Chỉ cách trung tâm Biên Hòa (Đồng Nai) 3km, cù lao Phố là một vùng ngoại ô với thưa thớt dân cư sinh sống. Ấy vậy mà không phải ai cũng biết, nơi đây từng là một bến cảng quan trọng của Đàng Trong, sánh ngang với những Hà Tiên hay Mỹ Tho.
Nằm biệt lập giữa lòng con sông Đồng Nai, một hòn đảo lớn chia đôi dòng nước làm hai. Vào thế kỷ XVII, người Hoa đã chọn đây là thương cảng đầu tiên của họ ở Việt Nam. Dưới sự thay đổi trong tình hình chính trị Trung Hoa, một nhóm khoảng 3000 người Minh Hương cùng 50 chiến thuyền đã cập bến nước Nam để không phải quy phục triều đình nhà Thanh. Được chúa Nguyễn cho phép, một nửa đi theo Dương Ngạn Địch đến Mỹ Tho, số còn lại theo chân Trần Thượng Xuyên đến trấn Biên Hòa để khai khẩn đất hoang. Họ dựng lên phố xá, bến cảng, thu hút tàu thuyền từ các xứ Trung Hoa, Nhật Bổn, Chà Và… đến giao thương.
Các điểm đến chính ở cù lao Phố
Vào năm 1673, cù lao Phố còn là một vùng cây cối mọc hoang. Nhưng ở đây, lòng sông Đồng Nai lại vô cùng sâu, rất phù hợp để những con thuyền có trọng tải lớn thời bấy giờ có thể ngược dòng qua cửa biển Cần Giờ để tiến sâu vào nội địa làm ăn. Nhà văn Sơn Nam đã từng viết: “Vùng cù lao Phố, nòng cốt của Biên Hòa. Đây là vị trí xứng danh ải địa đầu, với đường bộ lên Cao Miên và đường thủy ăn xuống Sài Gòn. Nhóm dân Trung Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên gây cơ sở lớn ở Cù lao Phố, chọn vị trí thuận lợi, sát mé sông. Năm năm sau khi định cư, chùa Quan đế dựng lên.”
Đại Nam nhất thống chí cũng mô tả: ”Trần Thượng Xuyên chiêu nạp được người buôn nước Tàu, xây dựng đường phố, lầu quá đôi từng rực rỡ trên bờ sông, liền lạc năm dặm và phân hoạch ra ba nhai lộ: nhai lớn giữa phố lót đá trắng, nhai ngang lót đá ong, nhai nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng, người buôn tụ tập đông đúc, tàu biển, ghe sông đến đậu chen lấn nhau, còn những nhà buôn to ở đây thì nhiều hơn hết, lập thành một đại đô hội.”
Để nói về sự sầm uất của cù lao Phố, Trịnh Hoài Đức cũng ghi trong nhật ký của mình: “Các thuyền ngoại quốc tới nơi này bỏ neo, mướn nhà ở, rồi kê khai các số hàng trong chuyến ấy cho các hiệu buôn trên đất liền biết. Các hiệu buôn này định giá hàng, tốt lẫn xấu, rồi bao mua tất cả, không để một món hàng nào ứ đọng. Đến ngày trở buồm về, gọi là "hồi đường", chủ thuyền cần mua món hàng gì, cũng phải làm sẵn hóa đơn đặt hàng trước nhờ mua dùm. Như thế, khách chủ đều được tiện lợi và sổ sách phân minh. Khách chỉ việc đàn hát vui chơi, đã có nước ngọt đầy đủ, lại khỏi lo ván thuyền bị hà ăn, khi về lại chở đầy thứ hàng khác rất là thuận lợi.”
Sông Đồng Nai ngày nắng đẹp
Thuận lợi làm ăn là vậy, nhưng cù lao Phố cũng có một số phận tương đối đoản mệnh. Sự thịnh vượng của nơi đây chỉ kéo dài 97 năm. Đến năm 1776, quân Tây Sơn kéo đến và đàn áp người Hoa, do họ có tư tưởng mang ơn các chúa Nguyễn. Để lánh nạn, họ rủ nhau xuống vùng Chợ Lớn (quận 5, 6 ngày nay ở Sài Gòn) để làm ăn. Cù lao Phố trở lại với hình ảnh của một hòn đảo hoang vốn có.
Tuy nhiên, khi đến đây du khách vẫn có thể chứng kiến nhiều di tích của người Hoa. Nổi tiếng nhất là miếu Ông, hay còn gọi là Thất Phủ Cổ Miếu. Ban đầu người Minh Hương chỉ thờ Ông “Quan Vân Trường”, nhưng sau đó họ đổi thành Thất Phủ do có sự đóng góp từ người Hoa đến từ 7 phủ của Trung Quốc bấy giờ: Phúc Châu, Chương Châu, Tuyền Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu, và Ninh Ba.
Cổng chính điện
Một Quảng Đông thu nhỏ giữa lòng Biên Hòa
Khi bước chân vào cổng điện, không cần phải là một người am hiểu về lịch sử hay văn hóa, bạn cũng có thể nhận ra đây là một ngôi miếu của người Hoa qua từng chi tiết kiến trúc đặc trưng. Bức tường sơn đỏ kết hợp với mái ngói vàng tươi, điểm xuyết những họa tiết rồng phượng được chạm trổ công phu.
Ngôi đền được thiết kế tài tình, tuy hứng nhiều ánh sáng mặt trời nhưng có không ít bóng râm trú mát
Mặt sau cổng chính, với tầm nhìn hướng ra cầu Ghềnh
Ngoài việc thăm quan ngôi đền, du khách còn có thể phóng tầm mắt ra xa, ngắm từng con nước êm đềm của con sông Đồng Nai. Xa xa là cầu Ghềnh, cây cầu đầu tiên kết nối Biên Hòa với cù lao Phố. Xưa kia cầu Ghềnh được gọi là cầu Ghềnh, theo phương ngữ của người dân Nam Bộ. Ta có thể thấy kiến trúc cầu Ghềnh khá giống cầu Trường Tiền ở Huế, do cùng được kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Gustave Eiffel thiết kế. Do đã có tuổi thọ gần 120 năm, ngày nay cầu chỉ còn dành cho tàu hỏa và xe hai bánh lưu thông.
Cầu Ghềnh (hay cầu Gành) – cây cầu có tuổi thọ ngang cầu Long Biên
Từ cầu Ghềnh rẽ xuống chỉ vài chục mét là mộ phần và đền thờ của Nguyễn Hữu Cảnh. Sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, nhưng phần lớn binh nghiệp của ông gắn liền với mảnh đất phương nam. Ông là người có công bình định Chiêm Thành, mở mang bờ cõi nước Việt. Ông được người Đồng Nai mệnh danh là Thượng Đẳng thần. Ở Quảng Bình, An Giang hay thậm chí Campuchia, đều có những đền thờ dành riêng của cho vị Khai quốc Công thần này.
Nơi Khai quốc Công thần Nguyễn Hữu Cảnh yên nghỉ.
Ngoài ra, cách đó không xa là Đại Giác Cổ Tự, một trong những ngôi chùa cổ nhất miền nam Việt Nam. Nơi đây cũng ghi dấu mối tình đơn phương và bi ai giữa công chúa Ngọc Anh và thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành. Tương truyền vào năm 1789, công chúa Ngọc Anh khi bị quân Tây Sơn truy đuổi đã xin vào chùa để trú ngụ. Trong khoảng thời gian lưu lại chùa, nàng đã đem lòng yêu thương vị thiền sư nơi đây. Đến năm 1823, công chúa xin vua Minh Mạng trở lại ngôi chùa để gặp lại thiền sư. Dù đã tìm cách để không phải gặp mặt, nhưng động lòng trước sự nài nỉ của công chúa, thiền sư đồng ý đưa tay ra cho công chúa nắm lấy. Đêm hôm đó, thiền sư đã tự thiêu để bảo tuần tuẫn tiết của mình. Ba ngày sau, vì quá đau khổ nên công chúa cũng uống thuốc độc tự tử để được đoàn tụ với người mình thương.
Chùa Đại giác, nơi tình yêu bắt đầu, và cũng là nơi tình yêu kết thúc.
Bên cạnh đỏ, nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ là Hoàng An Cổ Tự, một ngôi chùa nhỏ, bình dị nhưng đã có từ năm 1726. Thiên hạ đồn rằng, xưa kia có hai vợ chồng bị bệnh phong bị xã hội hắt hủi, bèn xin vào chùa để tá túc. Trước một chuyến hành hương xa, sư trụ trì có dặn để tự chăm nom lấy đôi vợ chồng đáng thương. Tuy nhiên trong một lần bưng cơm cho họ, các đệ tử thấy thân hình gớm ghiếc nên tỏ vẻ khinh thường. Bị xa lánh, họ bèn nhảy xuống giếng quyên sinh. Đến khi trở về, nhà sư chỉ còn tìm thấy một ngón tay và một ngón chân bị rụng ra do bệnh phong. 20 năm sau, một đôi nam thanh nữ tú khuyết tật đến chùa hỏi lại chuyện cũ. Sau khi làm lễ, họ gắn lại các bộ phận vào cơ thể thì bỗng dưng lành lặn như thường. Nhà vua biết chuyện, liền gửi sắc chỉ đến nhà chùa vì đôi nam nữ đó chính là hoàng tử và công chúa. Đó cũng là lý do tại sao từ đó chùa được mang tên Hoàng Ân.
Đến cù lao Phố để được nghe những câu chuyện truyền thuyết dân gian
Ngày nay, tuy cù lao Phố không còn nhiều dáng dấp của một thương cảng sầm uất ngày xưa, nhưng những di tích và những câu chuyện truyền thuyết vẫn luôn nhắc cho du khách về một thời cực thịnh đã xa của khu phố thị độc đáo nổi lên giữa dòng sông Đồng Nai thơ mộng.
Tác giả: Nguyễn Quốc Đăng
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal