Khi nhắc tới Nghệ An, hầu hết mọi người sẽ nghĩ ngay tới những điểm du lịch như Làng Sen, Cửa Lò, đồi chè Thanh Chương hay hoa hướng dương. Và, ngay chính mình cũng vậy. Dù là người bản địa, dù được nghe ông bà kể rất nhiều giai thoại, ngay trên chính nơi mình sinh sống, mình cũng chưa bao giờ để ý. Cho đến một ngày, mình quyết định đi một lần xem sao, vì luôn văng vẳng bên tai: đi đi, đẹp lắm!
Một phần chân Núi Rồng
Núi Rồng nằm trên hai xã Quỳnh Tiến và Quỳnh Nghĩa, thuộc huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An và là một phần quan trọng của Lạch Quèn, nơi Mẹ Thiên Nhiên dùng để bao bọc cho toàn bộ khu vực làng xã phía trong.
Đường tới Núi Rồng khá đơn giản. Từ thị trấn Cầu Giát, bạn chỉ cần đi theo đường ĐT537B, tới giáo xứ Mành Sơn là bạn đã tới nơi và có thể bắt đầu leo núi.
Lạch Quèn nhìn từ biển vào
Núi Rồng rất dễ leo, thậm chí bạn có thể chạy xe lên nếu bạn có xe tốt và kỹ năng lái xe ổn. Vì thật ra, đây không phải là một ngọn núi cao mà là một dãy núi thấp tựa như một con Rồng đang che chắn cho người dân trước thiên tai. Nhưng bạn vẫn nên trekking để khám phá hết được khu vực và đảm bảo an toàn nhé.
Khi tới nhà thờ giáo xứ Mành Sơn, bạn hỏi đường lên đỉnh núi, người dân sẽ chỉ cho bạn một cách nhanh chóng và nhiệt tình. Gửi xe tại nhà dân, từ đó bạn trekking chừng 30 phút sẽ tới đỉnh núi.
Trekking Núi Rồng
Có cái hay ở Rồng, mỗi mùa, lên đây, bạn sẽ cảm nhận rõ sự khác biệt theo thời gian: những rừng hoa sim tím rịm đẹp rụng rời, những vườn thông thơ mộng hay những mảng cỏ lau làm xao xuyến mỗi mùa thu về.
Ngay ở khu vực ven biến, vùng Bắc Trung Bộ, có rừng thông!? Bạn không nghe nhầm đâu. Có các đồi thông ở đây. Trước đây người dân trồng thông để bảo vệ các sườn núi và còn giữ được tới giờ.
Đồi thông trên Núi Rồng
Dọc theo toàn bộ dãy núi, bạn sẽ bắt gặp các cụm đồi thông nhỏ, ở những khu vực đó, lớp thảm thực vật tương đối mỏng nên khá thuận tiện để đi vào chụp ảnh và hái các quả thông khô làm đồ décor, nếu bạn là người thích làm đồ handmade. Và chắc chắn rồi, các đồi thông sẽ giúp bạn có những shot ảnh mộng mơ chụp kèm view biển. Rất đặc biệt! Nhất là chụp vào khung giờ vàng, càng ảo diệu hơn nữa.
Tại đỉnh cao nhất, một thảo nguyên rất rộng đủ để bạn hòa mình vào thiên nhiên. Độ dốc thoải, mặt đất bằng phẳng với lớp cỏ đều và dày, các gốc thông cũng sẽ là điểm tựa để tránh gió vào ban đêm. Quá thuận lợi để cắm trại qua đêm. Hãy cứ tưởng tượng, tới lúc bình minh, mở cửa lều, trước mặt là biển, sau lưng là thông. Chill lắm đấy!
Một phần thảo nguyên trên Núi Rồng
Trên núi cũng có rất nhiều củi khô để giúp bạn có lửa trại cách thuận tiện nhất. Nhưng khu vực này cũng khá nhiều muỗi, lũ muỗi sẽ hoạt động nhiều gió biển bắt đầu ngớt. Vì vậy bạn chú ý trang bị đồ camping đầy đủ để có trải nghiệm trọn vẹn nhất nha.
Camping mùa hoa sim
Nếu cắm trại qua đêm và thích "săn" Milky Way, bạn nên lựa thời điểm phù hợp để đi nhé. Đây cũng là nơi rất thuận lợi cho ai thích Milky Way. Rất tiếc mình chưa săn được Milky Way ở đây mà chỉ săn được “Milky mây” thôi!
Góc chill trên đỉnh Núi Rồng
Bạn từng xem khung cảnh sim tím thơ mộng trong Mắt Biếc, từng ngắm hoa sim trên các triền đồi ở Đà Lạt hay ở một nơi nào khác. Nhưng tới Rồng vào mùa hoa sim, chắc chắn bạn sẽ tạm quên đi những khung cảnh đó.
Bạt ngàn hoa sim
Vào mùa hoa sim, đỉnh núi Rồng là nơi mà bạn cứ “cầm máy lên là có ảnh đẹp”. Ở đây bạt ngàn hoa sim, đủ mọi góc để chill với một bên là sim và thông,một bên là biển. theo kinh nghiệm của mình, chụp hoa sim đẹp nhất khi trời nắng thật lớn và thật trong xanh, rất dễ để làm bật các sắc độ màu tím của hoa sim.
Để ngắm hoa sim, hãy đến vào giữa tháng 4 tới nửa đầu tháng 5, tuỳ theo thời tiết từng năm. Và đừng quên mang theo flycam nhé. Chắc chắn bạn sẽ có những bức ảnh và shot quay đáng để đưa vào bộ sưu tập.
Ngắm hoa sim từ lúc mặt trời lên tới mặt trời lặn
Hái sim – thành quả của người dân địa phương
Vũng Tròn (theo phương ngữ) – chỉ khu vực “đầu Rồng”, là một khu vực bờ biển nằm dưới chân núi Rồng và là nơi nhất định bạn không nên bỏ qua khi đến Núi Rồng. Vũng Tròn được bao bọc bởi hai mỏm đá, tựa như “chân Rồng” vươn ra biển cả. Các khối đá trầm tích với những lớp đá uốn cong, nước biển xanh ngát, những bãi sỏi nguyên sơ và các hang động hòa quyện tạo nên một bức tranh thiên nhiên ấn tượng với bất kỳ ai khi tới đây.
Vì những điều kiện tự nhiên đặc thù, khu vực Vũng Tròn không dễ để tiếp cận. Vì thế, khu vực này ít được biết tới và vẫn giữ được những nét hoang sơ của nó.
Bạn có hai cách để tiếp cận Vũng Tròn.
Trekking: từ đỉnh núi, bạn đi về phía đầu Rồng (phía Đông) sẽ tiếp cận được phần phía trên của hang (toạ độ chính xác là: 19.103519, 105.736287). Đây là hang động có đỉnh hang mở,nên nếu là người có kinh nghiệm leo núi với các dụng cụ chuyên dụng, hãy lựa chọn cách này nhé. Độ cao của hang khoảng 40m.
Trekking tới hang Rồng
Với cách này, bạn có thể vào hang bất cứ lúc nào thời tiết đẹp và ngắm được khu vực đá ngay gần đó. Nhưng nhược điểm là bạn cần có kinh nghiệm tìm kiếm bằng Google Map ở lớp dữ liệu vệ tinh và "chấp nhận" lạc một chút khi đi ngược lên để xuống núi, vì có rất nhiều đường mòn ở khu vực này, không khác gì mê cung. Và bạn cũng khó để khám phá các hang động nhỏ của toàn bộ khu vực.
Một phần Vũng Tròn khi tiếp cận bằng trekking
Một phần Vũng Tròn khi tiếp cận bằng trekking
Các khối đá tại Vũng Tròn
Đường biển: với đường biển, bạn sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn về toàn bộ khu vực chân núi, nhưng sẽ tốn chi phí hơn và đặc biệt, không phải lúc nào cũng có thể đi được bằng đường biển để có đầy đủ các trải nghiệm nhất.
Để tới được toàn bộ cụm hang động ở chân núi bằng đường biển, bạn chỉ có thể đi bằng thuyền nhỏ (đò), vì thế bạn cần thuê người chở đi. Nhưng ngay cả thế, để khám phá trọn vẹn khu vực này, cũng chỉ có một số ít ngày vào những tháng nhất định vì yếu tố thời tiết và an toàn. Bên cạnh đó, bạn sẽ luôn cần một người lái đò dạn dày kinh nghiệm cùng đồng hành để có thể chuyến khám phá trọn vẹn nhất.
Đi bằng đò, bạn có thể chọn xuất phát ở một trong ba địa điểm, tùy theo nhu cầu khám phá, thời gian và lịch trình của bạn:
Xuất phát từ bãi biển Quỳnh Nghĩa: đây là quãng đường ngắn nhất, thuận tiện nhất, phù hợp với những bạn có lịch trình tới Quỳnh Nghĩa tắm biển, ăn hải sản và kết hợp ghé khu vực này.
Bình minh trên biển Quỳnh Nghĩa
Biển Quỳnh Nghĩa
Xuất phát từ Lạch Quèn: bạn xuất phát từ giáo xứ Mành Sơn, và có thể đi được cả toàn bộ Mũi Trâu.
Xuất phát từ giáo xứ Phú Yên: xa nhất, nhưng bạn có thêm thời gian để ngắm và tìm hiểu thêm về cuộc sống nơi đây, và cũng không khó để có thể thuê được đò với những người lái đò đầy kỹ năng và kinh nghiệm.
Giáo xứ Phú Yên
Ra Vũng Tròn bằng đò
Khi đã tới được Vũng Tròn, bạn sẽ như lạc vào một thế giới khác với những lớp đá xếp chồng lên nhau tạo thành khung cảnh ngoạn mục.
Sáng sớm những ngày hè, trời lặng gió, thủy triều rút, nước biển sẽ trong xanh. Hãy tận hưởng cảm giác sóng biển vỗ rì rào dưới chân cùng với những hòn sỏi đẹp tinh khiết nhé.
Đánh bắt tại Vũng Tròn
Ở Vũng Tròn, có cả một cụm hang động nhỏ, bạn hoàn toàn có thể vào tất cả các hang động đó. Nhưng cẩn thận với một hang nhỏ chứa đầy dơi. Tại một hang khác, bạn có thể cắm trại qua đêm mà không lo thủy triều, vì nền hang đủ cao để giữ bạn khô ráo. Ở đây, bạn cũng sẽ vào được đáy của hang Rồng, là hang có đỉnh mở, mà nếu trekking bạn sẽ tới được đỉnh hang nếu không có đồ chuyên dụng như ở phần 1.
Sáng sớm trên Vũng Tròn
Nếu cắm trại qua đêm, câu cá hay bắt ốc là những thú vui bạn nên thử. Ốc ở đây nhỏ thôi, nhưng khá nhiều để bạn có một dĩa ốc luộc.
Bắt ốc
Theo kinh nghiệm của mình, thời gian thuận tiện nhất để tới và khám phá hết Vũng Tròn là từ 13 - 17 âm lịch các tháng mùa hè và mùa thu. Vì sao? Vì vào khoảng thời gian đó, thủy triều sẽ rút vào sáng sớm. Nếu thủy triều chưa rút, rất khó để tiếp cận sâu Vũng Tròn. Vào buổi sáng, đa số lặng gió, nước biển rất trong, sóng nhỏ, thuận tiện để tắm biển. Thêm nữa, đi vào sáng sớm, bạn sẽ ngắm được bình minh và có thời gian dài để khám phá. Tới trưa, khi thủy triều lên, cũng là lúc kết thúc hành trình.
Các khối đá với đủ hình dạng của Vũng Tròn
Hang Rồng
Một số hang nhỏ tại Vũng Tròn
Nước biển trong vắt vào buổi sáng
“Người lái đò”
Trên đường quay về, bạn có thể ghé Mũi Trâu (hay còn gọi là Mũi Tru trong ngôn ngữ của người địa phương). Đây là điểm đến gần như dễ tới nhất dưới chân Rồng và cũng là điểm đẹp thứ hai chỉ sau Vũng Tròn.
Mũi Trâu là hai mũi đá nhô hẳn ra khỏi bờ biển, qua quá trình phong hóa hàng triệu năm, hai mũi đá bị "khoét" hai lỗ, nên mũi đá có hình dạng giống mũi của con trâu. Ở đây còn có một vài hang nhỏ ngay trong Mũi Trâu. Vào lúc thủy triều rút, bạn hoàn toàn có thể đi bộ hết khu vực mà không lo ướt chân. Và ngay ở Mũi Trâu có hẳn một bãi biển nhỏ, tắm thoải mái mà không lo vấn đề gì.
Mũi Trâu nhìn từ biển
Mũi Trâu khi thủy triều lên
Nếu bạn nào có đam mê với nhiếp ảnh thiên văn, căn theo Milk Way và lịch thuỷ triều, bạn hoàn toàn có thể có được những bức ảnh Milk Way “xịn” tại Mũi Trâu.
Đường ra Mũi Trâu khi thủy triều xuống
Từ Mũi Trâu bạn có thể nhìn sang “Con Chó”
Ngoài những điểm check-in mình đã chia sẻ, ở đây còn một số điểm nữa, mà nếu bạn có thời gian, có thể ghé qua.
Bạn không nghe nhầm đâu. Đây là tên gọi người địa phương đặt cho hòn đảo nhỏ ngay cửa ngõ Lạch Quèn. Nếu nhìn từ biển vào, hòn đảo sẽ như hình thù của một chú chó đang canh nằm canh giữ cửa biển.
Đường ra “Con Chó” khi thủy triều xuống
“Con Chó” nằm bên kia Lạch Quèn, đối diện với Mũi Trâu. Nên để qua hòn đảo từ núi Rồng một cách nhanh chóng, lựa chọn hợp lý nhất là đi đò. Bạn cứ hỏi người dân ở đó, họ sẽ chỉ bạn chỗ thuê đò nhé.
Từ “Con Chó” bạn có thể thấy Mũi Trâu
“Con Chó” nằm rất gần bờ biển, được bao quanh hoàn toàn bởi nước biển khi thủy triều lên. Nhưng khi thủy triều rút sẽ lộ ra một bãi cát mịn rất rộng và bằng phẳng. Bạn hoàn toàn có thể đi bộ ra hòn đảo mà không hề ướt chân, thậm chí có thể chạy xe ra đó. Và thời điểm thủy triều rút, cũng là lúc người dân đi bắt ốc, lấy ruột hàu, bắt vẹm và câu cá. Hãy cứ mạnh dạn trải nghiệm cùng người dân địa phương nhé.
Check-in tại Con Chó
Từ “Con Chó”, bạn có thể qua “Bãi Sịn”
Với hầu hết các bãi tắm, bạn thường thấy cát. Nhưng với bãi tắm này thì không, thay vào đó là sịn/sạnh (phương ngữ) - là một loại vật liệu được hình thành qua quá trình phong hóa theo thứ tự: đá - sỏi - sịn - cát. Trước đây, người dân địa phương sử dụng nó như một loại vật liệu xây dựng.
Trên đường qua “Bãi Sịn”
Không giống như cát, sịn hoàn toàn không bám dính cơ thể, bạn cứ “nghịch” chúng thoải mái mà không ngại bẩn quần áo.
Bãi tắm này nằm ngay cạnh “con Chó” nên rất thuận tiện để bạn tiếp cận. Từ “con Chó”, đi về phía chân núi, bạn sẽ bắt gặp một đường mòn, cứ theo con đường đó, bạn sẽ tới được bãi.
Với bãi này, bạn có thể kết hợp các hoạt động tắm biển, câu cá và camping. Thời điểm lý tưởng để câu cá là lúc thủy triều rút, nhưng hãy cẩn thận khi đi trên các mỏm đá để câu cá nhé cả nhà.
Bãi Sịn
Hòn Ông Bà, gồm hai trụ đá đứng cạnh nhau, có lẽ cả trăm ngàn năm trước. Người địa phương đặt tên cho hai trụ đá này như vậy ý chỉ sự chung thủy, dù trải qua bao nhiêu sóng gió, bão bùng.
Hòn Ông Bà khi nhìn từ biển và trên đường trekking
Điều đặc biệt ở Ông Bà là nếu đứng ở các góc khác nhau, bạn sẽ tìm được những hình dạng khác nhau của hai trụ đá, tùy theo khả năng tưởng tượng của bạn. Từ khu vực này bạn cũng dễ dàng thấy được một phần của Vũng Tròn. Sỏi ở đây cũng rất thuần khiết, nếu tới đây, hãy tìm cho mình vài hòn sỏi ưng ý để đưa khung hình của mình nhé.
Hòn Ông Bà
Sỏi tại hòn Ông Bà
Và đừng bỏ lỡ bình minh khi tới đây nhé, tuyệt nhất là kết hợp với hoạt động cắm trại, rất thuận tiện, thậm chí có sẵn cả những khung lều do người địa phương dựng lên để làm chỗ ngủ khi câu cá qua đêm, bạn có thể “ở ké” cùng họ.
Một lưu ý nho nhỏ nếu đến khu vực này là, tốt nhất không nên đến vào những buổi sáng lặng gió, rất oi bức nên rất dễ bị mất nước và say nắng.
Sơ đồ các vị trí có trong bài viết
Nằm ở khu vực không nổi tiếng về du lịch, lại ở vùng biển có nước biển không trong xanh như ở các tỉnh Nam Trung Bộ, nhưng núi Rồng vẫn có “cách riêng” để làm xao xuyến lòng người mỗi khi tới đây. Để khám phá và trải nghiệm hết khu vực núi Rồng, bạn cần ít nhất hai ngày, nên hãy sắp xếp thời gian hợp lý cho hành trình của mình nhé. Chúc mọi người có một chuyến khám phá thật thú vị và có những khoảnh khắc đẹp khi tới núi Rồng.
Tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal