Khi tôi viết những dòng này, tức là tôi vẫn còn sống sót. Tôi thấy mình may mắn làm sao sau chuyến hành xác đầy ám ảnh tại Hoàng Su Phì. . .
Các bạn đã bao giờ điên cuồng một cách ngu ngốc như thế này chưa, từ Hà Nội bắt xe lên Móng Cái, rong chơi chán chê trong hai ngày và quyết định bắt tiếp xe từ Móng Cái Đến Hà Giang tiếp tục hành trình không hề định sẵn? Đã bao giờ bạn mang đồ đi biển, váy vóc bánh bèo rồi diện luôn lên núi trong một ngày mưa gió, bão bùng, sạt lở, xói mòn, điện thoại trong tình trạng gần như hết pin, xe hỏng dọc đường? Vậy mà đó lại là những gì tôi đã làm trong chuyến đi ngu ngốc của mình. Chỉ có hai đứa con gái, một ít tiền, bắt xe đi bất kỳ đâu mình muốn, ăn những gì mình thích, bỏ lại đằng sau cả một Hà Nội hoa lệ, ồn ào.
Hà Giang đón chúng tôi bằng tiếng mưa rả rích, xe đến bến phanh kít một cái làm tôi và chị mình tỉnh giấc sau giấc ngủ vật vờ nhiều trăm cây số với cái bụng đói meo, đầu tóc bù xù, quần áo ám đầy mùi xe. Hai chị em tôi mở mắt ra, nhìn nhau một cái rồi đồng thanh hỏi cùng một câu, "Mưa thế này đi đâu được nhỉ?" mà không ai dặn ai trước. Một chuyến đi tự phát, không có chút tính toán gì, và hoàn toàn chúng tôi đang trong thế bị động, thời tiết không hề ủng hộ, mưa quá, vậy là cả hai cứ nằm im trong xe chẳng ai muốn dậy, và cũng may là không bị đuổi xuống vì nhà xe cũng không quay đầu luôn. Chị tôi đòi đi Hoàng Su Phì, anh lái xe thì khuyên thôi chơi quanh quanh rồi về chứ mưa thế này lên núi nguy hiểm lắm. Chị tôi không nghe, nhất quyết đã đi quãng đường xa như thế thì phải đến bằng được nơi mình muốn đi. Tôi lần đầu nghe tên, Hoàng Su Phì, Hoàng Su Phì, nghe hay quá, đi thì đi, tôi thiết nghĩ, có gì đâu mà phải sợ, tôi nghĩ chắc là cũng thường thôi, nghe tên hay là hứng thú đi rồi, có mưa thì cũng kệ, mặc áo mưa lên, ngồi sau thật chắc là được, chứ dù sao mình cũng không phải lái xe, vì chị tôi không đời nào để tôi lái xe trong những lần đi xa thế này.
Và thế là chúng tôi thu xếp đồ đạc, nhét căng cả hai cái balo rồi tìm chỗ thuê xe, vì mưa quá nên chúng tôi bắt taxi rồi tìm chỗ thuê xe, đó là một chiếc taxi đẹp nhất bến mà do đích thân anh nhân viên nhà xe chọn cho chúng tôi, vừa xuống khỏi xe khách thì bị các anh taxi khác bao vây, ai nấy đều tiếc vì chúng tôi đã chọn anh kia rồi, chúng tôi đi xe móng cái nên mấy anh tưởng người Quảng Ninh, thi nhau khen "con gái Quảng Ninh có khác, xinh quá". Đúng là buồn cười chết mất. Đến chỗ thuê xe máy rồi, chúng tôi xuống xe, vì quãng đường ngắn quá nên anh lái xe bảo không lấy tiền, thật là đáng yêu quá đi mất. Chúng tôi ái ngại, đưa cho anh một gói kẹo rồi cảm ơn rối rít, anh còn chúc hai đứa lên đường may mắn. Đó, Hà Giang đón chúng tôi bằng một cơn mưa, thiên nhiên không ủng hộ, nhưng con người thì làm chúng tôi yêu luôn từ cái nhìn đầu tiên.
Thuê được xe rồi, chị tôi sợ đi đường nguy hiểm nên bắt tôi đội cái mũ bảo hiểm to và nặng khủng khiếp, tôi bắt đầu nhõng nhẽo thì như một thói quen, tôi bị mắng tơi tả luôn và cấm không được ý kiến. Vậy là tôi im lặng, mặc áo mưa vào bọc balo mấy lớp ni lông rồi chằng ra cái cáng dài phía sau con "Serious bạch mã" chúng tôi vừa thuê được. Xong cả rồi, nổ máy lên và bắt đầu đi thôi. Hoàng Su Phì ư, đi hướng nào nhỉ, phải đi hướng nào đây, bật google maps lên rồi đi nào. Vậy là hai chị em tôi cứ đi, cứ đi, kệ cho mưa gió, kệ cho nguy hiểm. Mà hình như lúc ấy, chúng tôi không hề nghĩ đến hiểm nguy mình sẽ gặp phải, trong đầu chỉ nghĩ, đến đó sẽ thật tuyệt, chắc là cũng không xa lắm đâu.
Đọc đường đi, điện thoại chúng tôi còn rất ít pin, vì cái sạc dự phòng và cái cáp rất lỏng nên vừa đi vừa sạc vừa dùng là điều không thể. Thế là, tôi nhét điện thoại thật sâu vào chiếc túi đeo chéo nhỏ nhỏ tôi luôn đeo bên người trong suốt cả hành trình. Vừa đi, chúng tôi vừa hỏi đường người dân, họ đều nói đường còn xa lắm, khó đi lắm, hai đứa con gái thì phải đi cẩn thận, vì mưa trơn trượt rất dễ gặp tai nạn. Hình như chúng tôi không quan tâm đến những gì họ cảnh báo lắm, chỉ chú tâm xem họ nói rẽ phải hay rẽ trái để mà đi tiếp thôi. Càng đi càng thấy vô vọng, xa ơi là xa mà chẳng đến được Hoàng Su Phì, trời thì tất nhiên vẫn mưa, chẳng chịu ngớt chút nào cả.
Bắt đầu hết đường nhựa, phía trước chúng tôi là những con đường lồi lõm đất đã lởm chởm, xấu xí, bẩn thỉu và nát tươm. Tôi hỏi chị tôi "mình phải đi vào đường đó sao?" Chị tôi kêu "Chứ còn sao nữa, sắp đến rồi ngồi im đi". Và, thế là tôi lại ngồi im. Nhưng thực sự sợ lắm. Xế chiều rồi, chúng tôi vẫn chưa đến nơi, đường mỗi lúc một xấu đi, mưa to quá, mà trú mưa thì sợ lên núi buổi đêm sẽ nguy hiểm hơn, và trú mưa thì trời sẽ tối rất mau, và có thể hành trình này sẽ không đi đến đâu. Tôi ngồi sau và chỉ biết động viên chị mình, "cố lên", thi thoảng lại làm trò xàm xí cho bà ấy cười cho đỡ mệt.
Ô, biển chỉ xã Hồ Thầu kia rồi, cứ thế mà đi theo thôi. Cả hai chúng tôi trong đầu đều nghĩ vậy đó, tưởng ngon là sắp đến, ai ngờ, sự hành xác lúc ấy mới bắt đầu. Mưa bắt đầu rơi nặng hạt hơn, tôi ướt lướt thướt như chuột lột, và chị tôi thì ướt không còn gì mà lột nữa, nhìn hai con thế này tự thấy mình thật đáng thương. Rồi tôi bảo: "Mẹ mà biết thế này, chắc Mẹ giết hai bọn mình mất", chị tôi tiếp lời: "Mai sau có con đừng cho nó đi kiểu này nhá". Vậy đó!
Nhìn xem, trước mắt chúng tôi, đá lở bên đường, nước chảy như suốt ở hai bên đường, quay lại cùng không xong, phải cố đi để lên Homestay vì nghe nói trên đó có homestay, chúng tôi đã đi với ý nghĩ lên homestay phải ăn cái gì thật ngon, thật ấm, thật cay để bù đắp lại những gì phải trải qua. Thế nên, sự hy vọng tràn trề ấy giúp chúng tôi có động lực hơn. Trời ơi, mưa to quá, phải làm sao đây, tôi sợ lắm, chị tôi cũng sợ lắm, mà chị tôi không hề tỏ ra yếu đuối, lúc ở nhà tôi hay cãi nhau với chị tôi, hở tí là đánh nhau như chó với mèo, nạnh nhau rửa bát quét nhà, thế mà trong giây lát tôi thấy sao chị mình mạnh mẽ quá trời, tôi nghĩ con trai chắc cũng không có gan và cũng không lái nổi cái đường đất nhão găm đầy sỏi đá và cành cây rơi lung tung trên đường ấy, tôi nghĩ chị tôi đang cố gắng lái xe thật tốt để tôi được an toàn. Lúc ấy, bao nhiêu là thứ đáng ghét của chị tôi ở nhà, những lời mắng chửi tôi quên sạch, thực lòng mà nói là vậy. Trời ơi đường lúc thì dốc đứng, lúc thì gồ ghề, ngồi đằng sau cũng là cả một nghệ thuật, lái được xe với hai cái balo to vật vã và một "con lợn" ngồi sau thì đúng là đẳng cấp. Đước dốc và trơn lắm, không phải kiểu ổ gà ở thành phố mà toàn các rảnh tử thần khắp đường, quần mưa trơn quá nên tôi cứ bị tuột lại gần chỗ chị tôi ngồi ở yên xe, để tránh điều đó tôi cố dùng hết sức lực của hai tay để bám vào cái cáng sắt phía sau tôi. Chị tôi cứ một tý lại kêu chật quá nhích lên cái nào, tôi lại nhích, mọi sự nhúc nhích đều cần chuẩn xác, nếu không chuẩn sẽ khiến cho tay lái của chị tôi bị lệch và ngã như chơi. Thật đáng sợ.
Chuồng dê của người dân.
Trời cứ tối dần, tối dần, mưa nên sương xuống sớm, bao phủ dày đặc khắp cả một khu rừng, tầm nhìn của chúng tôi bị giảm đi đáng kể, bựt đèn xe lên và chúng tôi vẫn tiếp tục đi. Hai bên đường không một bóng người, thỉnh thoảng thấy những cây đã đổ, thân cây đen sì mục nát, xa xa có tiếng chuông đeo cổ của lũ dê mà người ta gắn vào để tìm chúng cho dễ nếu có bị lạc mất con nào, tất thảy đều không có dấu vết gì của sự sống, một khung cảnh rợn người và hoàn toàn quá sức với hai đứa con gái. Tôi bắt đầu sợ hãi hơn khi lần đầu chị tôi loạng choạng tay lái rồi tuột lái và làm cả hai đứa ngã trượt tầm nửa mét, nguyên cái xe đè lên chân tôi, chị tôi nhanh chóng dùng hết sức nhấc nó ra khỏi chân tôi, thật vi diệu là chân tôi chẳng bị làm sao cả, không đau không tím, không sưng luôn, không cả trầy xước, cho đến tận lúc ấy tôi mới nhận ra, khỏe mạnh và béo béo như tôi đúng là một cái lợi to lớn. Ngã sợ như thế mà hai chị em đứng dậy nhe răng ra cười với nhau, chị tôi mắng tôi là đồ con lợn, tại mày nặng quá đó. Thế là cả hai quên béng đi mình vừa bị ngã. Tiếp tục đi và đi mãi, trời tối hơi, chỉ còn một màu sáng mờ mờ đục đục của những mảng sương chiều mưa Hoàng Su Phì.
Chúng tôi ngã lần hai, ngã lần ba, lần bốn, những lần như thế tôi thấy quen và nhanh chóng phi ra khỏi xe khi xe mới chỉ vừa định hạ cạnh. Vậy là tôi và chị tôi vẫn an toàn. Xe bắt đầu hỏng đề, chết máy do dầm mưa quá lâu, cũng may là nổ chân thì xe vẫn chịu đi, không ai trong hai người chúng tôi nghĩ sẽ ngoành lại khi đã đi tới tận đây.
Hai chị em cùng nhau chụp những tấm hình thật tình cảm, nhuốm đầy màu giả dối :))
Đi tiếp một đoạn dài, chúng tôi gặp một người đàn ông trung trung tuổi, bộ đồ màu đen với những sọc kẻ mờ mờ, đầu đội cái mũ đen luôn, dưới chân đi ủng lấm lem toàn màu đất đỏ, mùi cơ thể hôi hôi ẩm ẩm đặc trưng của những người dân vùng cao, kiểu như mùi của súc vật và núi rừng hòa lẫn. Chúng tôi hỏi:
- "Bác ơi, lên Hoàng Su Phì còn xa không ạ?"
- "Mưa thế này lên đó làm gì?"
- " Bọn cháu đi chơi ạ!"
- " Mưa thế này không có ai trên đó đâu, homestay cũng đóng cửa rồi".
Nghe xong chúng tôi đứng người, chẳng biết phải làm sao, hôm ấy là thứ hai nên người ta không mở cửa và cũng cả vì mưa nữa. Chúng tôi tiếp tục hỏi:
- "Thế bác có số của chủ homestay không ạ ?"
- " Có chứ, đây tau cho số mày gọi nha"
- "Điện thoại cháu hết pin ạ"
- "Ayda để tau gọi cho, alo ông ở đâu đó, có hai đứa con gái lên đây mà không có chỗ ngủ này, có lên mở khóa được cho chúng nó không"
Nói chuyện xong một lúc bác ấy bảo nhà chủ homestay cho cháu bị chết nên phải lo ma chay không lên được, trên này cũng không ai có chìa khóa mà mở cho đâu.
Chúng tôi đang loay hoay không biết phải làm sao, đi tiếp hay về, cả hai đã quá mệt và nản rồi nhìn nhau mà chẳng biết nói gì. Bỗng có tiếng xe máy nổ ở xa xa tiến lại gần, mỗi lúc một gần hơn và dừng lại đúng chỗ tôi hỏi xem có chuyện gì. Một chàng trai người Dao chạc 20-21 tuổi gì đó, đi con xe uyn, trên người mặc nguyên bộ quần áo lính có gắn tên, đầu đội mũ cối, chân đi giày vải, đeo thêm cái túi chéo khiến tôi hình dung đến cậu bé Lượm, thực sự là rất giống. Chúng tôi nghĩ, có lẽ đây là bộ đội hoặc kiểm lâm vùng này, thì ra là không phải, mà là người dân, anh ấy lên núi dựng nhà ở một mình và nuôi dê. Anh ấy bảo:
- "Sắp đến nơi rồi, các cậu đi theo tớ, tớ chỉ đường cho".
Chúng tôi cũng sợ lắm nhưng chẳng có sự lựa chọn nào, đành đồng ý. Anh ấy lại nói tiếp:
- "Các cậu đừng sợ, cạnh nhà tớ có một nhà cô nữa, cô ấy ở một mình nên các cậu có thể xin ở nhờ được"
Chúng tôi tin, tất nhiên phải tin rồi, lúc ấy trong hoàn cảnh ấy không biết làm gì cả, có người giúp đỡ là may mắn lắm rồi, nếu không chỉ còn cách thức thâu đêm ở trên rừng cùng với mưa.
Ngôi nhà lụp xụp của một trong số ít ỏi đồng bào sinh sống trên đỉnh núi cao.
Quả đúng những lời anh kia nói là thật, càng đi chúng tôi nhận ra ở đây đúng là có sự sống thật, một vài cái nhà gỗ lợp tạm bợ bên đường hiện ra trước mắt chúng tôi mờ mờ trong màn mưa sương, đường vẫn xấu lắm, vẫn phải cố đi để cho xong hành trình. Đến nhà cô, cô mà sống một mình như lời anh kia nói rồi, anh ấy phi xe vào sân, xin cô cho chúng tôi ở nhờ đêm nay, cô vui vẻ đồng ý và nói:
- "Nhà thì bẩn và chật lắm, không chê thì cứ ở thôi"
Lúc ấy cô đang ngồi đun ấm nước bên chòm bếp dựng ngay trong nhà. Một ngôi nhà khá to, hình như to nhất cả vùng đó luôn, đã thế lại cao, màu gỗ đậm hơn vì hôm ấy trời mưa. Có mùi khói khắp cả căn nhà, cái giường bằng gỗ lụp xụp nằm im một góc cùng với chiếc chăn vì tối quá tôi không rõ là màu gì nữa. Chúng tôi tháo hết balo máy ảnh ra khỏi xe và người. Thấy mình như vừa trút bỏ được một khối lượng cực lớn trên cơ thể. Chúng tôi bắt đầu chờ cho người bớt run và sợ. Cảm giác yên bình đến lạ thường, trời vẫn mưa bên ngoài ngôi nhà gỗ ấy, chúng tôi ở trong, bên cạnh bếp lửa hồng rực, người bắt đầu ngấm dần mùi khói...
Tối đấy trời mưa to lắm, nhưng không sao cả chúng tôi vẫn an toàn, bữa cơm hôm ấy của chúng tôi có lẽ là bữa cơm ngon nhất cuộc đời mình.Tôi vẫn nhớ như in, trong căn nhà ấy, chúng tôi cùng nhau đun ấm nước mưa, pha ít trà nóng rồi để đó chờ ăn cơm xong mới uống. Bữa cơm hôm ấy thế nào nhỉ... Là một bát hẹ xào tóp mỡ vặt ở trước nhà, rửa sạch đi xào lên béo ngậy, một ít lạc rang muối mặn quắn lưỡi, hạt lép hạt mốc, một bát canh nấm rừng còn được vặt ngoài vườn trong cơn mưa lúc chập tối,tất cả được đặt trên một chiếc mâm gỗ handmade đẹp vô cùng. Bữa ấy chúng tôi đói, ăn tận hai bát cơm lận mà chẳng thấy no. Nếu ở Hà Nội thường tôi chỉ ăn một bát rồi thôi vì quen dạ nên không mấy khi ăn nhiều. Hoàng Su Phì tắm chúng tôi bằng một cơn mưa lạnh ngắt dài mãi không ngớt, thế nhưng bù lại chúng tôi được sưởi ấm bằng tình người và lòng hiếu khách của những con người cô đơn nơi vùng cao hiu quạnh. Thiết nghĩ, không có sự khó khăn gian khổ nào mà không được bù đắp lại một cách xứng đáng.
Bữa cơm miễn phí, thấm đượm tình người.
Đêm đó chúng tôi ngủ cùng nhau trên chiếc phản gỗ dày cộp và đắp một chiếc chăn hôi rinh mùi ẩm mốc, đành vậy thôi chứ nếu không ngủ, hoặc ngủ mà không đắp chăn sẽ bị chết lạnh ở đó mà không về được Hà Nội mất. Một giấc ngủ bẩn thỉu nhưng cũng sâu và đủ năng lương cho ngày hôm sau.
Hoàng Su Phì buốt giá trong một sớm mùa Xuân.
Sáng hôm sau khi thức dậy, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy cảnh vật trước mắt mình, chẳng rõ là mơ hay là thật, thiên đường hay trần gian. Cảnh vật ở nhuộm một màu xanh mơn mởn, căng tràn sức sống, đàn dê đang chạy trước nhà, gặm gặm cỏ liên tục, làm cho chuông đeo cổ rung lên nghe vui tai lắm, những cây thông và những cây cỏ thấp thấp trước nhà ướt đẫm hơi sương, trông hệt như pha lê sau một đêm mưa lớn. Những tia sáng đầu ngày ở trên cao đang tỏa khắp cả một vùng rộng lớn trước mắt, những chòm mây thấp thấp ngủ yên chưa muốn thức dậy, và thế là chúng tôi vội mang máy ảnh ra và chụp liên hồi. Chụp mãi chụp mãi cho đến khi những tia nắng bắt đầu xuất hiện, Hoàng Su phì như một nàng công chúa được tô thêm chút má hồng cho lớp trang điểm, Hoàng Su Phì bừng sáng, rỡ bỏ lớp áo choàng âm u chiều qua, Hoàng Su Phì đầy sức sống và quyến rũ, tôi nghĩ, nếu hôm qua trời chẳng mưa lớn, biết đâu hôm nay chúng tôi đã không thấy được cảnh đẹp như vậy, nếu chỉ chọn những ngày nắng đẹp để rong chơi, thì đâu biết sau cơn mưa cảnh vật lại tuyệt vời như vậy, biết là hiểm nguy đấy, nhưng đã chọn thì nhất thiết hãy đi đến cùng, hãy tin vào những điều đẹp đẽ đang chờ chúng ta ở phía trước.
Nấm ở Hoàng Su Phì.
Từ đây chúng tôi bắt đầu nổ máy len qua những con đường sỏi đá phía trước để đi về hướng Chiêu Lầu Thi, một trong hai ngọn núi cao nhất của Hà Giang. Chiêu Lầu Thi, nghe tên đã gợi ra một điều gì đó thực sự khiến người ta thèm khám phá, thèm chinh phục. Đường ở đây xấu lắm, nhưng cuối cùng chúng tôi đã đến được chân núi rồi. Bắt đầu leo thôi. Thực ra Chiêu Lầu Thi không khó leo, và cũng không mất quá nhiều thời gian để leo, chỉ là để đến được chân núi thì phải cố gắng rất nhiều, phải trải qua bao nhiêu là gian khổ. Chiêu Lầu Thi có kiến trúc như hai hình Parabol ghép vào với nhau, một cao hơn và một thấp hơn, hôm ấy tôi mặc váy, thú thực là tôi chẳng có gì ngoài váy vì chỉ xác định đi biển chứ chẳng leo núi. Một chiếc váy trắng tinh khôi và tôi dùng nó để chinh phục Chiêu Lầu Thi. Ban đầu tôi không hề biết núi có hình Parabolnên khi leo lên đỉnh thứ nhất thấy mệt lắm rồi nhưng sung sướng hét lên ôi xong rồi, về nhà thôi. Chị tôi đi trước luôn không để cho tôi kịp nói câu gì và tôi lại lẽo đẽo theo sau xuống một cái dốc để sang bên đỉnh kia, là đỉnh chính và cao hơn, cũng là nơi có cắm mốc tọa độ. Tôi với chiếc váy lòe xòe vẫn hiên ngang leo núi, đi một tý váy lại quệt vào cái gai hay cành cây bên đường thế mà hiển nhiên không rách tẹo nào. Vì váy lòe xòe quá nên tôi buộc nó lên trông dị không chịu được thế mà vừa buộc khỏi tay thì ngã trượt chân luôn một cái, chân tôi bị xước, váy thì vẫn còn nguyên, quả là vi diệu. Đấy, cứ leo thêm một quãng thôi lại dừng lại thở dốc vì béo quá nên dễ mệt, chị tôi cứ băng băng đi quay lại chê tôi yếu đuối, bánh bèo rồi bảo nếu mày không đi nữa thì đứng đấy đợi tao lên đỉnh rồi tao quay về đi cùng mày. Tất nhiên là tôi không chịu nên cố đi tiếp, mệt lắm, đói lắm thế nhưng tôi đã "lên đỉnh" đúng tiến độ. Đúng là chẳng có gì hạnh phúc bằng việc đứng trên một đỉnh núi sau những giờ leo trèo vật vã, cầm lon redbull mà uống ừng ực. Có thể đó chỉ là cách ăn mừng chiến thắng của tôi mỗi lần đi leo núi, tuy nhiên tôi thấy nó thật tuyệt.
Nấm ở đây nhiều lắm, nhưng phải tinh mắt mới thấy được.
Sau khi chụp ảnh, nghỉ ngơi trên đỉnh, chúng tôi vội vàng xuống núi, vì nhất thiết phải quay về Hà Nội trong hôm đó để hôm sau chị tôi đi làm sớm. Chúng tôi xuống núi, xuống cũng chẳng mấy nhàn hạ vì nó là hình Parabol chứ chẳng phải dốc đứng lên mệt xuống nhàn như những núi khác. Xuống núi khá lâu và dọc đường chúng tôi còn còn chụp choẹt khá nhiều nên bị trễ, chiều lại buông xuống, trời lại bắt đầu mưa, chúng tôi cất hết balo vào mấy lớp túi ni lông rồi chặn lại kỹ càng.
Về nhà thôi! Về nhà thôi! Đường về hôm ấy còn khó khăn hơn cả lúc đi, vẫn mưa, trời tối dần, nhưng nhất thiết phải về, còn đi học đi làm, về với Mẹ, chúng tôi thèm ngủ trong chăn đệm ở nhà lắm rồi. Nhất thiết phải về. Trời tối đen, sạt lở xói mòn lại thách thức chúng tôi, không sao cả, chúng tôi có thể vượt qua được, đèn xe máy không phá nổi mưa sương, đèn chuyên dụng đi đêm của chị tôi cũng phải bó tay và cứ thế, chúng tôi đi theo cảm tính, vừa đi vừa cầu nguyện, vừa đi vừa lo sợ, nhưng... tất cả đã qua rồi, chúng tôi vẫn an toàn, tôi và chị tôi đã an toàn, cả hai đang tiếp tục lập ra dự định cho những chuyến đi sắp tới....
Những cây thông Hoàng Su Phì còn đẫm sương sớm.
Mỗi chúng ta, bất kể bạn là ai, đừng nên giới hạn bản thân quá mức, hãy thoát ra khỏi vùng an toàn của chính mình, hãy làm những điều mình thích, mình đam mê, nhưng đừng ngu ngốc quá như mình nhé!
Ngôi nhà của người dân tộc Dao dưới góc nhìn của chúng tôi.
Tác giả: Nguyễn Thị Vân
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal