Traveloka VN
07 Aug 2018 - 13 min read
Mỗi lần xách balo lên và đi, tớ không sao quên được cảm giác ấy, cái cảm giác dường như mọi tế bào đang được nhân lên bởi niềm vui sướng khi được khám phá những vùng đất mới. Lần này, tớ đã cùng cô bạn rong ruổi ở xứ Huế với những trải nghiệm rất thú vị. Huế có gì chơi chỉ trong một ngày? Tớ sẽ cảm nhận một Huế qua những lăng kính đầy màu sắc như thế này!
Huế có gì chơi trong một ngày?
Chúng tớ chọn đi tàu từ Đà Nẵng tới Huế, hai thành phố cách nhau 110 km, thời gian di chuyển bằng phương tiện tàu hỏa mất khoảng 3 giờ đồng hồ. Chúng tớ ngồi khoang ghế cứng, cạnh ô cửa sổ nhìn ra khung cảnh bên ngoài. Là dãy Trường Sơn của Đèo Hải Vân, là biển xanh cát trắng nắng vàng ươm, là những rặng cây xanh mướt, là những con người tớ bắt gặp trên tàu và phía bên ngoài kia,... Ngồi tàu hỏa, với tớ, đó như một cách để người ta “bước chậm lại giữa thế gian vội vã”! Trưa, tàu đến ga Huế, chúng tớ tìm địa chỉ thuê xe máy và bắt đầu hành trình của mình.
Giá thuê xe máy ở Huế trung bình là 80.000 VND / ngày.
Ô cửa của khoang giường nằm.
Người phụ nữ bên ô cửa kính.
Điểm đến đầu tiên của chúng tớ là chợ Đông Ba khi đặt chân tới Huế bởi bụng hai đứa buổi trưa đã “sôi sùng sục” rồi. Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100 m về phía bắc. Theo chỉ dẫn của Google Map, đi từ ga tàu tới chợ chỉ mất khoảng 10 phút với đứa “gà mờ” như tớ. Chợ rất rộng, kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền với hàng ngàn gian hàng phục vụ nhu cầu buôn bán, chả vậy mà Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và của khu vực miền Trung.
Ẩm thực Huế làm say lòng bao thực khách.
Bát bún bò Huế hấp dẫn.
Chợ Đông Ba “đãi” chúng tớ bữa trưa với bát bún bò Huế “chân truyền” không thể giống với bát bún bò 53 tỉnh thành khác, với các loại bánh như bánh ít, bánh bèo mỏng ướt, bánh nêm, bánh bột lọc,... chấm với nước chấm ớt xanh. Chúng tớ ngồi trong một góc quán nhỏ trong chợ, nghe tiếng Huế của chị chủ quán mới dễ thương, chân chất làm sao! Nhịp sống của người trong chợ Đông Ba vừa nhộn nhịp xôn xao, vừa bình dị chất phác. Vào chợ, cơ man nào là quốc hồn quốc túy, là sản vật tươi ngon, là trăm nghìn món Huế quyến rũ lòng người. Bạn nhớ “ôm cái bụng rỗng” tới chợ để được lấp đầy bụng bằng ẩm thực Huế hấp dẫn ở chợ Đông Ba nhé!
Bánh thập cẩm: bánh bột lọc, bánh ít, bánh nêm,...
Sữa chua túi 5.000 VND.
Hàng chè ở cổng chợ.
Với những nồi chè đủ màu sắc.
Ra ngoài cổng, bạn không thể nào lại bỏ lỡ trăm món chè Huế 7 sắc cầu vồng, kết tinh từ bao sản vật miền quê thơm thảo. Một chén chè Tuần, chè Truồi nấu với gừng tươi đủ để xua đi cái mệt rã rời khi lang thang từng góc chợ. Nước trái cây tươi nguyên sóng sánh, một ly nước mía Mỹ Lợi, Tứ Hạ mát lành hoặc chén chè hạt sen Tịnh Tâm thơm hương ngọt dịu. Chúng tớ đã có dịp thử chè bột lọc heo quay đặc biệt ở hàng chè cổng chợ.
Chè bột lọc bọc heo quay ăn lạ miệng.
Trước đây, món chè này thường được làm vào những dịp giỗ chạp, đám tiệc của gia đình người Huế, vì món heo quay luôn có trong mâm cỗ, một vài miếng thịt nhỏ sẽ chuyển qua nấu chè. Dần dần, chè bột lọc heo quay là món ăn được thực khách tìm đến khi đặt chân tới xứ Huế. Sự pha trộn mặn ngọt, thịt heo và bột tạo nên hương vị lạ có 1-0-2 của chè bột lọc heo quay. Bạn sẽ nhớ cái vị thanh ngọt của đường kết hợp với béo ngậy, mằn mặn của heo quay trong miếng bột lọc dẻo dai, thoảng nhẹ hương gừng.
Một điều thu hút tớ ở chợ Đông Ba nữa là những tấm biển hiệu đậm chất vintage với font chữ hoài cổ: “Shop Minh Huy”, “Quầy điện máy số 10 Thúy Khanh”, “Hiệu đồng hồ Phước Lành”, “Quầy điện tử Quãng”,... mới ấn tượng và dễ thương làm sao! Đó cũng góp một phần tạo nên sức hút của chợ Đông Ba trong lòng người tới kẻ đi.
Hàng băng đĩa.
Hàng điện máy số 10.
Hiệu đồng hồ và kính mắt.
Biển hiệu đậm chất vintage.
Chợ Đông Ba với đủ loại hàng hóa.
Vì thời gian không có nhiều, sau khi ăn trưa ở chợ Đông Ba, chúng tớ đi xe máy ra Đại Nội, gửi xe và đi bộ dọc con đường dẫn vào Hoàng Thành Huế. Buổi trưa, địa danh lịch sử này vắng người. Đại Nội Kinh Thành Huế được xây dựng cùng với thời điểm xây dựng Kinh Thành Huế, cụ thể là từ thời vua Gia Long năm 1804 và hoàn chỉnh vào thời vua Minh Mạng năm 1833. Đại Nội Huế nằm trong Kinh Thành Huế là nơi dành riêng cho các vị vua cùng hoàng thân nhà Nguyễn.
Cổng Đại Nội Kinh thành Huế.
Một chiều đầy nắng.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Huế.
Phần tường Đại Nội được xây bằng gạch kiên cố với độ dày 1 m và cao 4 m. Xung quanh bờ tường đều có hào bảo vệ. Chúng tớ đứng bên ngoài cổng Ngọ Môn - cổng chính của Hoàng Thành Huế, được xây dựng vào năm 1834, đời vua Minh Mạng. Tên gọi Ngọ Môn có nghĩa cổng xoay về hướng Ngọ.
Tới Huế mà không tham quan ngôi trường THPT Quốc học Huế mang đậm kiến trúc đặc trưng Pháp, bạn sẽ tiếc hùi hụi cho mà xem! Tọa lạc bên dòng sông Hương thơ mộng, trên con đường Lê Lợi, Quốc học Huế là trường Pháp -Việt của toàn xứ Đông Dương và là trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế có diện tích 4.237 m2. Chúng tớ xin phép bác bảo vệ và gửi xe để đi tham quan ngôi trường hơn 100 năm tuổi. Chiều nắng, khung cảnh Quốc học Huế như càng thêm rực rỡ.
Phía bên ngoài cổng.
Quốc học Huế là một công trình kiến trúc đặc sắc.
Trường Quốc học Huế nổi bật với màu đỏ, kiến trúc Pháp kết hợp tháp chuông phương Đông, họa tiết mang phong cách cung đình. Bao bọc xung quanh trường, phía trước mặt là tường xây bằng gạch đỏ sậm. Sự pha trộn giữa hai nền văn hoá Á – Âu đã tạo nên một Quốc học Huế rất riêng. Tòa nhà màu đỏ in hằn trên nền trời xanh, xung quanh là những hàng ghế đá cùng hàng cây lá kim,... làm tớ liên tưởng tới một góc trời đẹp như “ở bển”. Hành lang nối các tòa nhà đều có mái che, nắng xiên qua kẽ lá rồi chiếu rọi xuống góc hành lang cổ kính làm tớ cảm giác như đang đi giữa một miền kí ức xa xôi. Xung quanh trường cũng được bao bọc bởi nhiều hàng phượng vĩ lâu năm xanh mát.
Kiến trúc Pháp đặc trưng.
Nắng vàng làm trường càng thêm rực rỡ.
Hàng ghế đá trong trường.
Nắng nhuộm vàng mọi thứ.
Trải qua 118 năm xây dựng và phát triển, Quốc học Huế là cái nôi đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước, trong đó một số nhân vật nổi tiếng như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư bác sĩ Tôn Thất Tùng… Ngày nay, những thế hệ đi sau không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành “Hiền tài - nguyên khí của quốc gia”.
Ngôi trường trung học đệ nhất đầu tiên ở Huế.
Trải nghiệm cuối cùng trong hành trình khám phá mảnh đất miền Trung thân thương này là thưởng thức cà phê Muối - đặc sản cà phê xứ Huế - mặc dù mới chỉ ra đời cách đây khoảng 8 năm nhưng đã trở thành niềm tự hào của người con “xứ Huệ”. Sài Gòn có cà phê sữa đá, Hà Nội có cà phê trứng “trứ danh” thì Huế có cà phê muối. Đến Huế mà không uống cà phê muối thì bạn đã bỏ lỡ một cơ hội để “am tường” ẩm thực phong phú của Cố đô Huế rồi!
Tấm biển đơn giản của quán cà phê.
Chúng tớ ghé 142 Đặng Thái Thân - một trong số những quán cà phê muối đầu tiên ở Huế. Quán có nhiều không gian ngồi, trong nhà, ngoài hiên hay ở khoảng sân vườn xanh mát. Cô bạn tớ gọi cà phê muối, tớ thử cà phê Rhum, giá mỗi cốc cà phê rất “mềm”: 10.000 VND / cà phê muối, 15.000 VND / cà phê Rhum.
Không gian quán cà phê Muối.
Nhấp một nhụm loại cà phê đặc biệt ấy, bạn bảo “chưa bao giờ tớ được uống loại cà phê mà hương vị khác lạ như thế này, vị đắng trên đầu lưỡi, thêm lớp sữa lên men béo bùi, chút muối mằn mặn làm nổi bật vị ngọt,... tỉ lệ các nguyên liệu chính xác nên vẫn giữ được vị cà phê đặc trưng”. Vừa chậm rãi nhấp từng ngụm cà phê nhỏ, vừa chầm chậm cảm nhận sự tinh tế của ẩm thực cũng như nhịp sống an nhiên của xứ Huế.
Cà phê muối với hương vị đặc biệt.
Cà phê Rhum.
Nếu có ai hỏi "Huế có gì chơi" khi chỉ có một ngày ở Cố đô, tớ sẽ cảm nhận xứ của hương trầm, nơi mang những nỗi buồn trầm mặc,... theo cách của riêng tớ như vậy đó!
Tác giả: Nguyễn Thị Bích Ngọc
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal