Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
05 May 2022 - 9 min read
Đó là một cuộc dạo chơi trên huyện quê đầy thú vị, trong cái nắng dịu êm và tiết trời se lạnh của một Đà Lạt khác giữa nắng miền Trung.
Bầu trời tuyệt đẹp ở Hướng Hoá.
Về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa là huyện miền núi biên giới nằm trên trục đường Quốc lộ 9 nối liền với Lào, Thái Lan, Myanmar và Miền Trung Việt Nam. Diện tích tự nhiên toàn huyện khoảng 1150,86 km2, với 3 dân tộc sinh sống chủ yếu là: Pa Kô, Vân Kiều và người Kinh.
Một góc huyện núi Hướng Hóa
Nằm trên dãy Trường Sơn nên địa hình của huyện phần lớn là vùng núi cao ở phía bắc, với đỉnh cao nhất là 1.617 m, vùng núi đông bắc và tây nam thì thấp hơn. Ngoài ra hệ thống sông suối cũng rất đa dạng, có hàng trăm con suối, hàng chục con sông nhỏ đều bắt nguồn từ địa bàn huyện, dẫn đến sự chia cắt bởi núi và nhiều sông suối xen kẽ nhau. Nhờ vào vị trí địa lý cũng như đặc điểm địa hình, khí hậu Hướng Hóa quanh năm tương đối ôn hòa, mang sắc thái á nhiệt đới, nhiệt độ bình quân cả năm là 22 độ C.
Hướng Hóa với tôi là thân quen, nhưng với người khác thì lạ lẫm lắm. Chắc có lẽ là vì người ta thường sẽ chọn đi Đà Lạt, cũng có thể là du lịch ở đây chưa được chú trọng đầu tư. Nhưng mà như vậy thì cũng có cái hay, vì nó vẫn còn mang trên mình một vẻ đẹp tự nhiên và hoang sơ nhất. Mùng 8 Tết đẹp trời, cùng với một người bạn và cả chiếc xe cub cũ, tôi bon bon khắp mọi nẻo huyện quê.
Đặc sản của Hướng Hóa là núi rừng mà, đi đâu cũng là núi, khi là những làng xã chạy dọc chân núi, lúc là những bản nhỏ rải rác trên sườn đồi. Nơi đông đúc dân cư hơn chính là những thung lũng, nhưng rồi cũng là núi rừng bao quanh.
Con nước xanh dưới chân núi
Dọc tuyến đường Trường Sơn khúc khuỷu và uốn lượn, những rừng Sau Sau xanh mơn mởn những chiếc lá đầu tiên. Thi thoảng là đồi hoa Xuyến Chi nở rộ khoe sắc, mùi hương thoang thoảng trong gió mùa xuân. Trên là bầu trời cao vời vợi, dưới là thung lũng với những con nước màu ngọc bích uốn quanh.
Cánh đồng hoa Xuyến Chi vào mùa
Cổng trời Hướng Hóa
Tôi chọn dừng chân ở Cao điểm 689, Công trình là Nhà Bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 và Đoàn Tân trào. Từ độ cao 689 mét so với mực nước biển là một khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ giữa đại ngàn. Tôi nhìn thấy phố núi, thấy những cánh đồng điện gió nhấp nhô, rồi ruộng cà phê xanh mướt, rồi trải dài những vườn cỏ mơn mởn còn ướt sương. Kì diệu thay, lòng tôi trở nên nhẹ nhàng như được gột rửa, mùi hương của đất, của mây trời hòa quyện, chạy thẳng vào sóng mũi, say đắm và ngất ngây.
Nhìn thấy đại ngàn
Không chỉ riêng cao điểm, mà đỉnh Cu Vơ, Đồi Chua hay đèo Sa Mù cũng là những nơi cao chạm trời xanh. Nếu mà đi từ thật sớm, thì có thể săn mây trôi bồng bềnh. Còn nếu là chiều muộn, thì có thể dựng trại để đợi sao đêm.
Mặt trời ngày một vượt lên trên dãy núi cao tít, chúng tôi ghé Hồ Rào Quán để nghỉ chân và tận hưởng cái vẻ đẹp non nước hữu tình. Rào Quán là một hồ thủy điện nằm ở xã Hướng Linh, có dung tích tới 163 triệu mét khối, là thượng nguồn của con sông Thạch Hãn dài nhất tỉnh Quảng Trị.
Khung cảnh Rào Quán huyền ảo
Vì đang là mùa khô, hồ nước như một “ốc đảo” yên bình. Màu nước trong veo tưởng chừng như có thể nhìn tận đáy, nó in bóng của những dãy núi và cả bầu trời xanh. Không gian thì nên thơ và tĩnh lặng, thi thoảng còn nghe thấy tiếng cá quẫy đuôi, tiếng người đánh cá vỗ mái chèo…
Nước hồ mênh mông như vô tận
Nhìn dòng nước mênh mông bất tận của hồ như nhìn ra biển lớn, tôi chợt nghĩ đến câu hát của Đen Vâu:
“Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công
Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông
Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau
Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”
Phải! Hạnh phúc đôi khi chỉ là những phút giây như vậy, lòng không phải nghĩ, chẳng lắng lo điều gì, chỉ biết vươn vai thật dài, hít thở không khí trong lành và tận hưởng!
Dưới gốc Cây Cô Đơn
Một điểm ấn tượng khác ở Rào Quán chính là Cây Cô Đơn. Đó là cây tràm hoa vàng mọc một mình bên mép hồ, ngày này tháng nọ một mình đứng đó, bơ vơ và trầm ngâm. Chẳng biết tự bao giờ, nó trở nên thu hút đến như vậy, nhiều lúc, người ta ghé hồ cũng chỉ là vì cây…
Chúng tôi xuống núi, ánh mặt trời cũng xuống theo, không khí bắt đầu có chút se se lạnh. Vì Hướng Hóa là vậy, ban ngày thì thôi chứ sớm hay tối đều lạnh, nhất là những tháng mùa đông, sương mù giăng dày đặc, lạnh buốt, lắm lúc còn có cả mưa.
Dưới chân Bảo Tháp bình yên
Phố huyện chìm đắm trong nắng chiều
Dưới chân Bảo Tháp Khe Sanh, tôi thấy một sự đông vui và nhộn nhịp hẳn. Tiếng xe cộ giờ tan tầm, tiếng của chợ, của hàng quán và mấy đứa học sinh chuyện trò lúc ra về. Song lại nhẹ nhàng và bình yên lắm! Bởi tia nắng hồng còn leo lỏng trên những mái nhà cao tầng, bởi những hàng thông sừng sững, cả bởi những ngọn núi xa xa. Ngồi ở đây vừa tỉ tê, vừa ngắm cảnh thì tuyệt vời biết mấy! Và cũng chính lúc này, tôi càng thấy Hướng Hóa giống Đà Lạt! Và cũng chính lúc này, tôi mới thấy yêu da diết và tự hào về huyện núi hơn!
Bầu trời tuyệt đẹp.
Món ăn có nguồn gốc từ nước bạn Lào
Cuối chuyến đi, không quên ghé quán quen đánh chén món “Sụm Lào” đặc sản. Nôm na như gỏi, món ăn là sự kết hợp của đu đủ, chanh, ớt, cà chua và mắm cá. Nhưng đặc biệt một cái, là dùng cối chày để đâm thay vì trộn, và được ăn kèm với xôi nếp dẻo thơm. Sụm Lào như hội tụ mọi hương vị của phố núi, cay nồng, đậm đà và giòn tan. Ấy vậy mà thưởng thức vào ngày lạnh nữa thì còn gì bằng!
Từ Hà Nội, Sài Gòn hoặc các tỉnh lân cận đều có thể đến đây dễ dàng và bằng nhiều lựa chọn:
Nếu đi máy bay, bạn có thể đáp ở TP. Huế hay TP. Đồng Hới (Quảng Bình). Rồi đi xe khách từ đó đến huyện.
Nếu là tàu lửa, thì xuống tại Ga Đông Hà (Quảng Trị). Rồi đi xe khách khoảng 50km về phía Tây.
Tác giả: Võ Văn Tân
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal