Với tớ, mỗi lần được xách balo lên và đi, tạm lánh xa cái đông đúc của Sài Gòn để đặt chân đến một vùng đất khác, tớ đều mang trong mình một cảm giác bồn chồn và háo hức trước những trải nghiệm cuộc sống mới. Riêng với mỗi chuyến đi trở về đất Huế, ấy lại là cảm giác an yên, thân thương và nhớ nhung khôn xiết - cảm giác của một người con được quay lại mảnh đất quê hương.
Lăng vua Khải Định.
Mỗi năm hai lần, tớ đều cố gắng dành ra những ngày nghỉ ít ỏi để về Huế, nhìn ngắm quê hương của mình thay đổi, nhộn nhịp hơn và cũng hiện đại hơn. Trong khi nhiều bạn đến Huế đang gắng tìm những điểm đến check-in mới, để trải nghiệm Huế theo một cách khác, thì tớ vẫn luôn say mê với những điều xưa cũ ở Huế, tớ muốn và cố gắng gìn giữ những nét đẹp cổ kính đã tồn tại trên mảnh đất này hàng trăm năm qua.
Vậy nên nếu cậu cũng là một người sống hoài niệm, hãy theo chân tớ sống trọn vẹn với Huế của nhiều năm về trước nhé!
Đối với một người mê kiến trúc như tớ thì lăng Khải Định đúng là một tuyệt tác, lộng lẫy nhất trong các quần thể lăng tẩm Huế.
Lối vào lăng Khải Định.
Tượng đá ở hai bên sân chầu.
Bỏ qua những lời bàn tán về việc xây dựng lăng và câu chuyện về lối sống xa hoa của vua Khải Định, thì lăng Khải Định được xem là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh, là một công trình có giá trị cao về nghệ thuật mà đời sau cần phải học hỏi. Đó là sự kết hợp kiến trúc độc đáo từ nhiều trường phái khác nhau như Ấn Độ giáo (cổng trụ hình tháp), Phật giáo (trụ biểu dạng stoupa), kiến trúc Roman Gothic (những hàng cột bát giác, vòm cửa cao rộng)…
Dưới chân trụ biểu hình chóp.
Lăng lại có vị trí vô cùng đắc địa, khi là một tổng thể vươn tới 127 bậc tam cấp, bao quanh là khoảng cây cỏ đồi núi và khe suối rộng lớn, làm tăng thêm sự nổi bật của lăng giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Toàn cảnh bên ngoài cung Thiên Định.
Từng bức tường đều được chạm khắc tinh xảo.
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất là kiến trúc chính của lăng, tất cả các chi tiết đều được trang trí bằng nghệ thuật khảm kính sứ bao gồm trần nhà, tường, những bộ tranh tứ quý, bộ khay trà, vương miện… kể cả những vật dụng rất hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… cũng được trang trí nơi đây. Mộ phần của vua Khải Định cũng được đặt tại đây.
Chỗ nghỉ ngơi của du khách trước khi vào bên trong cung Thiên Định.
Tượng vua Khải Định cùng với nghệ thuật ghép sành sứ.
Để tận hưởng khoảng thời gian tĩnh lặng và không khí trong lành, tớ tìm về lăng Minh Mạng, tọa lạc ngay tại nơi giao thoa của hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp lại thành dòng sông Hương mộng mơ.
Cổng chính của lăng, gọi là Đại Hồng Môn, cửa chỉ mở một lần duy nhất để đưa quan tài của vua vào bên trong.
Cánh cổng cuối sân triều lễ, mở đầu cho khu vực tẩm điện.
Không giống như lăng Khải Định, lăng Minh Mạng được xây dựng theo lối hài hòa với thiên nhiên, đó là một tổng thể được thiết kế đối xứng ngay cổng chính vào lăng và tới ngọn đồi nơi yên nghỉ của nhà vua, xen giữa là hồ nước ngát hương sen và những quả đồi phủ mượt bóng thông, ở đây có sông, có núi, có hồ, tạo nên một bức tranh phong cảnh thủy mạc đẹp vô cùng.
Cánh cổng kết thúc khu tẩm điện.
Góc hình được xem là đẹp nhất ở lăng Minh Mạng.
Minh Lâu - nơi nhà vua suy tư vào những đêm hè trăng thanh gió mát.
Muốn đi hết lăng Minh Mạng, thường phải mất ít nhất khoảng 2 tiếng đồng hồ, đi trong khuôn viên có chiều dài đến hơn 1.500m với nhiều khu khác nhau: Đại Hồng Môn (cổng chính vào lăng), Bi Đình (khoảng sân rộng với hai hàng tượng quan viên và voi ngựa), khu tẩm điện (nơi thờ cúng vua), lầu Minh Lâu, Bửu Thành (thành quanh mộ). Dù quãng đường khá dài, nhưng mỗi bước đi đều rất xứng đáng, khi vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, vừa được hít thở không khí an yên.
Cánh cổng bước vào nơi yên nghỉ của vua.
Góc nhìn Minh Lâu từ hồ Tân Nguyệt.
Có lẽ trong quần thể lăng tẩm ở Huế, lăng Thiệu Trị là một trong số những lăng ít được chú ý nhất, không phải vì không đẹp, mà chỉ là vì không quá lộng lẫy và phô trương như những lăng khác. Bởi vì vua Thiệu Trị là vị vua hiền hòa, đến cuối đời, ông chỉ muốn xây dựng lăng mộ của mình đơn giản, để không phải hao tốn ngân sách quốc gia.
Hồ sen nở rộ vào mỗi độ hè phía trước lăng Thiệu Trị.
Điểm đặc biệt của lăng là không xây dựng la thành, mà sử dụng những đồng lúa, vườn cây xanh rờn xung quanh để làm bình phong, càng tăng thêm vẻ thanh thoát và bình yên. Có một điều là tổng thể của lăng Thiệu Trị được chia làm hai trục song song, chứ không tập trung trên cùng một đường thẳng như các lăng khác, nên nếu muốn đi hết thì phải cố gắng tìm tòi một chút nhé.
Sân chầu phía trước cổng chính.
Hồng Trạch Môn.
Chất liệu gỗ mộc mạc và đơn giản hơn các lăng khác.
Lối vào khu vực điện Biểu Đức.
Mặc dù đến nay, một vài phần của lăng đã bị hủy hoại, nhưng một số công trình chính vẫn còn tương đối nguyên vẹn, hiện đã có chính sách trùng tu, hy vọng trong thời gian ngắn lăng Thiệu Trị sẽ thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Điện Biểu Đức là nơi thờ bài vị của vua Thiệu Trị cùng với hoàng hậu Từ Dũ.
Cánh cửa vào điện Biểu Đức cũng chỉ chạm khắc đơn giản.
Cung An Định là nơi gắn bó nhiều nhất với tuổi thơ tớ, tớ vẫn nhớ cái cảm giác vui mừng biết bao mỗi lần nghe tin sẽ có một buổi ca nhạc hay biểu diễn nghệ thuật gì đó ở đây, khi đó ba lại đèo hai chị em chúng tớ đến coi, có khi đông quá không vào được, vậy là ngồi trên yên xe ven bờ sông để mà “nghe lén”. Ngày đó cung An Định lúc nào cũng nhộn nhịp, cả người dân địa phương lẫn khách du lịch, còn bây giờ đã vắng bóng hơn hẳn, có lẽ bởi vì chỉ là một công trình kiến trúc nhỏ, nằm ở vị trí không mấy đặc biệt nên đã vô tình bị lãng quên.
Cánh cổng bên ngoài cung An Định.
Cung An Định trước đây là cung điện riêng của vua Khải Định, về sau trở thành nơi sinh sống của cựu hoàng Bảo Đại. Đây được xem là công trình mở đầu cho thời kỳ lịch sử mỹ thuật Huế tiếp xúc và chịu ảnh hưởng phương Tây.
Tổng thể lầu Khải Tường.
Tất cả đều được chạm khắc tinh xảo với hoa văn mang hơi hướng phương Tây.
Cổng đối diện đình Trung Lập.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập (nơi đặt bức tượng đồng vua Khải Định) và lầu Khải Tường được trang trí công phu với các mảng tường, khung gỗ ốp viền, chạm khắc tinh xảo cùng với những bức tranh có giá trị nghệ thuật cao. Đứng từ lầu cao nhất của lầu Khải Tường, một mặt sẽ nhìn thấy sông An Cựu (chi lưu của dòng sông Hương thơ mộng), một mặt sẽ thấy được vẻ nhộn nhịp của thành phố trên con đường Nguyễn Huệ.
Phía sau lầu Khải Tường là một khoảng sân rất rộng.
Gian nhà ở của cung nữ ngày trước.
Những mảng tường ngả màu theo thời gian.
Ngoài Đại Nội và lăng Khải Định, chùa Thiên Mụ là nơi được nhiều khách du lịch ghé thăm khi đến Huế. Điều tớ thích nhất mỗi lần quay lại đó là chùa Thiên Mụ nằm trên một gò đất cao, nên từ đây có thể ngắm nhìn cả một khoảng sông Hương bên dưới, và lúc nào gió cũng hiu hiu thổi, thơ mộng vô cùng.
Bậc thang tiến vào chùa Thiên Mụ.
Một cánh cửa xinh xắn.
Gọi là chùa, nhưng chùa Thiên Mụ không có nhiều tượng Phật như những chùa khác, chủ yếu là nơi lưu giữ các cổ vật quý giá về mặt lịch sử và nghệ thuật, như những bức tượng Hộ Pháp, tượng Thập Vương, những câu đối, chuông đồng, hay chiếc xe ô tô đã chở nhà sư Thích Quảng Đức đến nơi tự thiêu,…
Khu vực nhà khác.
Cây cối được trồng nhiều trong khuôn viên chùa.
Tháp Phước Duyên 7 tầng nhìn từ phía điện Đại Hùng.
Nếu đến đây vào buổi chiều muộn, các cậu sẽ được ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Và cũng đừng quên thường cho mình một buổi dạo chơi bằng thuyền trên dòng sông Hương nhé.
Dòng sông Hương thơ mộng ngay phía trước chùa Thiên Mụ.
Huế là một trong những nơi hiếm hoi mà các cậu có thể dễ dàng bắt gặp những cánh đồng lúa trải dài ngay trong lòng thành phố. Đó là điều khiến tớ luôn nghĩ về Huế trong sự yên bình và mộc mạc, cho dù thành phố này đang ngày càng nhộn nhịp và trở thành một thành phố hiện đại và du lịch đúng nghĩa.
Ruộng lúa xanh ngắt đối diện lăng Thiệu Trị.
Cây cô đơn ở Phá Tam Giang.
Một góc khác của Phá Tam Giang (đoạn gần rừng Rú Chá).
Nếu đến Huế vào những ngày hè, các cậu hãy dành một chút thời gian chạy dọc theo Phá Tam Giang, con đường ngang qua lăng Thiệu Trị, làng La Chữ,…để có cho mình một buổi chiều tà thơm ngát mùi mạ non, để bắt gặp hình ảnh những bác nông dân đang cần mẫn gặt lúa hay những đàn trâu, đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, các cậu sẽ thấy Huế của tớ xinh như thế nào nhé.
Bức tranh phong cảnh làng quê yên bình ở Huế.
Thú thật trước đây, suốt hơn 18 năm sống ở Huế, tớ chưa từng có một buổi dạo chơi thảnh thơi ở con đường ven sông này để nhìn ngắm khoảnh khắc hoàng hôn tuyệt đẹp này, cho đến khi phải rời xa thành phố này, hoàng hôn lại trở thành điều khiến tớ háo hức mỗi lần có dịp trở về.
Một buổi hoàng hôn đẹp đến nao lòng.
Mặt trời ẩn sau cây cầu đẹp nhất xứ Huế - cầu Tràng Tiền.
Hình 40: Một buổi hoàng hôn đẹp đến nao lòng
Hình 41: Mặt trời ẩn sau cây cầu đẹp nhất xứ Huế - cầu Tràng Tiền
Để ngắm trọn vẹn những buổi chiều rực rỡ như vậy, các cậu có thể dừng chân tại con đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu hay cầu gỗ Lim dưới chân cầu Trường Tiền. Trước đây, lúc xây cầu gỗ Lim, người ta cứ nói ra nói vào, riêng tớ vẫn thấy xây cầu là một quyết định đúng đắn, không còn là con đường nhỏ hẹp của ngày xưa mà giờ đã được lát gạch sạch sẽ, rộng rãi, cùng với những hàng cây dài xanh ngát, là điểm hóng mát yêu thích của cả khách du lịch lẫn dân địa phương.
Dòng người tấp nập trên cầu.
Từ đây, tớ có thể kiếm một góc nào đó, lặng yên nhìn ngắm hoàng hôn, thả lòng theo những con đò trôi, hay tìm kiếm niềm vui phấn khởi từ một chú nào đó vừa câu được con cá béo bở… để thấy rằng, dù thời gian có trôi và mọi thứ có thay đổi, thì Huế vẫn luôn có những khoảng lặng bình yên như thế.
Khoảng lặng bình yên.
“Tập trung câu con cá trước cái đã”.
Không phải tự dưng mà Huế trong mỗi giai điệu, mỗi ca từ, mỗi bài thơ đều luôn dịu dàng và nhẹ nhàng đến thế. Ở thành phố này, mỗi địa danh tham quan, mỗi con hẻm góc đường, đều không ồn ào tấp nập, không lộng lẫy xa hoa, Huế mang trong mình một nét đẹp riêng biệt, mà không phải nơi nào cũng có được. Phải một lần đến Huế thì mới cảm nhận được hết những điều khiến “người đi thì nhớ, kẻ ở thì thương” của thành phố này.
Tác giả: Hoàng Linh Hà
* Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal