Gành đá đĩa là thắng cảnh nổi tiếng của đất Phú Yên, mà hầu như du khách nào đặt chân tới Phú yên đều cố gắng một lần đến ngắm Gành đá đĩa. Nơi đây có vô vàn các cột đá tiết diện lục giác hoặc ngũ giác ken vào nhau dày đặc ven biển. Trên thế giới cũng có ít những thắng cảnh tự nhiên như vậy, tuy nhiên tại miền Trung, Gành đá đĩa không phải là duy nhất. Ngay trong đất Phú Yên đã có nhiều “Gành đá đĩa trên cạn”, và ở Bình Định cũng có những “Gành đá đĩa” tận trên vùng rừng núi cao.
Một con dốc cong, được phá núi làm đường.
Giữa tháng 6/2020, Lữ Phong lại quẩy balo ra Qui Nhơn để tìm đến xem những “Gành đá đĩa” trên đất Bình Định, theo giới thiệu của các anh chị bạn bè ở đó. Hai địa điểm Lữ Phong lên kế hoạch khám phá nằm một cụm gần nhau và cách xa Qui Nhơn đến hơn trăm km trên vùng rừng núi hoang vu huyện vùng cao Vĩnh Thạnh của tỉnh Bình Định: Thác đá đĩa Hữu Nha và Thành Tà Kơn.
Giờ chót uống cafe chuẩn bị xuất phát, một ông anh đã liên hệ giúp được một cậu trai trẻ đến gấp để đồng hành cùng Lữ Phong, dù cậu này cũng chưa từng đến 2 điểm đó, nhưng dù sao 2 người vẫn yên tâm hơn 1 người khi mò mẫm trong rừng, nhất là “hai đứa chẳng biết sợ cái gì như chúng mày” – lời vị đại ca khi tiễn cả hai lên đường.
Tận 10h00 hai người mới xuất phát từ Qui Nhơn, theo đường QL19 hướng lên phía Tây Nguyên chạy miết 60km, tới ngã ba Tây Thuận thì rời QL19 rẽ phải vào đường ĐT637 đi thị trấn Vĩnh Thạnh. Đã giữa trưa, anh em tạt vào một quán bên đường ăn vội bữa trưa để tiếp tục đi, vì còn hơn 50km nữa mới đến Vĩnh Sơn.
13g30, hai vị khách đường xa dừng lại bên đường ở khu vực làng K2, xã Vĩnh Sơn, loay hoay móc điện thoại ra kiểm tra tọa độ được các bạn đi trước “trang bị” cho, và bắt đầu quá trình mò mẫm tìm thác đá đĩa Hữu Nha (mà các bạn ở Qui Nhơn gọi là “thác Hang Dơi”). Sau một hồi sục thử vào vài con đường đất của dân làm rẫy dọc đường, Lữ Phong nghe cậu bạn gọi điện (vì mỗi người chia nhau vào một đường mòn khác nhau cho đỡ mất thời gian), báo là đã thấy thác.
Thác đá đĩa Hữu Nha (thác Hang Dơi) khô cạn giữa tháng 6
Dựng đại xe dưới một gốc cây, hai anh em loay hoay tìm đường đi bộ tiếp cận ngọn thác. Giữa tháng 6, thác cạn không còn chút nước, lộ rõ một vòm đá cao khoảng hơn 30 mét hõm hàm ếch bên dưới, rộng cũng khoảng gần 30 mét. Ngọn thác này vào mùa nước, chắc chắn sẽ thật kỳ vĩ. Từ lúc nhìn thấy thác, tới khi xuống được chân thác, hai người lê lết, nắm rễ cây để bò, trượt hơn nửa tiếng, người ngợm lấm lem.
Giữa mùa khô, chân thác còn duy nhất một vũng nước tù đọng
Tuy hơi tiếc vì thác hoàn toạn cạn nước, nhưng lại có điều hay là vì thế mà chui vào tận chân thác, sát vách đá, để thấy rõ kết cấu của vách đá nơi đây, quả thực là một bản sao của gành đá đĩa, với các trụ đá ken vào nhau dày đặc trải theo bề ngang ngọn thác.
Thác cạn nên dễ tiếp cận thật sát chân thác …
… để xem thật rõ kết cấu vách đá của ngọn thác
Sau một hồi ngắm, chụp và nghỉ dưới bóng cây, hai anh em lại mất gần nửa tiếng hì hục bám rễ cây leo trở lên còn đường mòn để tiếp tục hành trình. Lữ Phong tự nhủ, nhất định sẽ có lần quay lại nơi đây vào mùa mưa để xem nó ra sao.
Trở ngược lại vài km trên đường bê tông, tới một tọa độ được hướng dẫn là lối vào rừng đến thành đá Tà Kơn, hai anh em ngơ ngác nhìn nhau cười như ngẩn, bởi… chẳng thấy con đường nào hết, chỉ có rẫy của dân địa phương – có lẽ lúc các bạn đi trước, chỗ này chưa bị biến thành rẫy. Lần này cả hai đi cùng nhau mò đường ven các khoảnh rẫy, bởi thành Tà Kơn nằm sâu trong rừng hơn 4km chứ không gần đường như thác Hang Dơi. Đi sâu vào trong khu rẫy hơn cây số, may gặp một căn chòi canh rẫy của người dân đang có người ở, và được hướng dẫn trở ngược ra để đi cho đúng đường.
Con đường nhỏ hẹp có chỗ rộng không đầy 1 mét phủ dày lá vàng, vốn là đường mòn đi rừng của người địa phương, ngoằn ngoèo vượt mấy con dốc rất dốc, xuyên sâu vào rừng già Vĩnh Thạnh. Cũng may cả hai đều quen với những chuyến đi thế này, nên hai con ngựa sắt vẫn cứ gầm gào, ì ạch cõng chủ lầm lũi xuyên rừng. Rồi chiếc “bia di tích” thành Tà Kơn đột ngột hiện ra ngay bên đường hẹp. Đã tới.
Tấm bia di tích giữa rừng, ngay bên đường mòn phủ dày lá vàng
Giữa đại ngàn Vĩnh Thạnh nổi lên một bức tường đá – “bia di tích” nói là dài hơn 500 mét, nhưng Lữ Phong thấy hiện tại nó chỉ còn khoảng hơn 100 mét có thể dễ dàng xem ngắm. Đây thực sự giống những trụ đá của Gành đá đĩa nổi tiếng ở Phú Yên.
Những trụ đá ken vào nhau y hệt ở Gành đá đĩa nổi tiếng
Lữ Phong gật gù nghĩ, vậy ra chữ “thành” trong cụm từ “thành Tà Kơn” có lẽ mang ý nghĩa là bức tường thành/ vách đá thì đúng hơn, bởi ban đầu y cứ tò mò không hiểu “thành Tà Kơn” mà các bạn y nhắc tới, nó là tòa thành giữa rừng, hay là cái gì.
Ở đây, bức tường đá giữa rừng sâu được tạo nên bởi vô số các trụ đá có tiết diện lục giác hoặc ngũ giác ken dày vào với nhau, chỗ cao nhất khoảng gần 20 mét. Đặc biệt, do nằm giữa rừng sâu nên bức tường thành bằng đá cũng bị cây rừng mọc bao trùm một phần, có những nét hao hao giống với cảnh tượng những ngôi đền Ta Prohm nổi tiếng ở Siem Reap, Campuchia.
Rễ cổ thụ ôm trùm lên một phần bức tường đá
Nhờ có đám rễ cây lớn chằng chịt và các thớt đá cao thấp đủ kích thước nên việc leo trèo khá dễ dàng, chàng trai đồng hành bèn leo lên một thớt đá lưng chừng bức tường, nhờ Lữ Phong chộp cho mấy kiểu tự thưởng công sức lần mò tìm đường vào tới đây.
Checkin giữa lưng chừng vách đá
Gần 16h, hai anh em rời bức thành đá trở ra đường lớn để lại vượt hơn trăm km trở về Qui Nhơn. Ra khỏi rừng già thấy trời còn chút nắng, dù mây vần vũ – có lẽ ở vùng rừng núi cao như nơi này, giữa tháng 6 thỉnh thoảng vẫn có những cơn mưa.
Cập nhật thông tin: đến đầu năm 2022, tỉnh Bình Định đã hoàn thành việc đầu tư mở đường vào khu di tích, danh lam thắng cảnh Thành Tà Kơn. Con đường bê tông rộng 2m, dài khoảng 3.5km dẫn từ trục đường giao thông vào tới điểm đặt Bia di tích Tà Kơn. Ngoài ra, tỉnh cũng thi công con đường bậc thang vòng quanh thành đá để đảm bảo an toàn cho du khách tham quan.
Đắk Xuung – cụm dân cư lớn nhất trên con đường xuyên rừng, với vài chục nóc nhà
Lúc đi, lo đi cho nhanh vì còn chưa biết phải mò mẫm đường rừng thế nào, giờ về còn chưa quá muộn nên bắt đầu la cà trước những phong cảnh hai bên con đường xuyện rừng núi về xuôi.
Một cụm dân cư khác chỉ vài nóc nhà mái lá, khung cảnh tuyệt đẹp sau cơn mưa nhẹ.
Nhiều đoạn, núi được xẻ ra để mở đường, con đường dốc cong cong như đâm thẳng vào vách núi trước mặt, thật hùng vĩ và gây cảm giác mạnh nếu đơn thân độc mã đi qua hẻm núi thế này.
Một con dốc cong, được phá núi làm đường.
19g hai anh em về tới Qui Nhơn, các bạn bè đã chờ sẵn với các món hải sản hấp dẫn của miền duyên hải, kết thúc chuyến “thám hiểm” những “gành đá đĩa” ở vùng rừng núi phía Tây Bắc tỉnh Bình Định.
Tác giả: Ngô Hòa Nam
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam, thuộc khuôn khổ chương trình Traveloka Go & Share. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://trv.lk/golocal