0

Một vòng khám phá Hồ Gươm - trái tim của thủ đô Hà Nội

Hà Nội có lẽ không còn xa lạ đối với bất cứ ai, trái tim của Việt Nam, một thành phố cổ kính với lịch sử hơn 1000 năm. Thành phố này nổi tiếng với những chiếc hồ rộng lớn tuyệt đẹp như Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm… Trong số đó không thể không nhắc đến hồ Gươm (hồ Hoàn Kiếm) nằm giữa trung tâm thủ đô, có giá trị lịch sử to lớn cũng như là địa điểm không thể bỏ qua đối với những ai khi đến với Hà Nội.

Hồ đã xuất hiện từ rất lâu, trước khi mang tên chính thức là Hoàn Kiếm, hồ đã từng có rất nhiều tên gọi gắn liền với mỗi câu chuyện khác nhau như hồ Lục Thủy hay hồ Thủy quân.

Vào đầu thế kỷ 15, tên gọi Hoàn Kiếm chính thức xuất hiện gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả lại gươm báu cho thần Rùa sau khi ông mượn gươm để chiến đấu đánh tan giặc nhà Minh. Sau đó, ông chính thức lên làm vua và gây dựng nên một triều đại nhà Lê thịnh vượng.

Tương truyền rằng khi vua Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống lại giặc Minh, ông đã tình cờ nhặt được thanh gươm Thuận Thiên và nhờ có thanh gươm này mà ông thắng trận liên tiếp, lên ngôi vua vào năm 1428.

Khoảng cuối thế kỉ 16, chúa Trịnh cho ngăn hồ thành hai phần tả - hữu, sau đó lấy tên là Vọng. Đến năm 1884, hồ Hữu Vọng bị thực dân Pháp lấp đầy để mở rộng thủ đô, còn hồ Tả Vọng được giữ lại chính là hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) ngày nay.

Hồ Gươm

Khung cảnh bên hồ

1. Nghe chuyện trên Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn

Gần một ngàn năm trước, những quần thể di tích này còn nằm trên một cồn cát hoang sơ của khúc sông Nhị Hà (sông Hồng). Sang đời Trần, trên cồn cát ấy có ngôi đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc chiến chống giặc Nguyên – Mông. Nhưng trải qua biến cố binh lửa, đền bị đổ nát. Mãi đến thời chúa Trịnh Giang, đã dựng cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc làm nơi vui chơi, tiêu khiển. Năm 1786, cung Khánh Thụy bị Lê Chiêu Thống đốt. Những kẻ sĩ đất Bắc lại tìm về nền đất bị tàn phá, gây dựng lên những lâu đài văn hóa.

Hồ Gươm

Cổng dẫn vào đền Ngọc Sơn

Theo sử sách: một vị tư nhân tên Tín Trai đã cho dựng một ngôi đền nhỏ trên nền cung Khánh Thụy, sau thêm ban thờ Trần Hưng Đạo. Đền có thêm ban thờ Văn Xương đế quân, sau còn có thêm ban thờ Lã Tể, một vị có tài tìm thuốc chữa bệnh. Tới năm 1843, ngôi đền mới có tên chính thức là đền Ngọc Sơn.

Hồ Gươm

Trên cầu Thê Húc được sơn đỏ

Đền Ngọc Sơn có kiến trúc là một dãy nhà hình chữ Tam gồm có tòa tiền bái, chính điện và hậu cung. Quan Công được thờ tại tòa Tiền bái, chính điện thờ Văn Xương đế quân, hậu cung thờ Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, đền còn thờ Phật A DI ĐÀ. Điều này đã thể hiện rõ nét việc tam giáo đồng nguyên của người Việt xa xưa.

Hồ Gươm

Cổng soát vé trước khi vào bên trong đền

Đền Ngọc Sơn có tám mái, hình vuông và mái hai tầng có tám cột chống đỡ. ốn cột bên ngoài đền được làm bằng đá, bốn cột bên trong được làm bằng gỗ. Sự kết hợp hài hòa giữa hai chất liệu đã tạo nên sự độc đáo cho ngôi đền, làm tăng thêm sự tôn nghiêm, cho thấy được cái tài của người thiết kế.

Xung quanh đền còn có một loạt các công trình như cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên. Cầu Thê Húc chính là cây cầu chính đưa du khách vào đền, được sơn đỏ, các phần chân được tạo bằng các trụ lớn trông vô cùng đẹp mắt. Tên của cây cầu có ý nghĩa là “Nơi đón ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm”.

Hồ Gươm

Khung cảnh bên trong

Hồ Gươm

Đền Ngọc Sơn

Hồ Gươm

Tiêu bản cụ Rùa được trưng bày tại đây

Ngôi đền luôn luôn tấp nập khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái. Đây là là nơi nổi tiếng mà các sĩ tử trước mỗi mùa thi thường lui tới. Bất cứ thời điểm nào bạn cũng có thể đến đây, lưu ý là ngày Rằm hoặc mùng một hàng tháng, đền sẽ rất đông do du khách tới chiêm bái.

Thông tin chi tiết:

Giờ mở cửa:

Từ thứ 2 đến thứ 6: 7h - 18h
Thứ 7, Chủ nhật: 7h - 21h

Giá vé:

Sinh viên: 15.000đ/ vé (xuất trình thẻ sinh viên)
Người lớn: 30.000đ/ vé

Gửi xe: 10.000đ/ xe máy (đối diện đền)

Tham quan đình Nam Hương - ngôi đình cổ trăm tuổi

Đình Nam Hương là một ngôi đình cổ được xây dựng vào cuối thời Lê. Tại đây thờ 5 vị thành hoàng gồm 3 vị thần tối cổ Cao Sơn, Linh Lang, Long Đỗ cùng công chúa A Duy nhà Lý và vương công Dương Tu nhà Nguyễn. Hiện nay, ngôi đình nằm ở số 75 phố Hàng Trống, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hồ Gươm

Bên trong đình Nam Hương

Trải qua rất nhiều lần trùng tu, ngôi đền hiện nay vẫn còn giữ kết cấu hình chuôi vồ và mang phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn. Ngôi đình có hai mặt tiền nhìn ra hai hướng, hướng đông nhìn ra Hồ Gươm, bên ngoài là khoảng sân nhỏ có tượng đài vua Lê, nằm trước bức bình phong. Nghi môn tại đình đã bị mất từ lâu, thay vào đó là những cột trụ đắp nổi hình mây, trên đỉnh là hình bốn con chim phượng cúi đầu chạm mỏ vào nhau.

Đình Nam Hương có tường cao vây xung quanh, ban thờ cúng nằm ở tầng gác. Tiền đường gồm có 3 gian, chính giữa có treo bức đại tự chữ Hán “Nam Hương đình” và có một cửa võng lớn trang trí các hình phượng, cúc, tùng…Hậu cung có 1 gian thờ 5 vị thành hoàng. Phía bên ngoài có bày thêm ban thờ tượng Lý Thái Tổ.

Hồ Gươm

Trên gác hai của đình

Hồ Gươm

Ngôi đình tĩnh lặng giữa lòng thủ đô

Tại đình Nam Hương hiện nay vẫn đang lưu giữ 19 đạo sắc của các triều đại vua chúa phong thần cho 5 vị thành hoàng. Sắc phong có niên đại sớm nhất vào năm 1747 - năm Cảnh Hưng thứ 8, muộn nhất vào năm Bảo Đại thứ 10 - 1944. Ngoài ra, ngôi đình còn lưu giữ một số cổ vật quý như long ngai, chóe sứ hay bảng văn chạm kiểu chân quỳ dạ cá quý.

Hồ Gươm

Mặt trước đình Nam Hương

Tại đình Nam Hương còn có những thời gian trưng bày triển lãm xưa như “Cõi Tiên”, tranh Hàng Trống…thời gian cụ thể mỗi triển lãm sẽ được thông báo trên trang chủ của Đình. Đây chính là những dịp cho mỗi chúng ta cùng tìm hiểu về văn hóa lịch sử cũng như trải nghiệm nghệ thuật đặc sắc.

Uống cà phê trứng ngắm Tháp Rùa

Địa chỉ trải nghiệm: Cafe Đinh - 13 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm
Giá: 20.000đ/ cốc

Vào cuối những năm 1980, một quán cà phê trông ra hồ Hoàn Kiếm là địa chỉ mà nhiều sinh viên thường lui tới. Quán nằm trên tầng hai của một căn nhà cũ mặt phố Đinh Tiên Hoàng.

Bước vào quán, một không gian đặc trưng của các căn nhà ở khu phố cổ hiện ra ngay trước mắt. Quán chỉ rộng hơn 20m2, cách trang trí và nội thất rất đơn giản, quầy bar pha chế nhỏ cũ kỹ đến những bộ bàn ghế mộc mạc, mọi thứ ở đây đều phủ lên mình hình ảnh của thời gian.

Hồ Gươm

Menu tại quán

Hồ Gươm

Cốc cafe trứng vẽ hình tháp rùa - biểu tượng của thủ đô

Chủ quán là bà Bích, bà là con gái ruột của cụ Giảng. Hương vị cafe trứng vẫn giữ được linh hồn như những ngày đầu tiên mà cụ Giảng sáng tạo nên nhờ những người như bà Bích. Cafe trứng ở đây được đặt trong một chiếc cốc bé xíu, vừa lòng bàn tay. Cafe mang ra nóng hổi phải uống luôn, bên trên còn được trang trí hình tháp rùa, cảm nhận chút cafe đắng tan trong miệng lẫn giữa vị trứng thơm lừng.

Ghé Hà Nội, các bạn đừng quên ghé Đinh nhé. Cho dù ngày Đông hay Hè, bất cứ mùa nào trong năm, được thưởng thức một ly cafe trứng luôn là điều tuyệt vời nhất.

Khám phá phố sách Đinh Lễ

Phố sách Đinh Lễ bắt nguồn từ một quầy sách nhỏ của bà Phạm Thị Mão - chủ cửa hiệu sách tại số 5 Đinh Lễ. Thời gian đầu, bà chỉ bán ở vỉa hè trên phố. Tới sau này, hàng loạt quầy sách lưu động mở ra nối tiếp nhà sách Mão tại góc phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí. Tới năm 2003, Hà Nội quyết định dẹp phố sách vỉa hè nên các chủ cửa hàng đã chuyển sang thuê dãy nhà nằm dọc trên phố. Hiện nay, phố sách đã có thêm nhiều cái tên quen thuộc như Ngân Nga, Tân Việt, nhà sách Hoa…

Những người yêu sách ở Hà Nội thường nói với nhau rằng, chỉ cần đến với Đinh Lễ, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy thứ mình cần. Từ đó có thể thấy được sự phong phú của đầu sách nơi đây với những hàng giá sách cao ngất và đầy ắp. Sách ở đây đáp ứng đủ nhu cầu của mọi độ tuổi, đối tượng người đọc. Những quyển sách mới ở đây đa số sẽ được giảm 10-20% giá bìa, những quyển sách cũ có thể nhiều hơn. Cũng vì mức giá này mà Đinh Lễ luôn nhộn nhịp, tấp nập kẻ bán người mua.

Hồ Gươm

Bên trong một cửa hàng sách

Ở một nơi trung tâm của thủ đô lại có một không gian vô cùng rộng, chỉ để bày sách khiến cho nhiều người không khỏi bất ngờ. Cơ ngơi đó cho tới nay đã truyền tới 3 đời, không nơi nào khác chính là “Bà Hoàng phố sách” - Nhà sách Mão.

Từ một hàng sách chỉ bán ở vỉa hè của bà Mão ngay bên cạnh bưu điện Hà Nội vào những năm 90, sau 3 năm bà đã tìm mua được một phòng bán sách nằm trên gác 2 tại số 5 phố Đinh Lễ. Cứ như vậy cùng niềm đam mê với sách đã giúp gia đình ba có một bước ngoặt bất ngờ. Bà Mão đã tự mình in nhiều ấn phẩm sách độc quyền, nổi tiếng nhất có lẽ là cuốn “Những nền văn minh thế giới”. Từ đó, bà tích lũy được thêm vốn và mở rộng thêm không gian nhà sách.

Sau khi thành công với cuốn sách nổi tiếng đó, bà đã mở rộng diện tích nhà sách để có một cơ ngơi như ngày hôm nay. Cũng chính sự thành công từ gia đình bà Mão mà nhiều người trên con phố này đã học hỏi và biến nơi đây thành con phố sách nổi tiếng của thủ đô.

Hồ Gươm

Nhà sách Mão

Hồ Hoàn Kiếm - nơi lưu giữ những giá trị lịch sử to lớn của Hà Nội không chỉ có sức hút bởi những nét đẹp vốn có mà còn là nơi hội tụ những địa điểm không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm. Thủ đô đang rộn ràng với mua hoa ban, mùa hoa loa kèn sắp tới, khắp trên các con phố ngập tràn ánh nắng và sắc hoa. Traveloka đang có những ưu đãi rất lớn khi bay tới Hà Nội, các bạn đừng bỏ qua cơ hội và hãy mau đến tham quan thủ đô nhé các bạn ơi!

Tác giả: Trần Thị Như Quỳnh
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal

Tags:
ho-guom
traveloka-goshare
traveloka-golocal
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký