0

Traveloka VN

09 Apr 2019 - 12 min read

Đi trọn một vòng Tây Nguyên chỉ trong 2 ngày cùng hội bạn thân

Được một dịp cùng hội bạn thân đi du lịch, ai nấy đều rất hào hứng khám phá về một miền ký ức mà hình ảnh núi rừng Tây Nguyên với những đồi cà phê bát ngát, đồi chè thơ mộng, hình ảnh núi rừng, những dòng suối ngọn thác, những nét văn hóa dân gian truyền thống, “cồng chiêng Tây Nguyên” đã ăn sâu vào tiềm thức không chỉ đối với người con của núi rừng mà cả với những người miền ngược hay miền xuôi, dọc Bắc chí Nam. Tất cả được gói gọn lại trong những địa điểm du lịch nổi tiếng sau đây. Hãy cùng chúng mình khám phá và trải nghiệm chuyến du lịch Tây Nguyên tự túc này nhé!

1. Thác Đray Sáp – được mệnh danh là “Tây Nguyên đệ nhất thác”

Từ thành phố Hồ Chí Minh vượt gần 330 km cuối cùng thì chúng mình đã chính thức tới khu vực Tây Nguyên đại ngàn.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng mình là Khu du lịch Thác Đray Sáp vào buổi trưa trời nắng nhẹ, và bản thân mình đã yêu nơi này ngay cái nhìn đầu tiên không chỉ về cảnh vật, về con người mà cả về những giai thoại tình yêu đi vào lòng người.

Lịch trình du lịch Tây Nguyên tự túc trong 2 ngày cùng hội bạn thân

Thác Dray Sap.

Thử một lần chiêm ngưỡng, chắc chắn bạn sẽ không khỏi trầm trồ. Thác Đray Sáp nằm trong khu vực vườn quốc gia Yok Đôn (xã Đăk Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông) thuộc nhánh con sông đực (sông Krông Nor) trên dòng sông Sêrêpốk huyền thoại, mà ngay cả bản thân dòng sông này cũng sở hữu một gia tài đồ sộ các giai thoại huyền bí.

Thác Dray Sap

Thác Đray Sáp được bao phủ bởi một thảm thực vật xanh mướt tựa một khu rừng nguyên sinh.

Thác Đray Sáp (hay còn gọi là thác Chồng) nổi bật với vẻ đẹp hùng dũng của một chàng trai, khi dữ dần cuồn cuộn vào mùa mưa, khi hiền hòa tĩnh lặng vào mùa khô.
Rời khỏi thác Đray Sáp chúng mình còn hơi luyến tiếc một chút vì chưa trải nghiệm cảm giác được ngâm mình xuống dòng nước xanh ngắt trong veo này.

2. Khu lăng mộ “vua săn voi” – Các huyền thoại sống mãi với núi rừng

Sau khi rời khỏi thác Đray Sáp vào xế chiều, địa điểm tiếp theo chúng mình tham quan là khu lăng mộ vua săn voi, lắng nghe các câu chuyện về các đời vua săn soi trứ danh vùng đất Tây Kỳ.

Khu lăng mộ (thuộc xã Krông Na

Khu lăng mộ (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo và đầy kỳ bí, lại mang thêm nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh của đồng bào dân tộc với tục “bỏ mã”.

ngôi nhà sàn gỗ của vị vua săn voi Ama Kông

Nhớ ghé thăm ngôi nhà sàn gỗ của vị vua săn voi Ama Kông, vị vua săn voi cuối cùng của Việt Nam cùng với loại rượu gia truyền được “quảng cáo” là tăng sinh lực cho phái mạnh – Rượu Ama Kông.

3. Cầu treo Buôn Đôn – Chiếc cầu treo “kỳ lạ”

Mình xin mượn một câu của cô Nguyễn Ngọc Tư để nói về buổi chiều hoàng hôn hôm ấy “Và đôi khi bạn thấy nhớ những buổi chiều bạn biết là sẽ không bao giờ quay lại nữa” (Hoàng hôn rệu rã).
Đúng, mình biết là những kỷ niệm sẽ không bao giờ hiện hữu một lần nào nữa, tất cả chúng mình đều biết, chính vì thế mà chúng mình đã “bắt” được những ánh hoàng hôn kia và sống trọn từng giây, vì đó là tuổi trẻ, là chuyến đi thời thanh xuân của chúng mình.

Buôn Đôn

Cầu treo Buôn Đôn.

Cầu treo Buôn Đôn nằm trong khu du lịch Buôn Đôn, với chiều dài ấn tượng 100 m tẻ ra nhiều hướng bắt ngang qua dòng chảy xiết của con sông Sêrêpốk. Cầu được lót sàn và lan can bằng các vật liệu thô sơ như tre nứa và gia cố bằng cáp thép xuyên qua các rặng si già để phục vụ cho mục đích du lịch.

Buôn Đôn

Buôn Đôn - điểm đến đặc sắc trong chuyến du lịch Tây Nguyên.

Bước qua cây cầu treo lắt léo, nghe tiếng kêu cọt kẹt, tiếng ầm ầm của dòng sông, âm vang của núi rừng và tiếng la hét cười đùa của đám bạn – đó sẽ là một trải nghiệm để đời.

4. Chùa Sắc Tứ Khải Đoan – Với lối kiến trúc kết hợp độc đáo

Ngày thứ 2 trong hành trình du lịch Tây Nguyên tự túc, chúng mình ghé thăm chùa Sắc Tứ Khải Đoan, ngôi chùa thu hút đông đảo du khách khắp nơi đổ về tham quan và chiêm bái, được toạ lạc tại số 117 đường Phan Bội Châu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Kiến trúc chùa độc đáo với sự kết hợp lối kiến trúc cung đình Huế và phong cách nhà sàn địa phương bản địa xen lẫn vào đó là nét kiến trúc hiện đại Tây phương.

Chùa Khải Đoan Đaklak

Chùa Khải Đoan.

Khải Đoan là cái tên được ghép từ tên của vua Khải Định và vợ ông là Đoan Huy hoàng thái hậu (tức mẹ vua Bảo Đại). Chùa được chính bà chỉ huy xây dựng năm 1951 và sau đó người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý việc thi công là Nam Phương Hoàng Hậu (vợ vua Bảo Đại).
Đây cũng là ngôi chùa cuối cùng được chính vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam) phong hiệu.

Chùa Khải Đoan

Đây cũng là ngôi chùa cuối cùng được chính vua Bảo Đại (vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam) phong hiệu.

5. Biển hồ T’Nưng - “Đôi mắt Pleiku”

“Đôi mắt Pleiku biển hồ đầy...” có vẻ là địa điểm làm mình hụt hẫng nhất, mình đã từng tưởng tượng “đôi mắt” ấy khi còn bé được nghe giọng hát cô Siu Black qua sóng truyền hình, mình từng mường tượng về một nơi tựa chốn thần tiên, nơi mà chỉ có mặt hồ được bao bọc bởi cây cảnh bao la. Nhưng... giờ là những lô cốt, những công trình ngổn ngang, mình vẫn hy vọng về một nền du lịch tươi sáng và có trách nhiệm ở Tây Nguyên, phát triển và bảo tồn những cảnh sắc này.

Biển Hồ T'Nưng.

Biển Hồ T'Nưng.

Tuy vậy, một khi bước chân đến vùng đất phố núi Gia Lai thì bạn nhất định phải ghé thăm biển hồ T’Nưng, nổi tiếng trong bài hát “Đôi mắt Pleiku” của nữ ca sĩ Siu Back (cũng là một người con của núi rừng Tây Nguyên).

Biển Hồ T'Nưng.

Mặt hồ xanh như màu ngọc bích, quanh năm luôn trong veo đầy thơ mộng hóp hồn biết bao kẻ lữ khách lỡ bước đặt chân đến.

6. Nhà máy thuỷ điện Yaly – Công trình kỳ vĩ của Tây Nguyên

Xế chiều ngày thứ 2, chúng mình ghé qua một công trình mà theo mình là rất “vĩ đại” ở vùng núi rừng Tây Nguyên đó chính là Nhà máy thuỷ điện Yaly, tuyệt vời hơn nữa là công trình được xây dựng dưới sự chỉ huy của... một người phụ nữ. Mình không khỏi thắc mắc là “Tại sao họ lại xây dựng được một công trình khó nhằn ngay tại khu vực hiểm trở như nơi này?”

Thủy điện Yaly

Thủy điện Yaly.

Nhà máy thuỷ điện Yaly được mệnh danh là nhà máy thuỷ điện ngầm lớn nhất Việt Nam, nằm trên dòng sông Krông B'Lah, thuộc ranh giới giữa huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum và huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai.

Thủy điện Yaly

Và một lần nữa chúng mình được nghe kể về một câu chuyện tình tuyệt đẹp nên thơ của chàng trai tên Rốc người Gia Rai và nàng Yaly xinh đẹp ở nơi đây.

Thủy điện Yaly

Đập thuỷ điện sở hữu một hồ nước trong veo, với cảnh sắc tuyệt đẹp.

7. Nhà thờ gỗ 100 năm tuổi – Nhà thờ chính toà Kon Tum

Một trong những nơi các tín đồ du lịch nhất định phải check-in khi đến thành phố Kon Tum đó chính là nhà thờ gỗ 100 năm tuổi và tất nhiên chúng mình cũng không ngoại lệ, nhưng một điều kém may mắn là chúng mình đến thì đã trễ, mọi người đang làm lễ bên trong nên khó mà nhố nháo chụp hình được, và cũng không đủ ánh nắng để cho ra một bức hình ưng ý. Nên nếu các bạn có dịp ghé thăm trong chuyến du lịch Tây Nguyên tự túc thì lưu ý nên đến sớm hơn, tránh vào cuối tuần.

Nhà thờ Chính Tòa - Kon Tum

Nhà thờ Chính Tòa - Kon Tum.

Sau khi tham quan lối kiến trúc độc đáo của nhà thờ này thì chúng mình có đi vòng ra phía sau nhà thờ - Một cô nhi viện nhỏ của những đứa trẻ cơ nhỡ được các sơ, người dân nuôi dưỡng. Nếu ghé qua thì mọi người cũng nhớ ghé thăm các em nhé!

Nhà thờ Chính Tòa - Kon Tum

Cô nhi viện nhỏ của những đứa trẻ cơ nhỡ được các sơ, người dân nuôi dưỡng.

8. Nhà rông Kon K’lor – Huyền thoại nhà rông Tây Nguyên

Chúng mình vẫn kịp thời gian để chạy đến phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum khi trời còn chút ánh sáng để tham quan một “Huyền thoại nhà rông Tây Nguyên” - Nhà rông Kon K’lor. Vì hai địa điểm Nhà thờ gỗ và Nhà rông này cũng gần nhau.

Nhà rông Kon K'lor.

Nhà rông Kon K'lor.

Nhà rông Kon K’lor được khánh thành lại vào ngày 19/06/3011 (trên nền nhà rông cũ đã bị một học sinh lớp 9 nhậu xỉn đốt cháy vào năm 2010) với chiều dài mặt nền 17 m, chiều rộng 6m, và chiều cao của nóc lên đến 22 m, được mệnh là Nhà rông rộng lớn nhất cả khu vực Tây Nguyên và là nơi diễn ra các lễ hội văn hoá lớn nhỏ của tình Kon Tum.

Nhà rông Kon K'lor

Nhà rông Kon K'lor là nơi diễn ra các lễ hội văn hoá lớn nhỏ của tình Kon Tum.

Chúng mình chỉ có 2 ngày để tham quan Tây Nguyên nhưng với khoảng thời gian ít ỏi đó, chúng mình đã có một lịch trình thật chi tiết và nghiêm túc thực hiện để có thể thưởng thức trọn một vòng Tây Nguyên với 8 địa điểm tiêu biểu hội tụ đủ các biểu trưng của vùng đất nơi đây.
Nơi có sự hùng vĩ của thác Đray Sáp, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc với tục “bỏ mã” cũng như huyền thoại các đời vua săn voi ở khu lăng mộ. Được ngắm nhìn “Đôi mắt Pleiku” biển hồ T’Nưng một biểu tượng nổi tiếng của tỉnh Gia Lai. Với tín ngưỡng tôn giáo đa dạng của Phật giáo và Thiên chúa giáo. Một công trình nhân tạo kỳ vĩ và các đặc trưng mang tính biểu tượng như: nhà rông, cầu treo và cả văn hoá cồng chiêng.
Lên ngay lịch trình du lịch Tây Nguyên tự túc trong kỳ nghỉ này, bạn nhé!
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal

Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký