Kinh nghiệm du lịch Tây An - nơi khởi đầu của con đường tơ lụa

Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
25 Aug 2022 - 16 min read

Tây An, hay Trường An, là một trong bốn kinh đô vĩ đại được sánh ngang với Cairo, Rome và Athens. Các triều đại Chu, Tây Hán, Tần, Tùy, Minh, Đường đều lấy Tây An làm kinh đô. Trường An cũng là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để bắt đầu chuyến đi dài đằng đẵng đến Đôn Hoàng, Kashgar và xuyên qua nhiều quốc gia tới tận La Mã. Việc giao thương trên con đường tơ lụa đã biến Tây An trở thành một trong những đô thị phồn hoa nhất thế giới thời kỳ bấy giờ.

Con đường tơ lụa - Tây An

Tây An là nơi khởi đầu của con đường tơ lụa cổ đại

Tây An ngày nay thành phố kết hợp giữa Đông và Tây, giữa lịch sử truyền thống Trung Quốc và nét hiện đại. Tây An là một thành phố không thể không tới nếu bạn có ý định du ngoạn con đường tơ lụa. Là một thành phố lớn có bề dày lịch sử, Tây An chứa đựng trong nó vô vàn những di tích có giá trị.

Thành cổ Tây An

Thành cổ Tây An được Chu Nguyên Chương - vị vua đầu tiên của nhà Minh xây dựng năm 1370 trên nền móng tòa thành đời Đường, đến nay đã có lịch sử hơn 600 năm. Cứ 120m lại có một tháp canh, tổng cộng 98 tháp. Tường thành có bốn cổng: Trường Lạc, An Định, Vĩnh Ninh và An Viễn, lần lượt nằm tại bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Phía bên ngoài tường thành có gần 6.000 lỗ châu mai để binh lính quan sát và bắn tên. Vật liệu xây dựng tường thành cũng rất đặc biệt. Ban đầu, các bức tường được xây bằng đất nện, vôi và nước gạo nếp trộn với nhau. Sau đó, nó được dựng hoàn toàn bằng gạch.

Con đường tơ lụa - Tây An

Thành cổ Tây An đã có lịch sử hơn 600 năm

Trường An là cổ thành lớn nhất thế giới lúc bấy giờ với dân số gần một triệu người – lớn gấp năm lần so với thời kỳ hưng thịnh nhất của La Mã cổ đại. Hướng Đông Tây có 14 và Nam Bắc có 11 con đường rộng, thẳng đan chéo nhau, phân Trường An thành hơn 100 phường. Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường gọi mạng lưới các phường này là “Bàn Cờ”. Mỗi phường đều có tên cát tường như: phường Minh Đức, phường Bình Khang, phường Vĩnh Hòa…

Con đường tơ lụa - Tây An

Đạp xe và đi bộ là hoạt động thú vị để khám phá tường thành

Lầu Chuông, lầu Trống

Nếu bạn đi qua con đường trung tâm của Tây An bạn có thể dễ dàng nhìn thấy lầu Chuông và lầu Trống. Lầu Chuông nằm ở giữa bùng binh đông đúc, nơi giao nhau của bốn con đường lớn ở Tây An. Được xây từ thời hoàng đế Chu Nguyên Chương năm 1384, lầu Chuông cao 36m và là lầu cao nhất ở Trung Quốc. Nó được xây bằng gỗ trên nền gạch với mái ngói ba tầng màu xanh, bên trong lầu từng có một chiếc chuông bằng đồng rất lớn, mỗi sáng sớm khi chuông là báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Lầu Trống được xây dựng năm 1380, nằm cách lầu Chuông 200m, ở gần khu vực của người Hồi giáo, được xây bằng gỗ. Trước kia, hai lầu được sử dụng để thông báo giờ khắc phân chia theo “ngày chuông đêm trống”, tức lầu Chuông báo giờ ban ngày và lầu Trống báo giờ ban đêm. Hiện tại lầu Chuông và lầu Trống là nơi tổ chức một số sự kiện của Tây An và là địa điểm tham quan nổi tiếng.

Con đường tơ lụa - Tây An

Lầu Chuông được xây từ thời hoàng đế Chu Nguyên Chương năm 1384

Phố ẩm thực người Hồi

Sự phồn thịnh của con đường tơ lụa thời cổ đại đã khiến hàng ngàn người từ các nước Hồi giáo như Ba Tư, Ả Rập, Tây Vực, người Duy Ngô Nhĩ… đến Tây An, họ đã tập trung lại để sinh sống và buôn bán trong một khu vực rộng lớn. Ẩm thực Hồi giáo cũng nhờ đó mà được du nhập vào Tây An. Buổi tối, phố người Hồi đông nghịt người mua sắm và thưởng thức các món ăn đặc trưng như mì lagman, thịt xiên nướng, thịt cừu, bánh mì kẹp, bánh mì Naan, nước ép lựu…

Con đường tơ lụa - Tây An

Phố ẩm thực người Hồi đông vui tấp nập

Hoa Sơn

Hoa Sơn là một trong năm Ngũ Nhạc của Trung Quốc. Ngũ nhạc là tên năm ngọn núi gắn liền với nhiều truyền thuyết, trung tâm là núi Tung sơn thuộc tỉnh Hà Nam, hướng Đông là núi Thái Sơn thuộc tỉnh Sơn Đông, hướng Tây là núi Hoa sơn thuộc tỉnh Thiểm Tây, hướng Nam là núi Hành sơn thuộc tỉnh Hồ Nam và hướng Bắc là núi Hằng sơn thuộc tỉnh Sơn Tây.

Con đường tơ lụa - Tây An

Hoa Sơn là một trong năm Ngũ Nhạc của Trung Quốc

Hoa Sơn thuộc dãy núi Tần Lĩnh ở phía Nam tỉnh Thiểm Tây, cách thành phố Tây An 130km. Từ trên cao nhìn xuống, dãy núi giống như một bông hoa đang xòe cánh nên có tên gọi là Hoa Sơn. Đứng ở Hoa Sơn có lẽ bạn sẽ nhớ tới sự kiện Hoa Sơn luận kiếm trong tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung. Thấp thoáng những ngọn núi bồng bềnh, kỳ ảo trong làn mây, những cây tùng xanh mọc xuyên ngang vách đá, thỉnh thoảng lại có một lầu các tọa lạc trên phiến đá nhô ra, phía dưới là vực sâu hun hút như chúng ta vẫn thường thấy trong phim ảnh. Lớp núi này chồng lên lớp núi khác, xen lẫn với sắc nâu của núi đá là màu xanh của tùng, màu trắng của làn mây bảng lảng vờn sườn núi, màu vàng, màu hồng của cây bụi và màu đỏ của những sợi ruy băng buộc lên cây, tất cả khiến Hoa Sơn như một bức tranh phong cảnh tuyệt sắc.

Con đường tơ lụa - Tây An

Hoa Sơn luận kiếm với ngọn núi bồng bềnh, kỳ ảo trong làn mây

Đội quân đất nung Binh Mã Dũng

Đội quân đất nung được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1974. Vào năm 2007, các nhà khảo cổ đã khai quật được hơn 8.000 tượng đất nung và tượng ngựa có kích thước như người thật để canh gác lăng mộ của vị hoàng đế đầu tiên của Trung Hoa - Tần Thủy Hoàng. Đội quân đất nung được chôn theo Tần Thủy Hoàng trong thời gian từ năm 210-209 trước Công nguyên. Các tượng đất cao gần 2m, được nặn từ đất sét, sau đó được nung trong lò ở nhiệt độ thấp, khi nung xong được phết một lớp sơn lên bên ngoài để tăng độ bền. Tượng được tạc với rất nhiều tư thế, quân lính trong tư thế đứng thẳng hoặc cúi mình cầm cung, kích, giáo, mác từ đang chuẩn bị lâm trận đến võ tướng đang ngồi trên mã xa. Điều thú vị là tượng y như người thật, khuôn mặt không tượng nào giống tượng nào, thậm chí đến bím tóc, râu, đôi mắt cũng được thể hiện công phu, tinh xảo.

Con đường tơ lụa - Tây An

Đội quân đất nung ở bảo tàng Binh Mã Dũng

Thông tin du lịch Tây An

Thời gian đẹp nhất để du lịch Tây An

Thời điểm tốt nhất để đến thăm Tây An là vào mùa xuân (tháng 3-5) và mùa thu (tháng 9-11) khi thời tiết mát mẻ nhưng không quá lạnh. Mùa hè từ tháng và tháng 8 khá nóng và hay có mưa. Bạn nên tránh kỳ nghỉ lễ Lao động (1 - 3/5) và nghỉ lễ Quốc khánh (1 - 7/10) khi tất cả các địa điểm du lịch đều tập trung đông người Trung Quốc.

Con đường tơ lụa - Tây An

Mùa thu ở Tây An rất mát mẻ và dễ chịu

Đi lại ở Tây An

Tây An là một trong những trung tâm giao thông quan trọng và thuận tiện nhất ở miền Trung và miền Tây Trung Quốc. Các chuyến bay, xe lửa và xe bus kết nối Tây An với các thành phố lớn khác trên khắp đất nước.

Hàng không

Sân bay (mã code: XIY) nằm cách trung tâm thành phố Tây An 50km, khai thác hơn 300 tuyến đường hàng không. Bạn có thể bay đến Tây An từ khắp các thành phố nội địa như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Quế Lâm, Trương Dịch, Thâm Quyến, Nam Kinh, Hàng Châu... Các chuyến bay quốc tế đến Hồng Kông, Đài Bắc, Seoul, Singapore, Kuala Lumpur, Maldives, Helsinki, Moscow, Paris…

Đi/đến sân bay

Xe bus: Có 14 tuyến xe bus từ sân bay về trung tâm thành phố.
Metro: tuyến sân bay (Airport Line) hoặc tuyến 14 (line 14) hoạt động giữa sân bay Tây An và nhà ga tàu hỏa phía Bắc (North Railway Station), chỉ mất khoảng 33 phút với giá vé 7 tệ /người (tương đương 26.000 VND).
Taxi: Cách nhanh chóng và thuận tiện nhất là bạn đi taxi vào trung tâm thành phố, thời gian di chuyển mất khoảng 30 phút.
Xe dịch vụ đưa đón: Nếu bạn đi nhóm đông hoặc muốn nhanh chóng thuận tiện bạn có thể thuê xe đưa đón.
Từ sân bay đi/đến bảo tàng Binh Mã Dũng: bắt xe bus đưa đón sân bay hoặc taxi đến ga tàu Tây An (Xi'an Railway Station), thời gian di chuyển khoảng 1h. Sau đó, tìm xe bus số 5 để đến bảo tàng. Hoặc từ sân bay bạn bắt xe tới bến xe bus Lintong rồi bắt xe số 101.

Tàu hỏa

Được coi là “cửa ngõ phía Tây” của đất nước, Tây An có sáu tuyến đường sắt chính của Trung Quốc, liên kết với tất cả các tỉnh thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Tây Tạng, Quế Lâm, Đôn Hoàng, Lạc Dương, Tô Châu, Lan Châu, Đại Đồng, Hoa Sơn…Bạn có thể đến Bắc Kinh, Thượng Hải và thậm chí Thâm Quyến trong vòng 10 giờ.

Con đường tơ lụa - Tây An

Ga tàu phía Bắc Tây An - North Railway Station

Tây An có 3 ga tàu:

Ga Tây An (Xi'an Railway Station): nằm ở trung tâm thành phố, có khoảng 100 tuyến đường sắt đến các điểm như Thượng Hải, Đại Đồng, Thành Đô và Lạc Dương. Ga Tây An nằm gần bến xe nên bạn cũng thể chuyển sang xe bus đường dài tại đây.
Ga phía Bắc (North Railway Station): chỉ dành cho tàu cao tốc đến/đi tới Bắc Kinh, Đại Đồng, Trịnh Châu, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến…
Ga phía Nam (South Railway Station): nằm ở vùng ngoại ô phía nam, cách trung tâm thành phố khoảng 30km. Mỗi ngày có 8 chuyến tàu đến An Khang, Quý Dương…

Bạn có thể đặt vé tàu thường và tàu cao tốc trực tiếp trên ứng dụng hoặc trang web Trip.com và thanh toán trực tiếp bằng thẻ tín dụng.

Xe bus đường dài

Tây An có 7 bến xe bus đường dài kết nối các địa phương của tỉnh Thiểm Tây và các tỉnh lân cận. Vì đi đường dài nên đa số đều là xe khách giường nằm, bạn có thể mua vé tại bến xe trước 3 ngày hoặc mua trên ứng dụng/trang web Trip.com. Nếu bạn muốn hoàn vé trước giờ khởi hành ít nhất hai giờ, phí là 10% giá vé. Nếu trả vé trước hai giờ so với giờ khởi hành, tính phí 20% giá vé.

Thông tin chi tiết về các tuyến đường của 7 bến xe bạn tham khảo ở link sau: https://www.travelchinaguide.com/cityguides/xian/transportation/long-distance-bus.htm

Bus di chuyển trong thành phố

Tây An có hệ thống xe bus đi lại rất thuận tiện, hiện tại có khoảng 8.800 xe bus chạy trên 350 tuyến trong thành phố. Giờ hoạt động thông thường từ 06:00 đến 23:00 quanh năm, vào những ngày lễ tết sẽ phục vụ muộn hơn. Hầu hết xe bus đều tự phục vụ nên bạn cần chuẩn bị tiền lẻ trước khi lên xe, giá vé từ 2 tệ (tương đương 7.500VND). Trẻ em cao dưới 130cm được miễn phí.

Nếu bạn ở Tây An thời gian lâu, bạn nên mua thẻ Xi'an Public Transportation Card, bạn sẽ được giảm giá 50% giá vé xe bus ( thẻ sử dụng được cả ở metro và được giảm giá 10%). Bạn cũng có thể dùng thẻ này để thuê xe đạp ở Tây An.

Metro

Hệ thống metro của Tây An hiện mới chỉ hoàn thiện tuyến tàu điện ngầm số 1, tuyến 2, tuyến 3, tuyến 4, tuyến 5, tuyến 6, tuyến 9, tuyến 14 và tuyến sân bay. Một số tuyến khác cũng đang được xây dựng hoặc đang trong quá trình lập kế hoạch.

Bạn có thể tham khảo các tuyến metro ở Tây An tại đây: https://www.travelchinaguide.com/imasge/map//shaanxu/xian-subway.jpg

Xe đạp

Tây An là một trong số ít thành phố có thành cổ còn tồn tại đến ngày nay. Tường thành cao 12m, rộng 12–14m, dài 13,7km. Bạn cứ hình dung tường thành Tây An to bằng cả làn xe chạy ở các thành phố. Hoạt động phổ biến ở đây là đi bộ hoặc thuê xe đạp, vừa đạp vừa ngắm thành phố và thành cổ. Giá vé vào cửa là 54 tệ/người (tương đương 195.000VND), giá thuê xe đạp là 45 tệ/người (tương đương 162.000VND) cho 2 giờ.

Lưu trú ở Tây An

Khu trung tâm: Nếu là lần đầu đến Tây An thì bạn nên ở trung tâm thành phố quanh khu vực Beilin District, rất gần thành cổ, lầu Chuông lầu Trống và khu phố người Hồi. Xung quanh đó có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay, hostel để lựa chọn, nó cũng có rất nhiều nhà hàng, quán ăn ngon. Tuyến metro số 1, số 2 đi qua khu vực này nên di chuyển ra sân bay hoặc bảo tàng Binh Mã Dũng chỉ mất chưa đầy một giờ đồng hồ.
Xincheng District: nằm ở phía Đông thành phố, gần tất cả các điểm tham quan chính và khá yên tĩnh, rất phù hợp nếu bạn tới Tây An cùng gia đình và trẻ em. Nơi này nằm gần cung Đại Minh - quần thể cung điện tráng lệ nhất vào thời nhà Đường (618–907). Bạn có thể đi metro tại các ga Anyuanmen và Xi’an trên tuyến số 2 để đến các khu vực khác ở Tây An.
Yanta District: nằm ở phía Nam thành phố, gần tháp Đại Nhạn và bảo tàng lịch sử tỉnh Thiểm Tây - nơi tuyệt vời để tìm hiểu về các triều đại của Trung Quốc với gần 400.000 tác phẩm nghệ thuật và hiện vật. Bạn có thể tới ga Dayanta trên tuyến metro số 3 để đến các khu vực khác ở Tây An, mất khoảng 20 phút để đến trung tâm thành phố.
Weiyang District: nằm ở phía bắc thành phố, gần ga tàu hỏa Bắc Tây An (North Railway Station), cung Vị Ương được Unesco công nhận là di sản thế giới và sân bay. Tuyến metro số 2 và số 4 chạy qua khu vực này và từ đây, bạn sẽ mất khoảng 40 phút để vào trung tâm thành phố hoặc tới sân bay.

Mỗi khu vực sẽ có rất nhiều sự lựa chọn về khách sạn 5 sao tới các nhà nghỉ giá rẻ. Bạn có thể đặt trực tiếp trên các trang web hay ứng dụng du lịch như Traveloka.

Ẩm thực

Thịt cừu hầm với bánh mì vụn (Yangrou Paomo): thịt cừu hầm với bánh mì bẻ vụn, mì, rau, nấm, tỏi ngâm. Nhà hàng sẽ phục vụ một bát súp cùng một rổ bánh mì dẹt, bạn sẽ bẻ bánh mì càng nhỏ càng tốt, cho vào bát súp để nước dùng thấm vào bánh. Đây là món ăn rất phổ biến ở Tây An và rất ngon khi ăn nóng.
Con đường tơ lụa - Tây An

Thịt cừu hầm với bánh mì vụn (Yangrou Paomo)

Sandwich Thiểm Tây (Rou Jia Mo): bánh mì kẹp thịt lợn được tẩm ướp gia vị rồi băm nhỏ. Đây là món ăn đường phố quen thuộc và giá chỉ 10 tệ (tương đương 36.000VND)
Liang Pi: mì lạnh được làm từ bột mì hoặc bột gạo, trộn với một số loại gia vị như ớt đỏ, nước sốt, muối, giấm, tỏi băm và giá đỗ.
Con đường tơ lụa - Tây An

Mì lạnh Liang Pi

Bánh bao nhân nước sốt nóng (Guan Tang Bao Zi): bánh bao có nhân thịt, tôm và nước thịt nóng. Đây là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Tây An, bạn có thể tìm thấy ở các nhà hàng ở khu Hồi giáo.
Nước mận chua: dù bạn có thể mua nước mận chua trong lon và chai nhưng ở Tây An vẫn có một số nơi làm món này thủ công ở khu phố Hồi giáo. Mận được ngâm với thảo mộc sau đó thêm đường, vị ngọt thanh và thơm.

Bài viết hợp tác giữa Traveloka và blogger Trần Hồng Ngọc.
Bản quyền nội dung và tất cả hình ảnh trong bài viết thuộc sở hữu của Traveloka. Vui lòng không sao chép hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự đồng thuận của Traveloka.

Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký