Có những vùng đất kể cả khi đã đi về hàng năm trời rồi vẫn luôn ở trong tâm trí bạn. Cảnh vật hùng vĩ, con người hiếu khách và tình cảm bạn dành cho nơi đó không hề vơi đi trái lại còn nhiều thêm. Để mỗi lần nhớ đến nó, bạn sẽ thấy thật ấm áp và trân trọng những khoảnh khắc ở đó. Đối với tôi, Tajikistan là đất nước gây thương nhớ đến lạ lùng như vậy.
Tajikistan là một quốc gia ở vùng Trung Á giáp với Afghanistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Trung Quốc. Trước năm 1991, Tajikistan thuộc liên bang Xô Viết và sau khi liên bang này tan rã, Tajikistan trở thành một quốc gia độc lập.
Khung cảnh hùng vĩ và hoang dã ở cao tốc Pamir.
Tajikistan là quốc gia có diện tích 93% là đồi núi, hơn một nửa lãnh thổ Tajikistan nằm ở độ cao hơn 3.000m so với mực nước biển. Đỉnh Ismail Samani (trước đây có tên gọi Communism Peak cao 7.495m) cao nhất Trung Á cũng nằm ở Tajikistan. Vì vậy, thiên nhiên của đất nước không chỉ đơn thuần là đẹp, mà là đẹp tuyệt vời.
Để khám phá trọn vẹn Tajikistan hoang dã và hùng vĩ, tôi đã dành thời gian sáu ngày trên con đường cao tốc Pamir từ thủ đô Dushanbe cho tới tận thành phố Osh của Kyrgyzstan.
Pamir là đường cao tốc trải nhựa cao thứ hai trên thế giới.
Thung lũng Madyan ở thị trấn Murghab.
Bên phải là Tajikistan và bên trái của con sông là lãnh thổ Afghanistan.
Pamir Highway có tên gọi chính thức là đường M41, là đường cao tốc trải nhựa cao thứ hai trên thế giới (ở độ cao trung bình hơn 4000 m) dài 1290 km. Địa hình không ổn định, phải vượt qua những con đèo cao và khả năng động đất, lở đất và đá cao khiến cho Pamir trở thành một trong những con đường thách thức nhất thế giới.
Tôi cũng không ngờ 6 ngày ngắn ngủi lại có thể để lại cho tôi nhiều tình cảm với vùng đất này đến như thế. Tôi đã được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc trên 1290 km ở nơi được mệnh danh là nóc nhà thế giới này.
Đó là cảm giác bình yên khi lướt qua cửa kính ô tô của tôi là những ngôi làng nhỏ trên sườn núi, những đàn cừu dê đang gặm cỏ, những em bé tíu tít đi bộ đến trường học. Là cảm giác trầm trồ khi thấy những ngọn núi tuyết phút sừng sững ngạo nghễ ở ngay trước mắt. Ký ức về Tajikistan là nỗi khắc khoải về con đường thênh thang trải dài với khung cảnh bao la hùng vĩ hai bên đường, là những đoạn đường cả trăm km mới thấy một vài nóc nhà quây quần thành một ngôi làng nhỏ. Là hình ảnh những hồ nước xanh như ngọc, cánh đồng muối trắng phau, bụi từ những chiếc xe khác loang loáng qua của kính ô tô. Thậm chí là cảm giác hoang mang tự hỏi không biết người dân ở đây sống bằng gì giữa thiên nhiên hoang vu gần như không có một bóng cây xanh, chỉ có vài bụi cây nhỏ lác đác như thế này?
Hồ Yashikul nước xanh như ngọc.
Dọc theo Pamir là những ngôi làng nhỏ heo hút và hoang vắng như ở Karakul, Murghab, Alichu… Điện chỉ có vài tiếng buổi tối. Đồ ăn thì chỉ có vài món thậm chí có ngôi làng không có một tí thịt nào để bán cho tôi khi tôi tới đó vào buổi trưa, chỉ còn một vài cây rau, gói mì hay đồ lương khô. Nhà của người dân ở khu vực này xây rất thấp để giảm bớt cái lạnh. Tuy bên ngoài đang âm độ nhưng chỉ cần bước qua cánh cửa là như bước vào một một thế giới khác cực kì ấm áp.
Hồ Bulunkul như một tấm gương phản chiếu khổng lồ trong những ngày nắng.
Dọc theo Pamir là những ngôi làng nhỏ thưa thớt nhưng người dân rất mến khách.
Điều khiến tôi càng thương nhớ Tajikistan chính là lòng mến khách của người dân ở nơi này. Tôi nhớ như in em bé cho tôi cả rổ táo chín đỏ khi tôi dừng lại ven đường nghỉ ngơi. Những bà cụ hiền hậu mời tôi vào tận nhà chơi và pha cho chúng tôi những ly trà thơm ngon, tuy ngôn ngữ bất đồng đa số phải dùng tay chân để giải thích nhưng tôi rất cảm động và cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ hội được tiếp xúc với những người dân bản địa đáng kính như vậy. Lái xe của tôi tuy nói được rất ít tiếng Anh nhưng thỉnh thoảng lại mua cho tôi cái bánh mỳ, luôn hỏi tôi rằng tôi có mệt không hay cần mẫn lau kính hàng ngày để tôi có thể vừa ngồi trên xe vừa chụp được những bức ảnh đẹp.
Dọc theo đất nước Tajikistan bạn sẽ thấy rất nhiều người dân sống trong những lều Yurt đặc trưng cho cuộc sống du mục.
Những chú cừu nhởn nhơ gặm cỏ khô bên đường, khung cảnh thật bình yên quá đỗi.
Dọc theo cao tốc Pamir bạn sẽ thấy có rất nhiều hồ nước xanh như thế này, vệt trắng dọc theo bờ hồ chính là muối tinh khiết.
Dường như nụ cười thân thiện và đáng mến của những người tôi gặp trên đường càng làm cho chuyến đi khám phá Tajikistan thêm xúc động và đáng nhớ. Đã trở về với cuộc sống hiện tại được một thời gian nhưng dường như tôi vẫn đang ở đâu đó trên con đường bé nhỏ xuyên qua những ngọn núi hùng vĩ và hoang dại. Tôi vẫn đang vương vấn những buổi sớm mai thức dậy ở nơi hoang vu hẻo lánh mà trong veo. Tôi biết Tajikistan sẽ luôn chiếm một góc ấm áp ở trong tim tôi, để một ngày nào đó tôi sẽ gặp lại mảnh đất này.
Đối với tôi, Tajikistan là đất nước gây thương nhớ đến lạ lùng
Thời gian đẹp nhất để tham quan Tajikistan là từ tháng 6 tới tháng 11, thời tiết dễ chịu không quá nóng cũng không quá lạnh. Phù hợp với các hoạt động dã ngoại như đi xe đạp dọc theo cao tốc Pamir, trekking, đi bộ, leo núi, tham quan các hồ thiêng… Từ tháng 11 tới tháng 5 năm sau là lúc trời lạnh, có tuyết nên đường rất khó đi, chỉ có thể tới một số thành phố lớn như Dushanbe, Khorog.
Mùa thu là mùa đẹp nhất để du lịch Tajikistan khi các đồng cỏ nhuộm vàng, trời trong xanh và không quá nóng cũng không quá lạnh
Bạn cần phải có visa để tham quan Tajikistan và có thể làm evisa trên mạng. Thủ tục rất đơn giản và nhanh chóng. Bạn cần chuẩn bị một ảnh thẻ, hình chụp trang đầu của hộ chiếu sau đó truy cập vào website này.
Khi làm evisa nhớ bạn nhớ chọn mục GBAO (permit để đi khu vực Pamir). Giá visa + GBAO permit là 70usd, thêm phí thanh toán thẻ khoảng 2USD. Bạn có thể trả bằng thẻ visa/master card và sau 3-5 ngày làm việc sau là evisa sẽ được gửi vào email bạn đã đăng ký.
Khi nhập cảnh vào Tajikistan bạn cần in sẵn evisa và lưu ý rằng nhân viên hải quan sẽ đóng dấu nhập cảnh và xuất cảnh vào tờ visa này nên các bạn nhớ giữ visa từ đầu cho đến khi xuất cảnh khỏi Tajikistan.
Hình chú cừu Marco Polo ở gần biên giới giữa Tajikistan và Kyrgyzstan.
Tiền tệ ở Tajikistan sử dụng tiền Somani (TJS). Tỉ giá hiện nay là 1 USD = 10 TJS.
Khi đi du lịch ở Tajikistan bạn nên đổi sẵn từ USD sang tiền bản địa tại các ngân hàng hoặc quầy đổi tiền ở thành phố lớn như Dushanbe, Khorog. Dọc theo cao tốc Pamir không có chỗ để đổi tiền và các nhà nghỉ quán ăn cũng không nhận USD.
Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng tới Tajikistan, phổ biến nhất là bạn sẽ bay từ Bangkok, Malaysia, Trung Quốc, Nga… bằng các hãng như Air Astana, Uzbekistan Airlines, China Southern, S7, Turkish Airlines… Bạn có thể bay tới thủ đô Dushanbe hoặc thành phố Osh của Kyrgystan rồi từ đó đi dọc theo cao tốc Pamir. Giá vé dao động trong khoảng từ 600 - 1000 USD khứ hồi.
Xe gầm cao là phương tiện lý tưởng nhất để khám phá cao tốc Pamir.
Có khác nhiều du khách lựa chọn đi đường bộ từ Tân Cương, Uzbekistan sang Tajikistan. Từ thành phố Kashgar, Tân Cương bạn sẽ đi qua cửa khẩu Kulma để nhập cảnh vào Tajikstan. Từ Uzbekistan bạn sẽ tới thành phố Samarkand sau đó qua cửa khẩu Panjakent để vào Tajikistan.
Đài tưởng niệm người anh hùng Ismoil Somoni ở thủ đô Dushanbe.
Di chuyển ở thủ đô Dushanbe khá dễ dàng, bạn có thể đi xe bus hoặc thuê taxi. Để khám phá Pamir bạn có thể bắt xe dạng minibus gọi là marshrutka hoặc tìm đủ 4 người để cùng chia sẻ tiền. Nếu bạn đi một nhóm đông thì thuê xe 4WD như Land Cruiser là hợp lý nhất.
Nếu bạn đi vào mùa hè thì ngoài những quần áo thoáng mát, thấm mồ hôi, kem chống nắng, mũ rộng vành thì bạn vẫn nên mang theo một đến hai bộ quần áo rét phòng khi lên độ cao thời tiết sẽ lạnh hơn.
Nếu bạn đi vào mùa thu hoặc đầu mùa đông thì bạn nên mang áo khoác 3 lớp, quần áo giữ nhiệt, áo len, găng tay, mũ len, miếng dán nóng, tất chân, khăn quàng cổ…
Mang theo gậy, bịt đầu gối nếu bạn có ý định trekking hoặc hiking ở Tajikistan.
Dọc theo cao tốc Pamir khá hẻo lánh bạn nên mang theo những loại thuốc thông thường như cảm cúm, hạ sốt, giảm đau, thuốc tiêu hóa, băng urgo… để bất cứ khi nào bạn cần có thể đem ra sử dụng ngay.
Dọc theo cao tốc Pamir là những ngôi làng nhỏ có dịch vụ homestay, giá cố định là 15USD/người/ngày bao gồm ăn sáng. Bạn cũng có thể mang theo lều trại để ngủ lại ở trong làng hoặc ven hồ tuy nhiên nếu bạn đi vào cuối mùa thu đầu mùa đông thì ban đêm nhiệt độ sẽ xuống rất thấp vì vậy cần chuẩn bị thật nhiều chăn, nệm và đồ ấm.
Ở các thành phố lớn như Dushanbe bạn nên tìm các nhà nghỉ, khách sạn quanh quảng trường trung tâm để tiện đi bộ tham quan và mua sắm.
Ở những thành phố lớn như Dushanbe, Khorog có rất nhiều nhà hàng món địa phương, món Châu u, món Tàu… để bạn lựa chọn. Ở những ngôi làng dọc theo cao tốc Pamir xa xôi hẻo lánh thì sẽ có soup thịt cừu, rau cải… Tuy nhiên bạn vẫn cần chuẩn bị đồ ăn theo như: mắm tép, ruốc, cá hộp, ruốc cá, xúc xích, các đồ ăn vặt như snack, bò khô.
Bạn có thể tới các chợ (bazzar) ở Dushanbe, Khorog, Khujand… để mua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tượng gỗ, đồ da, tượng vải, các loại khăn, thảm, bát đĩa tráng men hoa văn tinh xảo về làm quà.
Ngoài ra bạn có thể mua các loại hạt khô như hạt óc chó, hạnh nhân, mơ sấy, táo tàu, nho khô…rất thơm ngon bổ dưỡng.
Khung cảnh thiên nhiên của đất nước Tajikistan khiến người ta say mê.
Bài viết hợp tác giữa Traveloka và blogger Trần Hồng Ngọc.
Bản quyền nội dung và tất cả hình ảnh trong bài viết thuộc sở hữu của Traveloka. Vui lòng không sao chép hay sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa có sự đồng thuận của Traveloka.
Xem thêm