Hà Nội 36 phố phường: Nét đẹp cổ kính và độc đáo xứ Kinh Kỳ

Traveloka VN
05 Feb 2025 - 46 min read

Hà Nội 36 phố phường là biểu tượng nổi tiếng khi nhắc đến Hà Nội. Khu phố cổ này mang đầy và đủ những nét truyền thống đặc thù của người Việt từ xưa đến nay. Từ kiến trúc, ẩm thực, nếp sống cho đến tấm lòng hồn hậu của cư dân. Hãy cùng Traveloka khám phá xem địa điểm 36 con phố này có gì mà lại là một trong những biểu tượng văn hóa của thủ đô cũng như là một trong những địa điểm “hot” nhất trong các cẩm nang du lịch nhé!

Dựa theo bài ca về “36 phố phường” được ghi trong “Việt Nam thi văn hợp tuyển” của Dương Quảng Hàm, 36 phố phường Hà Nội có thể được liệt kê bao gồm những con phố sau: Hàng Bạc, Hàng Bát, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bông Lờ, Hàng Buồm, Cầu Đông, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giấy, Hàng Giầy, Hàng Hài, Hàng Hòm, Hàng Khay, Hàng Mã, Hàng Mắm, Mã Vĩ, Hàng Mây, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than, Hàng The, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Đàn, Hàng Đậu, Hàng Điếu và Hàng Đồng.

Hàng Bạc - khu phố kim hoàn

Địa chỉ: Phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Bạc trước kia được xây dựng từ những nghệ nhân từ các làng nghề bạc nổi tiếng Bắc Bộ từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, như làng Châu Khê (Hải Dương), làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng Định Công (Hà Nội). Ngày trước, Hàng Bạc kinh doanh 03 mặt hàng truyền thống bao gồm đúc bạc nén, kim hoàn và quy đổi tiền.

Một góc phố Hàng Bạc tại Hà Nội | Hà Nội 36 phố phường

Một góc phố Hàng Bạc tại Hà Nội | Nguồn: Shutterstock

Hiện nay, theo nhiều cẩm nang du lịch Hà Nội phổ biến thì khu phố này hiện chỉ còn các tiệm chế tác kim hoàn và bán trang sức vàng bạc với 02 dòng sản phẩm chính là đồ bạc trơn và đồ bạc chạm. Những món đồ trang sức bạc tại khu phố này có độ tinh khiết cao, được chạm trổ tinh xảo và đa dạng mẫu mã vì vậy nên du khách có thể mua để làm quà tặng người thân và bạn bè khi đi du lịch Hà Nội 36 phố phường.

Hàng Bát - từng một thời kinh doanh bát, đĩa,...

Địa chỉ: Phường Hàng Bồ và phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Bát (Phố Bát Đàn) từ xưa có 02 đoạn đường, một ở phía Tây và một phía Đông. Con phố phía Tây chủ yếu là nơi ở của kiều dân Nhật Bản và Trung Hoa. Riêng đoạn đường phía Đông tọa lạc trên đất thôn Nhân Nội, chuyên bán các loại bát, đĩa, ấm, chén, vại, chum, bình bằng đồ đàn (tức là đồ gốm). Thời Pháp thuộc, khu phố này được đổi tên thành Rue Vieille des Tasses (nghĩa là “Phố cũ Hàng Chén”).

Tiệm phở gia truyền tại số 49, Phố Bát Đàn | Hà Nội 36 phố phường

Tiệm phở gia truyền tại số 49, Phố Bát Đàn | Nguồn: Shutterstock

Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Hà Nội 36 phố phường thay đổi đáng kể. Riêng với Hàng Bát, trong chiến sự Pháp Việt vào năm 1946-1947, con phố bị tàn phá vô cùng nặng nề. Dù đã được sửa chữa nhưng Hàng Bát ngày nay chỉ còn là con phố dài 248m và không còn duy trì ngành nghề truyền thống nữa. Thay vào đó, nơi đây chủ yếu kinh doanh ăn uống và tạp hóa. Khi đến con phố này, du khách không nên bỏ qua quán phở tại số 49. Đây là quán phở lâu đời nổi tiếng trong vùng đã hoạt động hơn nửa thế kỷ mà người dân hay gọi là phở Bát Đàn.

Hàng Bè - khu phố ăn ngon của Hà Nội

Địa chỉ: Phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Bè dài gần 200m, kéo dài từ phố Hàng Mắm đến phố Hàng Dầu. Cái tên “Hàng Bè” được đặt tên theo khúc đê mà ngày xưa các bè gỗ và những vật liệu làm nhà từ miền ngược trở về Hà thành để bán. Người dân Hà Nội vẫn thường mách nhau chỉ cần đi một vòng khu chợ Hàng Bé này là có được nguyên mâm cỗ. Đây là khu chợ ăn ngon hàng đầu Hà Nội 36 phố phường.

Chợ Hàng Bè buôn bán đa dạng các loại mặt hàng, từ thực phẩm tươi sống, gia vị, đồ khô đến các nguyên liệu sơ chế, thức ăn chế biến sẵn. Khi đến đây, du khách không nên bỏ qua một số món ngon như: cá kho, bún giả cầy, thịt đông, nem cua bể, nem rán hay mắm tép.

Chợ Hàng Bè | Hà Nội 36 phố phường

Chợ Hàng Bè | Nguồn: Báo Dân Trí

Hàng Bồ - nơi một thời buôn bán bồ, sọt

Địa chỉ: Phường Hàng Đào và Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Bồ dài 272m, rộng 6m, kéo dài từ ngã tư phố Hàng Đào - Hàng Ngang đến ngã tư phố Hàng Thiếc - Thuốc Bắc - Bát Đàn, cắt ngang ngã tư Hàng Cân - Lương Văn Can. Sở dĩ có tên gọi là “Hàng Bồ” vì đoạn giữa khu phố này khi xưa là nơi tập trung buôn bán các bồ thóc, sọt đan bằng tre, nứa. Tuy nhiên, khởi thủy của khu phố này kinh doanh đa dạng các ngành hàng. Ngày nay, các chủ kinh doanh tại Hàng Bồ buôn bán nhiều mặt hàng, từ guốc gỗ và dép, tranh chơi Tết của các làng tranh nổi tiếng, các loại hương, cho đến phụ liệu may mặc.

Quán phở Bắc Hải tại số 22, phố Hàng Bồ, Hà Nội | Hà Nội 36 phố phường

Quán phở Bắc Hải tại số 22, phố Hàng Bồ, Hà Nội | Nguồn: Báo Lao Động

Du khách khi đến phố Hàng Bồ có thể ghé qua tiệm hương hiệu Quảng Thái tại số nhà 29 để mua “hương thơm cổ truyền Hà Nội”. Bên cạnh đó, khu phố này còn sở hữu hiệu phở Bắc Hải tại số nhà 22 - một thương hiệu phở lâu đời thuộc dòng phở Hà Nội chính tông, đọ sức với nhiều hàng quán phở nổi tiếng khác trong khu vực Hà Nội 36 phố phường.

Hàng Bông - khu phố bán chăn đệm bông

Địa chỉ: Phường Hàng Gai và Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Bông dài 932m, rộng 9m, thời Pháp thuộc có tên là “rue du Coton”. Đây là khu phố duy nhất trong của Hà Nội 36 phố phường bán bật bông, chăn bông, đệm. Khi đến khu phố này, ngoài việc mua sắm chăn đệm bông chất lượng, bạn có thể ghé thăm một số đình miếu cổ gắn với lịch sử của Hà Thành. Một số đền miếu nổi bật có thể kể đến như đền Phúc Hậu, đình Tam Thánh, đình Lương Ngọc, đình Kim Hộ, đền Vọng Tiên, đình Thiên Tiên, đình Đông Mỹ… Bên cạnh đó, tại ngõ Tạm Thương trên phố Hàng Bông sở hữu 6-7 hàng bán món nem chua rán bình dân thu hút đông đảo thực khách ghé đến, đặc biệt là những bạn học sinh.

Nem nướng - món ăn vặt đưa miệng của Hà Nội | Hà Nội 36 phố phường

Nem nướng - món ăn vặt đưa miệng của Hà Nội | Nguồn: Shutterstock

Hàng Bông Lờ - một thời bán dụng cụ đánh cá

Địa chỉ: Phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Ngõ Hàng Bông Lờ chỉ dài 88m, rộng 5m, kéo dài từ phố Tống Duy Tân sang phố Hàng Bông, và là một phần của Hàng Bông ngày nay. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì ngày xưa khu phố này chuyên bán dụng cụ đánh cá sông, cá đồng như lờ, đó, chúm,... Địa điểm này từng có tên gọi là phố Lông-đơ (rue Llonde) vào thời Pháp, sau Cách mạng thì được đổi tên thành phố Cấm Chỉ (tức lối đi bị cấm ra vào) xuất phát từ ngõ Cấm Chỉ vào thời Hậu Lê. Ngày nay, Hàng Bông Lờ không còn buôn bán dụng cụ đánh cá mà chỉ là một khu dân cư bình thường tại khu vực Hà Nội 36 phố phường.

Nối với Hàng Bông Cửa Quyền là Hàng Bông Lờ (đoạn từ ngõ Hội Vũ tới đầu phố Cửa Nam) | Hà Nội 36 phố phường

Nối với Hàng Bông Cửa Quyền là Hàng Bông Lờ (đoạn từ ngõ Hội Vũ tới đầu phố Cửa Nam) | Nguồn: Môi trường và đô thị

Hàng Buồm - phố người Hoa giữa lòng Hà Nội

Địa chỉ: Phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Buồm là khu phố dài 300m, rộng 7m, kéo dài từ phố Đào Duy Từ đến ngã tư phố Hàng Ngang - Hàng Đường - Lãn Ông. Khu phố này nằm bên bờ sông Hồng và sông Tô Lịch nên khi xưa cư dân của nơi này chuyên làm nghề liên quan đến sông nước. Chính vì lẽ đó Hàng Buồm trước kia bán các loại bị, túi, vỉ buồm, chiếu buồm… đan bằng mây, cói.

Bên trong đền Bạch Mã | Hà Nội 36 phố phường

Bên trong đền Bạch Mã | Nguồn: Internet

Từ thế kỷ XIX, khu phố này đã tập trung đông đúc người Hoa Quảng Đông sinh sống và buôn bán thuộc tốp bậc nhất khu vực Hà Nội 36 phố phường. Địa điểm này dần dà trở thành khu ChinaTown sầm uất của Hà Nội vào thế kỷ trước. Khi đến thăm thú Hàng Buồm, du khách nên ghé thăm hai địa điểm nổi tiếng của khu phố là đình Tử Dương và đền Bạch Mã - một trong Thăng Long Tứ Trấn và là Di tích quốc gia đặc biệt.

Phố Cầu Đông - “Bà già đi chợ Cầu Đông”

Địa chỉ: Phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Cầu Đông thoạt nghe qua có vẻ lạ lẫm nhưng thật ra lại quen thuộc với người Việt khi xuất hiện trong câu ca dao “Bà già đi chợ Cầu Đông/Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng/Thầy bói xem quẻ nói rằng/Lợi thì có lợi nhưng răng không còn”.

Khu chợ Cầu Đông tọa lạc trên phố Cầu Đông dài 168m - một con phố ngang nối phố Đồng Xuân và phố Nguyễn Thiện Thuật. Con phố chạy sát theo cạnh phía Nam chợ Đồng Xuân này mới mở vào năm 1986, sau khi chợ Đồng Xuân được xây dựng lại.

Chùa Cầu Đông | Hà Nội 36 phố phường

Chùa Cầu Đông | Nguồn: Internet

Tên gọi Cầu Đông được đặt vào năm 1991 theo tên cây Cầu Đông bắt qua sông Tô từ xưa (nhưng cây cầu đã không còn kể từ năm 1884). Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm qua địa điểm tín ngưỡng - tôn giáo nổi bật của khu phố này là chùa Cầu Đông. Ngôi chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1989.

Hàng Cót - khu phố của nghề đan cót liếp

Địa chỉ: Phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Cót dài khoảng 400m, kéo dài từ phố Phan Đình Phùng đến phố Hàng Mã. Sở dĩ con phố này có tên gọi “Hàng Cót” là do trước kia có nhiều hộ làm nghề đan cót liếp bằng tre, nứa. Đây là loạt vật liệu mà người dân Hà thành xưa dùng làm vách nhà hay hàng rào. Ngày nay, con phố trở thành tuyến thương mại phát triển bậc nhất của khu vực Hà Nội 36 phố phường với nhiều cửa hàng thời trang, ẩm thực, dịch vụ du lịch,... mọc lên. Bên cạnh đó còn là những ngôi nhà rộng đẹp tô điểm cho khu phố.

Hàng Cót là một trong số ít con phố tại Hà Nội có cầu đường sắt bắt qua, tạo nên quan cảnh thú vị đối với nhiều du khách lần đầu ghé thăm. Khi du lịch tại khu phố này, du khách nên thử ghé thăm 02 địa điểm tín ngưỡng nổi bật gồm: đền Tam Phủ thờ đạo Mẫu tại số 52, và đình Ngũ Giáp tại số 54 thờ Lý Tiến - vị quan viên người Việt thời Đông Hán.

Hàng Da - nơi cung cấp vật liệu cho ngành da thuộc Hà thành

Địa chỉ: Phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Da dài 240m, đi từ phố Đường Thành đến phố Hàng Bông, trực thuộc phường Cửa Đông. Khu phố này xuất hiện từ trước thời Pháp thuộc, chuyên bán các mặt hàng da trâu, da bò thuộc. Chợ Hàng Da trước kia cũng chính là nơi buôn bán chủ yếu các loại da thuộc, bên cạnh đó khu chợ cũng có bán thêm rau củ. Mặt hàng giả da như túi xách, vali,... xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX cũng được nhiều hộ gia đình của khu phố này đầu tư kinh doanh và sản xuất.

Chợ Hàng Da | Hà Nội 36 phố phường

Chợ Hàng Da | Nguồn: Batdongsan

Ngày nay, Hàng Da là một trong nơi hiếm hoi còn giữ được những đặc điểm ngành hàng truyền thống của khu vực Hà Nội 36 phố phường. Du khách có thể đến khu phố này để mua những sản phẩm bằng da chất lượng làm quà tặng cho người thân và bạn bè khi đi du lịch Hà Nội. Đứng trước sự thay đổi của thời đại, khu phố này vẫn giữ được việc buôn bán các mặt bằng da nhưng vẫn tập trung kinh doanh đa dạng các mặt hàng hơn.

Hàng Gà - từ nơi bán gia cầm trở thành khu phố chuyên doanh thiệp cưới

Địa chỉ: Phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Gà dài khoảng 200m, kéo dài từ phố Hàng Cót đến Hàng Điếu ở phía tây khu phố cổ Hà Nội. Tên gọi “Hàng Gà” xuất xứ từ việc người dân Hà thành trước kia thường mang các loại gia cầm như gà, vịt, ngan, ngỗng,... ngồi buôn bán bên đình Thái Cam. Dần dà, với tốc độ hiện đại hóa cao, nghề buôn bán gia cầm được chuyển vào trong các chợ nên khu phố không còn kinh doanh mặt hàng đặc trưng như trước. Dù vậy nhưng hoạt động thương mại của Hàng Gà ngày nay vẫn tương đối nhộn nhịp và khu phố này trở thành một trong những tuyến giao thông huyết mạch của thành phố.

Hàng Gà hiện nay là một trong những phố chuyên doanh của khu vực Hà Nội 36 phố phường. Mặc dù hàng hóa buôn bán của khu phố đa dạng nhưng du khách khi đến tham quan nơi đây sẽ vô cùng bất ngờ bởi gần 30 cửa hàng bán chuyên thiết kế và in ấn thiệp cưới.

Bên cạnh đó, khi có dịp ghé thăm địa điểm, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều căn nhà cổ kính với kiến trúc Á Đông truyền thống do Hàng Gà là một trong những khu phố ít bị tàn phá bởi chiến tranh nhất. Du khách cũng không nên bỏ qua món bánh cuốn ngon nức tiếng ở Hà Nội tại quán bánh cuốn gia truyền Thanh Vân (tọa lạc ở số 14 Hàng Gà).

Mặt tiền quán bánh cuốn gia truyền Thanh Vân | Hà Nội 36 phố phường

Mặt tiền quán bánh cuốn gia truyền Thanh Vân | Nguồn: Shutterstock

Hàng Gai - từ địa điểm bán dây gai đến khu vực in ấn rồi thành “con đường tơ lụa”

Địa chỉ: Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Gai dài 273m nối từ phố Hàng Đào đến ngã tư Hàng Hòm - Hàng Trống - Hàng Bông. Như tên gọi của mình, khu phố ngày trước chủ yếu bày bán các loại dây gai, dây đay, võng, thừng,... Do đó mà Hàng Gai còn có cách gọi dân gian là Hàng Thừng. Tuy nhiên, từ thế kỷ XIX, nghề in sách và buôn tơ lụa du nhập vào khu vực này đã đẩy lùi việc buôn bán dây gai lên phố Bát Đàn. Sang thế kỷ XX, con phố này chuyển sang buôn bán nhiều loại mặt hàng khác nhau. Trong đó, ngành in ấn mất dần vị thế nhưng các cửa hàng kinh doanh tơ lụa vẫn chiếm tỉ trọng lớn (91/120 cửa hàng trên phố Hàng Gai).

Một góc con đường tơ lụa Hàng Gai | Hà Nội 36 phố phường

Một góc con đường tơ lụa Hàng Gai | Nguồn: Internet

Du khách du lịch Hà Nội 36 phố phường nên ghé thăm Hàng Gai để mua những thớ vải tơ lụa hay trang phục cho bản thân, người thân và bạn bè của mình vì chất lượng vải đặc biệt tốt. Du khách cũng nên đến nơi đây vào dịp gần đến Tết Trung thu. Vì vào dịp này hằng năm, khu phố trở nên náo nhiệt hơn hẳn nhờ việc bày bán đa dạng các loại lồng đèn cũng như đồ chơi truyền thống cho trẻ em. Bên cạnh đó, nếu có dịp đến Hàng Gai, du khách nên đến thử món nem chua rán nổi tiếng tại số 36, ngõ Tạm Thương.

Hàng Giấy - khu phố ăn chơi nhất phố cổ ngày trước

Địa chỉ: Phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Giấy dài 219m, rộng 12m, trải từ Hàng Đậu đến ngã tư Đồng Xuân - Hàng Khoai. Khu phố này trước kia là nơi tụ tập buôn bán các loại giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bồi… từ những hộ gia đình của làng Bưởi và làng Cót. Bên cạnh đó, địa điểm này còn kinh doanh cả những giấy nhập nội như giấy quyến, giấy tàu bạch… Vì thế khu phố mới có tên là Hàng Giấy. Nhờ buôn bán khá khẩm mà nơi đây ngày càng khang trang. Khoảng năm 1910, con phố bắt đầu xuất hiện những nhà hát ả đào và nhanh chóng trở thành khu ăn chơi nhất khu vực Hà Nội 36 phố phường.

Hàng Giấy kéo dài từ Hàng Đậu đến ngã từ Đồng Xuân - Hàng Khoai | Hà Nội 36 phố phường

Hàng Giấy kéo dài từ Hàng Đậu đến ngã từ Đồng Xuân - Hàng Khoai | Nguồn: Redsvn.net

Ngày nay, mặt hàng giấy đã không còn xuất hiện tại Hàng Giấy. Thay vào đó là đa dạng các ngành hàng từ giày dép, điện thoại, lưỡi câu, đồng hồ hay thậm chí là quần áo thời trang đã đưa nơi đây trở thành tuyến phố sầm uất bậc nhất tại phố cổ. Du khách có dịp đến với Hàng Giấy có thể thỏa thích mua sắm với giá cả vô cùng bình dân. Thêm nữa, từ đầu đến cuối phố Hàng Giấy là vô vàn những quán vỉa hè bán những món đặc sản của Hà Nội nên du khách chớ có bỏ quan cơ hội thưởng thức ẩm thực đường phố Hà thành ngon lành nhé!

Hàng Giầy - khu phố nghề giày da

Địa chỉ: Phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Giầy dài khoảng 230m, kéo từ phố Hàng Chiếu đến phố Lương Ngọc Quyến. Từ thế kỷ XVII-XVIII, khu phố này tập trung nhiều thợ hành nghề đóng giày da gốc làng Chắm (tỉnh Hải Dương). Khi giày dép kiểu cũ trở nên lỗi thời và không còn bán được, các căn nhà trên phố cho người Hoa thuê để mở những quán ăn uống. Do đó mà ngày nay, khu vực này chỉ còn một ít hộ gia đình còn kinh doanh giày dép, phần còn lại của Hàng Giầy là những quán ăn, tiệm tạp hóa, khách sạn,...

Hàng Hài - thêm một con phố sầm uất bán giầy dép

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Hài (theo một số cẩm nang du lịch phổ biến hiện nay cho biết đây là cách gọi cũ của Hàng Mành) đi từ phố Hàng Nón đến phố Hàng Bông, và từng là một khu phố con thuộc Hàng Bông. Lý do địa điểm này có tên như thế do trên khu phố có những cửa hàng bán giày hài, nón, đồ thờ điện bằng giấy nhằm phục vụ việc thờ phụng và các hoạt động tín ngưỡng. Hài dùng cho việc thờ cúng làm bằng giấy ngũ sắc. Còn hài thật có phần mũi làm bằng lụa và được thuê kim tuyến, phần đế hài bằng được làm từ gỗ vông. Du khách khi du ngoạn một trong những con phố của Hà Nội 36 phố phường này nên thử thưởng thức món bún chả Đắc Kim ngon nức tiếng tại Hà Thành tọa lạc tại số 1, Hàng Mành.

Hàng Hòm - làng nghề làm đồ gỗ phủ sơn ta

Địa chỉ: Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Hòm có độ dài 127m, độ rộng 6m, trải dài từ cuối Hàng Quạt đến cuối Hàng Gai. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhiều người dân thôn Hà Vĩ mang theo làng nghề làm đồ gỗ phủ sơn ta của vùng mình lên khu vực Thăng Long để kinh doanh. Khu vực này nhanh chóng đạt sự điêu luyện trong kỹ thuật sơn dầu, phát triển kỹ thuật sơn mài nhờ việc học tập từ kỹ thuật Trung Hoa.

Giai đoạn đầu, các cửa hàng trên phố chuyên bán các loại hòm đựng quần áo bằng gỗ phủ sơn ta, tráp gỗ đựng giấy tờ, hòm gỗ mộc dùng sơn nhập từ Pháp, câu đối, tráp quả, ngai thờ bằng sơn mài. Sau đó, nhu cầu thời đại phát triển nên người dân nơi đây cũng dần dà kinh doanh các mặt hàng như vali hay cặp sách. Sang những năm 70 của thế kỷ XX, làng nghề này bị mai một do biến động xã hội sâu sắc và phần lớn vì thị hiếu thời đại thay đổi.

Khi đến phố Hàng Hòm, du khách sẽ đắm chìm trong không gian cổ kính và rêu phong. Diện tích con phố nhỏ với hai bên đường là những ngôi nhà san sát mang phong cách cổ điển mang đến cho du khách cảm giác hoài cổ về Hà thành những thế kỷ trước.

Hàng Khay - phố Thợ Khảm một thời nức tiếng Hà thành

Địa chỉ: Phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Khay dài 170m, rộng 14m nối liền phố Tràng Tiền và phố Tràng Thi ở bờ nam hồ Hoàn Kiếm. Khu phố này nổi tiếng với nghề khảm trai truyền thống của người Việt, do đó mà nơi này còn được gọi với cái tên phố Thợ Khảm. Những mặt hàng khảm trai tại đây từng là “sản phẩm độc quyền” một thời ở Đông Dương xưa và là một nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp. Những sản phẩm mà Hàng Khay kinh doanh khảm trai các món như hoành phi, câu đối, sập gụ, bình phong, ghế, bàn, tủ chè, khay, tráp trầu,...

Mặc dù ngày nay, làng nghề này tại Hàng Khay không còn hoạt động quá sôi nổi nhưng trên con phố vẫn còn những cửa hàng kinh doanh các món đồ thủ công mỹ nghệ khảm trai. Từ những vật dụng nhỏ cho đến những món đồ trang trí bảng to. Do đó, đây chính là món quà tuyệt vời để du khách dành tặng những người thân yêu khi đi du lịch Hà Nội 36 phố phường.

Hàng Mã - bùng nổ sắc màu mỗi dịp lễ hội

Địa chỉ: Phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Mã có chiều dài khoảng 300m, là khu phố truyền thống nổi tiếng với nghề làm đồ mã. Từ xưa đến nay, khu phố này vẫn luôn sản xuất và kinh doanh các sản phẩm như đồ giấy, đồ vàng mã cúng lễ, ma chay. Bên cạnh đó, nơi này còn bán nhiều loại đồ trang trí cũng như đồ chơi bằng giấy, tre, nứa truyền thống của người Việt.

Du khách du lịch Hà Nội 36 phố phường nên đến Hàng Mã vào những dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Trung Thu, Halloween, Giáng Sinh hoặc vào dịp Tết Nguyên Đán. Bởi lẽ vào những dịp này, khu phố sẽ trở nên vô cùng sôi động và rực rỡ sắc màu. Lúc này, nhiều hộ gia đình của khu phố bày bán nhiều mặt hàng trang trí, đồ chơi, hóa trang cũng như những đồ dùng cần thiết khác theo chủ đề của từng lễ hội. Những ngày cận lễ chính là thời điểm Hàng Mã nhộn nhịp nhất do nhiều người dân tranh thủ đến đây mua sắm.

Lễ Trung Thu trên phố Hàng Mã | Hà Nội 36 phố phường

Lễ Trung Thu trên phố Hàng Mã | Nguồn: Shutterstock

Hàng Mắm - làng nghề mắm nức tiếng xứ Kinh Kỳ

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Mắm dài 188m, chạy dài trong địa phận phường Lý Thái Tổ từ đường Trần Nhật Duật đến phố Hàng Bạc ở ngã ba Mã Mây. Sở dĩ có tên gọi Hàng Mắm vì nơi đây ngày trước là khu chuyên về nghề làm mắm thủy sản như mắm tôm, mắm tép, nước mắm,... Sau này, khu phố không còn chuyên doanh mặt hàng này nữa mà nhường chỗ cho nghề làm bia mộ hoặc một số mặt hàng sành, sứ. Dọc phố Hàng Mắm là vô vàn những quán ăn đường phố truyền thống mà du khách nên một lần thử qua khi du lịch Hà Nội 36 phố phường.

Phố Mã Vĩ - sản phẩm thủ công làm từ đuôi ngựa

Địa chỉ: Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Mã Vĩ trong Hà Nội 36 phố phường ngày nay đã không còn mà được sáp nhập và phố Hàng Quạt. Sở dĩ khu phố này mang tên “Mã Vĩ (có nghĩa là “đuôi ngựa”) bởi vì trước kia cả khu phố kinh doanh những sản phẩm áo mũ triều phục, trang phục và các loại đạo cụ sân khấu cho tuồng, chèo làm bằng lông ngựa. Trên khu phố này có đền Thuận Mỹ thờ đạo Mẫu và thường hay tổ chức các buổi chầu văn. Du khách yêu thích khám phá các loại hình nghệ thuật truyền thống và tín ngưỡng dân gian có thể ghé thăm ngôi đền này tại số 64 Hàng Quạt để thưởng thức và tìm hiểu.

Đền Thuận Mỹ tọa lạc tại số 64, Hàng Quạt | Hà Nội 36 phố phường

Đền Thuận Mỹ tọa lạc tại số 64, Hàng Quạt | Nguồn: sưu tầm

Hàng Mây - khu phố chuyên đồ thủ công mây, tre đan

Địa chỉ: Phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Mây ngày nay là một phần của phố Mã Mây dài 270m. Ngày trước, phố Hàng Mây của Hà Nội 36 phố phường là một khu vực chuyên kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ làm từ mây, tre đan. Dù ngày nay khu phố này không còn hoạt động sôi nổi mặt hàng thủ công này, du khách vẫn có thể tìm thấy một số cửa hàng chuyên bán đồ dùng làm từ mây, tre đan vô cùng khéo léo và đầy tính thẩm mỹ. Đây chính là món quà lý tưởng để du khách mang về dành tặng cho người thân nhân dịp du lịch Hà Nội.

Bên cạnh đó, du khách cũng có thể ghé thăm Ngôi nhà cổ tại số 87, Mã Mây. Được xây dựng vào thế kỷ XIX, đây là 01 trong 14 căn nhà cổ còn sót lại tại Hà Nội mà vẫn giữ nguyên được kiến trúc nguyên vẹn. Địa điểm này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di sản cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 02 năm 2004.

Gian phòng khách của Ngôi nhà cổ số 87, Mã Mây | Hà Nội 36 phố phường

Gian phòng khách của Ngôi nhà cổ số 87, Mã Mây | Nguồn: Shutterstock

Hàng Muối - con phố mặn mà

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Muối dài 104m, kéo dài từ đường Trần Nhật Duật đến Hàng Mắm. Khu phố này từng một thời là nơi phân phối muối lớn nhất Hà thành và kể cả các vùng lân cận. Dù vậy, Hàng Muối ngày nay không còn nhiều hộ gia đình buôn muối nữa mà nhiều cửa hàng đồ ăn và cà phê mọc lên. Nếu đã có dịp ghé “khu phố mặn mà” này, du khách không nên bỏ qua quán phở nổi tiếng khắp thành phố là quán Phở Cường tọa lạc tại số 23. Món phở đầy ắp của quán chắc chắn sẽ làm hài lòng vị giác và chiếc bụng đói của du khách sau một ngày dài thăm thú Hà Nội 36 phố phường.

Hàng Ngang - tên phố không nói lên mặt hàng kinh doanh

Địa chỉ: Phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Cái tên Hàng Ngang khiến nhiều du khách tham quan Hà Nội 36 phố phường băn khoăn rằng “ngang” là mặt hàng gì. Có nhiều giả thuyết về cái tên “Hàng Ngang”, tuy nhiên giả thuyết hợp lý nhất cho biết từ “ngang” dùng để chỉ những bức tường chắn ngang với cổng gỗ chặn lại đường mà người Hoa gốc Quảng Đông dựng lên ngày trước.

Khu phố dài 152m này vào đầu thế kỷ XX tập trung nhiều cửa hàng vải vóc cao cấp lớn nhất nhì xứ Kinh Kỳ, đặc biệt là lụa tơ tằm. Ngày nay, Hàng Ngang vẫn là một trong những khu phố thương mại sầm uất bậc nhất Hà Nội. Khu phố dưới thời hiện đại hóa buôn bán đa dạng mặt hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm từ phân khúc bình dân đến cao cấp. Vào cuối tuần, địa điểm này trở thành khu phố đi bộ náo nhiệt.

Bên cạnh đó, du khách có thể ghé thăm một địa điểm quan trọng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đó là căn nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1954.

Căn nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập | Hà Nội 36 phố phường

Căn nhà số 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập | Nguồn: Báo Lao động thủ đô

Hàng Nón - thiên đường của những chiếc nón

Địa chỉ: Phường Hàng Gai và phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Nón dài 216m, kéo dài từ phố Hàng Quạt đến phố Đường Thành. Khu phố này vào đầu thế kỷ XX trở về trước từng sở hữu nhiều cửa hàng buôn bán các loại nón như nón lá già, nón mũ chảo, nón dứa, nón lính, nón Nghệ, nón quai thao, nón ba tầm, nón lông đen, nón lông trắng,...

Đầu thế kỷ XX, việc đội nón không còn được ưa chuộng, và chỉ còn những người lao động chân tay mới dùng nón. Điều này khiến cho các cửa hàng nón tại đây dần trở nên thưa thớt và không còn là mặt hàng chủ đạo của khu phố. Hiện nay, khu phố kinh doanh đa dạng các loại sản phẩm và trở thành một khu mua sắm nhộn nhịp của thành phố. Tuy nhiên, du khách cũng có thể mua nón lá tại những cửa hàng quà lưu niệm trên phố để làm quà cho người thân sau chuyến du lịch Hà Nội 36 phố phường đầy lý thú.

Cửa hàng bán đồ lưu niệm nón lá tại Phố cổ Hà Nội | Hà Nội 36 phố phường

Cửa hàng bán đồ lưu niệm nón lá tại Phố cổ Hà Nội | Nguồn: Shutterstock

Phố Mới, Phúc Kiến - phố của người Hoa gốc Phúc Kiến

Địa chỉ: Phường Hàng Đào và Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hai khu phố này hiện nay chính là phố Lãn Ông - con phố trứ danh Hà thành về thuốc Đông Y. Các con phố này khi xưa vốn là khu vực sinh sống và buôn bán của cộng đồng người Hoa gốc Phúc Kiến. Con phố từ xưa đến nay vẫn gìn giữ nghề kê thuốc Đông Y, bán buôn dược liệu với hơn 90% cửa hiệu hành nghề này. Vì vậy mà nơi đây đã trở thành một trong những con phố chuyên doanh của Hà Nội 36 phố phường. Bên cạnh đó, du khách có thể đến thăm Hội quán Phúc Kiến tại số 40, Lãn Ông, Hàng Bồ để tìm hiểu thêm về đời sống văn hóa và tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa Phúc Kiến tại Hà Nội.

Hội quán Phúc Kiến nằm trên phố Lãn Ông | Hà Nội 36 phố phường

Hội quán Phúc Kiến nằm trên phố Lãn Ông | Nguồn: Tạp chí điện tử Người đô thị

Hàng Than - khu phố phân phối nhiên liệu quan trọng của Hà Nội xưa

Địa chỉ: Phường Nguyễn Trung Trực, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Than dài 409m, kéo dài từ đường Yên Phụ đến chỗ nối phố Hàng Đậu và phố Quán Thánh. Như tên của mình, khu phố này ngày trước có nhiều nhà bán than, than hoa và than tàu. Tuy nhiên, địa điểm này lại nổi tiếng với bánh cốm Hàng Than trứ danh Hà thành. Vào thập kỷ 20 của thế kỷ trước, chỉ có một vài hộ gia đình kinh doanh món bánh cốm, nhưng ngày nay hầu như cả khu phố đều bán buôn bánh cốm, phải có hơn 50 cửa hàng trên toàn Hàng Than.

Thương hiệu bánh cốm nổi tiếng nhất và cũng nơi “mở hàng” bánh cốm cho toàn khu phố chính là hiệu Nguyên Ninh (tọa lạc tại số 11). Du khách có thể ghé khu phố này trong chuyến thăm thú Hà Nội 36 phố phường để mua chút bánh cốm về làm quà tặng. Trên khu phố có vô vàn loại bánh cốm với đầy đủ màu sắc và mẫu mã để du khách có thể lựa chọn. Hầu như mỗi một gian hàng đều có hơn chục loại bánh cốm.

Hàng The - con phố “chưa rõ”

Dù xuất hiện trong bài ca về “36 phố phường” trong “Việt Nam thi văn hợp tuyển” nhưng dường như Hàng The chưa từng được ghi nhận cụ thể thêm trong bất kỳ văn bản lịch sử nào khác. Nhiều thông tin truyền miệng cho rằng Hàng The là khu phố bán vải the - một loại vải dệt thoi với phần lưới dệt dạng bán lưới.

Hàng Thiếc - trung tâm sản xuất đồ dùng bằng thiếc lớn nhất Hà Nội

Địa chỉ: Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Thiếc dài 136m, trải dài từ ngã tư Bát Đàn - Thuốc Bắc tới ngã ba Hàng Thiếc - Hàng Nón. Từ trước đến nay, khu phố này vẫn luôn giữ nguyên làng nghề truyền thống sản xuất và buôn bán đồ gia dụng bằng thiếc như lư hương, ấm trà, khay đựng trà, đèn thắp dầu lạc,... Ngoài ra, trong những giữa thế kỷ XX, những hộ gia đình tại Hàng Thiếc nhận ra những đồ dùng bằng thiếc không còn đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng nữa, do đó họ chuyển sang dùng sắt tây. Ngày nay, những hộ kinh doanh còn cung cấp thêm những sản phẩm được làm từ tôn, kẽm, inox như thùng đựng nước, thùng hóa vàng, khuôn bánh,... Ngoài ra, tàu thủy đồ chơi của Hàng Thiếc chính là món quà tuổi thơ của không ít cư dân Hà Nội 36 phố phường vào mỗi dịp Trung Thu.

Một gian hàng bán đồ gia dụng trên phố Hàng Thiếc | Hà Nội 36 phố phường

Một gian hàng bán đồ gia dụng trên phố Hàng Thiếc | Nguồn: VnExpress

Hàng Thùng - khu phố sản xuất thùng tre, nứa lớn của thành phố

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ và phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Thùng dài 216m, bắt đầu từ đường Trần Quang Khải đến phố Hàng Bè. Khu phố này là địa điểm sản xuất và buôn bán thùng làm từ tre, nứa phủ sơn ta, dùng để gánh nước hoặc đựng hàng hóa, nước mắm. Sự xuất hiện của thùng nhựa, thùng sắt đã làm thay đổi cục diện của Hàng Thùng. Do đó, ngành nghề này nhanh chóng bị thay thế cho những vật liệu thuận tiện hơn.

Mặc dù thế, Hàng Thùng vẫn điểm đến thu hút du khách ghé thăm và chụp ảnh check-indo vẫn còn mang nét cổ kính đặc trưng của khu vực Hà Nội 36 phố phường. Du khách khi đến khu phố này nên thử nem truyền thống đầy quyến rũ tại cửa hàng Nem tai Bà Hồng tại số 35.

Hàng Tre - mang đậm hơi thở Việt

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Tre dài 306m, bắt đầu từ phố Hàng Mắm đến phố Lò Sũ. Trước kia, khu phố này chuyên bán những sạp tre, nứa do nằm sát bờ sông Hồng thuận tiện cho việc bốc dỡ tre, nứa. Khu phố này cũng từng buôn bán một số đồ dùng, đồ thủ công mỹ nghệ làm từ tre, nứa như rổ, rá, thúng,... Đây cũng là nguồn gốc của cái tên Hàng Tre.

Khi du lịch Hà Nội 36 phố phường, du khách nên ghé sang Hàng Tre một lần để chiêm ngưỡng khối kiến trúc đồ sộ của trụ sở tòa án đầu tiên của Hà Nội được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. “Tòa án Hàng Tre” uy nghi với lối kiến trúc cổ điển Pháp hứa hẹn sẽ mang đến những bức ảnh check-in độc đáo cho du khách.

“Tòa án Hàng Tre” uy nghi tại góc phố | Hà Nội 36 phố phường

“Tòa án Hàng Tre” uy nghi tại góc phố | Nguồn: Cổng thông tin Kinh doanh và Du lịch

Hàng Vôi - nhuốm màu cổ kính Hà thành

Địa chỉ: Phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Vôi dài khoảng 300m, kéo dài từ phố Lò Sũ đến đầu phố Ngô Quyền. Khu vực này ngày trước có nhiều lò nung vôi và cửa hàng bán vôi. Ngày nay, do sự phát triển nhanh chóng của nhiều loại vật liệu mới nên nghề nung vôi ở khu phố này không còn nữa. Dù vậy, Hàng Vôi vẫn mang nét đặc trưng của Hà thành với những ngôi nhà phong cách cổ điển Pháp nhuốm màu thời gian. Bên cạnh đó, nếu có đến Hàng Vôi du khách có thể ghé thăm đền thờ vua Lê Lợi nằm ở căn gác của nhà số 7 Hàng Vôi.

Hàng Đàn thực chất là Hàng Quạt ngày nay

Địa chỉ: Phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Quạt (cũ) ở phía đông, Hàng Đàn ở giữa và phố Mã Vĩ ở phía tây cùng gộp lại thành Hàng Quạt ngày nay. Do đó, Hàng Đàn từ lâu đã không còn là một con phố riêng biệt nữa. Sở dĩ có tên là Hàng Đàn là do có nhiều hộ gia đình làm nghề mộc chuyên làm và bán các loại nhạc cụ truyền thống như đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn hồ,… Ngày nay, khu vực này cũng không còn sản xuất và kinh doanh nhạc cụ nữa mà thay vào đó là các hàng quán ăn cũng như nhiều hoạt động kinh doanh khác.

Hàng Đậu - trung tâm buôn bán đậu lớn nhất Hà Nội xưa

Địa chỉ: Phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Phố Hàng Đậu dài 272m, đi từ đường Trần Nhật Duật đến vườn hoa Vạn Xuân. Ngày trước, khu phố này trung tâm buôn bán đậu hạt lớn nhất thành phố. Vì thế nên địa điểm mới có tên là “Hàng Đậu”. Khi đi du lịch Hà Nội 36 phố phường, du khách nên đến ngay khu phố này và chụp hình tại Bốt nước Hàng Đậu có tuổi đời hơn 130 năm tuổi. Tòa tháp nước kiên cố mang phong cách Pháp cổ điển hứa hẹn mang đến cho du khách những bức ảnh như đang check-in tại trời Âu. Bên cạnh đó, du khách cũng có thể ghé thăm quần thể Trường Cúc Hiên tại số 39. Địa điểm này vừa là quần thể nhà cổ vẫn còn nguyên vẹn, vừa là ngôi trường nổi tiếng của Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX.

Hàng Điếu - khu buôn điếu sầm uất một thời

Địa chỉ: Phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Điếu dài 286m, trải dài từ phố Bát Đàn đến phố Đường Thành. Sở dĩ gọi là “Hàng Điếu” vì trước thế kỷ XX, nơi đây chuyên bán buôn các loại điếu hút thuốc lào như điếu ống bịt bạc bọc vàng, điếu bát, điếu cày,... Tuy nhiên khi sang đầu thế kỷ XX, các nhà buôn điếu bắt đầu giảm dần và khu phố dần dà chuyển sang làm đồ da với các sản phẩm là giày dép bằng da ta. Ngày nay, khu vực Hàng Điếu kinh doanh đa dạng các loại mặt hàng khác nhau giao thoa với các phố khác.

Khi đến phố Hàng Điếu, du khách nên ghé thăm đền Hỏa Thần - nơi thờ thần phòng cháy chữa cháy duy nhất tại Việt Nam. Địa điểm này từng được công nhận là Di sản lịch sử - văn hóa vào năm 1996.

Lễ Hiển Hóa tại đền Hỏa Thần | Hà Nội 36 phố phường

Lễ Hiển Hóa tại đền Hỏa Thần | Nguồn: Báo Kinh tế đô thị

Hàng Đồng - nơi duy nhất cung cấp đồ đồng cho thành Thăng Long

Địa chỉ: Phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Hàng Đồng dài 128m, chạy dài từ phố Hàng Mã đến phố Hàng Vải. Đúng như tên gọi của mình, Hàng Đồng là địa điểm duy nhất cung cấp đồ đồng cho toàn bộ thành Thăng Long xưa. Nhiều nghệ nhân đời đầu khởi sinh ra Hàng Đồng đều có gốc gác từ làng Đại Bái (Bắc Ninh). Từ mâm, chảo, đèn, nến,... cho đến các quả cầu đồng, dĩa mỹ nghệ,... rồi cả cồng, chiêng tinh xảo. Do đó mà không kinh thành Thăng Long mà nhiều vùng lân cận khác cũng tìm đến khu phố này để mua sắm.

Ngày nay, mặc dù lượng mua rồi còn giống như thế kỷ trước nhưng có nhiều cửa hàng vẫn tiếp nối truyền thống mà tiếp tục sản xuất và kinh doanh đồ đồng. Du khách khi thăm quan Hà Nội 36 phố phường có thể ghé ngang Hàng Đồng để mua một chút đồ mỹ nghệ đồng làm quà tặng cho bạn bè và người thân.

Hướng dẫn di chuyển đến 36 phố phường Hà Nội

Thủ đô Hà Nội nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 1600km nên du khách có thể lựa chọn đa dạng phương tiện để di chuyển đến thủ đô tùy vào khoảng cách từ nơi cư trú của bạn.

Bằng máy bay

Để có thể khám phá Hà Nội 36 phố phường, du khách sinh sống tại khu vực phía Nam hay tại nước ngoài có thể đến thủ đô bằng phương tiện máy bay là an toàn và tiện lợi nhất. Du khách có thể lên nền tảng Traveloka đặt vé máy bay đi Hà Nội để có thể dễ dàng so sánh giá cả, lịch trình của các hãng hàng không và sở hữu thông tin nhanh, chính xác chuyến bay của mình. Hiện nay có nhiều hãng hàng không nội địa cung cấp chuyến bay thẳng đến Sân bay quốc tế Nội Bài như Vietnam Airlines, Vietjet Airs. Du khách có thể tham khảo một vài đường bay nội địa đến Hà Nội phổ biến tại Việt Nam:

Discover flight with Traveloka

Sat, 10 May 2025

VietJet Air

Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 813.960 VND

Wed, 14 May 2025

Bamboo Airways

Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 1.101.465 VND

Thu, 29 May 2025

Vietnam Airlines

Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 1.265.710 VND

Chặng bay từ Đà Nẵng đi Hà Nội là chỉ mất khoảng 1 tiếng 20 phút. Trong khi đó, hành trình từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội chiếm thời gian lâu hơn, trung bình khoảng 2 tiếng 5 phút đồng hồ. Từ Cần Thơ bay đến Hà Nội có thời gian bay lâu nhất trong 03 đường bay phổ biến trên, tuy nhiên cũng chỉ khoảng từ 2 tiếng 10 phút đến 2 tiếng 30 phút. Du khách sau khi đến sân bay có thể di chuyển đến điểm lưu trú trước hoặc trực tiếp thăm thú Hà Nội 36 phố phường bằng cách liên hệ taxi hoặc dịch vụ đưa đón sân bay của Traveloka.

Bằng tàu hỏa

Phương tiện di chuyển an toàn và tiết kiệm chi phí hiệu quả cho những du khách muốn du lịch Hà Nội chính là tàu hỏa. Phương tiện này mang đến sự thuận tiện cho dù du khách có sinh sống ở các tỉnh, thành lân cận thủ đô hay cách quá xa đi chăng nữa. Ga Hà Nội nằm cách khu phố cổ chỉ khoảng 1.7km nên du khách có thể thuận tiện khám phá Hà Nội 36 phố phường chỉ trong giây lát sau khi đặt chân đến thủ đô.

Bằng xe khách

Đi du lịch Hà Nội bằng xe khách sẽ giúp du khách tiết kiệm được nhiều chi phí nhất cũng như đảm bảo được độ an toàn. Trên địa bàn Hà Nội có 03 bến xe khách lớn gồm Gia Lâm, Giáp Bát và Mỹ Đình. Du khách có thể đặt phòng khách sạn cũng như vé xe đi Hà Nội trên nền tảng Traveloka với những ưu đãi vô cùng hấp dẫn với mức giá chỉ từ 150.000 VND. Du khách cũng có thể tham khảo một số thông tin về các chuyến xe khách di chuyển đến thủ đô này ngay bên dưới đây:

Một vài hoạt động/địa điểm vui chơi/tham quan khác gần 36 phố phường Hà Nội

Hà Nội là một trong những thành phố du lịch hàng đầu tại Việt Nam khi vừa có cảnh sắc hữu tình vừa có yếu tố văn hóa đa dạng. Điều này đã đưa thủ đô ngày càng mở rộng thêm những hoạt động du lịch Hà Nội để du khách trong và ngoài nước có được trải nghiệm đáng nhớ tại xứ Kinh Kỳ. Du khách có thể tìm hiểu thêm thông tin một số sản phẩm hấp dẫn bên dưới đây để có thêm lựa chọn vui chơi cho chuyến đi Hà thành của mình nhé!

Lời kết

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Hà Nội 36 phố phường đã có sự thay đổi đáng kể về tên gọi và số lượng. Bên cạnh đó cũng sự khác biệt giữa những bản ghi chép văn hóa - lịch sử. Dù vậy nhưng khu vực này ngày nay vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Việt thông qua những con phố chuyên doanh như đúng cái tên phố, những hàng quán ẩm thực bản địa, những khối kiến trúc đầy hoài cổ,...

Bên cạnh đó, khi đi du lịch tại bất kỳ nơi đâu, du khách hãy đặt vé máy bay, đặt khách sạnvé vui chơi ngay trên Traveloka để có cho mình chuyến đi chất lượng từ phương tiện di chuyển, nơi dừng chân cũng như địa điểm vui chơi nhé!

Trong bài viết này

• Hàng Bạc - khu phố kim hoàn
• Hàng Bát - từng một thời kinh doanh bát, đĩa,...
• Hàng Bè - khu phố ăn ngon của Hà Nội
• Hàng Bồ - nơi một thời buôn bán bồ, sọt
• Hàng Bông - khu phố bán chăn đệm bông
• Hàng Bông Lờ - một thời bán dụng cụ đánh cá
• Hàng Buồm - phố người Hoa giữa lòng Hà Nội
• Phố Cầu Đông - “Bà già đi chợ Cầu Đông”
• Hàng Cót - khu phố của nghề đan cót liếp
• Hàng Da - nơi cung cấp vật liệu cho ngành da thuộc Hà thành
• Hàng Gà - từ nơi bán gia cầm trở thành khu phố chuyên doanh thiệp cưới
• Hàng Gai - từ địa điểm bán dây gai đến khu vực in ấn rồi thành “con đường tơ lụa”
• Hàng Giấy - khu phố ăn chơi nhất phố cổ ngày trước
• Hàng Giầy - khu phố nghề giày da
• Hàng Hài - thêm một con phố sầm uất bán giầy dép
• Hàng Hòm - làng nghề làm đồ gỗ phủ sơn ta
• Hàng Khay - phố Thợ Khảm một thời nức tiếng Hà thành
• Hàng Mã - bùng nổ sắc màu mỗi dịp lễ hội
• Hàng Mắm - làng nghề mắm nức tiếng xứ Kinh Kỳ
• Phố Mã Vĩ - sản phẩm thủ công làm từ đuôi ngựa
• Hàng Mây - khu phố chuyên đồ thủ công mây, tre đan
• Hàng Muối - con phố mặn mà
• Hàng Ngang - tên phố không nói lên mặt hàng kinh doanh
• Hàng Nón - thiên đường của những chiếc nón
• Phố Mới, Phúc Kiến - phố của người Hoa gốc Phúc Kiến
• Hàng Than - khu phố phân phối nhiên liệu quan trọng của Hà Nội xưa
• Hàng The - con phố “chưa rõ”
• Hàng Thiếc - trung tâm sản xuất đồ dùng bằng thiếc lớn nhất Hà Nội
• Hàng Thùng - khu phố sản xuất thùng tre, nứa lớn của thành phố
• Hàng Tre - mang đậm hơi thở Việt
• Hàng Vôi - nhuốm màu cổ kính Hà thành
• Hàng Đàn thực chất là Hàng Quạt ngày nay
• Hàng Đậu - trung tâm buôn bán đậu lớn nhất Hà Nội xưa
• Hàng Điếu - khu buôn điếu sầm uất một thời
• Hàng Đồng - nơi duy nhất cung cấp đồ đồng cho thành Thăng Long
• Hướng dẫn di chuyển đến 36 phố phường Hà Nội
• Bằng máy bay
• Bằng tàu hỏa
• Bằng xe khách
• Một vài hoạt động/địa điểm vui chơi/tham quan khác gần 36 phố phường Hà Nội
• Lời kết

Các chuyến bay nổi bật trong bài viết này

Sat, 10 May 2025
VietJet Air
Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)
Bắt đầu từ 813.960 VND
Đặt Ngay
Wed, 14 May 2025
Bamboo Airways
Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)
Bắt đầu từ 1.101.465 VND
Đặt Ngay
Thu, 29 May 2025
Vietnam Airlines
Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)
Bắt đầu từ 1.265.710 VND
Đặt Ngay
Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký