Đến Tây Bắc để biết rằng mình nhỏ bé thế nào trước thiên nhiên hùng vĩ. Đến Tây Bắc để tìm lại sự yên bình vốn đã quá xa xỉ nơi thị thành tấp nập ngược xuôi. Vậy là tớ đã lên đường phượt Tây Bắc.
Tây Bắc hùng vĩ.
Những năm tháng học đại học, tớ may mắn có một hội những người bạn cùng thích đi du lịch bụi. Chúng tớ đã đi cùng nhau rất nhiều cung đường đặc biệt là những vùng núi phía Bắc này. Nhân dịp mấy đứa tớ vừa tốt nghiệp đại học mấy anh em quyết định ôn lại những kỉ niệm bằng một chuyến phượt Tây Bắc, khám phá hết vùng trời đất này.
Cung đường phượt Tây Bắc của tớ: Hà Nội - Hoà Bình - Sơn La - Điện Biên - Lai Châu - Sapa - Mù Cang Chải - Hà Nội. Đây quả là một chuyến đi 4 ngày với biết bao kỉ niệm với rừng núi cùng với 5 người bạn còn lại.
“Đường lên Tây Bắc ngất ngây
Người xe đi lẫn trong mây bồng bềnh”
(Nguyễn Khắc Thiện)
Trên chặng hành trình phượt Tây Bắc thì Mai Châu chính là điểm đến đầu tiên mà bạn khó lòng bỏ lỡ. Mai Châu cách Hà Nội khoảng 140 km về phía Tây, là 1 cao nguyên xanh với những bản làng đơn sơ, giản dị, có khí hậu mát mẻ và trong lành.
Ruộng mùa nước đổ.
Ngày đầu tiên chúng tớ xuất phát thật sớm lúc 5 giờ sáng và di chuyển đến Mai Châu. Bây giờ đoạn đường từ Hà Nội lên Mai Châu - Mộc Châu đã được làm lại xong, đường nhựa bằng phẳng cộng với ít đèo núi nên đây có lẽ là đoạn đường dễ đi nhất trong chuyến hành trình chinh phục cung đường phượt Tây Bắc này. Khoảng 9 giờ chúng tớ đến được thị trấn Mai Châu nên anh em bắt đầu dừng lại nghỉ chân và ngắm cảnh. Tới Mai Châu mùa hè, khung cảnh nơi đây được bao phủ bởi một màu xanh cây rừng, của những cánh đồng ngô, lóng lánh mặt gương soi trên cánh đồng lúa mùa nước đổ.
Đứng trên đèo cao nhìn xuống.
Từ đây chúng tớ đi tiếp 60 km nữa để lên tới Mộc Châu ở đầu tỉnh Sơn La. Ấn tượng đầu tiên khi nhắc đến Mộc Châu hẳn là đoạn đường chữ S huyền thoại. Mộc Châu cũng nổi tiếng với hoa cải trắng thơ mộng, những đồi chè xanh mướt, rừng thông, thác nước...
Đoạn đường chữ S huyền thoại.
Sau khi nghỉ trưa ở Mộc châu, chúng tớ chạy xe lên đèo Pha Đin. Cách thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên gần 100 km, đèo Pha Đin là ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên.
Em nhỏ vùng cao.
Trên đèo Pha Đin.
Nhắc đến Pha Đin chắc phươt thủ nào cũng sẽ nói câu này: Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc. Thật sự đó là một địa hình vô cùng hiểm trở với các cung đường uốn lượn, những khúc cua gấp khúc. Nhưng đổi lại chúng tớ lại được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp dọc hai bên đường: một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút nên khung cảnh trên đèo Pha Đin cũng trở nên hùng vĩ hơn bao giờ hết với những dãy núi trùng điệp nhấp nhô, trải rộng khắp không gian.
Lúc nghỉ chân dọc đường.
Đứng từ trên đỉnh đèo nhìn xuống thung lũng xanh, cảnh vật hiện ra như một bức tranh huyền ảo. Đặc biệt, trải dài trên sườn núi là cả một rừng hoa tam giác mạch - loài hoa của núi rừng Tây Bắc, đang đua nhau khoe sắc, đung đưa trong gió.
Khung cảnh hùng vĩ trên đèo.
Lán nhỏ ở sườn đồi.
Hàng quả ven đường.
Chúng tớ nghỉ lại một đêm ở thành phố Điện Biên, sáng sớm hôm sau sang Lai Châu. Lai Châu là một điểm đến chưa được nhiều dân phượt quan tâm bởi vì cơ sở hạ tầng còn yếu và chưa được đầu tư nhiều.
Cây cỏ xanh mướt.
Một góc thung lũng.
Cung đường "hấp dẫn" phượt thủ.
Con đường dẫn lối tới chốn tiên cảnh.
Hai bên đường là đồi núi và đá.
Đúng là đường có rất nhiều đoạn khó đi. Những con đường đất đỏ cứ bên vách, bên vực, ta leo đoạn rồi lại thấy đoạn đường xóc và trơn trượt vẫn còn tương đối dài. Sau đất đỏ thì lại đến con đường đầy đất đá trắng. Quãng đường 60 km gian nan đó cho tớ chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của Sìn Hồ. Cao nguyên Sìn Hồ vốn được coi là nóc nhà của tỉnh Lai Châu nên từ trên cao các bạn sẽ vô cùng ngỡ ngàng, thích thú khi trước mắt là những đỉnh núi được mây bao phủ hay mùa vàng trong thung lũng nắng chói chang.
Đoạn đường từ Lai Châu sang Sapa.
Con đường đất đá thử thách tay lái người đi.
Mây sà xuống núi.
Cuối cùng thì cũng tới được Sapa. Chúng tớ lấy phòng, cất đồ rồi đi ăn tối. Ban ngày Sapa có vẻ đẹp tuyệt vời, nhiều điều thú vị là điều mà ai cũng biết. Thế nhưng ít ai biết, Sapa về đêm vẫn có nhiều thứ hấp dẫn để khám phá. Và sẽ tiếc làm sao khi không thưởng thức đồ nướng Sapa giữa trời tiết se se lạnh. Các món nướng rất đa dạng và phong phú như khoai nướng, bắp nướng, cá suối, thịt nướng, gà nướng… nghĩ đến thôi cũng đủ để chảy nước miếng rồi.
Nhà thờ đá lấp lánh ánh đèn.
Những món nướng hấp dẫn.
Sapa bình yên và trầm lắng mỗi khi đêm về. Đây chắc hẳn là “khoảng lặng” mà rất nhiều người muốn được tận hưởng khi đi xa sự ồn ào và náo nhiệt của thành thị. Trong làn hơi lành lạnh của khí hậu miền núi, đâu gì bằng một chuyến đi dạo trên những con đường nhựa vắng bóng xe cộ qua lại. Ngoài khu ẩm thực đêm thì các bạn có thể ghé thăm Nhà thờ đá. Vào buổi tối, cả khu vực quảng trường và nhà thờ càng thêm phần rực rỡ, lung linh với ánh sáng của những ngọn đèn led. Đây cũng là điểm giao lưu, mua bán nhộn nhịp của người dân bản địa với du khách vào buổi tối.
Hàng nướng ở Nhà Thờ Đá.
Bầu trời Sapa hôm ấy.
Sáng ngày hôm sau, chúng tớ chạy xe lên Y Tý để săn mây. Từ Sa Pa, các bạn đi theo hướng đèo Ô Quy Hồ đến ngã 3 có biển chỉ Lai Châu và Bản Xèo thì rẽ phải đi theo hướng Bản Xèo (Đường DT155 trên Google Maps) khoảng 20 km. Đến đây có một ngã 3 đi chợ Mường Hum các bạn nhớ rẽ trái đi về phía chợ. Qua chợ Mường Hum sẽ có biển đi Y Tý, các bạn cứ đi thẳng đường DT158 khoảng hơn 30 km là sẽ tới Y Tý.
Đám rêu hình trái tim.
Quãng đường chỉ là 60 km thôi nhưng vì đường xấu rất khó đi nên chúng tớ phải mất hơn 3 tiếng mới có thể đến được Y Tý. Hơi thất vọng vì không săn được cả một biển mây nhưng tớ cũng đã được chứng kiến tận mắt cảnh mây ngang trước mặt làm lòng tớ bồi hồi mỗi khi nhớ lại. Một thung lũng mênh mông được quây quanh bởi những quả núi nhấp nhô cao chót vót. Bên dưới là những đám mây mây trắng xóa mờ ảo vờn quanh núi, những ngôi nhà thấp thoáng trong mây chắc hẳn là phần thưởng xứng đáng cho ai đến được đây. Vùng thung lũng yên bình, Y Tý ngoài đẹp bởi mây thì nơi đây còn đẹp bởi núi, bởi màu sắc của rừng già, của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa xanh.
Ruộng lúa xanh ngút ngàn.
Ở mốc Khu vực biên giới.
Cuối cùng từ Y Tý chúng mình chạy về Mù Cang Chải qua đèo Ô Quy Hồ. Nơi đây vốn chẳng xa lạ với dân mê dịch chuyển bởi sự hoang sơ cùng với những cung đường uốn lượn ngút tầm mắt đầy quyến rũ.
Con đường quanh co một dải.
Trên đoạn đèo cao nhìn xuống.
Người phụ nữ bế con ra nương.
Cái mà tớ thích nhất ở Mù Cang Chải có lẽ là bởi nơi đây hiện ít bị du lịch hóa nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc. Và ở nơi đó có một ngôi làng nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi mang tên bản Lìm Mông. Chúng tớ có những kỉ niệm đặc biệt với nơi này. Chúng tớ có duyên nên quen biết một gia đình anh dân tộc người H-Mông. Từ đây tớ cũng được biết thêm nhiều về cuộc sống của người dân nơi đây. Từ chính sự chất phác, thân thiện của người dân nơi đây khiến cho Mù Cang Chải mùa nào cũng đẹp.
Bữa trưa cùng mấy đứa nhỏ.
Chụp hình cho những người dân trong bản.
Một gia đình người dân tộc Mông.
Tớ sẽ không thể quên được mùa hè tớ đi phượt Tây Bắc cùng với những người bạn như những người anh em này. Dù có cố chụp thật nhiều ảnh để giữ lại kỉ niệm như thế nào thì sự thật là vẫn không có một chiếc máy ảnh nào có thể lột tả hết vẻ đẹp mà vùng núi Tây Bắc này sở hữu. Tớ đã có một mùa hè rực rỡ như vậy đấy!
Tác giả: Hà Thị Quỳnh
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal.
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal