Từ thị trấn Nyaung shawe, Myanmar ngoài việc đi thăm hồ Inle và các làng nổi trên hồ còn một điểm đến thú vị khác mà chúng tôi không thể bỏ lỡ. Đó là thưởng thức rượu vang và ngắm cảnh mặt trời lặn tại Red Mountain hay còn gọi là núi Đỏ. Đây là nơi sản xuất rượu vang trứ danh của Myanmar.
Đồi rượu vang trứ danh xanh mướt những luống nho…
Chúng tôi thong thả đạp xe trên con đường thơ mộng từ thị trấn Nyaung shawe lên đồi. Thật bất ngờ khi hiện ra trước mắt là màu xanh ngút ngàn của những giàn nho. Khi chạy xe lướt qua khu vực trồng nho, thoạt nhìn tôi đã liên tưởng ngay đến cánh đồng nho ở Tuscany, Italia hay Bordeaux, Pháp. Những chùm nho trĩu quả căng mọng, hàng cây nho dài ngút tầm mắt được cắt tỉa gọn gàng và làm sạch cỏ, sắc xanh ánh lên trong nắng hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
…Đi mãi vẫn là màu xanh tươi mát.
Nổi bật trên đỉnh đồi là ngôi nhà màu đỏ trên nền trời xanh rất lãng mạn.Từ đây có thể ngắm bao quát cả thị trấn, thấy mặt hồ Inle xa xăm phẳng lặng. Xa hơn nữa là những rặng núi trùng điệp mờ xanh. Toàn cảnh ngọn đồi đẹp lộng lẫy trong ánh nắng chiều ngọt như mật ong.
Cây nho ưa khí hậu khô, ưa sáng, được nhập giống chủ yếu từ Pháp, Tây Ban Nha, Israel.
Núi Đỏ cách trung tâm thị trấn Nyaung shawe khoảng 7km, nằm trên cao nguyên Shan ở độ cao khoảng 1000m so với mực nước biển. Cây nho có thể trồng ở đất đồi sỏi hay đất thịt, tuy nhiên muốn cho những quả có chất lượng tốt nhất, sai trái nhất thì đất phải có những đặc tính dễ thoát nước đi kèm với độ tơi xốp cao, giàu dinh dưỡng hoặc đất phù sa ven sông. Tùy đặc thù về đất mà người ta chọn giống nho cho phù hợp, ví dụ như đất sỏi cát phù hợp cho Cabernet Sauvignon, đất sét có pha lớp cát sỏi phù hợp với Merlot.
Rượu vang ở Red Mountain phục vụ du khách nhâm nhi ngắm mặt trời lặn trên đồi.
Do ngày nắng và đêm lạnh nên vùng này có khí hậu và nhiệt độ lý tưởng để trồng nho. Cùng với đặc thù về đất, cây nho ưa khí hậu khô, ưa sáng. Thời gian sáng càng nhiều càng thúc đẩy quá trình ra hoa kết trái. Cây nho cần nhiều nước để sinh trưởng nhưng không chịu được ngập úng. Leiendecker và Morsbach là hai người đầu tiên đưa nghề làm rượu vang tới đây đã trải qua rất nhiều thử nghiệm khi tiến hành trồng nho và sản xuất rượu. Đây là một sản phẩm mới, trải nghiệm mới khi đến Myanmar bởi vì rượu vang là sản phẩm ít được nghĩ tới khi đến Myanmar. Nho ở đây được nhập giống chủ yếu từ Pháp, Tây Ban Nha, Israel và được trồng tới khoảng mấy trăm nghìn gốc để phục vụ việc sản xuất rượu vang. Mùa thu hoạch nho cao điểm diễn ra vào tháng 2 và 3. Với số lượng thu hoạch khổng lồ đã cho xuất xưởng hơn 10 loại rượu vang, chủ yếu là vang đỏ.
Ngắm hoàng hôn buông trên Đồi rượu vang.
Không chỉ tham quan vườn nho thỏa thích. Du khách còn được tận mắt theo dõi quá trình chế biến rượu nho trong nhà máy và thăm quan hầm rượu vang. Quá trình ủ và chế biến rượu được chuyên gia người Pháp thực hiện với kỹ thuật cao. Có một loại rượu đặc biệt được lên men trong bể ở nhiệt độ thấp với loại nho Syrah để cho ra thứ rượu vang có màu hồng cá hồi hấp dẫn. Rượu vang từ đây tỏa đi khắp các điểm du lịch nổi tiếng của Myanmar để tiếp tục làm say lòng du khách. Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, rượu vang được sản xuất ở đây đang được các chuyên gia rượu vang trên thế giới đánh giá rất cao và bắt đầu được xuất khẩu.
Ngồi dưới tán cây cổ thụ trong nắng chiều, những nhóm du khách vừa nhấm nháp tận hưởng từng ngụm rượu vang vừa nghe nhạc thư thái. Trong không gian này thật dễ dàng buông lỏng mình để chếnh choáng bởi men bởi nắng hay bởi khung cảnh hoàng hôn quá đỗi ngọt ngào.
Dưới tán cây cổ thụ, nắng chiều lấp lánh qua kẽ lá, chúng tôi ngồi uống vang ngắm toàn cảnh thị trấn Nyaung shawe.
Nắng chiều dần buông lấp lánh qua kẽ lá, những lá nho rung rinh khi có cơn gió thoảng qua cùng những gương mặt trẻ trung háo hức, tất cả tạo nên một bức tranh sinh động rực rỡ dưới nắng. Khoảnh khắc ấy thời gian như ngưng đọng và lòng chúng tôi ngập tràn hạnh phúc. Tôi phóng tầm mắt ngắm nhìn cánh đồng nho bát ngát, xa hơn nữa là những ruộng mía đang thu hoạch trong không gian yên tĩnh và không khí trong lành, thật là những trải nghiệm khó quên. Đây quả là một điểm đến thú vị không thể bỏ qua khi bạn ghé Inle.
Pyin Oo Lwin hay còn gọi là Pyin U Lwin là một thành phố cao nguyên xinh đẹp nằm ở vùng Mandalay của Myanmar. Pyin Oo Lwin là phần cuối của cao nguyên Shan trên đất Myanmar. Đây là một cao nguyên xinh đẹp có độ cao trên 1000m so với mực nước biển.
Cao nguyên Pyin Oo Lwin xinh đẹp ở độ cao trên 1000m so với mực nước biển.
Từ Inle có 2 đường để tới được Pyin Oo Lwin là qua tuyến đường 41 dài khoảng 300km hoặc qua Mandalay sau đó đi tiếp về phía đông với tổng chiều dài khoảng 385km. Đường này tuy dài hơn nhưng đây là tuyến đường được số đông khách du lịch lựa chọn. Nơi đây xuất phát như là một tiền đồn quân sự được lập gần một làng nhỏ của người Shan với vài chục hộ gia đình nằm giữa Nawnghkio và Mandalay trên đường mòn Lashio – Mandalay.
Pyin Oo Lwin trở thành nơi tập trung rất đông người Anh về lưu trú và làm việc để thoát khỏi cái nóng của mùa hè.
Do đặc điểm khí hậu tại đây rất mát mẻ ôn hòa quanh năm, Pyin Oo Lwin trở thành nơi tập trung rất đông người Anh về lưu trú và làm việc để thoát khỏi cái nóng của mùa hè với nhiệt độ và độ ẩm cao của Yangon.
Pyin Oo Lwin không chỉ là thành phố xinh đẹp mà còn được ghi nhận là một trong bốn trung tâm kinh tế lớn của Myanmar.
Trong suốt thời kỳ cai trị của Anh và suốt những năm 1970, có rất nhiều người Anh đã chuyển tới đây sinh sống, dân số của thành phố trong thời cai trị của anh vào khoảng 18.000 người. Hiện nay Pyin Oo Lwin có một cộng đồng cư dân Á Âu rất đông đảo bao gồm chủ yếu là người Anh – Myanmar, người Hoa và các dân tộc khác của Myanmar như Kachin, Shan, Bamars…
Pyin Oo Lwin có một cộng đồng cư dân Á u rất đông đảo bao gồm chủ yếu là người Anh – Myanmar, người Hoa và các dân tộc khác của Myanmar.
Ở thời thuộc địa, nơi đây là một trung tâm giáo dục quan trọng với sự tập trung nhiều trường trung học giảng dạy bằng tiếng Anh. Rất nhiều con cái của những người Anh định cư tại đây đang theo học. Ngoài ra con cái của các nhà quản lý thuộc địa trên khắp Myanmar cũng được gửi theo học tại đây. Các trẻ em thuộc các gia đình ở Myanmar thuộc các quốc gia khác ở Châu âu hay các gia đình Anh-Myanmar đều được theo học tại các trường này.
Pyin Oo Lwin có nét kiến trúc cổ kính và những cỗ xe ngựa đầy hoài niệm.
Pyin Oo Lwin được ghi nhận là một trong bốn trung tâm kinh tế lớn của Myanmar. Đây cũng là trung tâm sản xuất nhiều mặt hàng nông sản như: trung tâm trồng và thâm canh hoa cúc, hoa cúc tây, hoa lay ơn. Hoa được xuất đi khắp các vùng của Myanmar với số lượng lớn quanh năm.
Ở Pyin Oo Lwin hiện nay vẫn còn rất nhiều dấu tích mang dáng dấp kiểu Anh xưa.
Pyin Oo Lwin là trung tâm của ngành cà phê Myanmar đang có tốc độ phát triển nhanh. Đây cũng là trung tâm của nghề dâu tằm với hầu hết các công đoạn như nuôi tằm , nghiên cứu trồng và thu hoạch cây dâu, quay tơ từ dâu tằm và kén. Có một trung tâm nghiên cứu lớn về cây thuốc bản địa của Myanmar và có một số cơ sở sản xuất thuốc tại đây. Ở độ cao lý tưởng với thời tiết mát mẻ trong lành quanh năm và những cánh rừng hoang sơ, Pyin Oo Lwin được xây dựng theo xu hướng “thành phố hoa của Asean“ với bạt ngàn các loại hoa ở khắp nơi tạo nên một cảnh quan rất thu hút.
Những khu biệt thự rộng lớn với sân vườn xung quanh mang đặc trưng kiến trúc Anh cổ kính.
Ở Pyin Oo Lwin hiện nay vẫn còn rất nhiều dấu tích mang dáng dấp kiểu Anh xưa kia như những xe ngựa kéo, các tòa nhà ngoài đường phố. Nổi bật nhất là những khu biệt thự rộng nhiều ngàn mét vuông với sân vườn xung quanh với đặc thù kiến trúc Anh cổ kính mang vẻ đẹp đầy hoài niệm.
Cách trung tâm Pyin Oo Lwin khoảng 4km là vườn thực vật quốc gia Kandawgyi mang một màu xanh mướt vô cùng đẹp mắt với hệ thực vật phong phú.
Khung cảnh nên thơ ở vườn thực vật quốc gia Kandawgyi.
Vườn thực vật quốc gia Kandawgyi được xây dựng từ năm 1924. Vườn rất nổi tiếng và là địa điểm lý tưởng cho các du khách cũng như người dân địa phương đến nghỉ ngơi, thư giãn, và hít thở bầu không khí trong lành.
Vườn thực vật quốc gia Kandawgyi với bạt ngàn các loại hoa khoe sắc vô cùng thu hút.
Vườn còn có các khu vực trồng phong lan hay nuôi côn trùng… Vườn mở cửa từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, giá vé vào cổng đối với du khách nước ngoài là 5 USD.
Hồ nước buổi sáng tuyệt đẹp với cây xanh và trời mây in bóng.
Tới đây vào buổi sáng sớm ngay khi vườn mới mở cửa, bạn sẽ thấy những hồ nước rộng lớn được phủ lên một màn hơi nước bốc lên từ mặt hồ màu sáng bạc, dần dần được nhuộm hồng khi những tia nắng đầu tiên chiếu vào.
Vườn là nơi du khách và người dân địa phương đến nghỉ ngơi thư giãn và hít thở bầu không khí trong lành.
Những con thiên nga lững lờ bơi trên mặt nước trong không gian tĩnh lặng, các lối đi rộng rải đầy hoa hai bên đường. Những con đường nhỏ chạy hun hút với hàng cây um tùm, ánh sáng chiếu qua kẽ lá như lạc vào xứ sở thần tiên.
Thiên nga bơi trên hồ khiến khung cảnh thêm vẻ thần tiên quyến rũ.
Myanmar đi mãi không chán là có thật. Lần nào đến với đất nước chùa vàng với nền văn hóa đa dạng cùng những cảnh đẹp thiên nhiên hiền hòa lãng mạn chúng tôi cũng đều bị cuốn hút say sưa. Hành trình đến với đồi rượu vang Red Mountain cùng với vườn thực vật quốc gia Kandawgyi lại thêm vào bề dày trải nghiệm tại Myanmar để tôi thêm yêu mến đất nước xinh đẹp này.
Tác giả: Phùng Thu Hiền
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Goglobal
Traveloka Goglobal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp thế giới, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những địa điểm du lịch mới lạ trên khắp thế giới đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 1.200.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/goglobal