Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
10 Dec 2021 - 26 min read
Hành trình đi qua 5 tỉnh phía tây vùng núi phía Bắc, là Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Sơn La và Điện Biên. Mình đã từng cố gắng sắp xếp một lịch trình cho hành trình trên vỏn vẹn có 3 ngày để dễ dàng xin nghỉ vào cuối tuần nhưng thực sự, ngần đó thời gian là không thể nào đủ. Vì Tây Bắc có quá nhiều quá nhiều thứ để níu chân những đứa mê núi mê đèo.
Lần này, vào cái mùa mà khách du lịch chẳng thèm đoái hoài tới những con đường phía tây, mình đã dãn thời gian ra dài hơn. Vậy mà hôm nào chúng mình cũng về tới nơi nghỉ khi mặt trời đã khuất sau trùng trùng núi, sương đã buông ướt đẫm trên những con đường, mà đầu vẫn còn lâng lâng trên những tầng mây, đuổi theo những cơn gió miên man.
Chúng mình rời Sapa khá muộn, tầm 10 giờ sáng, nhưng trời vẫn mịt mù chưa sáng hết hẳn. Có thể do dưới bản Tả Van thấp nên luôn bị sương mù phủ, nhưng sau đó lên cả Ô Quy Hồ vẫn không khá khẩm gì, chạy qua đỉnh đèo sang địa phận Lai Châu thì mới khá khẩm hơn chút.
Đoạn Tân Uyên, Than Uyên chúng mình lướt qua khá nhanh. Mùa này, những thửa ruộng đang im lìm chờ nước đổ, có một vài bản đã gieo mạ nhưng chắc còn lâu lâu mới cấy được. Một bên là thung lũng với những cánh đồng trải dài, một bên là khối núi Hoàng Liên sừng sững với muôn vàn chóp núi nhọn nhấp nhô, vờn những đám mây trắng xóa.
Nghỉ ăn trưa ở Than Uyên, chúng mình chạy tiếp về phía Mù Cang Chải. Những con đường bắt đầu vòng vèo hơn, bò dọc con suối bên dưới những hẻm vực sâu hoắm lởm chởm đá, lúc lúc lại gặp thủy điện, đập chặn nước. Hai bên là vách núi dựng đứng, lộ ra sau từng khúc cua.
Gần tới Mù Cang Chải thì mình phát hiện từ sườn đồi phía xa hồng rực bởi mấy thân cây. Là hoa tớ dảy, ở Đà Lạt gọi là mai anh đào. Mấy đứa khoát nhau, "đi lên không?" "Đi" "Ok, chơi!" Thế là lên.
Băng qua đỉnh của một đập thủy điện, những con đường vào bản không còn trải nhựa nữa mà lởm chởm đá, dốc lên hun hút, có đoạn sạt cả mấy chục mét, đường nhỏ chỉ tầm mét, ngay bên phải là bờ vực chênh vênh.
Ngọc chật vật với con xe ga, nhích đi từng tí một. Mình thấy không ổn, thế là bảo vứt xe lại, vứt cả balo lại. Rồi cân cả 2 đứa men theo con đường đất nhỏ cắt ngang sườn núi, chui lên chỗ đám hoa. Đoạn này chắc hai đứa kia sẽ chẳng bao giờ quên được.
Con đường đất nhỏ dọc suối mà mấy đứa phải chạy lên ngoằn ngoèo bên dưới kia
Tới khúc cua cuối cùng thì không thể đi xe lên được nữa vì đường quá xấu. Ném xe lại thế là cuốc bộ lên tầm 100m, dọc theo con đường là hoa ngũ vị nở tím cả sườn đồi.
Mấy đứa sướng ra mặt vì chưa từng thấy mấy cây tớ dảy nào cao như thế, gốc to cả một người ôm, vươn cao cả 2,3 chục mét.
Hoa nở dày cây, chẳng thấy cả tí lá nào. Hóa ra không chỉ con người vì cái đẹp mà hi sinh nhiều thứ, đến cả cái cây vì muốn đẹp cũng dẹp việc quang hợp sang một bên.
Phải đứng xa tít tắp mới chụp được hết cái cây
Mải chơi mà quên mất cả thời gian, thế là chúng tôi vội vội vàng vàng chui xuống đường lộ, phi về Mù Cang Chải thì ôi thôi nhận ra một điều là, dọc đường đi cũng toàn hoa là hoa mà chả cần phải chui rúc lên tận núi.
Thoắt cái trời đã xế chiều nhưng mấy đứa ham chơi vẫn phải chui lên "đồi mâm xôi" một phát. Mùa này trơ trọi hết cả, chỉ có vài thửa ruộng của bà con người Mông trồng tam giác mạch, mà nó cũng lùn tịt, lơ thơ cành lá. Nhưng chỉ cần đứng trên này, phóng tầm mắt ra xa, nhìn núi non trùng điệp cũng đủ để tâm hồn rộng mở mà quên hết muộn phiền rồi. Giờ thì còn nhớ gì đến deadline, đồng nghiệp, sếp với cả người yêu nữa. Dạt sang một bên hết.
Sau đoạn này thì trời đã sẩm tối rồi, mấy đứa cắm mặt mà chạy qua đèo Khau Phạ để sang home bên kia thung lũng Cao Phạ. Anh chủ home thì đã sốt ruột gọi từ chiều rồi vì chả thấy khách nào về muộn như này cả.
Sau đoạn này thì trời đã sẩm tối rồi, mấy đứa cắm mặt mà chạy qua đèo Khau Phạ để sang home bên kia thung lũng Cao Phạ. Anh chủ home thì đã sốt ruột gọi từ chiều rồi vì chả thấy khách nào về muộn như này cả.
Tôi chạy trước, hai bà chạy sau, bám lấy ánh đèn đỏ phát ra từ đuôi xe của tôi mà đi, còn xung quanh thì tối đen như mực. Thi thoảng phát hiện ánh đèn sau mờ dần trong gương chiếu hậu, tôi phải chạy chậm lại cho đến khi nhìn thấy rõ 2 cái “mắt mèo” của con xe Air blade rồi mới tiếp tục đi đều trở lại. Hai ánh đèn nối đuôi nhau trong không gian tĩnh lặng đen kịt chắc phải cả tiếng đồng hồ mà tưởng chừng dài cả đêm. Hai tay thì buốt giá, người cũng lạnh run vì sương đã chui vào sâu trong cơ thể. Lúc chiều chủ quan đâu nghĩ trời nó như này, chạy lên đèo rồi thì ngại chẳng buồn bỏ áo mưa ra.
Về tới home là đã tối mịt rồi. Chụp ảnh nhìn hớn hở vậy thôi nhưng có ăn được gì đâu, lạnh cộng mệt nên 2 bả động đũa mấy cái rồi chui lên nhà ngủ luôn. Tôi thì ăn và làm vài ly rượu với anh chủ nhà cho dễ ngủ.
Về tới home là đã tối mịt rồi. Chụp ảnh nhìn hớn hở vậy thôi nhưng có ăn được gì đâu, lạnh cộng mệt nên 2 bả động đũa mấy cái rồi chui lên nhà ngủ luôn. Tôi thì ăn và làm vài ly rượu với anh chủ nhà cho dễ ngủ.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi dậy khá muộn. Sau một đêm vật lộn với cái lạnh vì không quen thời tiết ngòai Bắc, bà Ngọc với bà Trúc cũng có vẻ khá lên. Sau 2 tuần "thưởng thức" cái lạnh 0 độ ở Hà Giang, thì đối với tôi thế này là ấm lắm rồi, vẫn tắm rửa gội đầu sạch sẽ thơm tho được hàng ngày. Chúng tôi vác chăn ra ban công ngồi nghe nhạc.
Trời vẫn còn khá nhiều sương mù nặng hạt, thấy anh chủ nhà bảo chiều hôm qua còn nắng, thế mà khi mặt trời lặn cái là sương mù phủ luôn. Tình hình này chắc phải vài ba hôm nữa mới khá lên được.
Nếu mà có thêm thời gian chắc ngồi đây cả ngày nhìn mây bay thôi. Sau bữa sáng thịnh soạn với cháo gà, ngô luộc và xôi nếp nương. Chúng tôi thu dọn hành lí và tiếp tục hành trình.
Sương có dấu hiệu dày hơn, rơi thành những hạt nước. Kiểu sương này là cực kì khó chịu, vì nó ko làm quần áo ướt ngay mà chui vào từng kẽ hở nhỏ nhất, thấm dần thấm dần rồi đến khi bạn cảm thấy đựơc thì đã ướt sũng hết rồi. Thế là chúng tôi phải mặc áo mưa, bọc đồ thật kĩ càng. Phiên chợ Tú Lệ ngày cuối tuần cũng vắng teo vì trời mưa. Qua đèo thôi còn sang Ngọc Chiến, Mường La. Trời vẫn mù nặng, cách xa chục mét là không nhìn rõ nhau rồi. Nhưng so với đêm hôm trước thì khá khẩm hơn rất nhiều.
Cả mạn đèo Khau Phạ bên phía Mù Cang Chải là những cánh rừng thông rộng lớn và cao vút. Sang tới đây thì trời khá hơn hẳn, đỡ mù nhiều. Những rừng thông mờ ảo trong sương khiến tôi không kìm được, phải rút máy trong cái túi đã bọc cẩn thận ra, tạch tạch vài nhát.
Ngọc với Trúc thì không còn tâm trạng gì để ngắm nữa rồi. Chắc lúc này chỉ mong kiếm được chỗ nào có bếp lửa. Trời thì vẫn đang mưa lất phất.
Có một cái hay ở Mù Cang Chải là những bản làng của người Thái và người Mông đan xen nhau, đi một đoạn gặp người Thái, một đoạn lại gặp người Mông. Khúc này là đầu Nậm Khắt, cầu được ước thấy là có cái bếp nhà một cô người Mông đang đun cám lợn nên dừng xe chui vào sưởi ấm. May mà có cái bếp này không Ngọc chắc không lái xe nổi vì lạnh, mấy bạn miền Nam ra ngoài này đa phần đều chịu lạnh không được vì không quen thời tiết. Ngồi sưởi ấm 1 lúc cho khô lớp áo gió bên ngoài thì trời cũng tạnh mưa hẳn.
Trên con đèo ngoằn ngòeo với những khúc cua liên tiếp từ Nậm Khắt qua Ngọc Chiến, hiểm trở không kém những con đèo lớn khác, chúng tôi dần tiến vào địa phận tỉnh Sơn La. Trời cũng đã tan hẳn sương, có đoạn còn lọt cả nắng xuống xuyên qua những tảng mây đen sì dày cộp, tạo nên những ray sáng cực mạnh, mơ mộng như những thi sĩ thì bảo đó là cổng thiên đàng đang hé mở, còn với chúng tôi, thì đơn giản đó gọi là nhân phẩm tốt.
Nếu có nơi nào thích nhất trong cả chặng đường này, với tôi thì là Ngọc Chiến. Bao bọc quanh 4 bề là núi cao, phía Bắc là Chế Tạo, phía nam là Tà Chì Nhù, Ngọc Chiến với 2 lối vào xe đi được từ hướng Mù Cang Chải và Ít Ong, vẫn còn lưu giữ rất nhìêu những nét văn hóa và phong tục bản địa của người Thái, mà rõ rệt nhất, đập vào mắt là những mái nhà sàn lợp gỗ pơ mu san sát cạnh nhau. Ngọc Chiến cũng có các homestay phục vụ khách du lịch. Ở nhà sàn, ăn đồ Thái là những điều đáng để ở lại đây.
Đặc biệt hơn, với những nguồn nước nóng tự nhiên, bồi tụ quanh năm, tắm suối nóng ở bản Lướt, Ngọc Chiến là điều không thể không thử khi đến đây. Giữa cái lạnh mười mấy độ C được ngâm mình trong bể nước khoáng nóng làm cho bạn quên mất rằng mình vừa run cầm cập trên đèo, xuống rồi là chẳng muốn lên nữa.
Qua Ngọc Chiến chúng tôi tiếp tục trên con đường độc đạo để sang trung tâm huyện Mường La, đi qua thủy điện Nậm Chiến.
Những bánh xe nước đặc trưng của người Thái
Hồ thủy điện Nậm Chiến mùa cạn
Những hàng rào đá chạy dọc ven bờ hồ. Chúng tôi thong dong chạy trên con đường vắng bóng người qua lại, cảm nhận rõ rệt hơi lạnh và sự tinh khiết của không khí.
Đập vòm thủy điện Nậm Chiến
Phía bên kia cửa đập là một hồ nước giữa muôn trùng núi non hùng vĩ
Đặc sản Tây Bắc vào mùa này là những cây hồng không lá như này. Vừa ra khỏi khu hồ thủy điện thì gặp cây hồng này, cuối mùa rồi cho nên còn khá ít quả.
Qua tiếp một con dốc cao là sang tới địa phận của Nậm Păm. Chúng tôi gặp một ngôi nhà với hàng rào là những cây hoa trạng nguyên đang đỏ rực.
Ngôi nhà nằm bên cạnh một con suối chảy róc rách
Qua thị trấn Ít Ong, chúng tôi chạy trên con đường dọc bên bờ sông Đà. Bên kia bờ sông là những bản làng êm đềm của người Thái.
Ra khỏi bờ sông là hướng về phía thành phố Sơn La, những con đường đã hẹp hơn, những cây cầu cũng nhỏ hơn.
Lại lên đèo rồi nhìn xuống thung lũng vừa băng qua. Lúc này, hoàng hôn cũng sắp tắt.
Ngày hôm nay, chúng tôi không đi được như theo lịch dự kiến, vì buổi sáng chạy quá chậm do gặp sương mù. Vì vậy, điểm nghỉ tối cũng phải thay đổi, chúng tôi nghỉ đêm tại trung tâm huyện Thuận Châu, Sơn La.
Ngày thứ 3, phía Điện Biên trời đã hửng nắng, Ngọc đã hết kêu lạnh, bắt đầu nhiệm vụ đốt film bỏ dở 2 ngày qua.
Chúng tôi không còn đi theo đường lớn nữa, mà chạy theo quốc lộ 6 cũ. Con đường nhỏ hơn, nhiều bụi hơn, nhưng cũng nhiều thứ để ngắm hơn.
Từ trên cao nhìn xuống sông Nậm Mức. Vào mùa lúa vàng thì mấy chỗ này cũng ra gì phết chứ chả đùa.
Những thung lũng bắt đầu mở lớn hơn, tầm nhìn rộng hơn về những đỉnh núi nhấp nhô phía xa. Tôi thấy đâu đó những khung cảnh quen thuộc như Hà Giang.
Về tới Mường Lay, chúng tôi ăn trưa rồi ra bờ sông ngồi hóng cái nắng. Sau 2 ngày chạy với sương mù và cái lạnh. Thì niềm hạnh phúc của 2 bà cô Sì Gòn lúc này là được mặc áo bông và phơi thây giữa trời nắng. Những con thuyền đậu ở bến, mang sản vật từ tít trên thượng nguồn sông Đà xuống đây để đổi lấy tiền, rồi mua nhu yếu phẩm. Lân la hỏi chuyện mới biết được rằng, người Mông còn biết đi cả thuyền máy với sống gần bờ sông. Mà chắc chỉ có người Mông ở gần sông Đà, ở Lai Châu này thôi.
Đầu Mường Lay là ngã ba sông nơi dòng Nậm Na đổ vào sông Đà hùng vĩ. Con sông Đà hung dữ chỉ biết đến trong "người lái đò sông Đà" từ tít Ka Lăng, Tà Tổng đổ về, giờ trở lên êm đềm và hiền hòa đến lạ, mang nước cũng như các sản vật nuôi sống những bản làng người Thái, người Mông ven bờ.
Mùa này nước cao, chỉ còn nhú lên 2 trụ của cầu Hang Tôm cũ - cây cầu dây văng lớn nhất Đông Nam Á giờ đã nằm sâu dưới hàng chục mét nước. Đi cùng là bao nhiêu câu chuyện về những vựa tôm nổi tiếng ở Mường Lay. Đứng trên cầu, nhìn những con thuyền êm đềm chạy, tâm hồn lại bay bổng, mườn tượng đâu đó ra cảnh tóc bay trong gió, mồ hôi đổ trên trán, hai tay thì đang khua mái chèo trên con thuyền độc mộc ngược dòng nước xiết.
Chúng tôi chụp ảnh lưu niệm rồi đi tiếp.
Quốc lộ 12 về Phong Thổ bám theo bên bờ sông Nậm Na, hai bên là những dãy núi cao vút, còn ở giữa là con sông êm đềm vì...quá nhiều thủy điện ngăn cách.
Nghỉ ngơi giữa đường
Bên bờ sông Nậm Na dọc quốc lộ 12 trên đường về thị trấn Phong Thổ
Chiều đang dần về, chúng tôi phải đi nhanh hơn để kịp về Si Thâu Chải trước khi tối. Sau 2 ngày về muộn, thì đến hôm nay 2 cô gái chắc cũng ngán phải đi tối lắm rồi.
Hoàng hôn buông xuống khi chúng tôi vừa đi qua Tp. Lai Châu.
Từ đây về tới chỗ nghỉ tối còn khoảng 25 km nữa
Sau 10km dốc ngoằn ngoèo dựng đứng từ trung tâm thị trấn Tam Đường, chúng tôi đã tới được bản vừa lúc màn đêm ập xuống. Ở bản tôi đã nhìn thấy một thứ mà khiến trái tim tôi nhảy dựng lên, háo hức chờ đợi buổi sáng ngày hôm sau.
Tối hôm đó, sau vài chén với chủ nhà, mình đã ngà ngà say. Bình thường mình rất ngoan, say là mình đi ngủ. Thế nào mà chủ nhà lại bảo dưới nhà văn hóa thôn đang có hát lý, thế là lại xuống xem.
5:30 phút sáng. Tôi mở mắt, quờ ngay đồng hồ. Chiều tối hôm trước tới bản, tôi giật mình vì hoa đào nở nhiều quá. Mà trời tối sập hết cả rồi, nên không có chụp với hoàng hôn được, vì ráng trời không còn gì cả. Tiếc lùi lụi. Tối nhìn trời có sao, mừng thầm nhủ tí nửa đêm chui ra chụp phơi sáng, là sẽ có cả hoa đào, cả bầu trời sao sáng rực. Thế mà, ghét phải nói thế mà, ngồi vào mâm cơm vùng cao thì không thể từ chối rượu. Thằng tôi tặc lưỡi, thôi hẹn giờ sáng mai dậy chụp lúc sáng sớm rồi ngủ liền một mạch tới giờ. Luống cuống lấy máy ảnh, Ngọc cũng đã dậy vì không chịu được lạnh. Đi phi xuống đường bản thì ôi thôi mặt trời đã dần lên rồi, sao đang mờ dần. Đặt chân máy chụp tạm 1 tấm vậy.
Bình minh đang lên dần
Tôi không thể tưởng tượng được là đào nở sớm thế. Bất ngờ là đây chứ đâu. Cả bản rải rác đào, đều bắt đầu nở.
Đào đá 5 cánh, loại đào mà mình thích nhất trên vùng cao. Cánh nó dày, cứng cáp, đỏ thẫm bên trong, ra dìa cánh thì nhạt dần. Không cầu kì, không phức tạp, không cần phải thất thốn hay 7,8,15 cánh gì cả, cứ thế mà nở, vòng quanh nhà. Đơn giản, chất phác như con người vùng cao vậy.
Trời cũng đã sáng hơn, Trúc với Ngọc cũng đã xuống để đi dạo, chụp hình.
Một góc bản Si Thâu Chải
Đi học buổi sáng
Sau khi ăn sáng thì chúng tôi phải rời bản để còn về Sapa cho kịp giờ xe. Dù muốn lán lại thêm chút nữa nhưng không kịp vì 2 bạn đặt vé bay về sớm quá.
Trước con dốc xuống thị trấn Tam Đường còn gặp được một biển mây rực rỡ. Ngọc với Trúc cứ xuýt xoa không thôi.
Sau những ngày mưa lạnh buốt thì đây như là một phần thưởng cực đỉnh của thời tiết. Bốn ngày lang thang Tây Bắc là chưa thỏa mãn nhưng đủ để nhịp đập trong tim lại loạn nhịp mỗi khi nghĩ về những kỉ niệm này.
Không gian bao la.
Không gian bao la.
Không gian bao la.
Tác giả: Nguyễn Bá Bắc
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal