Văn hóa Khmer tri tôn và ẩm thực An Giang

Sói
08 Jul 2024 - 20 min read

Văn hóa Khmer ở An Giang nói chung, và ở Tri Tôn nói riêng

Mỗi vùng đất không chỉ có một bề dày lịch sử hình thành mà con người sinh sống và thổi hồn vào vùng đất đó cũng là một yếu tố quyết định nên cái hồn của nơi chốn. An Giang là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long có núi giữa đồng bằng. Hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên vừa đặc biệt khi địa hình khá đa dạng (đồi núi nằm trong dãy Thất Sơn hùng vĩ), vừa có đồng bằng vừa có đồi núi, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn, vừa là 2 huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống của tỉnh An Giang (riêng huyện Tri Tôn có 45.829 nhân khẩu, chiếm 34.02% dân số toàn huyện).

Đồng bào Khmer tỉnh An Giang có 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là lễ hội đua bò Bảy Núi; tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông.

Đời sống văn hóa Khmer ở An Giang là một sự kết tinh hội tụ với nhiều giá trị đặc sắc và đa dạng; cho đến nay vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là văn hóa tín ngưỡng và lễ hội. Phản ánh rõ ràng nhất khi trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay, có 37 ngôi chùa Khmer gắn liền với Phật giáo Nam Tông - gắn liền với văn hóa của người Khmer, có ảnh hưởng và chi phối sâu sắc đời sống tinh thần của họ. Người Khmer còn quan niệm rằng ngôi nhà mình ở có thể không đẹp, không khang trang nhưng ngôi chùa thì phải đẹp và lộng lẫy, ngôi chùa to đẹp chính là đại diện cho bộ mặt của Phum, Sóc (Sóc là một đơn vị hành chính cư trú và cũng là tổ chức xã hội cổ truyền gồm một số Phum, thuộc người dân tộc Khmer) nên ngay từ xa xưa qua nhiều thế hệ, bên cạnh việc cúng chùa, lễ phật, kính trọng các sư sãi thì người Khmer còn đầu tư công sức, tâm trí để xây dựng các ngôi chùa mang đậm tính dân tộc, không chỉ là kết tinh của sự tinh xảo, uy nghi từ ngôn ngữ kiến trúc mà còn là các hoa văn chi tiết cụ thể có ý nghĩa nhằm truyền tải khát vọng về tấm lòng sùng kính đức Phật.

Không gian của những ngôi chùa còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo cộng đồng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống như nhạc ngũ âm, múa hát dì kê, múa lâm vong, lâm thôl… Các lễ hội tôn giáo đi kèm và lễ hội truyền thống của người Khmer rất phong phú như: lễ Chol Chnam Thmay ( lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer), lễ Sene Dolta (lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Khmer, còn được gọi là lễ cúng ông bà. Lễ có ý nghĩa giống với lễ Vu Lan của người Việt nên còn được gọi là lễ "Xá tội vong nhân"), lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng của người Khmer, được tổ chức vào khoảng rằm tháng 10 âm lịch hằng năm)...

Nổi bật nhất phải kể đến lễ hội Đua Bò Bảy Núi (1 trong 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận) bởi tính độc nhất vô nhị của địa phương, thu hút nhiều du khách ghé theo dõi, cổ vũ không chỉ trong tỉnh mà còn các tỉnh lân cận. Lễ hội được tổ chức cùng dịp lễ Sene Dolta (khoảng cuối tháng 8 âm lịch đến đầu tháng 9 âm lịch hàng năm) luân phiên tổ chức tại chùa Tà Miệt (huyện Tri Tôn) và chùa Thom Mít (huyện Tịnh Biên).

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia còn lại là Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông. Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá buông từ thế kỷ 19. Kinh viết trên lá buông thể hiện 3 giá trị: kỹ thuật, mỹ thuật và nghệ thuật; qua cách chọn lá, phơi lá đến cách chế biến, sử dụng bột đen để tô chữ, nổi bật con chữ. Viết chữ trên lá Buông mang ý nghĩa thật sự sâu sắc trong đời sống tôn giáo của người Khmer. Điều đó được thể hiện qua 100 bộ Kinh Phật qua nét chữ lá Buông được cất giữ cẩn thận, nghiêm ngặt tại các ngôi chùa Khmer ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên; đến năm 2006 thì chùa Xvay Ton được xác nhận là chùa có cất giữ số lượng nhiều nhất về kinh được viết trên lá buông tại Việt Nam.

Quay lại với chùa Khmer thì trên địa bàn huyện Tri Tôn hiện nay có 37 ngôi chùa Khmer với đa dạng, độc đáo của ngôn ngữ kiến trúc nền văn hóa Khmer ở An Giang, mang giá trị khai thác du lịch như chùa Tà Pạ, Vxay Ton, PreyVen, Krăng Krốc, Sò So, Tà Miệt …

Du lịch tâm linh cũng là một trải nghiệm đặc trưng của du khách khi ghé đến An Giang. Không phải diễn tả nhiều khi mà cứ nhắc đến các ngày lễ lớn thì chuyện hàng ngàn người ghé thăm các chùa chiềng nườm nượp, chuyện mấy cô lớn tuổi đi đứng khó khăn bước từng bước chân lên chánh điện mà tay vịn chắc vào lan can cầu thang, các chú với mâm lễ đầy đủ khiêng bên hông hay khiêng trên trán lúc ngập người, tay người mẹ nắm chặt đứa con giữa dòng người lên xuống tấp nập là chuyện cũng dễ thấy. Cái đợt mình ghé thăm Núi Cấm An Giang cũng thấy mợ mình (ở Bến Tre) ghé thăm nơi đây cũng có thể gọi là trùng hợp, bởi họ hàng dưới miền Tây chỉ có mình cậu mợ. Người miền Tây ghé đến An Giang để đáp lễ bởi vì đi lại gần hơn, không có nghĩa là không thiếu người dân từ các tỉnh thành khác. Mọi người đến với An Giang từ khắp nơi trên tổ quốc vì bản sắc văn hóa tâm linh lâu đời vốn có, đặc biệt là văn hóa văn hóa Khmer ở An Giang mà mình muốn giới thiệu trong bài viết này qua 2 ngôi chùa Khmer chính là: chùa Tà Pạ và chùa Tuk Pok; đồng thời mình cũng muốn giới thiệu về ẩm thực khu vực thành phố Long Xuyên tới khu vực 2 chùa Khmer trên.

Văn hóa Khmer ở An Giang: 2 ngôi chùa Khmer mà mình ghé thăm tại huyện Tri Tôn

Chùa Tà Pạ - vươn mình lơ lửng giữa núi rừng Tà Pạ

Lối vào chùa

Lối vào chánh điện chùa Tà Pạ – An Giang 1

Chùa Tà Pạ có nhiều tên gọi khác nhau, qua ngôn ngữ của người Khmer: chùa Núi, chùa Chưn-Num. Đến chùa Tà Pạ là đắm chìm vào không gian tín ngưỡng phảng phất làn gió êm đềm cùng bầu không khí trong lành, thoáng đãng bởi nơi đây nằm tách biệt so với đồng bằng phía dưới- khoảng 45 mét, tính ở độ cao tọa lạc trên đỉnh núi

Chánh điện chùa Tà Pạ

Chánh điện chùa Tà Pạ – An Giang 2

Kiến trúc chùa Tà Pạ đặc biệt ở điện thờ có mái hình tháp cao vút và lợp ngói long vân ngư.

Chùa khi nhìn ở góc cao

Chóp mái chùa Tà Pạ – An Giang 3

Các chi tiết kiến trúc khác cũng tinh xảo, điêu khắc hoa văn tỉ mỉ như chi tiết tường, cột; một số chi tiết phác họa từ cuộc đời của đức Phật. Ngoài ra, các yếu tố tạo nên tính nghệ thuật Khmer còn được thể hiện qua các bức tranh phù điêu như tượng cây no, tượng thần rắn Naga (hình ảnh tôn giáo gắn liền với Phật Giáo không chỉ ở Khmer mà cả ở một số chùa ở Thái Lan, Campuchia…)

Phù điêu nữ thần Kâyno

Phù điêu nữ thần Kâyno – An Giang 4

Đứng trong khuôn viên chùa Tà Pạ là đứng dưới những tán cây xanh rì, ngập tràn sự sống của thiên nhiên, của một nền văn hóa lâu đời của người Khmer tại vùng đất này để mà bình yên, để mà thanh tịnh và còn để lắng đọng nơi tâm hồn. Đặc biệt, với vị trí đặc biệt nằm cheo leo trên sườn núi nên từ nơi đây thì một vài vị trí lối đi có thể phóng tầm mắt đến các cánh đồng, núi đồi xung quanh tuyệt đẹp của tỉnh Tri Tôn.

Các stupa bên trong khuôn viên chùa

Các stupa bên trong khuôn viên chùa, với nhiều cây xanh bao quanh – An Giang 5

Chi tiết cổng khu Stupa

Chi tiết cổng khu Stupa– An Giang 6

Tượng phật

Tượng Phật ngoài trời – An Giang 7

Chùa Tà Pạ thực sự là điểm dừng chân dành cho những tâm hồn muốn tìm về một nơi chốn vừa có an vừa có yên.

Hòa cùng thiên nhiên

Lối xuống cũ – An Giang 8

Chi tiết trên tượng

Chi tiết tượng – An Giang 9

Đường xuống cũ

Mình đứng ở lối xuống cũ, khá là dốc và trơn – An Giang 10

Đường xuống mới đang được khởi công

Lối xuống chùa mới và đang được xây dựng – An Giang 11

Tượng phật bên trong khuôn viên chùa

Một tượng với nhiều chi tiết tinh xảo bên trong khuôn viên chùa – An Giang 12

Chùa Tuk Pok

Tượng phật

Tượng Phật ngồi nhìn từ bên ngoài đường ĐT948 – An Giang 13

Chùa Tuk Pok nằm dưới chân núi Nam Qui, thuộc phạm vi của vùng núi Thất Sơn, An Giang.

Vị trí: 394 ĐT948, An Lợi, Tri Tôn, An Giang.

Cổng vào chùa

Cổng vào chùa Tuk Pok – An Giang 14

Một vị sư già trong chùa kể lại rằng trong chùa có mạch nước ngầm phun tự nhiên nên đặt tên chùa là Tuk Pok - nghĩa là giếng nước phun.

Cảnh trẻ con Khmer nô đùa bên ngoài cổng chùa

Bọn trẻ con Khmer đang vào chùa để chạy nhảy vui chơi – An Giang 15

Nếu ở Sài Gòn đi xung quanh trung tâm thì mình dễ dàng thấy thấp thoáng tòa nhà Bitexco thì đi đoạn đường dài DDT có thể thấy tượng Phật ngồi của chùa Tuk Pok ẩn hiện, cảm giác được dẫn lối và yên bình không chỉ ở khuôn viên chùa mà còn trên đoạn đường được nhìn thấy tượng Phật.

Bên trong khuôn viên chùa

Bên trong khuôn viên chùa, với nhiều cây xanh và các chi tiết mái kiến trúc đặc trưng của chùa cộng đồng người Khmer ở Tri Tôn – An Giang 16

Cũng giống như chùa Tà Pạ, chùa Tuk Pok thuộc huyện Tri Tôn có nhiều người Khmer sinh sống nên vẻ đẹp kiến trúc cũng có nét đặc trưng riêng của kiến trúc Phật giáo Khmer với đỉnh chóp chùa nhọn, mái ngói màu đỏ, tường sơn màu trắng giản đơn.

Khuôn viên chùa nằm lọt thỏm giữa núi rừng trùng điệp yên bình và ngập tràn sắc xanh phối nhiều loại của cây rừng lâu năm, các hàng cây thốt nốt cao ngút; đem lại một trải nghiệm tâm linh yên bình, để thư thái nhìn sâu vào bên trong bản thân nhiều hơn.

Tượng Phật ngồi khổng lồ

Tượng Phật ngồi khổng lồ, các chi tiết đế và tháp đang xây dựng – An Giang 17- văn hóa Khmer ở An Giang

Văn hóa ẩm thực Khmer: Tà Pạ Cốc

Cổng của quán Tà Pạ Cốc

Cổng của quán Tà Pạ Cốc – An Giang 18

Ngoài văn hóa truyền thống tâm linh thì Tri Tôn cũng là một trong những địa phương có nhiều món ăn đặc sắc và hấp dẫn của người dân tộc Khmer. Các món ẩm thực đặc trưng của đồng bào Khmer là gà hấp lá chúc, gà đốt, cháo bò (vắt trái chúc), ếch xiên nướng, bò xiên nướng, đu đủ đâm...

Một trong những quán ăn đậm chất ẩm thực Khmer mình ghé qua trong chuyến đi là quán Tà Pạ Cốc, cách chùa Tà Pạ khoảng 500 mét.

Địa chỉ: Cổng chào Soài Check, 30 Tháng 4, Núi Tôn, Tri Tôn, An Giang.

Giờ mở cửa: 10h00 - 23h00.

Không gian quán Tà Pạ Cốc

Không gian quán Tà Pạ Cốc – An Giang 19

Các món mình gọi là có gà đốt lá chúc, gỏi gà và cơm chiên. Phải nói là món gà đốt thực sự ấn tượng với da giòn, thịt ướp đậm đà với hương vị lạ miệng của người Khmer, ăn kèm gỏi, củ sắn và xoài giải ngấy thì là một combo trọn vẹn và ấn tượng nhất đối với mình ở chuyến đi An Giang này.

ẩm thực An Giang

Món gà đốt lá chúc siêu bắt mắt và cũng ngon miệng – An Giang 20

Xe nước thốt nốt

Xe nước thốt nốt kế bên Tà Pạ Cốc có thể gọi uống kèm – An Giang 21

Nước thốt nốt, ẩm thực đặc trưng ở An Giang

Trời nắng nóng có ly thốt nốt giải khát là tuyệt vời nhất – An Giang 22

Động vật xung quanh quán

Ai muốn nuôi bé heo mọi bé con này thì quán cũng bán luôn – An Giang 23

Ngoài ra bên cạnh quán cũng có một quầy bán nước thốt nốt, uống sau bữa ăn truyền thống của Khmer thì thật sự trải nghiệm trọn vẹn văn hóa Khmer ở An Giang và Ẩm thực An Giang trong phạm vi thành phố Long Xuyên

Ngoài các trải nghiệm ở tỉnh Tri Tôn thì chỗ trú của mình là nhà của một người bạn ở thành phố Long Xuyên nên các trải nghiệm ẩm thực khác của tỉnh An Giang là mình được trải nghiệm ở thành phố Long Xuyên là chủ yếu

ẩm thực An Giang

Ăn gì ở An Giang – An Giang 24

Khám phá ẩm thực phạm vi thành phố Long Xuyên

Bánh xèo 941

Hình ảnh lao động người dân An Giang

Cô chủ quán bên bếp củi truyền thống để chiên nên những chiếc bánh xèo nóng giòn, thơm ngon – An Giang 25

Trên đoạn đường từ Tri Tôn về lại Long Xuyên thì quán bánh xèo 941 nằm ngay ở giữa. Bánh xèo nhân rau củ quả xào kèm tôm thịt béo ngậy (có thể gọi thêm có trứng chiên cùng hoặc không), chiên trên lò củi truyền thống nên rất giòn và rất ngon miệng, ăn kèm với rất nhiều rau xanh nên mình cũng thích món này - đứng thứ 2 ở chuyến đi. Ở đây giá từng bánh sẽ được treo lên cột tường giá công khai. Giá 1 bánh là 20.000 VNĐ, 2 bánh là 35.000 VNĐ… nên mua càng nhiều thì giá sẽ hữu nghị hơn nữa. Tuy nhiên size bánh khá lớn nên mọi người cân nhắc để chọn số lượng bánh phù hợp.

Bánh xèo

Ăn gì ở An Giang – An Giang 26

Địa chỉ: tỉnh lộ 941, Châu Thành.

Giờ mở cửa: cả ngày.

Cơm tấm Long Xuyên - ăn tối

Nướng tới đâu, bán tới đó nên sườn luôn ấm nóng – An Giang 27

Địa chỉ: 1340 Trần Hưng Đạo, thành phố Long Xuyên.

Giờ mở cửa: chiều tối.

Cơm tấm Long Xuyên

Cơm tấm Long Xuyên – An Giang 28

Giờ mở cửa: chiều tối.

Mình là một người rất thích ăn cơm tấm, mà đặc biệt có hẳn một cái tên cho món này ở đây gọi là cơm tấm Long Xuyên. Mọi thứ ăn kèm sẽ được thái nhỏ và mang nhiều gia vị đặc trưng đậm đà riêng, bao gồm có thịt nướng, thịt khìa, trứng khìa, bì, chả,... nên khi trộn với hạt cơm tấm siêu nhuyễn, tơi thì mọi thứ trộn đều hòa quyện gia vị ăn rất ngon.

Bún cá Cây Bàng - ăn sáng

Địa chỉ: 1340 Trần Hưng Đạo, thành phố Long Xuyên.

Giờ mở cửa: sáng.

Bún cá cây Bàng

Bún cá Cây Bàng – An Giang 29

Hôm mới ghé An Giang thì sáng sớm mình có ghé qua quán bún cá Cây Bàng ăn sáng thì thấy hương vị cũng khá ổn, thịt cá thơm và không bị tanh.

Mọi người có thể ngồi cà phê và gọi tô bún là đủ combo năng lượng và tỉnh táo ngày mới để khám phá du lịch An Giang.

Chè Ngọc Diệp - chiều tối

Địa chỉ: 6A Lê Lợi, phường Mỹ Bình, thành phố Long Xuyên.

Giờ mở cửa: 17h00 - 21h30.

Chè Ngọc Diệp

Chè Ngọc Diệp có món chè thốt nốt rất là dính, mãi không quên vị – An Giang 30

Món tráng miệng nổi tiếng của người Nam Bộ nói chung, các tỉnh miền Tây nói riêng là các loại chè. Quán chè Ngọc Diệp cũng khá lâu đời và luôn đắt khách. Lí do có lẽ là độ ngọt vừa phải, không quá ngọt gắt như các món chè miền Tây mình từng ăn, menu quán còn đa dạng hơn nữa. Chè thốt nốt ngon đến mức không biết mai mốt về sài gòn lỡ thèm kiếm đâu ra mà ăn mà giá chỉ 15.000 VNĐ.

Đá bào Hóng Gió - chiều tối

Một địa điểm hóng gió của giới trẻ Long Xuyên là bờ kè cầu Nguyễn Thái Học đến cầu Hoàng Diệu. Mỗi tối đến là rất nhiều hàng quán, nước giải khát, các xe ẩm thực đa dạng xuất hiện trải dài, kín cả bờ kè mà bàn ghế sẽ kê sát thành lan can bờ kè để đón gió.

Mọi người tới để giải nhiệt, tán gẫu cuối ngày,... tạo nên không khí rất vui, nhộn nhịp của Long Xuyên về đêm.

Đá bào hóng gió ở hồ

Đá bào Hóng Gió, vừa hóng gió vừa ăn đá bào giải khát mùa hè – An Giang 31

Địa chỉ: 22 Phạm Hồng Thái, thành phố Long Xuyên.

Giờ mở cửa: 06h00 - 23h00.

Phải nói rằng du lịch tâm linh của người Khmer là nét văn hóa vô cùng đặc sắc bởi các kiến trúc tinh xảo, phản ánh Phật giáo Nam Tông trong nét văn hóa Khmer ở An Giang nói riêng, Phật giáo Nam Tông của toàn bộ dân tộc nói chung. Biết rằng huyện Tri Tôn đang có nhiều phương pháp, kế hoạch để phát triển triệt để du lịch nơi đây qua việc khai thác văn hóa của người Khmer từ văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc rồi đặc biệt là tôn giáo. Nhưng kế hoạch đó là dài lâu và mình hi vọng bài viết mình đem đến một trải nghiệm hiện tại để mọi người cân nhắc khám phá văn hóa tôn giáo người Khmer của Tri Tôn (phía tây của tỉnh An Giang)

Tác giả: Huỳnh Thiên Ân

*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal

Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://trv.lk/golocal

Trong bài viết này

• Văn hóa Khmer ở An Giang nói chung, và ở Tri Tôn nói riêng
• Văn hóa Khmer ở An Giang: 2 ngôi chùa Khmer mà mình ghé thăm tại huyện Tri Tôn
• Chùa Tà Pạ - vươn mình lơ lửng giữa núi rừng Tà Pạ
• Bún cá Cây Bàng - ăn sáng
• Chè Ngọc Diệp - chiều tối
• Đá bào Hóng Gió - chiều tối

Những hoạt động không thể bỏ qua ở Tỉnh An Giang

Khmer Traditional Craft Village Private Half-Day Tour from Chau Doc

Châu Phú A
1.426.334 VND

Khám phá điều tuyệt vời nhất ở Tỉnh An Giang

Thành phố Châu Đốc

Vietnam

Tỉnh An Giang

Vietnam
Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký