Phú Yên mùa này đẹp lắm! Trời thương chúng tôi, ra nhiêu ngày là chừng ấy ngày nắng đẹp. Đã đi nhiều nơi nhưng Phú Yên là nơi tôi thấy hội tụ tất cả cảnh vật: một xứ sở "hoa vàng trên cỏ xanh", núi điệp trùng, cánh đồng xanh thẳng cánh cò bay, có cả phố biển với dãy cát vàng trải dài... Nói chung tôi không thể chê gì về cảnh sắc ở Phú Yên. Phú Yên để lại cho tôi bao nhớ nhung.
Xin chào Phú Yên - chào miền xứ Nẫu.
Đến với Phú Yên ai cũng sẽ bắt gặp ngay cái giọng nằng nặng, thô ráp, khó nghe nhưng chất chứa sự nhiệt tình, chân chất của người dân nơi đây - những con người đã sống với cái nắng, cái gió, vị biển và cả cát vàng của Phú Yên.Đây là chuyến đi đầu tiên ra miền Trung của tôi, mọi thứ ở “ngoải” lạ lắm. Lạ đến nỗi đã mê hoặc cả con người tôi.
Chuyến đi của chúng tôi gói gọn trong 3 ngày 2 đêm, chưa kể hai ngày di chuyển đi và về. Nơi đặt chân đầu tiên của chúng tôi là "Homestay Nẫu" đúng với cái tên xứ Nẫu. Homestay kiêm luôn quán cà phê nhỏ nhỏ, xinh xinh của một anh chủ thích đi phượt.
Chiều hôm ấy, chúng tôi kéo nhau đến Bãi Xép – Gành Ông luôn. Đây là phim trường của bộ phim nổi tiếng "Tôi Thấy Hoa Vàng Trên Cỏ Xanh”, nằm sát nhau, cách trung tâm thành phố chưa đầy 13 km. Có khá nhiều khách du lịch đã tới đây sau khi bộ phim được phát sóng. Phải nói là không thể cưỡng lại được vẻ đẹp bao la của nó và cả màu nước biển xanh rì mà trong vắt.
Gió lộng và khung cảnh bao la của biển cả mở ra trước mắt chúng tôi khi ở trên Gành Ông
Một góc Bãi Xép.
Khi nhìn từ dưới nhìn lên, Bãi Xép có một vách đá sừng sững, đồ sộ. Từng đợt sóng cứ đập vào mỏm đá, nó làm tôi ngẩn ra lúc nào chẳng hay. Chiều chiều mọi người hay xuống Bãi Xép để tắm biển vì nước biển ở đây rất trong và sạch.
Vách đá sừng sững ở Bãi Xép.
Nước biển trong veo, chỉ muốn bay xuống tắm liền thôi.
Chợ cá này chúng tôi tình cờ thấy trên đường đi Bãi Xép về, có cái ngõ nhỏ đâm thẳng ra biển. Tôi đã hất tay nhỏ tài xế: “Ê! Bây..bây.. ghé vào, ghé vào, xem có gì trong đó!” rồi nó cũng lái vào ngay. Chúng tôi cũng chẳng biết có chợ cá vào sáng sớm ở đây đâu, cho tới khi bắt chuyện được với một cụ già. Cụ đã sống ở miền cát vàng này được 65 năm rồi, nhìn cụ già nhưng sức còn dai lắm.
Quang cảnh chợ cá sáng, ai ai cũng tấp nập, nhộn nhịp.
Về lại Sài Gòn, tìm hiểu thêm tôi mới biết nó là làng chài Mỹ Quang Nam. Mỗi sáng, khoảng 5 giờ khi thuyền đánh cá cập bến, sẽ có những mẻ cá tươi rói được bán tại chỗ. Những người bán lẻ hay buôn đại lý đều tụ lại cân đo, đong đếm.
Những mẻ cá cơm nào không được bán sẽ ướp muối để làm mắm, đó là món mắm cá cơm.
Món mắm này ăn cũng với bánh xèo hay bánh căn là ngon hết xảy.
Bạn biết không? Với nghề ngư dân này, chính những người đàn ông lênh đênh trên thuyền, thúng phải gánh vác trên vai không biết bao nhiêu miệng ăn. Gió biển, sóng biển đã nhuốm màu da họ đen hơn rất nhiều, kể cả sức dẻo dai cũng chẳng ai sánh được.
Những người đàn ông lênh đênh trên thuyền, trên thúng phải gánh vác trên vai không biết bao nhiêu miệng ăn.
Họ đang chuẩn bị cho thuyền đầy đá, đầy thức ăn cho chuyến đánh bắt tiếp theo.Một chuyến đánh bắt ấy chỉ kéo dài từ tối nay đến sáng mai thôi, nhưng phải đảm bảo cho mẻ cá nào cũng phải tươi rói nên họ đã chất đá lạnh đầy thuyền.
Gành Đá Dĩa là một di tích thắng cảnh của Phú Yên. Gành Đá Dĩa mang một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, những khối đá hình trụ được xếp chồng nên nhau. Theo các nhà khoa học, gành Đá Dĩa được hình thành khi núi lửa phun trào, gặp nước biển lạnh sẽ tạo nên các phiến đá đặc sắc đó.
Gành Đá Dĩa còn đặc sắc hơn nữa khi màu của những phiến đá có thể thay đổi liên tục theo thời gian trong ngày. Khi bình minh hé mở, những phiến đá đen tuyền được phủ ánh ửng vàng của tia nắng đầu ngày.Còn khi hoàng hôn buông xuống, màu rám đỏ nhuộm đều các phiến đá. Do đó, mỗi khoảnh khắc sẽ đem lại cho bạn một cảm nhận khác nhau. Không chỉ thế, những làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa, làm cho du khách phải trầm trồ.
Vẻ đẹp gành Đá Dĩa,
Nằm ngay bên cạnh gành Đá Dĩa, hải đăng gành Đèn là nơi có vẻ đẹp hoang sơ không kém. Có rất nhiều tảng đá với màu sắc lạ kì nhấp nhô. Rồi thấp thoáng lại xuất hiện ngọn hải đăng có màu đỏ nổi bật trên nền khung cảnh tuyệt vời. Đường lên ngọn hải đăng đã đổ bê tông nên việc di chuyển rất dễ dàng.
Lên tới hải đăng tôi chỉ muốn ngồi bệt mãi ở đó thôi vì xung quanh tôi gió biển mát rượi, sóng vỗ về du dương. Ngồi viết lại những dòng chữ này, tôi vẫn còn cảm giác ấy.
Khung cảnh bao la nhìn từ hải đăng gành Đèn.
Ngọn hải đăng trên nền trời xanh.
Từ gành Đá Dĩa, chúng tôi chạy khoảng 9 km là tới cầu. Cầu Ô Cọp nối liền các thôn phía bắc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) với thị xã Sông Cầu. Cầu bắc qua cửa sông Bình Bá. Đã có lần tôi nghe ai đó nói, cây cầu gỗ bị phá đi và xây lại cầu mới nhưng đợt tôi đến, cây cầu vẫn còn nguyên vẹn nơi đó.
Cầu Ô Cọp mang một vẻ đẹp thô sơ, mộc mạc.
Cầu Ô Cọp được làm chủ yếu bằng gỗ và tre, vì vậy nó mang một vẻ đẹp thô sơ, mộc mạc và cả sự yên bình. Chạy xe trên cầu, chiếc cầu cứ lắc lư, cứ dập dình, có chút gì đó hơi sợ sợ nhưng cứ chắc tay là kiểu gì cũng tới được cuối cầu. Đầu cầu bên kia có căn chòi nho nhỏ để thu phí: nếu chỉ có nhu cầu đi lại giống người dân thì 3.000 VND - 5.000 VND / lần nhưng nếu là khách du lịch chụp hình và tham quan là 10.000 VND / lần.
Cây cầu chất chứa bao kỉ niệm của người dân.
Cầu Ô Cọp chông chênh đã gắn bó với người dân Phú Yên qua bao năm tháng, nắng mưa dãi dầu. Cây cầu chất chứa bao kỷ niệm nơi đây.
Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi chạy từ cầu Ô Cọp đến nhà thờ Mằng Lăng. Nhà thờ được biết đến là nhà thờ cổ xưa nhất tại Việt Nam, được xây vào năm 1892, đã tồn tại hàng thế kỉ. Tại sao lại có tên Mằng Lăng? Tôi hỏi mấy dì nấu ăn trong nhà khách của nhà thờ, họ nói đó là tên một loài cây được trồng rất nhiều ở nơi đây. Nhưng đến bây giờ nó đã không còn nữa, chỉ còn lại những cái tên “Mằng Lăng” gắn liền với di tích.
Nhà thờ Mằng Lăng.
Bãi Môn xanh biếc với dải cát trắng trải dài ngay dưới chân Đại Lãnh. Cát ở đây rất trắng và mịn. Bãi Môn cũng là nơi đón bình minh sớm nhất so với các bãi biển khác ở Việt Nam. Nếu đến Bãi Môn khoảng 5 giờ sáng thì bạn có thể ngắm những ánh nắng đầu tiên le lói trên mặt biển với cả một bầu trời ửng hồng.
Bãi Môn nhìn từ trên cao.
Tha hồ tạo dáng ở bãi Môn nhé!
Ngọn hải đăng Mũi Điện hay còn gọi là ngọn hải đăng Đại Lãnh, đứng sừng sững, nhô ra trước biển. Để lên được ngọn hải đăng các bạn phải leo hơn 1 km đường dốc. Gần lên đỉnh sẽ có một ngã ba nhỏ, một đường lên ngọn hải đăng đường còn lại đi xuống Bãi Môn. Nhìn ngay xuống chân ngọn hải đăng là đường mòn nhỏ xuống Mũi Điện - nơi đặt dấu mốc cực Đông của Việt Nam và là nơi có những tảng đá, vách đá hùng vĩ dọc lối đi.
Ngọn hải đăng Mũi Điện.
Sau một hồi đứng trên ngọn hải đăng Mũi Điện, chúng tôi đi theo đường mòn nhỏ ra Mũi Điện. Từ Mũi Điện bạn hướng mắt về phía biển xa xăm, nhìn xuống thì lại có những vách đá treo leo hiểm trở nhưng mang một vẻ đẹp lạ kỳ.
Đứng trên ngọn hải đăng nhìn ra Bãi Môn xa xa.
Chúng tôi thì thích thử thách và trinh phục bản thân mình hơn nên đã chọn đi bộ lên. Hai bên đường có khá nhiều cây xanh và những loài hoa dại, đủ để bạn mải mê ngắm nghía mà quên đi cái mệt là gì.
Đường lên hải đăng Mũi Điện, có những bậc thang để dễ đi lại hơn, và có cả dịch vụ xe máy trở nên tận nơi khoảng 50.000 VND/ người.
Tôi sẽ nhớ mãi Phú Yên dù cho ai có quên đi nữa. Chuyến đi này đã mang lại cho tôi rất nhiều trải nghiệm, tuy tôi vẫn chưa thể nào khám phá hết được Phú Yên nhưng nơi đây đã cho tôi tất cả những gì tuyệt vời nhất từ con người đến cảnh sắc và cả ẩm thực.
Hẹn một mai sẽ quay trở lại Xứ Nẫu!
“Đừng có chọc quê tiếng “nẫu na”
Nghe hơi lơ lớ kệ “ngừ” ta
“Dậy” mà thắm đượm tình quê “nẫu”
Dù ở nơi đâu “dẫn” đậm đà"
Tác giả: Vũ Thị Vân Anh
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại:https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal