Những ngày cao nguyên đá đang vào mùa đẹp nhất trong năm, không ghé Hà Giang dịp này thì thật có lỗi với thời tiết, bạn nhỉ?
Nghe bảo Hà Giang đang vào mùa đẹp nhất năm. Mùa của "hoa nở trên đá", nào tam giác mạch, nào cải vàng, nào cúc cam,... hay đâu đó loáng tháng mấy cành hoa đào, hoa mận nở sớm. Mùa của hoàng hôn nơi cực Bắc Tổ Quốc. Mùa của dòng Nho Quế xanh ngọc bích, đẹp tới nao lòng. Mùa của những con đèo quanh co, vừa chạy xe vừa nghe tiếng gió hát trên đường, ngắm mây len qua triền núi... Mùa của nhớ thương, sau bao ngày chưa ghé Hà Giang. Trong hành trình khám phá cực Bắc Tổ Quốc này, chúng mình không chỉ chọn đi những địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn có những tọa độ đẹp, trải nghiệm thú vị khác.
“Đặc sản” của Hà Giang: những con đèo quanh co
Dự định là đi thảo nguyên Suôi Thầu nhưng vì search nhầm đường, chúng mình đi sang Suối Thầu ở Phố Cáo, Đồng Văn. Thi Thoảng đi lạc cũng hay, vì lần đi lạc này mình có nhiều trải nghiệm đáng nhớ hơn.
Như chạy xe off-road mấy cây số. Con đường sỏi đá, xóc lên xóc xuống, nhiều ổ gà,... nhưng bù lại khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, bình yên. Dọc hai bên đường, mình bắt gặp những cậu bé thong dong đi bộ, gặp người phụ nữ bé nhỏ chở cả một xe cỏ đầy, những ngôi nhà bình yên nơi cao nguyên đá,... Càng đi sâu, khung cảnh càng hoang sơ, những dãy núi trùng trùng điệp điệp cho người ta cảm giác bé nhỏ giữa thiên nhiên. Đường vào Suối Thầu có nhiều cánh đồng hoa tam giác mạch nằm giữa màu xanh của núi đồi. Hoa đang độ nở rộ, nhìn từ xa như một chiếc thảm hồng được thiên nhiên dệt nên.
Đường vào Suối Thầu
Khung cảnh bình yên
Vườn hoa tam giác mạch bên triền đồi
Cánh đồng hoa tam giác mạch
Như ngắm thung lũng Phố Cáo - nơi "chỉ có bầu trời, đất và hoa” - từ trên cao. Xa xa là những nếp nhà trình tường đặc trưng của người Mông: được đắp bằng đất, có màu vàng, mái ngói âm dương, có tường đá bao quanh,.... Ở đây, chúng mình chọn một bãi đất trống để ngồi pha cà phê và ngắm cảnh. "Đồ nghề" có gì đâu ngoài ấm moka, cà phê, cốc, thìa,... cùng chiếc bếp tự chế bằng đá. Cốc cà phê hôm đó ngon hơn bao giờ hết.
Chiếc bếp đá tự chế
Uống cà phê view Phố Cáo
Nhờ đi lạc, chúng mình biết rằng: Hóa ra Phố Cáo không chỉ có chợ phiên, có xôi ngũ sắc, nhà trình tường của người Mông, Dao, Pu Péo,..., có mùa xuân hoa nở mà còn có Suối Thầu đẹp hoang sơ.
Từ thị trấn Đồng Văn, bạn search Google Map tới Đồn Cao nằm ở tổ 4 thị trấn nhé. Tới nơi, bạn để xe máy bên dưới rồi đi bộ thêm khoảng 10 phút để lên tới được điểm cao nhất của Đồn Cao. Có sai đâu khi nói, một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi tới Hà Giang chính là ngắm hoàng hôn ở đỉnh núi cao giữa Đồng Văn này. Thực chất địa điểm này từng vừa là lô cốt, vừa là chòi canh của người Pháp. Xưa, thực dân xâm lược, xây dựng đồn bằng đá trên cao này. Ngày nay, Đồn Cao (hay còn được gọi là Đồn Chang Poung) trở thành tọa độ "săn" bình minh, hoàng hôn cũng như ngắm toàn cảnh thị trấn từ trên cao.
Đi bộ lên Đồn Cao
Mặt trời sắp lặn sau rặng núi
Khung cảnh đẹp nao lòng
Một trong số những trải nghiệm "must try" trong chuyến khám phá Hà Giang chính là đi thuyền trên sông Nho Quế, ngắm nhìn hẻm Tu Sản - hẻm vực sâu nhất khu vực Đông Nam Á.
Dòng Nho Quế bắt nguồn từ núi Nghiễm Sơn, Vân Nam, Trung Quốc, chảy về Hà Giang, Cao Bằng,.... nước ta. Nếu đứng từ trên đèo Mã Pí Lèng nhìn xuống, Nho Quế như một dải lụa xanh ngọc bích vắt mình qua những dãy núi, lúc ẩn lúc hiện giữa núi rừng Đông Bắc hùng vĩ. Khi đi xuống gần con sông huyền thoại này hơn (chạy xe theo hướng đi biên giới Săm Pun), bạn sẽ bắt gặp một Nho Quế nằm bình yên giữa màu xanh của cây cối cùng màu đặc trưng của những phiến đá tai mèo. Nếu trước kia, bạn chỉ có thể ngắm sông Nho Quế, hẻm Tu Sản từ trên cao thì mấy năm trở lại đây, ở Hà Giang đã có dịch vụ đi thuyền, chèo sup ngắm cảnh trên sông. Còn gì bằng khi được ngồi thuyền ngắm Tu Sản - "đệ nhất hùng quan" vừa sâu, vừa hẹp trên Nho Quế.
Hẻm Tu Sản sâu nhất Đông Nam Á
Màu nước xanh hòa cùng màu xanh của cây cối
Thuyền dừng cho du khách chụp ảnh
Đi thuyền trên sông Nho Quế
Quản Bạ không chỉ có Núi đôi Cô Tiên mà còn có làng dệt lanh truyền thống Lùng Tám tọa lạc ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, cách thành phố Hà Giang khoảng 50km. Ngôi làng nhỏ dưới chân núi này chủ yếu có bà con người dân tộc Mông sinh sống. Nghề dệt lanh đã có từ lâu đời, được tiếp nối qua các thế hệ. Đây không chỉ là công việc tạo ra thu nhập mà còn giúp gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc. Ghé hợp tác xã Lùng Tám, mình được xem quy trình dệt lanh của người dân như sau khi thu hoạch về thì đem ngâm nước, tuốt sợi, tước vỏ, hấp, nhuộm màu, dệt. Nguyên liệu chính là vỏ của cây lanh. Theo cô hướng dẫn chia sẻ, công đoạn dệt là khó nhất bởi yêu cầu kỹ thuật rất cao, làm thủ công hoàn toàn. Từ sự tỉ mỉ, khéo léo, những người phụ nữ Mông đã làm ra sản phẩm thổ cẩm độc đáo, sắc sảo.
Cổng vào khu tham quan dệt lanh
Người phụ nữ bên khung dệt
Công đoạn tuốt sợi
Phở thì ở đâu chả có, nhưng ở mỗi thành phố, vùng miền, món ăn quen mặt thuộc tên này lại có những điểm thú vị riêng. Như ở Hà Giang, phở Tráng Kìm đặc biệt trong cách chế biến cùng hương vị. Tráng Kìm là tên một địa danh thuộc huyện Quản Bạ. Ở đây, sợi phở được làm bằng quy trình thủ công: bột gạo xay bằng tay, phở sau khi được tráng thủ công thì đem phơi trên cây nứa cho róc nước. Khách tới quán gọi, chủ quán mới bắc ghế lấy xuống và thái. Cũng bởi vậy nên sợi phở Tráng Kìm dai, thơm, ăn cùng nước dùng thơm mùi thảo quả, quế, gừng, hồi và những miếng thịt gà đồi giòn, ngọt, chắc thịt, thêm ít hành lá thơm lừng.... Ghé Quản Bạ, đừng quên thử bát phở Tráng Kìm hấp dẫn này, bạn nhé!
Phở được phơi trên cây nứa
Bát phở gà hấp dẫn
Bạn có hẹn Hà Giang mùa này?
Tác giả: Lê Thanh Hằng
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal