... với mong muốn để trừ tà, trẻ con hay ăn và khỏe mạnh, người bệnh mau lành, những ghe, thuyền ra khơi gặp nhiều may mắn.
Nghi thức cúng lễ được thực hiện một cách trang trọng bởi các cao niên trong địa phương. @ Báo Khánh Hoà
Đặc biệt, trong lễ Khai Diên, lễ Tôn Vương, nghi thức hát thứ lễ để cúng Bà và hát cho thần linh xem do các đoàn hát bội thực hiện. Những tiết mục này được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và diễn ra rất trang trọng, được nhiều người trẩy hội mong đợi.
Những tiết mục văn nghệ đặc sắc với những trang phục, điệu múa và âm nhạc mang đậm văn hoá người Chăm được thể hiện để kính dâng lên các bậc thần linh. @ Nha Trang Club
Những người đàn ông lớn tuổi đại diện cho các gia đình dâng mân lễ vật cúng Bà cầu bình an. @ Báo Khánh Hoà
Bên cạnh đó, múa bóng và hát văn vẫn được người dân Khánh Hoà duy trì như một nét văn hoá đặc sắc nhất tái hiện lại những đoạn tuồng cổ liên quan đến cuộc đời Thiên Y A Na Thánh Mẫu. Theo các cao niên địa phương, ngày xưa xóm Bóng là nơi các vũ nữ Chăm về ở để biểu diễn múa bóng tại di tích và lễ hội Tháp Bà. Loại hình nghệ thuật độc đáo này sẽ làm rất nhiều du khách ngạc nhiên khi lần đầu được chứng kiến.
Hiện nay, những người mẹ, người bà vẫn hằng năm gìn giữ bộ môn nghệ thuật múa bóng, tái hiện cuộc đời Thiên Y A Na Thánh Mẫu, một loại hình nghệ thuật đặc sắc của người Chăm. @ Báo Khánh Hoà
Bạn cũng có thể tham gia vào hội thi rước nước và bày mâm hoa quả dâng Mẫu cùng người dân địa phương để hoà mình trọn vẹn vào lễ hội. Nếu có thể, bạn hãy diện một bộ trang phục của người Chăm để đi trẩy hội, đó sẽ là những trải nghiệm đặc biệt nhất trong đời.
Còn rất nhiều lễ hội truyền thống Việt Nam khác ở nhiều địa phương, Traveloka sẽ giới thiệu với bạn ở những bài sau. Hãy tận dụng những chuyến du lịch để trẩy hội tưng bừng, mỗi năm ở một địa phương khác nhau, bạn sẽ có những trải nghiệm lý thú đến không ngờ về văn hoá, lịch sử của mỗi vùng miền, dân tộc.