Tôi không biết đây có phải bài chia sẻ kinh nghiệm du lịch Huế hay không, nhưng Huế, với người khác là điểm du lịch, còn với tôi là da thịt. Tôi sinh ra, lớn lên và được dạy dỗ ở đây. Vậy mà riêng lần này, sau hơn 3 năm xa quê về lại Huế, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình chỉ là lữ khách. Huế đẹp và lạ - cái đẹp mà lúc còn sống ở đây tôi chỉ là đứa trẻ con chưa đủ sâu sắc để cảm nhận thấu đáo. Đến tận bây giờ quay lại bỗng thấy như nhặt được viên ngọc năm xưa mình làm rơi mất...
Cái đẹp của Huế phải ngắm và ngẫm đủ sâu mới cảm nhận được thấu đáo.
Độ này là tháng 10, trời vừa se lạnh mà không mưa. Sáu giờ sáng. Không khí quạnh lại như một lớp kẹo bông dày đặc, chỉ cần hít lấy một hơi là thấy cả cơ thể chùng xuống, tim đập mạnh vô chừng, phổi như có một sức nặng đè hẳn lên.
Tôi đã đi tàu mải miết suốt hơn 20 tiếng đồng hồ để lặn lội từ Sài Gòn về được đến Huế. Cái lạnh dù đến chầm chậm nhưng vẫn không khỏi làm tôi bỡ ngỡ. Vì tôi ở Sài Gòn bao lâu, quên rằng Huế có cái đặc sản “không khí lạnh” đậm đặc như thế.Những bước chân đầu tiên ở sân ga không khỏi làm tôi thích thú. Tôi như đứa trẻ mới tập đi. Người Huế chúng tôi quen đi chậm hít thở sâu, không giống những thành phố lớn khác lúc nào cũng vội.
Người Huế đã quen đi chậm mà hít thở sâu, không giống người thành phố khác lúc nào cũng vội.
Rồi bất giác tôi nhớ về thuở nhỏ. Cứ những ngày trời lạnh như này xin mẹ dăm nghìn đồng, chạy bộ ra đầu đường mua ít bánh ram. Bánh ram nóng, giòn, được rán lên từ bột mì trộn với vài lát chuối, vài miếng cà rốt và mấy miếng khoai – bánh nhỏ mà ngọt tan, ăn không ngán như miếng bánh chuối to bự toàn bột của Sài Gòn.
Giá mà bây giờ ngay ngoài ga tàu có dì bán bánh ram...
Cách đây ba năm lúc mới chuyển vào sống ở Sài Gòn, tôi cứ đinh ninh là người Huế lười, không làm cái gì nhanh được. Giờ mới thấy cách người Huế sống có gì đó nhẹ nhàng, phong lưu đến độ khiến tôi phải hổ thẹn. Người Huế sống chậm mà sâu. Sâu từ cái ăn, lời nói cho tới từng hơi thở, cảm nhận.
Người Huế, cũng như sông Hương, chảy chậm mà sâu.
Dân phương xa đến Huế không biết rằng tô bún bò mà họ được ăn ở Huế là cả một nghệ thuật. Cô bán bún phải thức dậy từ 3 giờ sáng, ninh bắp bò, giò heo cho nhừ để nước dùng được ngọt. Nước dùng ấy còn được nêm kĩ với ruốc, ớt và một số loại gia vị nhưng tuyệt đối không có đường.
Khi ăn nước ngọt, trong trẻo (hoặc có màu vàng cam), sáng màu chứ không đen đặc như “bún bò Huế” ở Sài Gòn. Người Huế thường ăn bò nhúng tái, mà thành phần phải là bò tươi, sau khi nhúng lên các thớ thịt bò còn sáng màu, ngả đỏ chứ không sẫm. Ngoài ra có chả cua, huyết non ăn chung với bún bò, loại nào cũng tươi và ngọt nhẹ (dĩ nhiên không có loại nào ngọt bởi đường).
Là người Huế nhưng nói thật tôi cũng có chút bối rối khi bạn bè tứ xứ hỏi ăn bún bò ở đâu ngon. Bởi người Huế chúng tôi cứ gặp quán nào là ăn quán đó thôi, toàn ăn vỉa hè, mà mùi vị thì không khác nhau nhiều, đều ngon cả. Lục trong trí nhớ thì có vài ba chỗ tôi hay lui tới như quán bún bò Phượng 24 Nguyễn Khuyến (bên cạnh Dòng Chúa Cứu Thế), bún bò Bà Nga ở 103 đường Xuân 68, bún bò ngã tư Lê Thánh Tôn - Hàn Thuyên...
Người Huế sâu từ lời nói đến cái ăn.
Tương tự như bún bò Huế, nhiều món ăn khác cũng được chế biến tỉ mỉ, nêm nếm cẩn thận. Khi ăn từng miếng đều thấm vị, ngọt tự nhiên. Đến cả miếng rau sống cũng phải được rửa kĩ rồi để nguyên vẹn tươi mắt, không vằm nhỏ ra, nhìn còn xanh mơn mởn.Người Huế ăn từ mắt trước, đến mùi, sau đó mới đến vị, và vị thì ở lại trong lưỡi rất lâu, rất đậm. Sâu từ cái ăn là sâu như vậy đó.
Những cô bán bún, những dì hàng trái cây, những người mẹ ở chợ... thì không xởi lởi được như người buôn bán ở Sài Gòn. Nhưng họ khoan thai, nhẹ nhàng, làm gì cũng khéo, nói ít nhưng hiền hậu. Họ rất phụ nữ. Hai chữ “gái Huế” xuất hiện trong đầu tôi khi nghĩ đến họ, và đột nhiên tôi cảm thấy các “o”, các dì ấy trở nên cao quý lạ thường.
Tôi vẫn ước có thể nán lại lâu hơn, nếm lại được nhiều món hơn, nhưng rồi những bước chân lại thôi thúc mình đi. Vậy là đi.
Tôi chưa từng đi du lịch theo cách này ở những vùng đất khác: đó là không bản đồ, không hướng dẫn viên, không kế hoạch, không một điều gì trong đầu cả.Cứ thấy đường thì đi thẳng tới. Vô thức mà đi. Rong ruổi, lang thang.
Cửa Thượng Tứ 8 giờ sáng, đường phố vừa tự do vừa yên bình.
Quả thật tôi thấy mình như người lạ. Phải lâu lắm rồi mới có cái cảm giác tự do đến vậy. Đường phố Huế không bao giờ kẹt xe, người ta cứ thoải mái đi chậm, chậm đến mức ta có thể tưởng tượng rằng một ngày ở Huế dài đến 240 tiếng, hãy cứ từ từ bình thản sống.
Và tuyệt nhiên không có lấy một chút khói bụi, cái không khí lành lạnh trong vắt này cứ khiến tôi muốn hít lấy hít để, rồi phả ra những hơi khói nhẹ. Chiếc xe máy tôi thuê chạy chầm chậm dọc theo Kinh Thành Huế. Những thành vách cổ kính của Kinh Thành già nua nom như các cụ trăm tuổi đang ngồi đánh cờ, các cụ đều đẹp lão.
Bia Quốc Học Huế, lặng im như trầm ngâm, ngẫm nghĩ.
Ở Sài Gòn, tôi quen với nhịp sống hiện đại, những ngôi nhà lên tầng liên tục, những ánh đèn chớp nháy đến chóng mặt, cả thành phố tựa như một chàng trai trẻ đang lao đi vun vút. Trái lại, Huế bao năm vẫn không đổi. Cả thành phố tựa như đang trầm ngâm ngẫm nghĩ.
Năm tháng phủ lên Kinh Thành những lớp rêu phong úa màu. Người lạ đến đây có thể cảm thấy khung cảnh thoang thoảng buồn. Riêng tôi cảm thấy muốn hòa vào cái nhịp nghĩ ngợi đó, hít một hơi và nghĩ thật sâu. Cả cuộc đời như chìm vào trong hơi thở đó.
Những cánh đồng tít tắp, bầu trời rộng và cao.
Những con đường dẫn tôi xuôi về Phong Điền – một huyện nằm cạnh thành phố Huế. Huế nhỏ nên đường về huyện cũng gần, chỉ mươi mười lăm phút là đã thấy từ những ngôi nhà thấp san sát quanh khu vực kinh doanh chuyển dần thành những cánh đồng tít tắp.
Tôi biết những cánh đồng lúa không có gì lạ với những người lớn lên từ chốn nông thôn. Nhưng từ cái nhộn nhịp của thành phố Hồ Chí Minh mà đến đây thì cảnh vật hai bên đường mà tôi nhìn thấy lúc này thực như một điều kì diệu.
Cái màu xanh non trải dài mênh mông đến ngợp, bầu trời thì khổng lồ ụp lên toàn cảnh chung quanh. Tôi thấy mình bé lại như đứa nít lần đầu xa mẹ lao ra thế giới rộng lớn. Chốn thị thành những tòa nhà lớn che mất bầu trời, còn ở đây bầu trời căng tràn, tròn đầy, ào ạt.
Rẽ qua những cánh đồng, tôi ghé vào một nhà thờ khuất sau mấy hàng cau xanh. Nhà thờ không lớn, có mấy đứa nhỏ từ các xóm nghèo đến đây học chữ miễn phí. Ôi những đứa nít nguyên sơ như đám lúa non tôi vừa đi qua. Mắt chúng sáng, da săn nâu.
Kì quan trong tim tôi.
Không cần phải trèo đèo lội suối lên những vùng núi cao để được nhìn thấy và giúp đỡ đám trẻ ngây thơ nghèo khó tội nghiệp. Có một đám trẻ nông thôn ở đây, chúng lớn lên giữa những cánh đồng quê, thật thà như đất.
Và là trẻ Huế, chúng rụt rè, cái hiếu động giấu đằng sau đôi mắt, thấy máy ảnh như thấy súng – hễ tôi đưa máy lên là chạy tán loạn. Tôi hiểu ý, liền đưa máy ảnh ngỏ ý cho chúng mượn, kiên nhẫn đợi chúng tò mò thử máy suốt buổi rồi mới mượn lại máy để chụp cho chúng. Lần này lũ trẻ cười rạng rỡ - và cái khoảnh khắc ấy, với tôi, là cả một kì quan, đẹp hơn bất cứ kì quan nào trước đó tôi từng có dịp ghi lại...
Tôi biết có vô số nơi mà bạn có thể đến khi bạn ghé Huế. Chỉ với vài bài viết bạn tìm thấy trên Google hoặc nhờ sự giúp đỡ của một người địa phương là bạn đã có thể bận rộn trong suốt nhiều ngày liền.
Ở đây, mọi khoảnh khắc đều có thể khiến bạn rung động.
Nhưng lần này tôi chợt nghĩ: "Này, bạn đã bận rộn đủ nhiều ở thành phố lớn rồi. Đến đây, hãy thử hít lấy một hơi thật sâu, rồi ăn thật chậm, suy nghĩ đủ nhiều, và hãy thử đi xa hơn những gì bạn đọc được".
Huế không chỉ có những cái tên lăng tẩm, những món ăn lạ tai. Huế là cả một không gian để sống, là nơi mà những cái đẹp không tên ẩn chứa ở mọi nơi. Nếu bạn muốn chuyến đi của mình thú vị hơn, bạn có thể thử làm như tôi nói. Và nếu may mắn mà bạn đủ sâu sắc và đủ tinh nhạy thì...Có thể chỉ một hơi thở ở Huế thôi cũng đủ để khiến bạn thấy thấm mãi vào tim!
Tác giả: Trần Ngọc Hoàng Thạch & Trương Ngọc Hải
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal