Traveloka VN
20 Jun 2018 - 24 min read
Nếu có một nơi khiến bạn trải qua nhiều cung bậc cảm xúc ắt đó phải là Huế. Chưa đến Huế, bạn có thể nghĩ Huế buồn tẻ. Nhưng đến rồi mới thấy, Huế cổ kính trầm tư với những công trình đền đài, lăng tẩm, Huế dịu dàng nên thơ với những con đường nhỏ và dòng sông mềm mại uốn quanh thành phố, Huế hùng vĩ, choáng ngợp với rừng, biển bao la. Những ai yêu Huế chắc có thể ở bao lâu cũng sẽ là không đủ, nhưng với người lần đầu tiên đến Huế, hãy dành trọn ba ngày, tham khảo cẩm nang du lịch Huế dưới đây để thử cảm nhận xem Huế có gì mà người đi lại nhớ mãi không nguôi.
Dành trọn ba ngày, tham khảo cẩm nang du lịch Huế dưới đây để thử cảm nhận xem Huế có gì mà người đi lại nhớ mãi không nguôi.
Buổi sáng đầu tiên đến Huế, hãy chịu khó dậy sớm, dạo một vòng quanh dòng Hương đến với Hoàng Thành- Đại Nội để tận hưởng không khí trong lành của những con đường nhỏ dẫn vào chốn kinh kỳ rêu phong cổ kính. Là trái tim của Huế, Đại Nội là cung điện vàng son một thời của 13 đời vua nhà Nguyễn mà ai đến Huế cũng tò mò muốn khám phá.
Du khách vào tham quan Đại Nội.
Đại Nội mở cửa lúc 7 giờ sáng, bạn cần ít nhất ba giờ để khám phá toàn bộ Đại Nội, bởi bên trong có hàng trăm công trình kiến trúc lớn nhỏ. Ngọ Môn, cổng chính phía Nam của Hoàng Thành là nơi từng chỉ mở cửa mỗi lúc nhà vua vi hành. Lầu Ngũ Phụng, nơi tổ chức một số cuộc lễ hàng năm của triều đình, là công trình kiến trúc nghệ thuật xuất sắc nhất trong tổng thể khu vực Đại Nội.
Ngoài ra còn có Điện Thái Hòa, nơi đã từng chứng kiến sự đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Bảo Đại. Rồi nào là Hiển Lâm Các, Cửu Đỉnh, Thế Tổ Miếu, Triệu Tổ Miếu, Điện Cần Chánh, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Vườn Cơ Hạ, Vườn Thiệu Phương..., vốn là nơi thờ tự tổ tiên vua chúa nhà Nguyễn, nơi làm việc và sinh hoạt của vua, hoàng hậu và cả hoàng tộc.
Ngai vàng bên trong điện Thái Hòa.
Tả Trà trong Cung Diên Thọ.
Khoảng 10 giờ hãy rời Đại Nội để đến chùa Thiên Mụ, ngôi chùa cổ được chúa Tiên Nguyễn Hoàng lập từ năm 1601. Chùa có vị trí rất đẹp trên đồi Hà Khê nhìn xuống sông Hương, với những công trình độc đáo như tháp Phước Duyên, chuông cổ, cổng tam quan, chính điện, được bố trí hài hòa trong khuôn viên rộng lớn. Bên trong chùa hiện còn trưng bày chiếc xe chở Hòa thượng Thích Quảng Đức ra nơi tự thiêu ở giữa phố Sài Gòn năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Chùa Thiên Mụ.
Hai em nhỏ đi viếng chùa.
Trên đường trở về, bạn có thể ghé nhà vườn An Hiên (58 Nguyễn Phúc Nguyên) nếu còn thời gian. Nhà vườn An Hiên trước đây là phủ của công chúa con vua Dục Đức. Ngôi nhà nay đã hơn 100 năm tuổi, đã qua nhiều đời chủ nhưng vẫn giữ được những nét cổ kính của một ngôi nhà vườn tiêu biếu nhất xứ Huế.
Nhà vườn An Hiên.
Trưa: Hãy ghé quán bánh cuốn thịt nướng Huyền Anh (52/13 Kim Long) để thưởng thức bánh cuốn, bún thịt nướng mà hương vị đậm đà của nó bạn sẽ không thể nào quên.
Bánh cuốn, bún thịt nướng Huyền Anh.
Huế có nhiều công trình lăng tẩm, nơi an nghỉ của các vị vua triều Nguyễn. Mỗi lăng có một vẻ đẹp và phong cách riêng. Những ai thích thiên nhiên hãy đến Thiên Thọ Lăng (lăng vua Gia Long). Những ai thích nét cổ kính pha lẫn hiện đại, hãy đến Ứng Lăng - lăng vua Khải Định. Những ai thích thơ mộng hãy đến Khiêm Lăng - lăng vua Tự Đức. Trong các vị vua triều Nguyễn, vua Tự Đức được xem là ông vua thi sĩ, vì thế mà lăng tẩm của ông có kiến trúc rất thơ mộng, hài hòa với thiên nhiên.
Cổng vào Lăng Tự Đức.
Đây là khu lăng mộ quy mô, quá trình xây dựng lăng vất vả tốn kém, đã gây ra sự bất mãn trong quân sĩ và dân phu, dẫn đến cuộc đảo chính mà triều đình lúc bấy giờ gọi là “loạn chày vôi”, do những nghĩa binh sử dụng chày vôi, công cụ để xây dựng lăng mộ làm vũ khí. Ban đầu vua Tự Đức đặt tên cho công trình này là Vạn Niên Cơ, nhưng sau biến cố đáng buồn đó, nhà vua tự thấy có lỗi với quân dân, đã viết bài biểu để trần tình tạ tội, và đổi tên công trình này thành Khiêm Cung (khiêm có nghĩa là khiêm tốn).
Xung Khiêm Tạ, nơi vua Tự Đức thưởng trà, ngoạn cảnh.
Trên đường đến lăng Tự Đức, bạn sẽ đi qua một làng nghề làm hương (nhang) truyền thống - làng Hương Thủy. Hai bên đường lên lăng, các bạn sẽ thấy rất nhiều hàng lưu niệm với những bó chân nhang được trưng bày rất ấn tượng. Hãy vào tham quan và xin được thử làm vài que nhang, những cô chủ ở đây sẽ rất nhiệt tình.
Du khách tạo dáng bên hàng trưng bày.
Những bó chân nhang nhiều màu sắc.
Hãy dành cuối ngày để đến đồi Vọng Cảnh ngắm hoàng hôn bởi đây là nơi ngắm sông Hương tuyệt vời nhất. Đến đây để nhìn thấy những ngọn núi hùng vĩ xa xa, để cảm nhận sự thanh bình của ngọn đồi soi bóng xuống dòng Hương, để thả hồn theo những con đò lững lờ trôi, để thấy Huế có một góc trời nên thơ đến thế.
Đồi Vọng Cảnh.
Các bạn trẻ thích thú chụp hình ở đồi Vọng Cảnh.
Huế nổi tiếng với nhiều món ăn: bún bò, cơm hến, và nhiều loại bánh. Khắp nơi trong thành phố bạn đều có thể tìm ra những quán phục vụ những món đặc sản này.
Bánh Huế.
Cơm hến, bún hến.
Bún bò giò heo.
Bạn cũng có thể tham khảo thêm 16 món ăn đặc sản ở Huế nhất định phải thửđể làm phong phú thêm bữa tối của mình nha.
Hãy bắt đầu buổi sáng với một ly cà phê bên đồi thông Thiên An, rồi thong thả dạo bước trên những con đường uốn quanh ngọn đồi thơ mộng. Bạn sẽ sung sướng đến ngất ngây với khung cảnh lãng mạn ở nơi này. Tiếp đó hãy vào tham quan Đan Viện Thiên An, nơi ở của các đan sĩ theo dòng Biển Đức tu tập. Hãy xin phép các đan sĩ được leo lên tháp để ngắm nhìn toàn cảnh đồi thông và ngắm Huế từ xa. Cảm giác thư thái giữa đất trời bao la sẽ khiến bạn không muốn rời chân.
Dạo chơi bên đồi Thiên An.
Đan Viện Thiên An.
Cũng trong khu vực đồi Thiên An có hồ Thủy Tiên rất đẹp với công trình công viên nước bị bỏ hoang 15 năm nay. Các bạn trẻ hiếu kỳ rất thích thú đến đây để sưu tập cho mình một bộ ảnh “ma mị đầy mê hoặc”.
Công viên nước bị bỏ hoang.
Cạnh đồi Thiên An là Lăng Khải Định. Đây là kiến trúc lăng mới nhất trong tất cả các lăng tẩm, được xây dựng đầu thế kỷ 20. Lăng Khải Định là một nơi đáng đến để cảm nhận một kiến trúc lăng tẩm mới lạ, độc đáo, để thấy kiểu kiến trúc phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, như chính cá tính của vua Khải Định ở thời khắc giao thời của lịch sử.
Điện Khải Thành - Lăng Khải Định.
Lăng Khải Định.
Trưa: Sau khi tham quan Lăng Khải Định, trên đường trở về, hãy ghé Biệt Phủ Thảo Nhi để nghỉ ngơi, ăn trưa. Biệt Phủ Thảo Nhi là một nhà hàng được xây dựng theo kiểu nhà vườn Huế, với không gian thoáng mát, thức ăn ngon, đặc biệt là món bánh tráng phơi sương.
Biệt Phủ Thảo Nhi.
Bánh tráng phơi sương cuốn thịt heo.
Huế có nhiều làng cổ nơi vẫn còn lưu giữ những nếp sinh hoạt giản dị. Cách trung tâm không xa là làng Thanh Thủy Chánh. Đây là ngôi làng nổi tiếng với chiếc Cầu ngói Thanh Toàn, một trong những chiếc cầu gỗ cổ độc đáo nhất ở Việt Nam, được xây dựng theo lối "thượng gia hạ kiều" (trên nhà, dưới cầu) do bà Trần Thị Đạo, vợ một vị quan cao cấp dưới thời vua Lê Hiển Tông, đã vì thương dân làng mà bỏ tiền ra xây cầu vào năm 1776. Giữa làng còn có một phòng trưng bày những nông cụ thô sơ, bạn sẽ cảm nhận rất rõ nét quê trong lối sống sinh hoạt giản dị đời thường.
Cầu ngói Thanh Toàn.
Góc trưng bày nông cụ.
Nghề chằm nón trong làng.
Là trung tâm thương mại lớn nhất ở Huế, chợ Đông Ba là nơi tập trung hầu như tất cả các mặt hàng như đồ lưu niệm, đặc sản Huế, vải vóc. Lang thang trong chợ, bạn sẽ thấy có rất nhiều hàng quán bán hầu như đủ tất cả các món đặc trưng xứ Huế. Hãy ngồi xuống và thưởng thức món nào bạn thích.
Chợ Đông Ba.
Cầu Trường Tiền vốn đã là một trong những biểu tượng của Huế. Về đêm, chiếc cầu duyên dáng như dải lụa vắt ngang sông Hương này lung linh đổi màu càng tô điểm thêm nét đẹp của Huế.
Cầu Trường Tiền lung linh về đêm.
Cạnh cầu Trường Tiền là bến Tòa Khâm, nơi có rất nhiều thuyền rồng sẵn sàng phục vụ ca Huế giữa dòng Hương. Mỗi đêm chỉ có hai suất diễn: lúc 7 giờ và 8 giờ tối. Đến Huế, hãy lên thuyền thả hồn theo những điệu hò mái nhì, mái đẩy. Những giọng hò Huế mộc mạc chân chất ấy, vang lên giữa dòng Hương vốn rất mộng, rất thơ sẽ mãi đọng lại trong lòng khách.
Dạo thuyền rồng trên sông Hương và nghe ca Huế.
Hai ngày dạo Huế qua những thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, chắc bạn nghĩ Huế chỉ nhỏ bé thế thôi? Không đâu. Huế còn nhiều thứ để khám phá: nhiều bãi biển đẹp, nhiều núi non hùng vĩ. Các bạn có thể kết hợp một ngày để khám phá cả Lăng Cô và vườn quốc gia Bạch Mã vì cùng một tuyến đường. Nhưng để thong thả thì chỉ đi Bạch Mã. Cách thành phố khoảng 40 km, Bạch Mã là vườn quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, thiên nhiên phong phú, nhiều dãy núi cao và thác nước đẹp. Bạn sẽ chinh phục Hải Vọng Đài, đi bộ xuyên rừng để đến với Ngũ Hồ và thác Đỗ Quyên.
Cổng vườn quốc gia Bạch Mã.
Hướng đạo sinh đang cắm trại ở Bạch Mã.
Để đến được Hải Vọng Đài trên đỉnh Bạch Mã (1.400 m), chỉ có hai cách: hoặc đi bộ với quãng đường khoảng 15 km, hoặc thuê xe hơi được trung tâm du khách vườn quốc gia Bạch Mã bố trí. Thường các bạn đi nhóm đông và có nhiều thời gian có thể đi bộ và cắm trại qua đêm trên đỉnh, còn phần lớn du khách chỉ khám phá Bạch Mã trong ngày đều thuê xe ô tô riêng, hoặc ghép chung với những khách lẻ khác.
Nói là chinh phục Hải Vọng Đài nhưng thực ra hành trình đi bộ chỉ tầm 1 km từ chỗ đỗ xe ô tô lên tới đỉnh. Tuy cung đường ngắn, rất dễ đi cho mọi lứa tuổi, nhưng đi bộ giữa rừng thật sảng khoái và cảm giác khi leo đến đỉnh cũng hết sức tuyệt vời.
Chinh phục Hải Vọng Đài.
Đỉnh Bạch Mã là nơi ngắm cảnh lý tưởng.
Ngũ Hồ gồm 5 cái hồ lớn nhỏ với nhiều thác nước đẹp. Bạn sẽ bắt đầu đi bộ từ Biệt Thự Đỗ Quyên, tầm 2km xuyên rừng, đường đi cũng khá nguy hiểm vì nhiều tảng đá phủ đầy rêu xanh rất trơn trượt, dù có dây thừng cho du khách bám vào để leo. Tuy vậy cũng có một con đường khác dẫn đến thác nước cuối cùng trong vực Ngũ Hồ, bạn có thể đi theo con đường đó để đến đây ngồi thư giãn bên dòng suối và ngắm thác nước thơ mộng.
Thác Ngũ Hồ.
Điểm đẹp nhất bạn phải đến ở Bạch Mã là thác Đỗ Quyên. Từ Ngũ Hồ, đi khoảng 2 km sẽ đến đỉnh thác, nơi bạn có thể lưu lại khoảnh khắc tuyệt vời của mình khi dưới chân là thung lũng sâu và xung quanh là rừng núi đại ngàn.
Trên đỉnh thác Đỗ Quyên.
Nếu có đủ sức khỏe, bạn có thể men theo con đường với khoảng 680 bậc đá để xuống chân thác để ngắm Đỗ Quyên hùng vĩ cao 300 m. Đường đi gian nan nhưng bạn sẽ nhận lại được những khung hình mỹ mãn, khiến bạn không hề luyến tiếc bởi đã vượt lên chính mình với gần 1.400 bậc đá cho hành trình chinh phục Đỗ Quyên.
Đường xuống chân thác Đỗ Quyên.
Thác Đỗ Quyên hùng vĩ cao 300 m.
Chinh phục Hải Vọng Đài, Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên với hành trình đi bộ xuyên rừng, leo dốc, lội suối sẽ là kỷ niệm đẹp trong lòng bạn mỗi khi nghĩ về Huế. Để biết rằng Huế không chỉ có đền đài cổ kính, Huế còn có núi non hùng vĩ và nhiều điều thú vị khác mà những ai cất công đi tìm mới thấy được.
Đến Bạch Mã bạn có thể mang theo ít thức ăn nhẹ để có buổi picnic thú vị giữa rừng, nhưng nhớ là “đừng để lại gì ngoài những dấu chân”. Trên đường trở về, nhớ ghé quán Bà Sửu nổi tiếng với món cháo bò và bánh ướt, rất đặc biệt, ai đi cung đường này cũng đều ghé quán.
Huế có hai khu phố đêm, một là ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hai là khu phố tây giữa các con đường Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu - Chu Văn An. Khám phá hai khu phố đêm, bạn sẽ thấy đời sống về đêm của Huế không hề buồn tẻ, có nhiều hoạt động vui chơi giải trí, và nhiều nhà hàng, quán ăn, quán bar và cà phê từ sang trọng đến dân dã. Chỉ cần ngồi ngắm người qua lại thôi lòng cũng thấy rộn ràng.
Phố đêm Huế.
Ba ngày khám phá di sản, văn hóa, ẩm thực, thiên nhiên và con người Huế chắc đã để lại chút gì rất Huế trong bạn. Và chắc chắn bạn sẽ lưu luyến khi cất bước rời đi. Rồi khi ở đâu đó xa Huế, bạn sẽ ước ao được quay trở lại lần nữa, với khát khao ôm trọn Huế vào lòng.
Đạp xe lang thang khám phá Huế.
Xích lô Huế.
Khất thực.
Học nấu món Huế.
Không gian Hue Inn Side Out.
Bình minh Đầm Chuồn.
Bánh xèo (bánh khoái) Đầm Chuồn.
Dù để đi hết Huế thì có bao nhiêu ngày cũng không đủ nhưng hi vọng cẩm nang du lịch Huế 3 ngày trên sẽ giúp các bạn hiểu được phần nào về Huế, để nhận ra rằng ẩn sâu trong lớp màu buồn bã là một Huế khác biệt, một Huế đang chuyển mình và chứa vô vàn điều thú vị.
Lịch trình lý tưởng cho hè này là chuyến thăm thú cả Huế - Đà Nẵng - Hội An, chỉ cần lưu lại thêm 2 ngày ở xứ sở miền Trung này là bạn đã có thêm những trải nghiệm tuyệt vời. Đặc biệt là khi Hội An vừa mới cho ra mắt hai điểm đến mới toanh tại vùng đất lịch sử này: Công viên Ấn tượng Hội An - công trình kiến trúc độc đáo và "Bữa tiệc thị giác" Ký Ức Hội An - chương trình biểu diễn được thực hiện trên sân khẩu ngoài trời 25,000 m2 với bối cảnh nên thơ của hòn đảo giữa sông Thu Bồn. Đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức chương trình biểu diễn đẹp nhất thế giới này với chi phí hạt dẻ do ưu đãi khủng chỉ trong mùa hè này!
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Trang
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka.Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal