Nepal - Quốc gia Phật giáo được biết đến là nơi sinh của Đức Phật vườn Lumbini, hay ngọn núi cao nhất thế giới – Everest cùng với vô vàn địa điểm xinh đẹp khác… Tuy nhiên hôm nay, mình sẽ đưa các bạn đi khám phá thủ đô Kathmandu, thành phố độc đáo với các tín đồ Đạo Phật và Hindu giáo, một trong những điểm hành hương lý tưởng nhé!
Nepal hung vĩ
Đất nước Nepal nằm tại lục địa Nam Á, có dân số khoảng 30 triệu người và là lãnh thổ lớn thứ 93 trên thế giới. Nepal có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc về phía Bắc và Ấn Độ về phía Đông. Nepal là quốc gia rất đa dạng về địa lý, có các đồng bằng phì nhiêu, các đồi rừng cận núi cao, và có 8 trong 10 ngọn núi cao nhất thế giới, trong đó có núi Everest. Kathmandu - thành phố lớn nhất của Nepal đồng thời cũng là thủ đô một quốc gia đa dân tộc, tiếng Nepal là ngôn ngữ chính thức.
Kathmandu là thủ đô nằm ở miền trung của Nepal. Thành phố này tọa lạc tại một vùng đất thấp của thung lũng Nepal, nằm ở phía nam dãy Himalayas, có độ cao khoảng 1220m, gần đoạn hợp lưu của sông Vishnumati và sông Bghmati. Kathmandu được dân tộc Newar cai trị trong hàng trăm năm và được thành lập năm 1723. Triều Shar đã chiếm đóng Kathmandu vào năm 1768 và nó trở thành kinh đô của họ. Sau đó, dòng họ Rân đã cai trị Nepal từ Kathmandu trong những năm 1846 đến 1951. Thành phố Kathmandu là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế và là thành phố lớn nhất của đất nước Phật Giáo này.
Thủ đô Kathmandu nhìn từ trên cao
Kathmandu được gọi là thành phố bộ ba bởi vì ngoài Kathmandu còn có hai thành phố khác là Patan và Bhaktapur, viết tắt là KTM. Thủ đô được bao quanh bở 4 ngọn núi lớn là Chandragiri, Shivapuri, Phluchowki, Nagarjun. Phong cảnh ở đây vô cùng hùng vĩ, tráng lệ với hệ sinh thái cân bằng cùng khí hậu mát mẻ do có 8 con sông chảy qua. Nhiệt độ ở Kathmandu khá ổn định, dao động từ 28 đến 30 độ C vào mùa hè và nhiệt độ trung bình 10 độ C vào mùa đông.
Một góc phố tại thủ đô Kathmandu
Để du lịch tới Nepal thì không thể thiếu được visa đối với công dân Việt Nam. Tuy nhiên visa của Nepal là visa on arrival (tức là xin visa tại sân bay đến).
Lưu ý: Khi xin visa thì hộ chiếu phải còn thời hạn ít nhất 6 tháng.
Do có nhiều sự đa dạng về địa hình, thời tiết của Nepal có thể khác nhau giữa các huyện, thành phố. Càng lên cao nhiệt độ và lượng mưa sẽ càng giảm. Phía Sa mạc Tây Tạng nhiệt độ không thay đổi giữa các năm và hầu như không có mưa
Thời điểm của mùa khô bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4, đây là thời điểm tốt nhất để các bạn đi tới Kathmandu khi mà những bụi cây xanh rờn hay những khóm hoa đang trong thời gian rạng rỡ nhất.
Đối với các bạn đam mê bộ môn trượt tuyết thì thời gian tốt nhất là trong tháng 12 và tháng 1, bầu trời xanh ngắt, thời tiết khô ráo. Các bạn hãy nhớ mang theo túi ngủ ấm và chuẩn bị tốt mọi thứ nhé.
Thời gian còn lại trong năm khá bất tiện cho các bạn đi du lịch, tháng 5 và đầu tháng 6 nhiệt độ thường quá nóng và bụi, gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9 che lấp các ngọn núi khiến nó chìm trong mây và biến những con đường thành bùn đất. Lựa chọn đi máy bay là cách tiếp cận đơn giản nhất để đến các khu vực này tại thời điểm trong năm.
Hiện nay từ Việt Nam không có đường bay thẳng tới Nepal, vì vậy lựa chọn phổ biến nhất là transit ở sân bay Changi Singapore, Bangkok Thái Lan hoặc sân bay KILA của Malaysia. Dưới đây là một số đường bay các bạn có thể tham khảo.
+ Từ Bangkok (Thái Lan) : Nepal Airlines, Thai Airways…
+ Từ Kuala Lumpur (Malaysia): Malaysia Airlines, AirAsia X, Malindo Air, Nepal Airlines.
+ Từ Singapore: Singapore Airlines.
Sân bay quốc tế tại Nepal
Khu phố Thamel là trái tim cũng như là một khu du lịch của Kathmandu. Khu phố này là biểu tượng cổ kính của Nepal nằm lọt thỏm trong lòng thủ đô hiện đại. Địa điểm này vẫn giữ được cảm giác như một thế giới cổ với những hàng cờ cầu nguyện, những chiếc xích lô ven đường.
Khu phố nhỏ dài tập trung đầy đủ dịch vụ
Các công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê, quán bar cùng cửa hàng đồ lưu niệm đều tập trung trên con phố nhỏ hep này. Các cửa hàng tràn ngập đồ trang sức, quần áo, đồ chạm khắc, tượng đồng… Lưu ý là các bạn hãy trả giá khi mua đồ ở đây nhé.
Hàng quán lưu niệm tại Themal
Những chiếc xích lô ven đường
Thamel vừa là cửa ngõ cũng vừa là địa điểm không thể bỏ qua khi tới Kathamandu. Từ đây, các bạn có thể dễ dàng đi bộ tới nhiều điểm tham quan chính của thành phố này.
Nằm cách trung tâm du lịch Thamel nổi tiếng ở Kathmandu chỉ một đoạn đi bộ ngắn, Quảng trường Kathmandu Durbar, còn được gọi là “Quảng trường Basantapur Durbar” hay “Quảng trường Hanuman Dhoka Durbar”. Đây là một trong những địa điểm nổi tiếng được ghé thăm nhiều nhất của thủ đô Kathmandu. Quảng trường này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1979. Tầm quan trọng về mặt lịch sử, kiến trúc Newari xinh đẹp và các khu chợ sôi động khiến nơi đây trở thành một địa điểm hấp dẫn để tham quan.
Quảng trường này đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới
Với Quảng trường Patan Durbar và Quảng trường Bhaktapur Durbar, Quảng trường Kathmandu Durbar là một trong ba Quảng trường Durbar (“Durbar” có nghĩa là cung điện trong tiếng Nepal) bên trong Thung lũng Kathmandu.
Hầu hết các trung tâm văn hóa của Nepal đều tập trung xung quanh thung lũng Kathmandu. Cái tên Hanuman-dhoka Durbar bắt nguồn từ bức tượng Hanuman do Vua Pratap Malla dựng lên ở lối vào của cung điện hoàng gia vào năm 1672 sau Công nguyên, dinh thự được xây dựng bởi Vua Prithvi Narayan shah vào năm 1770, được gọi là Basantapur Durbar. Toàn bộ khu phức hợp còn được gọi là Quảng trường Kathmandu Durbar. Nằm tại vị trí trung tâm của thành phố cổ kính, nó được bao quanh bởi cả đền thờ Hindu và Phật giáo. Chúng được xây dựng theo phong cách chùa chiền với ngoại thất được chạm khắc tinh xảo cũng như các tòa nhà chúng ta thấy ở đây đều có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Quảng trường Durbar nổi tiếng với những ngôi đền, cung điện lâu đời, cũng là hình ảnh thu nhỏ của đời sống tôn giáo và văn hóa của người dân nơi đây.
Quảng trường Hanuman Dhoka Durbar
Những địa điểm thú vị mà các bạn nên xem ở đây là "Kumari (Nữ thần sống) Gar" "Kastha Mandap" Maru Ganesh, Đền Bhagwati, Cung điện cũ, Đền Saraswoti, Đền Mahadev, Đền Shiva Parvati, Đền Hình tam giác Krishna, Trống lớn…
Người dân tại Durbar
Quảng trường Durbar được hình thành từ hai khu vực phụ. Khu phức hợp bên ngoài nổi tiếng với nhiều ngôi đền như Kumari Ghar, Kasthamandap, Shiv-Parbati Temple, Jagannath Temple, Big Bell… trong khi khu phức hợp bên trong bao gồm khu vực cung điện cũ, Hanuman-dhoka và Nasal Choke, Mul Choke, Sundari Choke, Basantapur Durbar.
Dấu ấn đặc trưng tại Durbar
Bên cạnh những ngôi đền và đền thờ tráng lệ, Quảng trường này còn có nhiều hoạt động thú vị khác như là lễ hội, hoạt động văn hóa và truyền thống. Các lễ hội lớn bao gồm Indrajatra, Dashain, Gaaijatra, Machchhindra-nath jatra. Đây là dịp người dân từ khắp nơi trong thành phố tập trung về để ghi dấu ấn truyền thống lâu đời hàng thế kỷ của mình.
Khi tới Kathmandu có một địa điểm mà các bạn không thể bỏ qua chính là Boudhanath temple. Đây là Bảo tháp lớn nhất ở phía đông của thành phố, nơi có vẻ ngoài lộng lẫy, là trung tâm Phật Giáo linh thiêng.
Toàn cảnh Boudhanath
Boudhanath là trung tâm phật giáo linh thiêng
Boudhanath cũng là một địa điểm đã được UNESCO công nhận và là bảo tháp hình cầu lớn nhất còn tồn tại ở Nepal. Một trận động đất lớn năm 2015 đã làm hư hại nặng nề Boudhanath, tuy nhiên với nhiều nỗ lực từ Chính quyền mà Boudhanath đã được nhanh chóng khôi phục cấu trúc về tầm vóc.
Đôi mắt biểu tượng của Phật giáo
Bảo tháp là một trong những tuyến đường cổ đại cực kỳ quan trọng giữa Ấn Độ và Tây Tạng. Vào những năm 1950, nhiều người Tây Tạng đã chạy trốn khỏi đất nước, rất nhiều người đã lựa chọn đi theo con đường đó và tìm đến ngôi nhà gần với thánh địa này. Boudhanath có tầm rất quan trọng khi được cho là nơi chôn cất Đức Phật Kassapa, vị Phật thứ 27 trong 29 vị Phật.
Tọa lạc trên một ngọn đồi hình nón và cổ kính, Bảo Tháp Vàng Swayambhunath là nơi bí ẩn nhất trong các đền thờ tại Kathmandu. Từ cách xa nhiều dặm hoặc từ thung lũng phía bên cạnh, mình cũng có thể nhìn thấy bảo tháp vàng lấp lánh với mái vòm trắng.
Bảo tháp vàng lấp lánh
Có một bằng chứng từ việc ghi chép lịch sử được khắc trên đá cho thấy bảo tháp này là một địa điểm hành hương rất quan trọng từ thế kỷ thứ 5 SCN của các tín đồ Phật Giáo. Swayambhunath có nguồn gốc xuất hiện từ sớm. Đức tăng Swayambhu Purana có kể rằng ngày xưa có một loại hoa sen được trồng bởi một vị Đức Phật vào thế kỷ 15 và sau đó loài hoa này nở rộ, bao phủ khắp thung lũng Kathmandu. Từ đó người dân đã đặt tên cho hồ nước là Swayambhu có nghĩa là “Sự tồn tại” vì hoa sen phát ra ánh sáng rất bí ẩn. Nhiều vị tang và các nhà hiền triết của Phật Giáo đã tới đây nhờ vào ánh sáng của hoa sen để giác ngộ trên con đường tu đạo của mình.
Đôi mắt trên mỗi góc của Tháp
Bảo Tháp Swayambhunath có nhiều khu vực thờ các tôn giáo khác nhau như thờ Đạo Hindu, Đạo Phật Newari của miền Trung và NamNepal hay Đạo Phật Kim Cương Thừa của Tây Tạng và miền bắc Nepal. Hàng trăm khách du lịch đến hành hương vào mỗi buổi sáng trước bình minh và sẽ vượt qua 365 bậc thang để đi lên. Họ sẽ phải vượt qua cổng sư tử, thần Vajra và sau đó đi theo ngược chiều kim đồng hồ quanh ngọn tháp.
Toàn cảnh Bảo tháp
Có một đôi mắt lớn trên mỗi bốn mặt của ngọn tháp chính, biểu tượng của Phật Giáo. Trên mỗi đôi mắt là con mắt thứ ba, một biểu tượng cho sự khôn ngoan của nhà Phật. Trên ngọn tháp không có mũi và tai, cho thấy rằng chỉ có một con đường duy nhất để giác ngộ, đó là tu dưỡng.
Monkey Temple
Xung quanh bảo tháp có nhiều hình vẽ các vị Thần và nhiều nhân vật thờ cúng được xây dựng. Sự hiện diện của những ngôi đền thờ tượng trưng cho sự dung hòa giữ các vị thần của đạo Hindu và Đạo Phật trong xu hướng phát triển tôn giáo mới của Nepal hiện nay.
Khu vực Chợ Asan là một trong những khu vực cổ kính nhất của Kathmandu. Nó nằm ở ngã tư của các tuyến đường thương mại quan trọng qua dãy Himalaya trong nhiều thế kỷ và vẫn là một khu vực sầm uất, thịnh vượng, hấp dẫn về văn hóa của thành phố. Khi tới đây, mình rất thích đi thăm các khu chợ địa phương. Asan là một trong những khu chợ nổi tiếng nhất ở Kathmandu. Có đầy đủ mọi thứ ở khu chợ này. Cửa hàng yêu thích của mình là những cửa hàng bán gia vị, vì mình rất thích nấu ăn và đây cũng là món quà lưu niệm hoàn hảo để mang về làm quà.
Một góc phố khu chợ Asan
Kathmandu thực sự là một điểm đến không thể bỏ qua đối với những tín đồ đam mê du lịch, đặc biệt là với những người yêu Phật Giáo. Hãy cùng đến thủ đô xinh đẹp này và trải nghiệm những điều tuyệt vời đang chờ đợi các bạn ở phía trước nhé!
Tác giả: Trần Thị Như Quỳnh
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Goglobal
Traveloka Goglobal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp thế giới, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá những địa điểm du lịch mới lạ trên khắp thế giới đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 1.200.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/goglobal