Tháng 6 trong lịch âm thường sẽ rơi vào khoảng tháng 7 dương – tháng của mùa hè và những chuyến đi hoặc một kế hoạch xả hơi cho nửa đầu năm đã qua. Phải thế nào nếu bạn đã vi vu hết: Du lịch biển? Những địa điểm “hot” nhất trong cộng đồng? Những nơi trong checklist riêng? Hãy xem qua những gợi ý sau của Traveloka và lên ngay kế hoạch cho một chuyến du lịch để hiểu hơn về các lễ hội truyền thống Việt Nam và tìm về những bản sắc vô cùng độc đáo, thú vị của dân tộc chúng ta.
Lễ hội trái cây Nam Bộ được tổ chức thường niên tại khuôn viên Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP.HCM) – địa điểm mà vốn dĩ đã sầm uất và đông đúc, nhất là vào khoảng thời gian hè như thế này. Lễ hội có quy mô lớn, với rất nhiều hoạt động mà chủ thể trung tâm chính là những loại quả thơm ngọt của khắp miền đất nước tụ họp về. Du khách đến đây có thể tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu thêm về các loại trái cây, tham gia các trò chơi dân gian và mua các loại quả về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Du khách từ khắp nơi về tham dự lễ hội trái cây Nam Bộ @suoitien
Đây cũng là dịp cho các nhà vườn giới thiệu những loại quả chất lượng tốt nhất đến với mọi người, đồng thời, là sân khấu trổ tài cắt tỉa, tạo hình trái cây điêu luyện của cái nghệ nhân với hàng trăm tác phẩm đủ sắc màu và vô cùng tinh tế.
Những tác phẩm nghệ thuật từ trái cây được bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân tạo thành @lehoitraicaynambo
Trong lễ hội còn có các khu vực triển lãm các bộ sưu tập trái cây lạ, hiếm; bộ sưu tập các củ, quả khổng lồ…
Triễn lãm chanh khổng lồ nặng đến 6kgs @ lehoitraicaynambo
Bên cạnh việc triễn lãm và giới thiệu, Lễ hội trái cây Nam Bộ còn có các hoạt động đặc sắc khác như: diễu hành “Tứ Linh Bách quả Thần Tiên hội”, chợ nổi trái cây, hội thi “Trái ngon an toàn Nam Bộ” với khoảng 600 loại trái cây chất lượng và đảm bảo an toàn, hội thi “Người giỏi nhất” với rất nhiều trò chơi dân gian mô phỏng như gánh trái cây đi cầu khỉ, bịt mắt hái trái…
Diễu hành “Tứ Linh Bách quả Thần Tiên hội” @suoitien
Du khách tò mò với giống sầu riêng khổ qua lạ tại Chợ nổi trái cây @suoitien
Lễ hội trái cây Nam Bộ phù hợp với những ai yêu thích sự rực rỡ, nhộn nhịp; với những gia đình có các bé nhỏ, hoặc dành cho những ai ở TP.HCM mong muốn có một dịp vui chơi, giảm stress nhưng không thu xếp được lịch nghỉ dài ngày để đi du lịch xa.
Có thể nói, quy mô cũng như chất lượng của Lễ hội trái cây Nam Bộ ở đây được cải tiến và tốt lên sau mỗi năm, trở thành một điểm nhấn du lịch ở Sài Gòn nói riêng và khu vực nam bộ nói chung. Không những vậy, dần dà rất nhiều du lịch đã tạo thành thói quen, đến thời điểm này trong năm sẽ nhớ và mong chờ tham dự lễ hội này, như một dịp giải trí cũng như có mong muốn biết xem năm nay có gì khác hơn so với lễ hội những năm trước, và cũng góp sức dần biến lễ hội trái cây Nam Bộ thành một lễ hội thường niên để lưu giữ những nét độc đáo trong đời sống miệt vườn của vùng Nam Bộ.
Lễ hội trái cây Nam Bộ là nơi để các gia đình đến vui chơi, giảm stress và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của một lễ hội hè @suoitien
Lễ hội trái cây Nam Bộ thường được diễn ra từ 1/6 đến hết ngày 30/8 (dương lịch) hàng năm, và năm 2017 là lần tổ chức thứ 13 của lễ hội này. Tuy lễ hội truyền thống Việt Namnày không tổ chức theo âm lịch, nhưng thời gian diễn ra của Lễ hội trái cây Nam Bộ cũng trùng vào thời điểm tháng 6 âm, nên nếu bạn có sắp xếp kế hoạch cho tháng du lịch của mình, chắc chắn sẽ không bỏ lỡ lễ hội náo nhiệt, hoành tráng và đầy sắc màu này.
Lễ hội dân gian Đình Trà Cổ được xem như một lễ hội truyền thống Việt Nam lâu đời, được tổ chức hàng năm tại làng Trà Cổ, thị xã Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh và kéo dài suốt 7 ngày với rất nhiều nghi thức và lễ tế.Theo âm lịch, lễ hội Đình Trà Cổ sẽ diễn ra từ ngày 30/5 (nếu tháng thiếu là ngày 29/5) đến hết ngày 6/6, thu hút đông đảo du khách và dân cư địa phương đến tham dự.
Lễ hội Đình Trà Cổ mang đậm bản sắc văn hóa biển, tái hiện và phổ quát rõ nét đời sống cộng đồng, tâm linh và bản tính tương thân tương ái của dân tộc Việt. Lễ hội chính là dịp để tưởng nhớ các thành hoàng, đồng thời thể hiện ý chí vững chắc trong việc duy trì bản sắc dân tộc và bảo vệ từng tấc đất Việt Nam.
Tế lễ trong đình Trà Cổ @mongcai.gov
Kéo dài trong 7 ngày, lễ hội Đình Trà Cổ với rất nhiều hoạt động; lịch trình tóm lược có thể kể đến như sau: ngày đầu tiên, nghi thức rước từ đình Trà Cổ về quê tổ Ðồ Sơn sẽ được diễn ra, sau đó từ Ðồ Sơn quay về Trà Cổ. Ngày 1/6 âm lịch sẽ có hội rước Vua ra bể (hay còn gọi là rước vua ra Miếu) với đội hộ tống gồm một đội quân cầm vũ khí, cờ thần, phường bát âm. Ngày 6/6 âm lịch là ngày kết thúc sẽ có lễ múa bông nhằm cầu nguyện thần linh phù trợ cho chuyến khơi được nhiều tôm cá, cây trồng tốt tươi và đời sống luôn no ấm.
Qua thời gian thăng trầm, nhiều nghi thức cổ xưa trong lễ hội này đã được lược bỏ (điển hình là lễ rước bài vị tiên công bằng đoàn thuyền); tuy nhiên, hai nghi thức đặc sắc và cốt lõi nhất thì vẫn được lưu giữ và truyền lại cho đến ngày nay, chính là lễ rước thần trên biển và hội thi "Ông Voi".
Ngày 1/6 (âm lịch) được gọi là ngày chính hội, ngày này sẽ diễn ra đám rước thần. Đoàn rước gồm nhiều thanh niên khỏe mạnh khiêng kiệu, có cờ lọng ở hai bên cùng dàn trống hội, bát âm, bát biểu... xuất phát từ Đình ra miếu Đôi, thực hiện các nghi lễ truyền thống rồi mới quay trở lại Đình Trà Cổ.
Lễ rước thần từ Đình Trà Cổ ra miếu Đôi @mongcai.gov.vn
Hội thi “Ông Voi” chính là cuộc thi giữa 12 chú lợn đại diện cho 12 vị tiên công đã có công tìm ra Trà Cổ xưa – chính là lưu truyền từ lệ xưa: làng Trà Cổ sẽ chọn ra 12 người theo các tiêu chí riêng, mỗi người nuôi 1 con lợn (được gọi là “Ông Voi”) từ đầu năm, chờ đến ngày hội lễ. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ tiến hành chấm giải, "Ông Voi" nào có vòng cổ to nhất, đẹp nhất và nặng cân nhất thì sẽ thắng.
Các “Ông Voi” nằm trong cũi sơn đỏ có mái che trước sân đình @infonet
Ngoài ra trong các ngày diễn ra lễ hội, ở đây còn có các hoạt động vui chơi sôi nổi, hầu hết là các trò chơi dân gian rất quen thuộc: đi cà kheo, kéo co, nhảy bao bố…
Chơi kéo co tại lễ hội đình Trà Cổ @mongcai.gov
Đình Trà Cổ được xây dựng từ thể kỷ 15, đã trải qua nhiều lần trùng tu và vẫn giữ được nét cổ kính đặc trưng của thời hậu Lê với các hình chạm rồng, mây xoắn, hoa lá… nổi bật của kiến trúc thời bấy giờ.
Hội kéo ngựa gỗ (hay còn được gọi là Xa Mã) thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 6 (âm lịch) hàng năm tại xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải, Tp. Hải Phòng. Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam độc đáo và vô cùng đặc sắc mà bạn nên một lần tham dự, bên cạnh những lễ hội lớn khác của huyện đảo này, như hội đền Mẫu Bà – Hiền Hào, lễ hội đua thuyền rồng 21 tháng giêng…
Hội Xa Mã – Rước Kiệu là một trong những lễ hội truyền thống đặc sắc diễn ra hàng năm ở đảo Cát Hải @haiphong.gov
Hội kéo ngựa gỗ được tổ chức, đầu tiên là để tưởng nhớ các thành hoàng cùng những người có công gầy dựng nên nơi đây; và thứ hai, là để nhằm tạo ra một sân chơi hội họp cũng như rèn luyện thân thể bằng những trò chơi lành mạnh, mang tính tập thể cao.
Trò chơi có luật rất đơn giản, hai đội tham gia (giáp Đông và giáp Tây), chỉ cần đội nào kéo ngựa (ở đây là 2 con ngựa gỗ có lắp bánh xe phía dưới) chạy đủ 3 vòng tròn và dành được vòng ngoài thì được coi là thắng cuộc. Nghe qua thì có vẻ “dễ nhằng”, nhưng thực tế thì đây là trò chơi đòi hỏi rất cao, cả ở cá nhân và tập thể. Mỗi cá nhân phải tự rèn luyện sức bền và dẻo dai, cả tập thể đòi hỏi sự phối hợp ăn ý, người chỉ huy phải có mưu mẹo và sự nhanh nhạy thì mới có thể chiến thắng được.
Trò chơi kéo ngựa gỗ mang tính đối kháng, cạnh tranh cao, đầy tinh thần thượng võ, nhưng mục đích cuối cùng chỉ là rèn luyện sức khỏe và mang lại những nụ cười
Mỗi năm, lễ hội này đều thu hút rất nhiều người ghé thăm huyện đảo Cát Hải, vừa là một sự kiện lưu giữ và tưởng nhớ những nét sắc lịch sử xưa, vừa là nơi tìm về chơi hội cho chúng ta mỗi độ hạ về.
Hội kéo ngựa gỗ còn có nghi lễ rước kiệu bay, luôn là một điểm nhấn để lại ấn tượng sâu sắc cho khách thập phương, và cả người dân sở tại qua mỗi mùa hội. Đây là một tục lễ gắn liền với nét đặc sắc trong đời sống tâm linh của con người xã Hoàng Châu, nhằm cầu cuộc sống no ấm, hạnh phúc cho xã đảo.
Nghi lễ rước kiệu bay đi khắp làng nhằm cầu bình an và no ấm cho người dân của vùng @anh
Mới đây, vào tháng 5/2017, thành phố Hải Phòng vinh dự nhận quyết định công nhận cho 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, và một trong số đó chính là lễ hội kéo ngựa gỗ (Lễ hội Xa Mã) – Rước kiệu Đình Hoàng Châu, xã Hoàng Châu, huyện Cát Hải.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Tháng sáu âm lịch chèo bơi thì về”
Cứ đến tháng 6 âm lịch hàng năm, người ta sẽ lại nghe kháo tai nhau rằng: “Về Quan Lạn để dự hội làng…” – đó chính là lễ hội Quan Lạn, được tổ chức từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 6 âm lịch tại xã đảo Quan Lạn, tỉnh Quảng Ninh.
Đây là một lễ hội truyền thống Việt Nam nhằm tưởng nhớ chiến công của Trần Khánh Dư đã oai hùng đánh thắng giặc Nguyên – Mông năm 1288 tại luồng Sông Mang (địa danh xưa), đồng thời cũng là lễ cầu được mùa của các cư dân xã đảo nơi đây.
Không khí rộn rã, tấp nập những ngày vào hội ở Quan Lạn @internet
Địa phận Quan Lạn, xưa là một hòn đảo trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, nay thuộc Bến Đình, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Lễ hội Quan Lạn là một lễ hội lớn trong năm, tạo nên sự háo hức mong chờ cho không chỉ có bà con dân đảo, mà còn cho cả nhiều du khách trong và ngoài nước tụ hội về để tham gia.
Lễ hội chèo bơi Quan Lạn đã trở thành một truyền thống được kế thừa, là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hướng về nguồn cội của dân tộc Việt.
Phần chính của hội diễn ra vào ngày 18 âm lịch. Vào ngày hội chính này, du khách lẫn người dân địa phương đều đồng loạt chờ mong cuộc đua thuyền giữa hai đội Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ (lấy từ tên hai giáp xưa của làng đảo) – một sự kiện văn hóa thể thao mang đậm nét truyền thống dân tộc. Đây là một cuộc thi bơi chải (hay người địa phương còn gọi là chèo bơi) giữa hai giáp, nhằm tái hiện và tưởng nhớ đến chiến công xưa.
Cuộc thi diễn ra vào buổi chiều (tầm 3 – 4 giờ sẽ bắt đầu vì đây là thời điểm nước triều lên đến sát bến đình) trên nền chiêng trống và tiếng reo hò đầy lực khí; trước là múa đao gặp mặt ở ngoài sân đình, rồi hai vị tướng (của hai giáp) sẽ vào tế, sau đó mới bắt đầu cuộc đua.
Sự phấn khởi và không khí “hừng hực” của mọi người trong hội thi chèo bơi @quangninh.gov
Theo tục xưa, ngày 10 (âm lịch) là ngày “khóa làng” – nghĩa là người dân làng không được rời đi xa, ở lại làng và đón khách thập phương về để dự hội. Tiếp đến ngày 16 sẽ tiến hành dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Ngày 18 sẽ là ngày hội chính. Đến Quan Lạn vào thời điểm này, bạn sẽ ngập trong không khí lễ hội nô nức, hân hoan; và rợp sắc của màu cờ hoa xưa.
Hà Nội chính là đất Thăng Long xưa, tự bản thân vùng đất này đã là một kho tàng trầm tích những nét văn hóa mang giá trị tinh thần và đời sống tâm linh của dân tộc ta. Danh sách các lễ hội truyền thống Việt Nam diễn ra ở Hà Nội có thể được tính bằng trang, nhưng nếu chỉ khu cận lại vào tháng 6 âm lịch, thì chúng ta nhất định không thể bỏ qua lễ hồi đền Ba Xã.
Lễ hồi đền Ba Xã được tổ chức thường niên vào ngày 12 tháng 6 (the âm lịch), tại xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đây là tục thờ theo cổ lệ của năm thôn: Thịnh Thần, Thịnh Cầu, Thịnh Bằng, Thịnh Thượng và Thịnh Hạ, nhằm tưởng nhớ công ơn khai trí và giúp cho nơi đây trở nên phồn thịnh, an cư của đức thánh Mạc Trâu. Lễ hội thu hút sự chú ý của rất nhiều người vào mỗi năm.
Đền Ba Xã nằm ở vị trí trung tâm 5 thôn, quanh năm vẫn bát âm hương tiên, nhưng đặc biệt rộn ràng và tấp nập ngày hội đền @internet
Đến ngày, người của thôn khai hội bằng tiếng trống màu cờ, kiệu rước rộn rã. Sau khi đã tề tựu đầy đủ thì lễ rước nước bắt đầu. Đoàn rước với đầy đủ đại diện năm thôn, đội cờ dẫn đầu, đội nhạc đi sau, tiếp đó là đội rước hương án và kiệu rước chum nước. Nước rước về dung cho lễ mộc dục (mộc dục là tiếng Hán, nghĩa là tắm gội).
Tiếp sau là lễ tế thần, lễ tế các dòng họ, các gia đình và khách thập phương… Bên cạnh các lễ tế, hội đền Ba Xã còn có rất nhiều hoạt động vui chơi, chủ yếu là các loại thể trò chơi dân gian như: chơi đập bị gạo và túm nước, thi chọi gà, múa rồng, múa lân, đấu vật…
Nếu đến Hà Nội vào tiết hạ tháng 6, bên cạnh những địa điểm đã đi vào lòng và gắn liền với Hà Nội như Chùa Một Cột, hồ Hoàn Kiếm, phố cổ… các bạn hãy dành thời gian trong lịch trình ghé thăm xã Minh Đức và tham dự hội đền Ba Xã đặc sắc và mang đậm nét văn hóa Việt nhé!
Hội Nghinh Ông ở Bến Tre thường được tổ chức khoảng trung tuần tháng 6 âm lịch, cụ thể ở xã Thới Thuận (huyện Bình Đại) sẽ tổ chức vào ngày 20, xã Thừa Đức (cùng huyện) vào ngày 23 tháng 4 âm lịch, còn xã Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) và xã Bình Thắng (huyện Bình Đại), sẽ cùng tổ chức vào ngày 15 và 16 tháng 6 (âm lịch).
Vừa đây, vào ngày 18/7/2016, Lễ hội Nghinh Ông của xã Bình Thắng, huyện Bình Đại đã vinh dự được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đồng thời, đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên ở tỉnh Bến Tre.
Điểm nhấn của lễ hội này, dưới ánh nhìn của một du khách hay một “phượt thủ” thích xách ba lô đi khắp nơi, chính là không khí nhộn nhịp kể cả trước ngày vào hội và màu sắc rực rỡ của đèn hoa trên các con thuyền đánh cá được trang trí tỉ mỉ để chuẩn bị cho Lễ Nghinh Ông sắp diễn ra.
Quang cảnh nhộn nhịp với đoàn lân trên bãi biển trong buổi sáng Nghinh Ông @dlbentre
Lễ Nghinh Ông thường có 3 nghi lễ chính: đầu tiên là túc yết, tiếp đến là nghinh ông, và thứ ba sẽ là nghi thức tế tiền hiền và hậu hiền, thứ tư là lễ chánh tế và xây chầu đại bội (đây là phần nghi thức không cố định, tùy thuộc vào từng địa phương). Túc Yết là nghi thức diễn ra tại lăng thờ, với ông chánh bái và phó chánh bái khấn tế, mục đích là để cầu an. Các lá sớ cầu an này sẽ được đem đốt vào cuối buổi lễ.
Sáng hôm sau sẽ là nghi thức Nghinh Ông, thường được xem là chính lễ với nghi thức đoàn thuyền dong buồm ra khơi nghinh Ông. Đoàn nghênh đón gồm có chánh bái, phó chánh bái, theo sau là 4 học trò lễ, 4 đào thài, 8 người mang bát bửu, chấp kích, một người vác cờ có chữ Nam Hải, bốn người khiêng long đình, hai người cầm lọng, một người vác cờ lớn, cùng với phường bát âm. Những người này sẽ ngồi trên một chiếc ghe riêng, gọi là ghe lễ. Theo sau sẽ là hàng trăm ghe thuyền của các ngư dân trong vạn lạch.
Buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm, tôn kính và thành tâm nhưng vẫn tràn ngập sự háo hức, phấn khởi, tươi vui của ngư dân, người sở tại và cả du khách khắp nơi đổ về. Có cả các ghe chở đoàn múa lân, không gian rực lên một màu tươi vui với cờ hoa, các vật dụng trang trí và các chùm vải ngũ sắc được buộc dây theo các thuyền.
Thuyền chở các ngư dân và du khách trong chuyến ra khơi Nghinh Ông @internet
Tùy vào địa phương vào tùy từng năm sẽ có mời đoàn hát bội về xây chầu. Mọi người sau khi cúng bái xong sẽ ngồi xem hát bội ở ngay nhà võ ca. Các đào thài hát, múa cho người dân xem, nhưng cũng mang ý nghĩa hát cho ông Nam Hải vui lòng.
Traveloka chỉ tóm gọn những nét chính và độc đáo nhất của Lễ Nghinh Ông để các bạn có thể dễ dàng hình dung và cảm nhận, nhưng nếu để hòa vào không khí lễ hội và tận hưởng hoàn toàn nó thì hãy sắp xếp mùa hè này để đến Bến Tre ngay nhé!
Đây là lễ hội truyền thống Việt Nam diễn ra vào tháng 6 âm lịch hàng năm của Làng Thanh Phước, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm tưởng nhớ đến Kỳ Thạch phu nhân (nữ thần đá) và Thành hoàng của làng là ông Phan Niệm (người cùng các con theo vua Lê Thánh Tông vào đánh Chiêm Thành, thắng trận được phong danh).
Hội Thanh Phước được xem là một đại lễ của địa phương, thường kéo dài trong 3 ngày, với ngày chính lễ rơi vào 22 tháng 6 (âm lịch). Và cứ ba năm (vào các năm Ngọ, Dậu, Tý, Mão) sẽ đặc biệt tổ chức thành đại lễ, quy mô lớn hơn các năm thường.
Ngày 22 gọi là ngày chánh tế, sẽ có các lễ phơi bội, lễ cung nghinh (tại chùa Hoàng Phúc) theo nghi lễ cổ truyền. Ngày 23 sẽ cúng lại, cung nghinh Phật và các vị thành hoàng quay lại và đưa các bài vị, sắc phong về chùa trước khi lễ tất.
Ngày 21 (tức là ngày trước đại lễ) sẽ có tổ chức các hoạt động vui chơi, trọng thể nhất là đua ghe, cạnh đó là rất nhiều các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, bóng chuyền, bóng đá, đua xa đạp chậm, thả vịt lội đua, kéo dây (nam, nữ), cỡi ngựa đốt pháo… Nếu các bạn lên kế hoạch để tham gia hội Thanh Phước thì hãy chú ý đến ngày trước hội 21/6 âm lịch này nhé, nếu không sẽ lỡ mất ngày vui này đó.
Chùa Ông, còn có tên khác là miếu Quan Đế hay Nghĩa An Hội Quán hiện (địa chỉ: số 676 - 678 đường Nguyễn Trãi, thuộc phường 11, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh), là một ngôi chùa có kiến trúc đặc trưng của người Hoa nổi tiếng tại Sài Gòn. Hằng năm, vào ngày 24 tháng 6 (âm lịch), chùa sẽ có đại lễ cúng Quan Đế - đây là lễ cúng quan trọng nhất trong năm tại nơi đây.
Chùa Ông có kiến trúc đặc trưng của người Hoa. @iamnpthao
Theo nhiều ý kiến đưa ra thì Miếu Quan Đế được xây dựng trong khoảng thời gian trước hoặc đầu thế kỷ 19, đến nay đã trải qua rất nhiều lần trùng tu, nhưng vẫn không hề mất đi bản nguyên đặc sắc Triều Châu vốn có của mình. Chùa Ông có cấu trúc như phần lớn các đền miếu của người Hoa, với các dãy nhà khép kính vuông góc với những cột gỗ cao có treo câu đối được chạm trổ tinh tế từ những điển tích Trung Hoa. Miếu có màu đỏ làm chủ đạo – màu sắc thường thấy trong truyền thống và đời sống tinh thần của người Hoa, với mái hiên tam cấp (hai bên thấp, ở giữa cao) và tượng lưỡng long tranh châu (hòn ngọc ở giữa và hai con rồng ở hai phía) thường thấy trên nóc.
Miếu có kiến trúc độc đáo, các màu sắc rực, nóng và mang tính đặc trưng chính là điểm thu hút các bạn trẻ - trước là vãn cảnh chùa và thắp hương chiêm bái, sau là thỏa đam mê nhiếp ảnh của bản thân mình. Chùa Ông đã từng được “bắt nét” ở những góc rất nghệ thuật, vừa mang sự tĩnh u trang nghiêm nhưng đồng thời cũng rực rỡ các gam màu phả ra sức sống và sự phồn an
Thêm nữa, trong Gia Định phú của một tác giả khuyết danh (soạn ra trước khi Lê Văn Khôi khởi binh năm 1833) cũng đã nhắc đến ngôi miếu: Chói chói bấy! chùa Ông Quan Đế, chí trung nghĩa cao xa ngàn thuở...
Chùa Ông nổi tiếng linh thiêng. @yohei_furu1230
Ngoài ra, hiện ở trong miếu có một thạch bia chữ lớn nêu rõ bà Đỗ Thị (phu nhơn Tả quân Lê Văn Duyệt) cúng hai trăm quan tiền vào năm 1819, và một chiếc lư hương bằng đồng làm vào năm Đạo Quang thứ 5 (1825).Từ khi xây dựng kiên cố cho đến nay, miếu đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 1866, 1901, 1969, 1984 và mới đây nhất là vào năm 2010.
Trên đây là tổng hợp những lễ hội sẽ diễn ra vào tháng 6 âm lịch, lên lịch trình vi vu hè này, tiện thể tham gia các lễ hội truyền thông Việt Nam này luôn nha. Bạn cũng có thể tham khảo thêm bài viết "Rộn ràng những lễ hội truyền thống Việt Nam theo âm lịch" để lên kế hoạch du hí trước nha.