Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
13 Dec 2022 - 14 min read
Trong số 22 tỉnh thành mà mình đặt chân đến cho đến thời điểm hiện tại thì Phú Yên chính là nơi mình muốn quay lại nhiều nhất. Không chỉ đa dạng về cảnh quan thiên nhiên như núi, sông, biển, cao nguyên mà xứ Nẫu (tên gọi thân mật của Bình Định và Phú Yên nói chung) còn nổi tiếng với con người thân thiện, mộc mạc và chi phí du lịch “siêu rẻ”. Và bài viết này sẽ giúp bạn lên kế hoạch chơi hết Phú Yên dễ dàng.
Ghềnh Đá Đĩa – biểu tượng du lịch của Phú Yên
Xe khách: Từ bến xe Miền Đông (TP.HCM), mình bắt xe giường nằm vào lúc 6 giờ chiều (đến Phú Yên tầm 4-5 giờ sáng) với giá vé xe khách tầm 300.000VND/ chuyến.
Máy bay: Nếu bạn đang sinh sống ở miền Bắc thì có thể đặt những chuyến bay siêu tiết kiệm ở đây (giá tầm 650.000 VND – 750.000VND/ chuyến).
VietJet Air
Bắt đầu từ 709.182 VND
Thu, 19 Dec 2024
Vietnam Airlines
Bắt đầu từ 1.080.569 VND
Tue, 17 Dec 2024
Vietnam Airlines
Bắt đầu từ 5.247.057 VND
Fri, 13 Dec 2024
Tàu hỏa: Dù bạn ở Nam hay Bắc thì việc đến Phú Yên cũng rất dễ dàng, chỉ cần lên trang của Đường Sắt Việt Nam và đặt vé thôi.
Bạn nên cân nhắc lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp lịch trình nhé vì Phú Yên rất nhiều chỗ đáng để đi. Ví dụ như nếu đi ít ngày thì nên chọn đi máy bay để tiết kiệm thời gian, đi dài ngày thư thả thì có thể đi tàu hỏa. Còn nếu muốn nhanh và và tiện lợi thì nên đi bằng xe khách.
Cầu gỗ Ông Cọp là một địa danh ít nổi tiếng so với các địa điểm mà mình đã liệt kê phía trên nhưng đây là nơi mình khuyên bạn nên ghé nhất để chứng kiến nét đẹp ẩn mình của Phú Yên. Mình đến chiếc cầu độc đáo này vào một buổi chiều nắng nhẹ sau khi tham quan Ghềnh Đá Đĩa. Đường đến đây không quá khó, và suốt dọc đường đi chúng mình còn bắt gặp những hình ảnh rất dễ thương. Đó là hình ảnh những đứa trẻ con tung tăng chạy nhảy trên đường, đứa này đèo đứa kia trên chiếc xe đạp nhỏ và cười giỡn rơm rả cả một góc. Khung cảnh ấy gợi mình nhớ về tuổi thơ rất nhiều.
Sau hơn 30 phút đi xe, cuối cùng chúng mình cũng đến nơi cần đến. Cầu gỗ Ông Cọp hiện ra trước mắt mình thật ấn tượng. Đó là một chiếc cầu dài hơn 800m, được làm bằng tre và gỗ ván. Chiếc cầu gỗ dài nhất Việt Nam này bắt ngang dòng sông Phú Ngân êm ả từ năm 1998 (theo lời người thu vé qua cầu kể lại).
Cầu gỗ Ông Cọp nhẹ nhàng điểm xuyến trên dòng Phú Ngân
Cầu gỗ Ông Cọp không chỉ sở hữu vẻ đẹp mộc mạc của cây cầu, mà còn bởi khung cảnh thiên nhiên xung quanh, với mặt nước mênh mông siêu đẹp. Bên cạnh đó, khi đến nơi đây, bạn sẽ chiêm ngưỡng một bức tranh lao động đậm chất “Phú Yên”. Mặc dù đi vào buổi chiều tà nhưng mình vẫn còn bắt gặp hình ảnh các cô chú nông dân đang cặm cụi ngâm mình dưới sông để bắt con gì đó. Mọi người rất hăng say với công việc nhưng vẫn không quên nói cười để xua tan cái mệt.
Một Phú Yên chịu thương chịu khó đáng trân trọng
Hòn Nưa nằm dưới chân đèo Cả nên bạn sẽ được đi ngang một trong những cung đường biển đẹp nhất Việt Nam. Từ cảng Vũng Rô, mình đã đi thuyền máy khoảng 30 phút để đến Hòn Nưa. Ban đầu, chúng mình dự định cắm trại qua đêm trên Hòn Nưa để ngắm biển và vui chơi nhưng vì thời tiết mấy ngày trước không tốt nên kế hoạch tạm thời là tắm biển và ăn hải sản vào buổi sáng thôi.
Biển xanh, cát trắng ở Hòn Nưa
Hòn Nưa được thiên nhiên ưu đãi với làn nước xanh trong, các rặng san hô muôn màu sắc, cùng nhiều gành đá kỳ vĩ. Hòn đảo này không phải là khu dân cư mà chỉ có các chú bộ đội và những người dân kinh doanh ăn uống cho du khách sinh sống. Tuy nhiên, do khai thác du lịch chưa đúng cách mà rất nhiều rặng san hô đã chết, trôi dạt trắng cả một đường bờ biển dài.
Một chốn cực “chill” mà chúng mình tìm thấy ở Hòn Nưa
Khi nói đến du lịch Phú Yên thì Ghềnh Đá Đĩa hay Tháp Nghinh Phong là những cái tên xuất hiện đầu tiên, Đập Hàn là một cái tên vô cùng mới mẻ đối với dân du lịch. Nếu không được một người bạn địa phương giới thiệu, có lẽ mình cũng chẳng biết nơi này và cũng sẽ không có một buổi cắm trại thú vị như hôm đó.
Lắng nghe tiếng chim ca và tiếng suối reo ở Đập Hàn
Dành cho những bạn chưa biết: Đập Hàn thuộc Hảo Sơn, xã Hoà Xuân Nam, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên. Nơi đây nằm dưới chân ngọn núi đá Bia (dù bạn đi khắp xứ Nẫu, bạn cũng sẽ thấy núi đá Bia) và đèo Cả. Đường vào Đập Hàn như một cuộc phiêu lưu bởi lẽ bạn phải băng qua các con đường quanh co như trong rừng. Để có làn nước trong hơn, mình khuyên bạn nên phía đầu nguồn. Nếu không biết đường, bạn nên mạnh dạn hỏi người bản địa nhé vì càng vào sâu trên thượng nguồn là sóng điện thoại cũng không khả dụng.
Ngay khi vừa qua khỏi một tán rừng tràm nhỏ, chúng mình đã bắt đầu nghe tiếng nước suối chảy róc rách giữa rừng. Qua vài mỏm đá to, Đập Hàn xuất hiện với vẻ hoang sơ tuyệt đẹp. Bao quanh đập là rừng cây rậm rạp và đa dạng động thực vật như chim, khỉ… Hít thở một luồng không khí trong lành, ngâm chân vào làn nước mát lạnh chắc chắn là những trải nghiệm bạn nên thử khi đến Đập Hàn.
Đây là chú khỉ không sợ con người ở Đập Hàn
Tháp Nhạn xây dựng khoảng thế kỷ 12, thờ tiên nữ Thiên Y A Na. Theo truyền thuyết, tiên nữ Thiên Y A Na đã xuống trần chỉ dạy người Chăm Pa cấy cày, dệt vải. Thế nên, người dân đã xây dựng Tháp Nhạn để tưởng nhớ công ơn của vị tiên nữ này. Về tên gọi của tháp, theo người dân nói rằng, do có rất nhiều chim nhạn bay tới đây sinh sống nên từ đó ngọn tháp cũng được đặt theo tên của loài chim này.
Một điểm thú vì về ngọn tháp cao 25m này đó chính là vật liệu để xây dựng tháp được làm bằng gạch nung xếp khin khít nhau và hoàn toàn không có chất kết dính như xi măng. Công trình này khiến mình nhớ đến Angkor Wat – một di sản thế giới nổi tiếng cũng được xây dựng như thế này và càng khâm phục hơn tài năng của người dân Chăm Pa thời xưa khi họ cũng có thể làm được những công trình đầy giá trị như Tháp Nhạn.
Tháp Nhạn nổi bật giữa mây trời
Bên cạnh Mũi Đôi (Khánh Hòa) thì Mũi Điện hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh (thuộc xã Hòa Tâm, H.Đông Hòa, Phú Yên) cũng là một trong những nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở Việt Nam. Vào mùa hè vừa rồi, mình đã có dịp tham quan nơi đặc biệt này cùng với những người bạn. Mặc dù không thể đi vào sáng sớm để đón bình minh do thời tiết hôm trước là áp thấp nhưng chúng mình đã có những khoảnh khắc rất đẹp tại nơi đây.
Đầu tiên, chúng mình đi theo quốc lộ 1A để đến cảng Vũng Rô rồi từ đó chạy một đoạn vài km nữa để ra Mũi Đại Lãnh. Cung đường ấy rất đẹp, xung quanh được phủ xanh mướt bởi cây cối. Lâu lâu, chúng mình còn bắt gặp những chú bò tung tăng dạo bước trên đường. Để thăm thú cảnh đẹp nơi đây, bạn cần mua vé ở cổng (tầm 20.000VND/người) và leo rất nhiều bậc thang để tới nơi. Nhưng hãy tin mình đi, bạn sẽ không thất vọng khi bỏ sức leo đâu vì cảnh ở Mũi Điện “siêu ảo”. Bạn sẽ được chứng kiến nơi giao thoa giữa đất, trời, biển, song, mây, gió một cách tuyệt hảo nhất.
Bãi Môn vào một sáng không có nhiều nắng
Cực Đông thứ hai mà mình có cơ hội đến
Đây là một góc mình đã chụp tại Hải Đăng Mũi Đại Lãnh
Dù không phải là một fan của phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, nhưng mình đã nghe rất nhiều bình luận du lịch về địa điểm này. Nay được đến tận nơi, mình đã nhận ra rằng: nơi đây đẹp thật các bạn ơi nhưng nó không giống như những gì chúng ta thấy trên phim. Khung cảnh rất thoáng với một bãi đất trống, một ít cây bụi gai như xương rồng mọc thành cụm và không có hoa vàng nhiều. Mặc dù hơi khác so với kỳ vọng của mình, nhưng bù lại nơi đây bao quanh bởi biển xanh, cát vàng rất đẹp.
Mình thấy xương rồng trên cỏ xanh
Bãi cỏ đã xơ xát vì có rất nhiều du khách đến đây
Tháp Nghinh Phong, biểu tượng mới của Phú Yên. Tọa lạc trên cung đường ven biển tuyệt đẹp của thành phố Tuy Hòa, Tháp Nghinh Phong sừng sững hiện ra với kiến trúc rất độc đáo. Lấy cảm hứng từ Gành Đá Đĩa và câu chuyện truyền thuyết “Con rồng cháu tiên” của dân tộc ta. Ngoài chiều cao 35m ấn tượng, công trình kiến trúc này còn trở nên lung linh hơn vào mỗi tối khi rất nhiều ánh đèn rực rỡ được thắp lên. Mình còn nghe nói, điểm đặc biệt của Tháp Nghinh Phong còn nằm ở khoảng cách giữa hai phần cột tháp khi có gió biển thổi vào sẽ cho ra một bản hòa tấu của biển khơi rất lạ tay. Mình hy vọng lần ghé Phú Yên tới, mình có thể lắng nghe âm thanh của biển tại Tháp Nghinh Phong.
Khi Tháp Nghinh Phong lên đèn
Hơn 10 năm về trước, Ghềnh Đá Đĩa đối với mình chỉ là hình ảnh mờ phai trên trang sách giáo khoa cũ. Đến hiện tại, hình ảnh sống động về những tảng đá tổ ong được mẹ thiên nhiên nhào nặn hoàn hảo đến kỳ lạ đã in đậm trong tâm trí mình. Khi ngồi trên những tảng đá, bạn sẽ lắng nghe tiếng vỗ về của biển cả với tiếng ríu rít của gió. Lúc này, mình cảm giác mình như một vị khán giả trong buổi trình diễn đặc biệt của sóng, gió và đá.
Ghềnh Đá Đĩa là một kiệt tác mà chúng ta cần phải bảo vệ cho tương lai
Cùng trong khu du lịch Ghềnh Đá Đĩa, bạn có thể dạo quanh khu chơi đàn đá để thử tài âm nhạc. Mình rất thích hoạt động này vì những hòn đá ngẫu nhiên cũng phát ra âm thanh rất hay. Loanh quanh khu âm nhạc một lúc, mình đã khám phá ra một điểm sống ảo rất đẹp gần đó và ít khách du lịch hơn Ghềnh Đá Đĩa. Đó là một khu vực du lịch không ai chăm sóc, nhưng khung cảnh rất tự nhiên. Từ trên chiếc cầu tiểu cảnh, phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ thấy một bờ biển đẹp với vô số các bãi đá nhiều hình dạng vươn mình trên đại dương trong xanh.
Đã đến Ghềnh Đá Đĩa thì đừng bỏ qua đàn đá, bạn nhé!
Hít một hơi thật sâu trước vẻ đẹp tinh khiết của vùng biển này
Dù chuyến đi đã kết thúc rất lâu, nhưng hình ảnh về những chùm ánh sáng rực rỡ của Tháp Nghinh Phong, mặt biển xanh ngọc bích, các con sóng lăn tăn chạy trên bờ cát trắng trải dài hay một Tháp Nhạn nổi bật giữa trời xanh… vẫn còn đọng lại trong tâm trí của mình cho đến hiện tại. Đi mới thấy Phú Yên là một nơi đặc biệt, nơi có đủ sông, biển, cao nguyên, đồng bằng, suối, núi cao. Hẹn gặp Phú Yên vào lần sau ở cao nguyên Vân Hòa nhé!
Để có nhiều thông tin nhất cho chuyến đi Phú Yên sắp tới, bạn có thể tham khảo đa dạng bài viết tất tần tật về du lịch Phú Yên trên Traveloka bạn nhé!
Tác giả: Phạm Thị Mỹ Anh
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal