Traveloka VN
24 Jan 2019 - 12 min read
Vì một lẽ mà An Giang nói riêng, miền Tây nói chung, chưa bao giờ xuất hiện trong bản đồ du lịch của tớ, bởi vì từ trước đến nay tớ chỉ nghĩ đơn giản “về đó chỉ có nước thôi chứ An Giang có gì chơi đâu”... Cho đến khi tớ vô tình bắt gặp một bài viết về các thánh đường ở An Giang, thật sự tớ đã có một phút đứng hình vì không thể tin được suốt chừng ấy thời gian tớ đã bỏ qua một thành phố giữ trọn sở thích của mình như vậy.
“Vòng quanh thế giới” ngay tại An Giang.
Tớ không phải là dân kiến trúc, và cũng chẳng có kiến thức nào về kiến trúc, nhưng lại có một niềm say mê vô tận đối với những công trình kiến trúc, đặc biệt là những phong cách thiết kế du nhập từ nước ngoài. Chính vì vậy mà mỗi lần chọn lựa một điểm đến mới, điều tớ quan tâm đầu tiên chính là ở đó có những công trình nổi bật nào, kiến trúc độc đáo ra làm sao. Cũng vì thế nên ở bài viết này tớ xin phép chỉ chia sẻ với về những công trình kiến trúc độc đáo ở An Giang như câu trả lời cho câu hỏi thường gặp "An Giang có gì chơi" thôi nhé!
Hôm đó là thứ 5, và chẳng cần suy nghĩ gì thêm, tớ đặt ngay xe đi vào chiều thứ 6, bắt đầu hành trình khám phá một thành phố mới - An Giang.
Sau một đêm nghỉ ngơi tại nhà nghỉ Bảo Thy, gần cầu Cồn Tiên, ngay sáng hôm sau tớ bắt đầu hành trình “vòng quanh thế giới” tại An Giang. Và điểm đến đầu tiên chính là thánh đường AL-EHSAN ở làng chăm Đa Phước. Thánh đường này chỉ cách nhà nghỉ khoảng chừng 15 phút đi bộ, đường đi cũng siêu lãng mạn với hai hàng me rợp bóng bên đường.
Đi hết hàng me, chỉ cần rẽ trái là các cậu sẽ mông lung ngay vì cứ ngỡ như mình đang ở một đất nước Hồi giáo nào đó chứ chẳng phải là Việt Nam nữa. Làng Đa Phước là khu vực sinh sống chủ yếu của người dân tộc Chăm, và do theo đạo Hồi (Islam Giáo), nên trên đường đi các cậu sẽ dễ dàng bắt gặp những người đàn ông mặc xà rông (tớ gọi là váy luôn cho dễ hình dung), đội mũ vuông, già thì mũ trắng, trẻ thì mũ đen. Phụ nữ thì quấn khăn kín mặt (thường là khăn tối màu).
Một bác lớn tuổi đội mũ trắng và mặc xà rông.
Phụ nữ thường quấn khăn màu đen.
Đi tiếp khoảng 200 m các cậu sẽ thấy ngay thánh đường Al-Ehsan nằm bên trái, thánh đường cao và to với đỉnh hình củ hành và hình trăng lưỡi liềm, nên các cậu có thể nhìn thấy từ xa, không cần mất công kiếm đâu nha. Al-Ehsan gồm có một tầng trệt và một tầng lửng, xung quanh là hành lang rộng rãi, đây là nơi hành lễ của làng, là nơi nghỉ ngơi của bô lão và cũng là nơi tổ chức ăn uống tập thể mỗi khi có lễ tiệc vui mừng.
Toàn bộ mặt trước của thánh đường.
Thánh đường có tông màu trắng là chủ đạo, một vài đường viền hay chi tiết nhỏ màu xanh lục, kiến trúc y hệt như những thánh đường hồi giáo ở Dubai. Chỉ cần đầu tư một chút trang phục, đến đây chụp một bức hình rồi check-in Dubai thì ai cũng tin luôn.
Bên trong sảnh thánh đường vô cùng rộng, luôn được lau chùi láng bóng.
Vì không phải là giờ làm lễ nên tất cả các cửa đều đóng kín.
Không nói chắc không ai biết đây là Việt Nam đâu nhỉ?
Note:
Rời “Dubai in Châu Đốc”, tớ tiếp tục hành trình đến “Cambodia in Tri Tôn”. Khoảng cách từ Châu Đốc về đến Tri Tôn gần 50 km, đường không được đẹp và cũng đông xe nên đi mất hơn 2 tiếng mới đến nơi.
"Cambodia" Tri Tôn.
Thật ra đây là địa điểm không có trong danh sách những nơi cần đi của tớ (lúc tớ tìm hiểu thì không thấy địa điểm này), chỉ là vô tình trên đường đến núi Vồ Hội, tớ bắt gặp mà thôi. Về nhà nghiên cứu mới biết đây là chùa Xvayton (hay còn gọi là chùa Xà Tón), nằm trên đường Trần Hưng Đạo.
Lối vào chính điện.
Mặt bên phải của chính điện.
Mặt bên trái của chính điện.
Khuôn viên của chùa rộng lớn vô cùng, chia ra nhiều khu vực khác nhau. Chung quanh chính điện là các dãy tháp, kiến trúc thanh nhã tinh tế, vút dần lên cao, nhiều màu sắc, được chạm khắc rất tỉ mỉvới các tượng nhỏ chung quanh và trên đỉnh là tượng thần Bayon bốn mặt bằng đá (thần sáng tạo).
Những hàng tháp vàng trải dài ngay khi vừa bước vào cổng chính.
Nét kiến trúc Campuchia độc đáo xen lẫn với những hàng dừa Việt Nam.
Tượng thần Bayon bốn mặt bằng đá.
Cận cảnh một trong những ngôi tháp có thiết kế tỉ mỉ nhất ở chùa.
Tớ nhìn thấy trên mỗi tháp đều có tên tuổi, hỏi ra mới biết trong các tháp này là hài cốt đã hỏa táng của các nhà tu hành ở chùa. Phía bên trái chùa còn có hồ lớn trồng hoa sen, hoa súng; khắp nơi là hàng dừa và các cây cổ thụ cành là là rủ bóng xuống hàng tháp. Tớ may mắn đến đây vào một ngày trời trong xanh, khung cảnh đầy màu sắc của chùa hòa cùng bầu trời trong veo cùng ánh nắng vàng đẹp vô cùng.
Góc nào lên hình cũng đẹp lung linh.
Lưu ý:
Cuối cùng tớ chọn dừng chân tại ngôi chùa nổi tiếng nhất An Giang - chùa Tà Pạ (hay còn gọi là chùa Chưn Num). Chùa không được xây trên nền đất bằng phẳng mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên khi nhìn từ xa các cậu sẽ thấy ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa cả một vùng rừng núi.
Không biết An Giang có gì chơi? Có Thái Lan quá tuyệt luôn!
Tháp chùa có được thiết kế tinh xảo.
Tớ tạm chia chùa Tà Pạ thành 3 khu vực chính:
Khu vực bên ngoài với bức tượng Phật lớn.
Nơi thắp nhang cũng được thiết kế rất đẹp.
Những cảnh cửa được chạm khắc tỉ mỉ.
Đứng từ góc này các cậu có thể nhìn ra toàn cảnh Tri Tôn.
Tri Tôn một ngày xanh trong veo.
Lưu ý:
Ngoài những thánh đường hay chùa mà tớ kể trên thì An Giang còn vô số những nơi có kiến trúc đẹp nữa, nhưng vì không có nhiều thời gian nên tớ chỉ ghé được chừng đó thôi, để chứng minh rằng những ai hay nghĩ "An Giang có gì chơi" chưa chắc đã đúng đâu nhé. Các cậu có thể đọc thêm bài viết về những địa điểm check-in tuyệt đẹp ở An Giang tại đây nhé.
À tớ có một lưu ý nho nhỏ dành cho những cậu muốn tìm đường đến những địa điểm trên, tốt nhất các cậu nên lưu trước hình về địa điểm đến rồi hỏi người dân nhé, vì thường người dân sẽ không biết rõ tên đâu (vì toàn tên hồi giáo hay tiếng khơ me thôi). Hoặc nếu các cậu muốn khám phá những địa điểm mới (khác với tớ) thì chỉ cần chạy dọc theo những con đường ở Tri Tôn thì sẽ dễ dàng bắt gặp những nơi có kiến trúc như vậy, thậm chí là đẹp hơn nữa đấy. Chúc các cậu có chuyến đi vui vẻ nhé!
Tác giả: Hoàng Nguyễn Linh Hà
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal