Người ta vẫn nói bạn sẽ yêu một thành phố khi ở đấy có người bạn yêu. Đối với tớ và anh thì Hội An và Huế đã trở thành một phần kỷ niệm ngọt ngào trong hành trình “thương” của hai đứa. Cùng chúng tớ khám phá Huế và Hội An có gì đẹp mà mãi không quên thế nhé.
Con đường ngập nắng vàng.
Tớ bỗng nhớ những câu thơ vắn tắt về nét đẹp cổ kính của phố Hội, của những con phố nhỏ, những mái nhà ngói rêu phong phủ đầy là những cây hoa leo rực rỡ.
Hội An đón chúng tớ vào một ngày đẹp trời, gió thổi nhẹ nhàng, mây lờ lững trôi, bầu không khí yên bình, chẳng có những tiếng còi xe tắc nghẽn, tiếng bíp còi hối hả. Tớ và anh cất hành lý vào nhà nghỉ đã đặt phòng trước, rồi nhanh chóng khám phá xem Hội An có gì đẹp để không lãng phí giây phút nào.
“Thăm ngõ nhỏ, tường hoa, mái ngói rêu phong
Giếng Bá Lễ, Chùa Ông, Đình Phô, Hội quán
Trong những câu ca dao cổ tích thơm nồng
Anh muốn kể những người con Hội phố
Đằm thắm, trong veo quán cóc ven đường”
- Hội An - Em muốn kể anh nghe, Trần Hương Đại
Điểm đầu tiên chúng tớ chọn để dừng chân là Faifo Coffee - quán cà phê nằm ở con phố đẹp nhất nhì Hội An. Nơi đây là địa điểm check-in siêu đẹp cho các tín đồ thích chụp ảnh. Anh và tớ chọn background là rooftop của quán, chỉ vậy thôi mà những bức ảnh đã siêu đẹp rồi. Nếu bạn đến đây cùng người thương đừng ngần ngại lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau nhé.
Những ngôi nhà mái lợp rêu phong nhìn từ rooftop của Faifo.
Bạn cười thật tươi trước ống kính.
Ly sinh tố bên cạnh tách cà phê.
Đồ uống ở đây rất ngon, đặc biệt là cà phê. Người chủ ở đây kể lại, thời xưa, nơi phố cổ có rất nhiều lò rang xay cà phê nức tiếng, hương thơm nồng nàn quyện phố phường, và vị cà phê nguyên chất tuyệt vời, nhưng rồi thời gian rồi qua, những lò rang xay dần biến mất. Với mong muốn lưu trữ lại những nét truyền thống, Faifo Coffee sử dụng phương pháp rang xay “Mộc” lưu truyền tại Hội An, vậy nên những ly cà phê nơi đây như chất chứa cả câu chuyện dài, chút đắng, chút chua thanh hòa quyện với mùi thơm nồng nàn.
Hội An từng là thương cảng sầm uất bậc nhất, nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây. Hội An vẫn giữ trong mình những nét hoài cổ mà thời gian chỉ làm đậm nét lên, chứ không bào mòn đi. Những cây dây leo đầy màu sắc bám lên những bức tường vàng đẹp như một bức tranh.
Những ngôi nhà sơn vàng cổ kính.
Dòng sông êm đềm trôi.
Chiều trên sông.
Mót Hội An.
Tớ và anh lang thang trong những con ngõ của Hội An, như đang khám phá thế giới riêng của hai đứa. Mỗi một góc nhỏ của phố Hội sao có thể đẹp đến, phảng phất trong không gian là mùi hoa dạ lý hương thơm nồng.
Hội An đẹp nhất vẫn là đêm, khi những ánh đèn lồng được thắp lên, cả phố lung linh như một thước phim điện ảnh. Tớ và anh thi nhau đếm xem ai đếm được nhiều đèn lồng hơn. Về đêm khu phố cổ càng trở nên tĩnh lặng hơn, những ngôi nhà rêu phong như được khoác thêm bộ áo mới, phản chiếu bởi ánh đèn lồng đủ màu sắc.
Một “đặc sản” của Hội An.
Những dãy đèn lồng đẹp như trong những thước phim.
Rảo bước trên những khu phố mà chúng tở cảm tưởng như đang lạc về “kinh đô ánh sáng” - thứ ánh sáng quyến rũ, mê đắm lòng người.
Sau khi tản bộ những con phố Hội An, tớ cùng anh đi ăn những món ăn siêu ngon ở Hội An. Chúng tớ quyết tâm ăn “cả Hội An”, vậy là với hai cái bụng đói cồn cào, chúng tớ chọn mì Quảng là món “điểm tâm” đầu tiên. Bên cạnh Cao Lầu thì mì Quảng là một trong những món ăn đặc trưng nhất phố Hội. Sợi mì Quảng to hơn mì gạo một chút, và không giống như phở, nước chan mì rất ít, không làm ngập sợi mì, nên trông tô mì trang trí rất đẹp mắt.
Mì Quảng hấp dẫn.
Sau khi ăn mì Quảng bộ đôi chúng tớ tiếp tục hành trình lấp đầy cái bụng. Anh ăn món bánh ram ít, khen ngon tới tấp, ăn ngon lành đánh bay hai đĩa. Ở Hội An còn nổi tiếng các loại bánh như bánh ướt, bánh đập. Nếu có đến Hội An các bạn đừng bỏ qua nhé!
Bánh ướt.
Bánh ram ít.
Mì hến.
Bánh đập.
Kết thúc hành trình một ngày ở Hội An, một chút mệt mỏi do đi bộ cả ngày. Nhưng tất cả sẽ bị thổi bay đi thôi, khi tớ đã có một ngày ngọt ngào bên anh. Những cái nắm tay thật chặt khi đi trên đường, nụ cười của anh, và cả những trò con nít anh đùa làm tớ vui. Hội An càng trở nên tình hơn khi bạn đi cùng với người thương.
Tấm hình chung giữa Hội An.
Để di chuyển từ Hội An đến Huế, chúng tớ chạy xe máy qua đèo Hải Vân - con đèo được mệnh danh là hiểm trở nhất Việt Nam. Nhìn từ trên cao, con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ với nhiều khúc ngoặt khiến cho ta cảm giác con đường kéo dài vô tân.
Khung cảnh hùng vĩ trên đèo.
Nhưng chỉ đợi đến khi bạn mất dần hy vọng thì một cảnh sắc đẹp tuyệt trần hiện ra trước mặt bạn: bãi biển Lăng Cô. Bãi cát trải dài uốn lượn theo đường bờ biển, nước biển xanh mát. Nhiều người ví bãi biển mang nhiều nét người con gái Huế, dịu dàng và trầm ấm.
Vịnh Lăng Cô.
Sau khi qua đèo Hải Vân, chúng tớ đến cố đô Huế. Mảnh đất kinh kỳ xưa kia vẫn giữ nguyên trong mình vẻ đẹp “kiêu kỳ”, những nét văn hóa “cố đô” được lưu truyền bao đời. Thành phố luôn êm đầm và mang trong nét mơ mộng, thật dễ hiểu khi Huế đã là niềm cảm hứng của bao nhiêu nhà văn, nhà thơ.
Con đường xanh mướt hai hàng cây.
Chùa Thiên Mụ là điểm đến tâm linh khi bạn đến Huế nên ghé qua, tọa lạc bên dòng sông Hương, cách trung tâm thành phố 5 km về hướng Tây. Quần thể kiến trúc của ngôi chùa rất đặc biệt, dù đã trải qua nhiều lần trùng tu. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng trong dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa khi đến Huế một nỗi vấn vương.
Ngôi chùa nổi tiếng của xứ Huế.
Khoảng sân đầy nắng.
Tháp Phước Duyên là biểu trưng của chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, và trong mỗi tầng tháp đều thờ một tượng Phật. Bên cạnh tháp Phước Duyên là điện Đại Hùng, điện Quan Âm. Khi đến chùa mọi người thường cầu bình an, may mắn, sức khỏe cho gia đình và người người thân.
Tháp Phước Duyên.
Nếu đến Huế chỉ để ngắm những cảnh đẹp lãng mạn và mơ mộng thì thật là thiếu sót. Nằm bên bờ dòng sông Hương, Đại Nội Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Nơi đây còn lưu giữ gần như vẹn nguyên dấu ấn sắc nét phong kiến vương triều Nguyễn. Đến thăm Đại Nội, chúng tớ ngỡ ngàng chiêm ngưỡng hàng trăm cung điện nguy nga, điện đài bề thế tráng lệ. Mỗi viên gạch, từng lớp mái ngói nơi đây đều chứa đựng những câu chuyện lịch sử của trăm năm trước.
Cây cầu tới Đại Nội.
Ngọ Môn là cửa phía Nam, cũng là cửa chính của Hoàng Thành, như câu ca dao người dân nơi đây truyền miệng lại “Ngọ Môn 5 cửa 9 lầu, 1 lầu vàng 8 lầu xanh, 3 cửa thẳng 2 cửa quanh…’ Nơi đây chứng kiến nhiều sự kiện quan lịch sử quan trọng của đất nước. Tiếp đến là điện Thái Hòa là nơi 13 vua Nguyễn đăng quang và tổ chức các sự kiện sinh thần vua, tiếp đón sứ quan. Điện đã trải qua nhiều lần thay đổi, so với những kiến trúc ban đầu đã bị thay đổi khá nhiều.
Đại Nội Kinh Thành Huế.
Màu của thời gian in hằn trên cảnh vật.
Cung điện uy nghi.
Bên cạnh hai công trình này, ở Đại Nội Huế còn có rất nhiều công trình độc đáo như điện Cần Chánh, điện Kiến Trung, đủ để bạn đi mỏi chân mà không hết địa điểm tham quan.
Kết thúc hành trình Hội An - Huế, chúng tớ quay trở về Hà Nội, trong lòng vẫn còn rất nhiều vấn vương. Hy vọng lần tới quay lại sẽ được ở lại lâu hơn và khám phá được nhiều điều “bí mật” nơi đây, khám phá được thêm nhiều câu trả lời cho câu hỏi "Hội An có gì đẹp mà khiến người ta vấn vương đến thế?".
Tác giả: Đặng Minh Thúy
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal