Thác Bản Giốc nằm trên sông Quây Sơn, là biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc và là ngọn thác lớn thứ 4 trên thế giới. Dòng thác hùng vĩ, cuồn cuộn đổ xuống những cột nước trắng xóa như những dải lụa giữa núi rừng Đông Bắc, vẻ đẹp ấy đủ để cuốn hút bất kì ai, kể cả những lữ khách đã từng đặt chân đến nơi đây cũng sẽ muốn quay lại.
Cao Bằng một màu xanh ngát.
Cầu vồng Bản Giốc.
Đến với Bản Giốc còn có cơ hội khám phá nhiều địa điểm thú vị như Thiền Viện Trúc Lâm Bản Giốc – chốn linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc, sông Quây Sơn xanh ngắt – nơi bạn có thể chèo thuyền kayak và bơi lội, động Ngườm Ngao với những thạch nhũ khiến ai cũng trầm trồ, và đặc biệt là làng đá cổ Khuổi Ky – một bản của đồng bào dân tộc Tày mang trong mình nhiều nét văn hóa độc đáo và hấp dẫn, cũng là nơi bọn mình đã dừng chân trong hành trình khám phá Bản Giốc.
Bọn mình đến với Bản Giốc vào những ngày giữa tháng 9 dương lịch, thời điểm gần cuối mùa mưa ở Đông Bắc Bộ nên thác nhiều nước mà không bị đục. Trời lại đang vào thu, mát mẻ dễ chịu, không bị nắng quá gắt như mùa hè. Đây cũng là lúc những ruộng lúa gần chân thác đang đà xanh mướt (cuối tháng 10 lúa sẽ chín vàng). Bọn mình đi đúng hôm thời tiết siêu đẹp, nắng nhẹ và gió hiu hiu, đủ để làm ngất ngây những kẻ lữ hành.
Cụ già lội qua suối.
Mất 3 tiếng đồng hồ chạy xe máy 100km từ trung tâm thành phố Cao Bằng, bọn mình đến được bản Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, nằm trên đường từ tỉnh lộ 206 rẽ phải vào động Ngườm Ngao và cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 2km. Ở đây cũng đã bắt đầu phát triển du lịch cộng đồng với mô hình homestay, trong đó bọn mình chọn homestay Yến Nhi làm nơi tá túc. Ngay từ lúc đặt chân đến, không gian của nơi đây thực sự gây ấn tượng mạnh. Đó là một căn nhà sàn bằng đá với khoảng sân nhỏ, được bày bộ bàn ghế cũng bằng đá với vài gốc lan rừng bên cạnh. Mái hiên trước nhà vẫn còn treo đầy những bắp ngô chín vàng như phong cách thường thấy ở vùng cao. Bên trong nhà vẫn là nơi sinh hoạt của gia đình anh chị chủ nhưng không thiếu những góc bày trí xinh xắn, thoải mái cho các bạn sống ảo.
Cất dọn đồ đạc xong, bọn mình bắt đầu khám phá làng đá cổ. Bản Khuổi Ky nằm tựa lưng vào một ngọn núi đá, trước mặt là suối Khuổi Ky, vì vậy để vào làng phải đi qua cây cầu có mái che trông khá lạ mắt. Toàn bộ 14 căn nhà sàn trong làng đều được xây bằng đá và lợp ngói âm dương, một số có lịch sử cả trăm năm. Nhà sàn đá Cao Bằng phát triển gắn liền với công cuộc bảo vệ biên cương của nhà Mạc (1594-1677). Đồng bào Tày ở Trùng Khánh coi đá là khởi nguồn của sự sống, là trung tâm của vũ trụ và tục thờ “thần đá” vẫn được duy trì đến ngày nay. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi đá hiện diện khắp nơi ở Khuổi Ky, từ ngôi nhà, bếp lò cho đến hàng rào, đập nước…
Trưa đó, bọn mình cứ thong dong dạo bước trên những lối nhỏ trong làng, nghe tiếng lá rừng xào xạc trong gió lẫn với tiếng suối róc rách, cảm thấy yên bình đến trong trẻo. Chiều đến lại là một không khí náo nhiệt hơn nhỏ với các chị, các mẹ giặt đồ bên bờ suối và lũ con nít nô đùa chỗ đập nước. Nhìn bọn nhỏ mà ganh tị, đến nỗi cậu em mình mặc nguyên bộ đồ vừa đi thác Bản Giốc về mà tùm xuống dòng nước trong veo mát rượi. Tối hôm đó làng bị mất điện, bọn mình được ngắm cả một bầu trời sao lấp lánh mà đã rất lâu rồi bị ánh đèn thành thị giấu mất. Điện đã sáng, bụng đã no cơm, những kẻ đi trốn lại được thiết đãi đôi chén trà cùng vài câu chuyện với anh chủ cho đến khi đôi mắt muốn đóng lại sau một ngày phê pha.
Trải nghiệm ở làng đá cổ Khuổi Ky càng tuyệt vời hơn khi bọn mình được tận hưởng “homestay” đúng nghĩa, đó là sinh hoạt cùng gia đình anh chị chủ, ăn cùng một mâm cơm, cùng xem ti vi với hai đứa trẻ con đáng yêu, thậm chí dùng chung một nhà tắm và vệ sinh (cái này sẽ bất tiện nếu đúng hôm đông khách nhưng chuyến này của bọn mình thì không). Những bữa cơm anh chị nấu đều rất ngon, đầy đủ đặc sản của Cao Bằng như lạp xưởng, trâu gác bếp, rau bò khai, thịt quay… và không thể thiếu được rượu “quê”, cả bọn vừa ăn vừa đắc ý như kiểu đã tìm ra được hương vị của chuyến đi.
Bữa tối thịnh soạn nhà Yến Nhi.
Bữa tối thịnh soạn nhà Yến Nhi.
Hơn một ngày ở Khuổi Ky mang lại biết bao nhiêu điều thú vị mà thanh niên thành phố bọn mình không dễ gì tìm được, để lúc chia tay vẫn cảm thấy lưu luyến. Có thêm một lời hẹn trở lại Cao Bằng, để được một lần nữa bé nhỏ trước thác nước Bản Giốc đồ sộ và một lần nữa an yên giữa Khuổi Ky, làng đá cổ bình dị nơi biên cương.
Tác giả: Trương Xuân Quốc
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal
Traveloka Golocal là chương trình viết blog giới thiệu những địa điểm đẹp trên khắp đất nước Việt Nam. Đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá du lịch địa phương đến mọi người. Với mỗi bài viết đạt yêu cầu bạn sẽ nhận ngay 800.000 VND và cơ hội làm Cộng tác viên với Traveloka. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: https://www.traveloka.com/vi-vn/golocal