Không gian cổ kính, trầm mặc, làng Cựu là nơi có 49 căn biệt thự cổ giao thoa kiến trúc Pháp - Việt. Đây là những cơ ngơi bề thế của những người từng là thợ may bậc nhất Hà Thành.
Rời khỏi trung tâm Hà Nội khoảng 30 km hướng về Phủ Lý, Hà Nam, tôi rẽ vào con đường hướng vào xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên. Vùng quê ngoại thành Hà Nội được bao trùm bởi bầu không khí yên bình, trầm mặc. Tôi đi giữa mênh mông những đồng lúa và những vườn tược tốt tươi của các thôn làng ngoại thành. Mùa hạ, nắng oi ả. Giữa màu xanh, điểm xuyết những cánh sen hồng. Những con đường làng bê tông nhỏ dẫn tôi vào một ngôi làng cổ tuổi đời hơn 500 năm - làng Cựu.
Ngôi làng tồn tại bên dòng sông Nhuệ hàng trăm năm được biết đến với tên gọi khác là "làng Tây của Hà Nội" vì nơi đây vẫn còn tồn tại những ngôi biệt thự giao thoa kiến trúc Việt - Pháp xây dựng dưới thời Pháp thuộc. Dáng vẻ cổ kính, trầm mặc gợi nhắc về một quá khứ vàng son của làng vào những năm đầu thế kỷ XX. Làng Cựu cũng là nơi nổi tiếng với nghề may một thời; còn người làng nổi danh là những "thợ may đệ nhất Hà Thành" vào thời Pháp thuộc.
Bước qua cổng làng, một không gian khác mở ra trái ngược với những con đường tấp nập, ồn ào nơi trung tâm thủ đô. Đi dọc những con ngõ nhỏ trong làng, ngang qua những bức tường cũ đã bong ra để lộ lớp gạch bên trong, thời gian như lắng đọng. Không gian này vừa gợi cảm giác bình yên nhưng cũng man mát buồn.
49 ngôi biệt thự trong làng có thiết kế độc đáo, mang phong cách giao thoa giữa kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp. Đây là nơi ở bề thế, nguy nga của những "thợ may đệ nhất Hà Thành" danh tiếng một thời. Các bậc cao niên trong làng cho hay những căn nhà này được xây dựng trong giai đoạn từ năm 1920 - 1945. Một thời kỳ thịnh vượng của ngôi làng ven sông Nhuệ ở thời điểm hàng trăm năm trước giờ chỉ còn là dấu tích trong những công trình nhà ở ngày một xuống cấp. Chứng kiến bao thăng trầm biến cố và đổi thay, những căn nhà khoác lên mình những lớp trầm tích của thời gian trên những bức tường sơn vàng phủ đầy rêu, cỏ mọc um tùm, bong tróc loang lổ những mảng màu.
Hơn một nửa số căn biệt thự ở làng Cựu nay vắng bóng người.
Thiết kế hòa trộn giữa kiến trúc châu Âu nhưng vẫn giữ nét Á Đông trong những biệt thự nguy nga một thời ẩn hiện trong từng mái nhà, cột kèo, cửa, hoa văn, đường nét chạm trổ mà chủ nhân các cơ ngơi đã cho thợ khéo léo lồng ghép vào.
Những đặc điểm của kiến trúc Việt cổ thể hiện trong cấu trúc nhà ba gian, cột gỗ lim. Phía trước nhà có sân vườn ngập nắng, hàng cau, giàn trầu dung dị. Bên cạnh đó, cũng có những mái nhà, cột vòm cong kiểu gothic mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp. Hoa văn được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo. Đan xen giữa những chi tiết chạm trổ hoa văn hình hoa sen, con nghê, những câu đối, liễn đối chữ Hán Nôm đậm nét Á Đông là hoa văn kiểu Pháp trên cửa sắt, cửa sổ.
Những đường nét kiến trúc kiểu Pháp.
Những hoa văn chạm trổ chữ Hán trên tường gạch cũ kỹ.
Sở dĩ vào những năm đầu thế kỷ XX, người làng Cựu có thể xây dựng những cơ ngơi bề thế như vậy vì họ khá giả lên với nghề may. Phụ trách may trang phục cho các ông Tây, bà đầm thời ấy, người làng Cựu nổi tiếng khắp nơi là những thợ may đệ nhất Hà Thành.
Quay ngược thời gian trở về năm 1921, làng Cựu vốn là một làng thuần nông. Mất mùa, đói kém khiến đời sống người làng Cựu đối mặt nhiều thách thức. Một trận hỏa hoạn ập tới phủ bóng đêm của đói nghèo lên người làng Cựu. Tình cảnh khốn cùng buộc hai anh em Phúc Mỹ và Phúc Hưng rời làng lên Hà Nội bươn chải học nghề may. Họ nhanh chóng thạo nghề, trở thành thợ may vest, đầm cho những nhân vật quan trọng. Công việc ăn nên làm ra, họ tích lũy được nhiều tiền bạc và trở về làng xây những biệt thự xa hoa. Đồng thời, hai anh em Phúc Mỹ và Phúc Hưng đã giúp đỡ, mời gọi nhiều làng Cựu theo nghề may. Những thợ may đệ nhất Hà Thành nhanh chóng có cơ ngơi hoành tráng, biến làng Cựu thành “làng Tây của Hà Nội”.
Nhịp sống làng Cựu diễn ra thong thả, chậm rãi giữa không gian cổ kính.
Trải qua hàng trăm năm, những ngôi nhà đã không còn trụ vững với thời gian. Hơn một nửa trong 49 căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, giờ đây đã bỏ hoang hay chỉ còn một người ở. Những mảng tường loang lổ, bám rêu xanh cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của thời gian. Đến nay, phần lớn những căn biệt thự này cửa đều khóa chặt, vắng bóng người. Những biệt thự nguy nga ngày nào giờ chỉ còn là ký ức về một thuở vàng son. Không gian trầm mặc nhưng ngập tràn nỗi buồn về những thăng trầm, biến cố mà ngôi làng chứng kiến.
Bên cạnh mái vòm cong là những hoa văn chạm trổ chữ Hán.
Chính sự giao thoa Âu - Á khiến làng Cựu mang không gian khác hẳn những ngôi làng cổ khác ở Hà Nội như Đường Lâm, Cự Đà. Dạo quanh làng Cựu, dù những ngôi nhà hiện đại đã được xây dựng nhiều hơn theo sự phát triển của thời đại, nhưng cây đa, giếng nước, mái đình vẫn lặng lẽ ở đấy, mang đậm dấu ấn không gian đặc trưng làng quê Bắc Bộ.
Khi đến làng Cựu, nét làng quê Bắc Bộ hiện lên ở cổng làng. Cổng làng mang kiến trúc cổ truyền, sơn tường vàng cổ kính. Cổng được xây theo lối quyển thư (hình hai quyển sách mở ra) là một công trình khá cầu kỳ với nhiều chi tiết đặc trưng như vọng gác, mái ngói, cầu thang đi lên.Vọng gác mái lợp ngói. Ngoài ra, cổng làng cũng có đôi kỳ lân và chó giữ làng đặc trưng.
Cổng làng Cựu
Bên cạnh đó, làng Cựu có đình làng vẹn nguyên nét làng quê xưa với cây đa soi bóng mát cho những người làng những trưa hè oi ả sau khi đi làm về. Sân đình là nơi trẻ con vui chơi, râm ran tiếng cười.
Làng Cựu trước đây có hai giếng. Một giếng giữa làng, một giếng ở ngoài đồng. Dưới sức tàn phá của thời gian, đến nay, chỉ còn một giếng ở làng là đứng vững. Miệng giếng Làng Cựu rộng bằng cái sân. Có cầu thang đi xuống đáy. Làng Cựu vẫn còn hai giếng ở giữa làng và ngoài đồng. Sự tàn phá của thời gian, đến nay, giếng ngoài đồng đã biến mất. Giếng nước làng Cựu có miệng giếng to bằng cái sân. Lòng giếng có cầu thang để đi xuống đáy. Giếng cũng là nơi họp chợ, là nơi bà con gặp nhau, bán rau, củ… Cây bàng mùa thay lá xao xác rơi lả tả, phủ kín sân đình.
Người dân họp chợ ở các khoảng sân làng, một nét đẹp của các làng quê Bắc Bộ
Đời sống thường nhật của người làng Cựu nay vẫn diễn ra một cách bình dị, thong thả hút sâu trong những con ngõ nhỏ. Người làng Cựu ngày nay chủ yếu làm nông. Nghề may giúp nhiều gia đình phát đạt năm xưa, giờ đã mai một. Một số nhà chỉ nhận may vest và gia công áo quần nhưng thu nhập cũng không nhiều. Những cơ ngơi nguy nga tráng lệ san sát năm xưa một nửa đã hoang tàn, những căn nhà không còn người ở, vắng lặng.
Làng Cựu là nơi dành cho những ai không muốn đi quá xa Hà Nội mà vẫn có thể tìm đến một không gian yên bình, tách biệt khỏi không khí tấp nập xô bồ của trung tâm thủ đô. Du khách đến đây, khi dạo bước qua những con ngõ nhỏ hun hút để cảm nhận những tầng lớp ký ức hàng trăm năm tại ngôi làng của “những thợ may bậc nhất Hà thành” một thuở vàng son.
Tác giả: Lê Thị Xuân Phương
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal