Gợi ý các trò chơi dân gian hấp dẫn cho hoạt động team building

Traveloka VN
25 Dec 2024 - 49 min read

Các trò chơi dân gian là hoạt động gắn liền với tuổi thơ của tất cả mọi người, mang lại niềm vui và sự gắn kết cho những người tham gia. Trải qua bao năm tháng, những trò chơi quen thuộc như: ô ăn quan, kéo co, đấu vật... vẫn giữ được vẹn nguyên sức hút của mình, góp phần tạo nên bầu không khí hào hứng và sôi nổi trong các dịp lễ hội. Hãy cùng Traveloka điểm danh 50 trò chơi đặc sắc nhất trong kho tàng trò chơi dân gian Việt Nam tại bài viết sau đây nhé.

các trò chơi dân gian

Các trò chơi dân gian gắn liền với trẻ em Việt Nam. @Shutterstock

Các trò chơi dân gian Việt Nam đặc sắc nhất

Kho tàng trò chơi Việt Nam cực kỳ đa dạng và phong phú, mỗi vùng miền sẽ có những trò đặc trưng riêng. Dưới đây là các trò chơi dân gian phổ biến và đặc sắc nhất:

1. Ô ăn quan

Ô ăn quan là trò chơi dân gian quen thuộc, giúp rèn luyện khả năng tư duy, tính toán và lên chiến thuật. Bàn chơi được vẽ ngay trên mặt đất, gồm một hình chữ nhật chia thành 10 ô vuông, mỗi bên có 5 ô nằm đối xứng nhau. Tại 2 cạnh chiều rộng của hình chữ nhật có 2 ô hình bán nguyệt hướng ra phía bên ngoài. Ô hình vuông gọi ô dân còn ô hình bán nguyệt gọi là ô quan.

trò chơi ô ăn quan

Trò chơi ô ăn quan đòi hỏi khả năng tư duy và chiến thuật của người chơi. @Shutterstock

Giống như các trò chơi dân gian khác, luật chơi ô ăn quan khá đơn giản. Người chơi sẽ dùng toàn bộ số quân trong một ô dân bất kỳ thuộc quyền kiểm soát của mình, lần lượt rải vào các ô, bắt đầu từ ô gần nhất, mỗi ô một quân. Khi rải đến quân cuối cùng, nếu liền đó là một ô dân có chứa quân thì bạn tiếp tục rải theo chiều đã chọn.

Nếu liền sau đó là một ô trống (có thể là ô quan hoặc ô dân) rồi đến một ô có chứa quân thì bạn được quyền ăn hết tất cả số quân nằm trong đó. Trò chơi kết thúc khi toàn bộ quan và dân ở 2 ô quan bị ăn hết. Người thắng cuộc là người có tổng số dân quy đổi nhiều hơn.

2. Bịt mắt bắt dê

Nhắc đến các trò chơi dân gian quen thuộc với tuổi thơ thì không thể bỏ qua trò bịt mắt bắt dê. Trong tập thể người chơi, bạn chọn ra 2 người, một người làm dê, một người đi bắt dê, những người còn lại đứng quây thành vòng tròn lớn.

trò chơi bịt mắt bắt dê

Bịt mắt bắt dê là trò chơi được các bạn nhỏ cực kỳ yêu thích. @Shutterstock

Người đi bắt dê bị bịt mắt, người làm dê thì vừa di chuyển vừa kêu “be be” để người bắt đi tìm. Những người xung quanh có nhiệm vụ hò reo để làm cho người bắt phân tâm. Khi dê bị bắt, người làm dê sẽ phải vào thay vị trí, trở thành người đi bắt.

3. Kéo co

Kéo co là một trong các trò chơi dân gian thường xuyên xuất hiện trong dịp lễ hội. Trò chơi đồng thời cũng là một môn thể thao, giúp rèn luyện sức khỏe, tăng tính đồng đội và tôn vinh sức mạnh tập thể.

trò chơi kéo co

Trò chơi kéo co giúp rèn luyện sức khoẻ và tăng tính đồng đội. @Shutterstock

Người chơi được chia thành 2 đội, cùng kéo một sợi dây, chính giữa dây có buộc một chiếc khăn đỏ để làm dấu. Các thành viên trong đội dùng sức để kéo dây về phía mình, chiếc khăn đỏ vượt qua vạch của đội nào thì đội đó giành chiến thắng.

4. Đấu vật

Tương tự như kéo co, đấu vật cũng là một trong các trò chơi dân gian quen thuộc trong dịp lễ tết. Đây là trò chơi có tính đối kháng cao, đòi hỏi người tham gia phải có sức khoẻ tốt.

trò chơi dân gian đấu vật

Đấu vật là trò chơi dân gian mang tính đối kháng cao. @Shutterstock

Để giành chiến thắng, đô vật phải dùng sức để vật ngã đối thủ hoặc đẩy họ ra khỏi vòng tròn thi đấu được kẻ sẵn. Trò chơi diễn ra trong không khí sôi động của kèn trống và tiếng cổ vũ, góp phần tạo nên không khí náo nhiệt cho ngày lễ hội.

5. Đập niêu đất

Đập niêu đất là trò chơi yêu thích của cả trẻ con và người lớn, thường được tổ chức vào các dịp hội làng. Luật chơi rất đơn giản, người chơi chỉ cần dùng gậy để đập vỡ những chiếc niêu đất cách vạch xuất phát khoảng 3 – 5 mét.

trò chơi dân gian đập niêu đất

Niêu đất được treo lơ lửng trên cao để tăng độ khó cho trò chơi. @Shutterstock

Để tăng thêm độ khó, người tham gia sẽ bị bịt chặt mắt còn niêu đất thì được treo lơ lửng trên cao. Muốn giành được chiến thắng, người chơi sẽ phải tự ước lượng khoảng cách, dự đoán vị trí treo niêu để đập sao cho chính xác. Phần thưởng cho người chiến thắng được ghi trong một mảnh giấy đặt bên trong niêu đất.

6. Cờ người

Cờ người là một trong các trò chơi dân gian đặc sắc nhất của Việt Nam, được xây dựng dựa trên luật chơi của môn cờ tướng. Trò chơi thường diễn ra trên một khu đất rộng lớn và người thật sẽ vào vai các quân cờ. Người chơi cầm trên tay một cây cờ đuôi nheo ngũ sắc để chỉ huy trận đấu, luân phiên nhau cho đến khi hết cờ.

trò chơi cờ người

Người thật sẽ hóa thân thành các quân cờ. @Shutterstock

Môn cờ người tại miền Bắc mang đậm dấu ấn của diễn xướng dân gian, thường đi kèm với các bài vè đặc trưng. Trong khi đó, cờ người ở miền Trung và miền Nam có phần sống động hơn, mỗi quân cờ khi di chuyển sẽ biểu diễn các thế võ hoặc sử dụng binh khí để đánh ngã đối phương.

7. Cướp cờ

Nếu yêu thích các trò chơi dân gian của Việt Nam thì bạn có thể trải nghiệm thử trò cướp cờ. Trò chơi đòi hỏi tinh thần đồng đội cao, người tham gia phải có sự tính toán để cướp được cờ của đối thủ và bảo vệ cờ của đội mình.

Trò chơi bao gồm: 2 đội chơi và một người làm quản trò. Các thành viên trong đội được đánh số thứ tự, quản trò hô đến số nào thì người chơi phải chạy ra giữa sân để giành cờ. Sau khi cướp được cờ, người chơi phải nhanh chóng chạy về vạch xuất phát của đội mình còn đối thủ thì phải chạy theo để chạm vào người đang cầm cờ.

trò chơi cướp cờ

Người chơi phải cố gắng hết sức để giành được lá cờ. @Shutterstock

Một lưu ý nhỏ là chỉ những người chơi cùng số mới có thể chạm vào nhau. Sau khi trò chơi kết thúc, đội nào giành được nhiều điểm hơn sẽ là đội chiến thắng.

8. Ném còn

Nhắc đến các trò chơi dân gian đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc thì không thể bỏ qua trò ném còn. Trò chơi thường được tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân, tạo cơ hội cho người chơi kết bạn và giao duyên.

trò chơi ném còn

Trò chơi ném còn thường được tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân. @Shutterstock

Quả còn là một quả bóng to bằng nắm tay được khâu từ vải màu, bên trong nhồi hạt bông, hạt vừng và hạt thóc, đại diện cho khát vọng sinh sôi. Giữa sân chơi, người ta sẽ dựng một cây mai cao, phần ngọn cây được uốn thành vòng tròn và dán kín mặt. Người chơi được chia thành 2 đội nam và nữ, thi nhau ném còn qua lại sao cho quả còn lọt qua vòng tròn trên cao.

9. Đánh đu

Đánh đu là trò chơi đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn và kết hợp ăn ý giữa các người chơi. Cũng như các trò chơi dân gian khác, trò đánh đu thường xuất hiện trong các buổi hội làng và lễ tết.

trò chơi đánh đu

Các em nhỏ hào hứng tham gia trò chơi đánh đu. @Shutterstock

Có khá nhiều cách chơi đánh đu nhưng phổ biến hơn cả vẫn là đu đơn và đu đôi. Trò đu đơn nữ thể hiện sự nhẹ nhàng, duyên dáng của người chơi. Trong khi đó, đu đơn nam cho thấy sự mạnh mẽ, bay bổng.

10. Nhảy bao bố

Nhảy bao bố là trò chơi dân gian phổ biến ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, giúp rèn luyện thể lực, sự khéo léo và tinh thần đoàn kết. Các thành viên trong mỗi đội sẽ xếp thành hàng dọc, người đầu hàng giữ một chiếc bao bố loại 100kg.

trò chơi dân gian nhảy bao bố

Nhảy bao bố là một trong các trò chơi dân gian phù hợp cho hoạt động team building. @Shutterstock

Khi trọng tài phát hiệu lệnh, người chơi bước vào bao bố, 2 tay giữ chặt miệng bao rồi nhảy về vạch đích. Sau khi đến đích, người chơi nhảy ngược về vạch xuất phát rồi chuyển bao bố cho người tiếp theo, cứ lần lượt như vậy cho đến người cuối cùng. Đội nào hoàn thành thử thách trước và không vi phạm luật sẽ là đội chiến thắng.

Trò chơi nhảy bao bố là một hoạt động dân gian phổ biến, thường xuất hiện trong các lễ hội, ngày hội thể thao hoặc sự kiện cộng đồng trên khắp Việt Nam. Tuy nhiên, trò chơi này phổ biến nhất ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên, đặc biệt là ở các tỉnh như Cần Thơ, Đồng Tháp, Gia Lai, và Đắk Lắk.

11. Đánh đáo

Đánh đáo là một trong các trò chơi dân gian thú vị, phổ biến ở khắp các vùng quê. Số lượng người tham gia thường từ 2 người trở lên, người chơi thi nhau ném đồng xu vào các lỗ đáo. Lỗ đáo là những lỗ tròn được khoét trên mặt đất, kích thước lớn hay nhỏ sẽ tuỳ vào quy định của người chơi, lỗ đáo càng nhỏ thì độ khó càng cao.

Người chơi đứng cách lỗ đáo một khoảng xa, ném trúng vào lỗ đáo nào thì được ăn lỗ đó. Trò chơi diễn ra liên tục và lần lượt từng người cho đến khi không còn đồng xu nào nữa thì kết thúc.

12. Dung dăng dung dẻ

Dung dăng dung dẻ là trò chơi quen thuộc của các bạn nhỏ, số lượng người chơi có thể lên đến 5 – 10 người mỗi lượt. Trước hết, người tham gia sẽ vẽ các vòng tròn nhỏ trên mặt đất, số lượng vòng phải ít hơn số lượng người chơi. Các bạn sẽ nắm đuôi áo nhau và đi quanh vòng tròn được vẽ, vừa đi vừa đọc bài vè “dung dăng dung dẻ”.

trò chơi dung dăng dung dẻ

Người chơi nối đuôi nhau, vừa đi vừa đọc bài vè “dung dăng dung dẻ”. @Shutterstock

Khi bài vè kết thúc, người chơi phải nhanh chóng di chuyển vào vòng tròn và ngồi xuống. Người không tìm được vòng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Sau mỗi ván, số lượng vòng và người chơi sẽ giảm đi, cho đến khi chỉ còn một người duy nhất chính là người giành chiến thắng.

13. Chi chi chành chành

Nếu bạn đang tìm kiếm các trò chơi dân gian vui nhộn để tổ chức trong các buổi sinh hoạt tập thể thì có thể chọn trò chi chi chành chành. Số lượng người tham gia thường từ 3 người trở lên, trong đó sẽ có một người đứng chính giữa, xoè lòng bàn tay và đọc to bài vè “chi chi chành chành”.

Những người còn lại dùng ngón trỏ chạm liên tục vào lòng bàn tay của người đứng giữa. Khi bài vè kết thúc, người chơi phải nhanh chóng rút ngón tay lại, người bị nắm trúng sẽ là người thua cuộc.

trò chơi chi chi chành chành

Chi chi chành chành là trò chơi đơn giản, dễ chơi và siêu thú vị. @Shutterstock

14. Tả cáy

Tả cáy hay đánh gà là trò chơi truyền thống của người Sán Dìu, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc và phù hợp cho 5 – 10 người chơi. Mỗi người tham gia sẽ được phát một chiếc gậy bằng tre hoặc gỗ, trên mặt đất đào một chiếc lỗ nhỏ, bên trong đặt một con gà được làm bằng gỗ tiện, to bằng quả bóng bàn

Người đứng cái phải dùng gậy chặn để gà không rơi vào chiếc lỗ, những người còn lại gọi là “con”, có nhiệm vụ đẩy gà vào lỗ. Nếu gà rơi vào lỗ, người đứng cái sẽ trở thành “con”. Người đứng cái nào giữ cho gà không vào lỗ trong thời gian dài nhất sẽ giành được chiến thắng.

15. Đánh quay

Nhắc đến các trò chơi dân gian quen thuộc thì không thể bỏ qua trò đánh quay. Số lượng người tham gia từ 2 người trở lên, đồ chơi là con quay hình nón cụt được làm bằng gỗ, chân bọc sắt.

trò chơi đánh quay

Con quay là món đồ chơi yêu thích của các bạn nhỏ. @Shutterstock

Người chơi sẽ sử dụng một sợi dây quấn quanh con quay rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh cho con quay quay tít. Con quay của ai quay lâu hơn thì sẽ là người chiến thắng.

16. Đua thuyền trên cạn

Đua thuyền trên cạn là trò chơi thú vị, đòi hỏi người chơi phải có sức khoẻ, lực cánh tay tốt và sự đoàn kết. Mỗi lượt chơi sẽ có từ 3 – 4 đội tham gia, các thành viên trong đội ngồi theo hàng dọc, người ngồi sau cặp chân vòng quanh bụng người ngồi trước để tạo thành hình chiếc thuyền.

trò chơi đua thuyền trên cạn

Trò chơi đòi hỏi sự gắn kết của các thành viên trong đội. @Shutterstock

Khi có hiệu lệnh của trọng tài, các đội dùng sức chân và tay để di chuyển thật nhanh về phía trước. Đội nào chạm đích trước sẽ giành được chiến thắng.

17. Chơi chuyền

Chơi chuyền là một trong các trò chơi dân gian được yêu thích nhất, phù hợp cho các bé gái. Dụng cụ chơi gồm có: 10 que đũa và 1 quả bóng nhỏ.

Trò chơi có tất cả 10 vòng, người chơi tung bóng lên không trung đồng thời nhặt số đũa tương ứng với số vòng, vòng 1 nhặt 1 que đũa, vòng 2 nhặt 2 que đũa… Trong quá trình chơi, nếu người chơi chụp hụt bóng hoặc nhặt sai số lượng que đũa thì sẽ bị mất lượt, lượt chơi chuyển sang cho người kế tiếp.

18. Cướp cầu

Cướp cầu là trò chơi thường được tổ chức trong các dịp lễ hội, yêu cầu những người tham gia phải phối hợp nhịp nhàng với nhau. Các nhóm người chơi có nhiệm vụ tranh cướp quả cầu do trọng tài tung vào sân, sau khi lấy được cầu phải chuyền ngay cho đồng đội. Cầu được ném vào rổ của đội nào thì đội đó ghi điểm. Chung cuộc, đội nào ghi được nhiều điểm hơn sẽ là đội chiến thắng.

trò chơi cướp cầu

Các thành viên trong đội phải phối hợp với nhau để giành cầu. @Shutterstock

19. Diều sáo

Trò chơi dân gian diều sáo được tổ chức ở khá nhiều nơi nhưng quy mô nhất vẫn là ở ngày hội đền Hùng (Lâm Thao, Phú Thọ). Đây là trò chơi kết hợp giữa thả diều và thổi sáo, với 3 hình thức là: sáo cồng, sào đẩu và sáo còi. Tiêu chí chấm điểm ngoài tiếng sáo hay còn có hình thức diều đẹp mắt và độ bay cao của diều.

trò chơi diều sáo

Diều bay cao và tiếng sáo hay là yếu tố giúp người chơi chiến thắng. @Shutterstock

20. Đánh roi múa mộc

Đánh roi múa mộc là một trong các trò chơi dân gian nổi tiếng của miền Bắc, thường tổ chức vào những ngày đầu tháng giêng. Dụng cụ chơi gồm có: roi và mộc. Roi được làm bằng tre, thân vót nhẵn, đầu vuốt nhỏ, 2 đầu roi bịt vải đỏ. Mộc có dạng hình tròn hoặc chữ nhật, sơn màu đỏ, công dụng tương tự như một tấm khiên.

Khi vào trận, người chơi sẽ đấu tay đôi cùng nhau, sử dụng roi để đánh và mộc để đỡ đòn của đối thủ. Mỗi lượt đánh trúng đối thủ sẽ được tính điểm, nếu đánh vào những vị trí hiểm hóc như vai hoặc sườn thì được tính nhiều điểm hơn.

21. Kéo cưa lừa xẻ

Kéo cưa lừa xẻ là trò chơi phổ biến, dạy cho trẻ nhỏ biết đoàn kết và ghi nhớ âm điệu đồng dao. Mỗi lượt chơi sẽ có 2 người tham gia, 2 người ngồi đối diện và cầm chặt tay nhau. Khi trọng tài hô “bắt đầu”, 2 người sẽ cùng nhau thực hiện động tác kéo đẩy, giống như đang cưa một khúc gỗ. Trong quá trình chơi, người chơi sẽ đọc to bài đồng dao:

“Kéo cưa lừa xẻ

Ông thợ nào khoẻ

Về ăn cơm vua

Ông thợ nào thua

Về bú tí mẹ.”

22. Mèo đuổi chuột

Mèo đuổi chuột là trò chơi dành cho tập thể, số lượng người tham gia có thể từ 8 – 10 người. Một người được chọn làm mèo và một người được chọn làm chuột, những người còn lại thì đứng thành vòng tròn, nắm tay nhau và giơ cao qua đầu.

trò chơi mèo đuổi chuột

Người đóng vai “mèo” phải cố gắng hết sức để bắt được chú chuột. @Shutterstock

“Mèo” có nhiệm vụ đuổi bắt “chuột”, “chuột” di chuyển len lỏi qua từng người để chạy trốn và “mèo” bắt buộc phải chạy đúng theo lộ trình đi của “chuột”. Nếu bắt được “chuột”, thì “mèo” và “chuột” sẽ hoán đổi vị trí cho nhau và tiếp tục trò chơi.

23. Vật cù

Nhắc đến các trò chơi dân gian hấp dẫn, phù hợp cho hoạt động teambuilding thì không thể bỏ qua trò vật cù. Trò chơi diễn ra trên một khoảng sân rộng, gồm 2 đội chơi, dụng cụ chơi là một gốc chuối gọt nhẵn, được gọi là quả cù.

Những người tham gia trò chơi trò chơi sẽ cởi trần và đóng khố. Mỗi đội sẽ được ban tổ chức quy định một màu khố riêng hoặc dùng dải khăn màu quấn trên người.

trò chơi vật cù

Người tham gia phải dùng sức mạnh để tranh cướp quả cù. @Shutterstock

Sân chơi được chia thành 2 phần cho 2 đội, mỗi đầu sân đặt một chiếc sọt tre. Khi trọng tài hô “bắt đầu”, 2 đội sẽ lao vào tranh cướp quả cù để đưa vào sọt của đối phương. Mỗi lượt cù vào sọt sẽ được tính điểm, đội nào nhiều điểm hơn sẽ giành được chiến thắng.

24. Kéo chữ

Kéo chữ là trò chơi truyền thống của vùng đất Hoa Lư (Ninh Bình). Một đội kéo chữ sẽ có 32 người và thường là các nam thiếu niên dưới 15 tuổi. Các thành viên trong đội sẽ đứng thành một hàng, người đứng đầu gọi là tổng cờ tiền và người đứng cuối gọi là tổng cờ hậu.

Khi trò chơi bắt đầu, 2 cánh quân sẽ di chuyển theo hiệu lệnh của tổng cờ để xếp thành các chữ cái. Chữ được xếp có thể là chữ Hán hoặc chữ Nôm, chẳng hạn như: thiên phúc, thái bình, quốc thái dân an, xuân hoà khả lạc…

25. Leo cầu ùm

Leo cầu ùm là trò chơi quen thuộc tại các vùng: Vĩnh Tường, Lập Thạch và Bình Xuyên. Cầu ùm là một gốc tre dài bắt ngang qua bờ ao, cố định 2 đầu bằng dây thừng.

trò chơi leo cầu ùm

Người chơi phải thật khéo léo để vượt qua cây cầu. @Shutterstock

Một đầu cầu sẽ được cắm cờ hiệu, người chơi có nhiệm vụ qua cầu để lấy cờ và mang về vị trí xuất phát. Điểm khó của trò chơi là cầu tre thường rung lắc rất mạnh khi có người đi qua, nếu di chuyển không khéo thì người chơi có thể bị ngã “ùm” xuống ao.

26. Ném lon

Ném lon là trò chơi dân gian với dụng cụ chơi là những lon sữa nhỏ và những quả bóng. Các lon sữa được xếp thành hình tháp, đặt cách vạch xuất phát một đoạn. Các đội được phát số lượng bóng bằng nhau và thi nhau ném ngã lon. Đội nào làm ngã được nhiều lon hơn sẽ là đội chiến thắng.

trò chơi ném lon

Người chơi sẽ ghi điểm ghi ném trúng những chiếc lon. @Shutterstock

27. Vây lưới bắt cá

Nếu bạn đang tìm kiếm các trò chơi dân gian cho hoạt động tập thể thì có thể tham khảo trò vây lưới bắt cá. Trò chơi được tổ chức trên một khoảng sân lớn, giữa sân đặt một ao cá. Cá trong ao được đánh dấu bằng màu, có màu sắc riêng cho cá của từng đội và màu sắc chung.

Khi có hiệu lệnh, các đội chơi sẽ xếp thành hàng dọc, di chuyển từng người một về phía ao để bắt cá theo đúng màu sắc của đội mình. Khi bắt được cá, người chơi nhanh chóng chạy về vạch xuất phát, thả cá vào giỏ và chuyền lượt cho người tiếp theo.

trò chơi vây lưới bắt cá

Sau khi bắt được cá phải thả ngay vào giỏ của đội mình. @Shutterstock

Sau khi bắt hết cá của đội mình, người chơi có quyền bắt cá mang màu sắc chung hoặc cá của đội bạn, nhưng chỉ được bắt bằng một tay. Chung cuộc, đội nào tuân thủ luật chơi và bắt được nhiều cá hơn sẽ là đội chiến thắng.

28. Cá sấu lên bờ

Cá sấu lên bờ là trò chơi tập thể, không giới hạn số lượng người tham gia. Trò chơi thường được tổ chức ở những khoảng sân lớn, người chơi dùng phấn vẽ lên nền đất 2 đường kẻ song song, cách nhau từ 2 – 3m. Không gian giữa 2 vạch kẻ được xem là con sông, phần còn lại là bờ.

trò chơi cá sấu lên bờ

Người đóng vai cá sấu phải nhanh chân đuổi bắt những người chơi còn lại. @Shutterstock

Người chơi oẳn tù tì để tìm ra người làm cá sấu, cá sấu chỉ được hoạt động dưới sông và không được lên bờ. Những người chơi khác có nhiệm vụ trêu tức cá sấu bằng cách nhảy xuống sông hoặc đứng trên bờ và thò chân ra khỏi vạch kẻ. Khi cá sấu đến gần, người chơi phải nhanh chóng nhảy lên bờ hoặc thu chân về. Ai bị cá sấu bắt thì sẽ trở thành cá sấu thay thế.

29. Nu na nu nống

Nu na nu nống là trò chơi phù hợp cho các bạn nhỏ, giúp rèn luyện sự nhanh nhẹn. Những người tham gia sẽ ngồi thành hàng ngang, cầm tay nhau và duỗi thẳng chân. Bắt đầu trò chơi, mọi người sẽ cùng nhau đọc to bài đồng dao:

“Nu na nu nống

Cái cống nằm trong

Con ong nằm ngoài

Củ khoai chấm mật

Bụt ngồi bụt khóc

Con cóc nhảy ra

Con gà ú ụ

Bà mụ thổi xôi

Nhà tôi nấu chè

Tè he chân rút.”

Mỗi một từ trong bài phát ra, người chơi sẽ dùng tay đập nhẹ vào chân theo thứ tự từ đầu đến cuối. Khi đến chữ “rút”, nhịp trúng chân ai thì người đó phải nhanh chóng co chân lại, cứ như vậy cho đến khi tất cả chân đều co lại là hoàn thành ván chơi.

30. Úp lá khoai

Úp lá khoai là một trong các trò chơi dân gian thú vị và dễ chơi nhất. Những người tham gia sẽ ngồi quây lại thành vòng trò, úp 2 lòng bàn tay xuống mặt đất, đồng thời chọn ra một người làm quản trò. Vừa chơi các bạn vừa đọc to bài vè:

“Úp lá khoai

Mười hai chong chóng

Đứa mặc áo trắng

Đứa mặc áo đen

Đứa xách lồng đèn

Đứa cầm ống thụt

Thụt ra thụt vô

Có thằng té xuống giếng

Có thằng té xuống sình

Úi chà, úi da!”

Khi kết thúc câu đầu tiên thì mọi người ngửa lòng bàn tay lên và cứ mỗi từ trong bài, người quản trò sẽ chỉ vào tay một người theo thứ tự. Đến từ cuối cùng, quản trò chỉ trúng vào tay ai thì người đó sẽ bị phạt.

31. Một hai ba

Một hai ba là trò chơi đơn giản, không giới hạn số lượng người tham gia. Những người chơi sẽ oẳn tù tì để tìm ra một người bị phạt. Người bị phạt sẽ đứng úp mặt vào tường, những người còn lại thì đứng cách tường một khoảng từ 3 – 4m. Khi người bị phạt hô “một, hai, ba” thì người chơi có nhiệm vụ di chuyển về phía trước.

trò chơi một hai ba

Người bị phạt úp mặt vào tường để những người còn lại di chuyển. @Shutterstock

Sau tiếng “ba” thì người bị phạt quay lưng lại, nếu ai bị bắt gặp đang di chuyển thì sẽ tạm ngừng chơi và phải lên đứng sát tường. Khi khoảng cách giữa người chơi và người bị phạt còn khoảng 0,5m thì người chơi dùng tay vỗ vào lưng người bị phạt. Lúc này, tất cả người chơi (kể cả người đã bị tạm ngừng chơi) phải chạy thật nhanh về vạch xuất phát, người bị bắt lại sẽ trở thành người bị phạt.

32. Bong bóng nước

Trò chơi bong bóng nước có luật chơi đơn giản, dụng cụ chơi là một quả bong bóng bơm đầy nước bên trong. Những người tham gia sẽ đứng quây thành vòng tròn, cầm bóng và thảy cho một người bất kỳ ở trong vòng.

trò chơi ném bong bóng nước

Ném bong bóng nước là trò chơi được các bạn nhỏ yêu thích. @Shutterstock

Người được thảy phải bắt chính xác quả bóng, không được làm rơi hay làm vỡ bóng. Người bắt hụt bóng sẽ bị phạt bắt bóng theo các tư thế quỳ 1 chân hoặc quỳ 2 chân theo yêu cầu của những người còn lại.

33. Thìa là thìa lảy

Thìa là thìa lảy là trò chơi dân gian có luật chơi tương tự như trò nu na nu nống. Những người tham gia sẽ xếp chồng bàn tay lên nhau, người quản trò sẽ đọc to bài vè:

“Thìa là thìa lảy

Con gái bảy nghề

Ngồi lên là một

Dựa cột là hai

Theo trai là ba

Ăn quà là bốn

Trốn việc là năm

Hay nằm là sáu

Láu táu là bảy.”

trò chơi thìa là thìa lảy

Các bạn xếp chồng tay lên nhau và đọc bài vè “thìa là thìa lảy”. @Shutterstock

Cứ mỗi từ trong bài, người quản trò sẽ chỉ vào tay của một người, theo thứ tự từ trên xuống dưới. Từ cuối cùng của bài vè chỉ vào tay ai thì người đó phải nhanh chóng rút tay ra, lặp lại như vậy như vậy cho đến khi không còn bàn tay nào.

34. Du de du dích

Du de du dích là trò chơi dành cho 2 người với luật chơi vô cùng đơn giản. Hai người chơi oẳn tù tì để chọn ra người bị phạt. Người bị phạt có nhiệm vụ xoè lòng bàn tay, người còn lại thì trỏ ngón tay vào lòng bàn tay của người bị phạt. Người bị phạt sẽ đọc bài vè sau:

“Du de du dích

Bán mít chợ đông

Bán hàng chợ cũ

Bán hũ nước tương.”

Khi đến chữ cuối cùng của bài vè, người chơi phải nhanh chóng rút tay ra. Nếu để người bị phạt bắt trúng ngón tay thì người chơi sẽ trở thành người bị phạt.

35. Nhảy dây

Nhảy dây là một trong các trò chơi dân gian quen thuộc, được các bé gái đặc biệt yêu thích. Trò chơi không giới hạn số người tham gia, 2 người oẳn tù tì thua sẽ có nhiệm vụ quay dây cho những người còn lại nhảy.

trò chơi nhảy dây

Người chơi phải nhảy thật nhanh và không được để vướng dây. @Shutterstock

Người nhảy ngoài nhảy đúng số lượt còn phải tránh để vướng dây, có thể nhảy đơn hoặc nhảy đôi tuỳ theo giao kèo. Người bị vướng dây sẽ phải vào quay dây để người kia ra nhảy.

36. Tập tầm vông

Tập tầm vông là trò chơi yêu thích của các bạn nhỏ, mỗi lượt chơi sẽ có từ 3 – 4 người tham gia. Trong số những người tham gia sẽ chọn ra một bạn, người này sẽ nắm trong tay một viên sỏi nhỏ. Sỏi có thể giấu ở tay trái hoặc tay phải và không được để những người còn lại biết. Người cầm sỏi sẽ đọc to bài đồng dao:

“Tập tầm vông

Tay không tay có

Tập tầm vó

Tay có tay không

Tay không tay có

Tay có tay không?”

Vừa dứt lời thì người cầm sỏi đưa ra 2 nắm tay, những người còn lại phải đoán xem viên sỏi nằm ở đâu. Nếu vị trí của viên sỏi bị đoán đúng thì người cầm sỏi sẽ bị phạt.

37. Đi cà kheo

Đi cà kheo là trò chơi hấp dẫn, đòi hỏi sự khéo léo và khả năng giữ thăng bằng của người tham gia. Cây cà kheo thường được làm bằng tre, bệ đặt chân cách mặt đất từ 1,5 – 2m. Những người chơi sẽ thi đấu với nhau xem ai giữ được thăng bằng và đi được đoạn đường dài hơn. Nếu bị ngã trong lúc di chuyển thì người chơi sẽ bị loại khỏi cuộc thi.

trò chơi đi cà kheo

Trò chơi đi cà kheo đòi hỏi người tham gia phải khéo léo và giữ thăng bằng tốt. @Shutterstock

38. Lùa vịt

Nằm trong top các trò chơi dân gian vui nhộn và thú vị, lùa vịt là hoạt động không thể thiếu trong những buổi team building. Những người tham gia sẽ cùng nhau oẳn tù tì để chọn ra người thua. Người thua làm sẽ làm người đi lùa vịt còn những bạn còn lại thì đóng vai vịt.

Vịt chỉ được phép di chuyển trong vòng tròn được vẽ từ trước. Ngược lại, người lùa vịt không được bước vào vòng tròn, chỉ được dùng tay và sức rướn của cơ thể để bắt vịt. Chú vịt nào bị bắt sẽ phải thay thế vị trí, trở thành người lùa vịt.

39. Nhảy cóc

Nhảy cóc là trò chơi quen thuộc của các bạn nhỏ, đòi hỏi người tham gia phải có sức khoẻ và sức bật tốt. Trò chơi thường dành cho 2 người trở lên, những người tham gia sẽ oẳn tù tì để giành lượt nhảy trước. Người giành được chiến thắng trong trò oẳn tù tì sẽ bắt đầu nhảy từ vạch xuất phát, khi nhảy phải chụm sát 2 bàn chân tương tự như tư thế nhảy của những chú cóc.

Người chơi có thể nhảy khoảng cách ngắn hay dài tùy theo sức bật của mình nhưng không được để tay chạm đất. Nếu bị ngã hoặc để tay chạm đất, người chơi sẽ phải di chuyển về vị trí trước đó. Trò chơi diễn ra liên tục theo thứ tự từng người một cho đến khi có người về đích. Người thua cuộc có nhiệm vụ phải cõng người thắng chạy một vòng quanh sân.

40. Đá gà

Tương tự như trò đi cà kheo, trò đá gà yêu cầu người chơi phải có sự khéo léo và khả năng giữ thăng bằng tốt. Trò chơi không giới hạn người tham gia, có thể chia thành 2 đội để thi đấu đối kháng.

trò chơi đá gà

Những người chơi sẽ tấn công nhau trong tư thế nhảy lò cò. @Shutterstock

Khi trọng tài hô “bắt đầu”, người chơi co một chân lên và dùng tay để giữ lấy chân. Với tư thế nhảy lò cò, người chơi tiến đến gần và tấn công đối thủ. Một lưu ý quan trọng là người chơi chỉ được dùng chân co của mình để tấn công vào chân co của đối phương, không được sử dụng các bộ phận khác. Người nào không giữ được thăng bằng và ngã xuống đất trước sẽ là người thua cuộc.

41. Đi câu ếch

Đi câu ếch là trò chơi tập thể hấp dẫn, không giới hạn số lượng người tham gia. Trò chơi thường diễn ra trên một khoảng sân lớn, mặt đất vẽ một vòng tròn tượng trưng cho ao nước, đường kính tùy theo số lượng người chơi. Dụng cụ chơi là một cây gậy dài chừng 1m, đầu dây buộc một sợi dây dài 1m và một cuộn giấy nhỏ để tạo sức nặng.

Người chơi sẽ oẳn tù tì với nhau để tìm ra người đi câu, những người còn lại thì đóng vai ếch. Ếch được quyền di chuyển cả bên trong và bên ngoài vòng tròn, khi di chuyển phải làm động bật nhảy như những chú ếch, vừa nhảy vừa hát:

“Ếch ở dưới ao

Vừa ngớt mưa rào

Nhảy ra bì bọp

Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu oạp oạp

Thấy bác đi câu

Rủ nhau trốn mau

Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu oạp oạp.”

Người đi câu đứng trên bờ có nhiệm cầm cần câu, di chuyển quanh vòng tròn để bắt ếch. Dây câu quăng trúng chú ếch nào thì người đó sẽ trở thành người đi câu.

42. Ném vòng

Nếu bạn đang tìm kiếm các trò chơi dân gian vui nhộn để tổ chức hoạt động teambuilding thì có thể tham khảo trò ném vòng. Dụng cụ chơi gồm có: 3 chai thuỷ tinh, 9 chiếc vòng đường kính từ 15 – 20cm. Chai được đặt thẳng hàng, khoảng cách giữa các chai từ 50 – 60cm. Mỗi đội sẽ có 3 thành viên, xếp thành hàng dọc, đứng đối diện chai và cách chai chừng 1,5m.

trò chơi ném vòng vào cổ chai

Thử thách của người chơi là phải ném vòng vào cổ chai. @Shutterstock

Khi trọng tài hô “bắt đầu”, từng người chơi lần lượt cầm vòng ném sao cho vòng lọt qua cổ chai, mỗi người sẽ có 3 lượt ném. Chung cuộc, đội nào ném trúng nhiều chai hơn sẽ là đội giành chiến thắng. Để tăng thêm độ khó, sau mỗi vòng, khoảng cách từ vạch xuất phát đến vị trí chai sẽ được tăng lên.

43. Lựa đậu

Lựa đậu là trò chơi phù hợp cho các bạn nhỏ, giúp rèn luyện sự nhanh nhẹn và khả năng phân biệt màu sắc. Để chơi trò này, bạn cần chuẩn bị một chiếc rổ lớn, một vài chiếc rổ nhỏ và các loại đậu như: đậu đỏ, đậu xanh, đậu đen…

trò chơi lựa đậu

Tùy thuộc vào sự chuẩn bị, sẽ có đa dạng các loại đậu được trộn lẫn với nhau. @Shutterstock

Trước hết, bạn cho tất cả các loại đậu vào chiếc rổ lớn. Mỗi đội chơi sẽ được phát một chiếc rổ nhỏ và quy định loại đậu mà đội mình cần tìm. Khi có tín hiệu “bắt đầu” của trọng tài, các đội chơi nhanh chóng nhặt ra loại đậu của đội mình và cho vào chiếc rổ nhỏ. Đội nào hoàn thành thử thách trước sẽ là đội thắng cuộc.

44. Dẫn nước

Dẫn nước là trò chơi đơn giản nhưng đòi hỏi sức khoẻ và tính đồng đội cao. Mỗi đội chơi sẽ có 10 thành viên, trong đó có 1 người làm nhiệm vụ đào hố chứa nước, những người còn lại sẽ đào đường dẫn nước từ bể nước cách hố chừng 2 – 3m. Trong vòng 3 phút, đội nào đào được hố sâu, rộng hơn và chứa được nhiều nước hơn sẽ là đội giành chiến thắng.

45. Trốn tìm

Trốn tìm là một trong các trò chơi dân gian quen thuộc, được các bạn nhỏ cực kỳ yêu thích. Những người chơi sẽ cùng nhau oẳn tù tì để chọn ra người đi tìm. Người đi tìm sẽ bị bịt chặt mắt, đếm to “5, 10, 15, 20…100”.

trò chơi trốn tìm

Người đi tìm sẽ bị bịt chặt mắt. @Shutterstock

Trong quá trình đếm, những bạn cùng chơi sẽ tản ra và tìm chỗ trốn. Sau khi đếm đến 100, người đi tìm được mở bịt mắt và phải đi tìm những bạn còn lại. Trong thời gian quy định, bạn nào bị tìm thấy sẽ trở thành người đi tìm thay thế.

46. Khiêng kiệu

Khiêng kiệu là trò chơi tập thể, yêu cầu sức khoẻ và sự phối hợp ăn ý giữa các người chơi. Mỗi đội chơi sẽ có 3 thành viên, 2 người làm kiệu và 1 người ngồi. Hai người làm kiệu đứng đối diện nhau, dùng bàn tay phải nắm vào cùi chỏ của mình, tay trái thì nắm vào tay phải của đối phương. Người còn lại ngồi lên tay của người khiêng và phải giữ thật chắc để không bị ngã.

Khi trọng tài hô “xuất phát”, kiệu nhanh chóng di chuyển thật nhanh về vạch đích. Trong quá trình di chuyển, nếu để người ngồi kiệu bị ngã thì cả đội sẽ bị loại. Chung cuộc, đội nào về đích trước sẽ là đội giành chiến thắng.

47. Đi tàu hoả

Đi tàu hoả là trò chơi đơn giản, không giới hạn số người tham gia. Những người chơi sẽ đứng nối đuôi nhau, người đứng sau đặt 2 tay lên vai người đứng trước để tạo thành hình chiếc tàu hoả. Vừa di chuyển các bạn vừa đọc to bài đồng dao:

“Đi cầu đi quán

Đi bán lợn con

Đi mua cái xoong

Đem về đun nấu

Mua quả dưa hấu

Về biếu ông bà

Mua một đàn gà

Về cho ăn thóc

Mua lược chải tóc

Mua cặp cài đầu

Đi mau, về mau

Kẻo trời sắp tối.”

trò chơi đi tàu hoả

Các bạn nối đuôi nhau tại thành hình đoàn tàu. @Shutterstock

Trong quá trình di chuyển, người dẫn đầu đoàn tàu sẽ hô các hiệu lệnh như: “tàu lên dốc” hoặc “tàu xuống dốc”. Khi nghe hiệu lệnh “tàu lên dốc”, các thành viên trong đoàn phải đi thật chậm đồng thời nhón bàn chân lên và di chuyển bằng mũi chân.

Ngược lại, khi nghe hiệu lệnh “tàu xuống dốc”, người chơi phải di chuyển bằng gót chân. Thành viên vào làm sai hiệu lệnh thì sẽ bị phạt.

48. Tán u

Nhắc đến các trò chơi dân gian hấp dẫn thì không thể bỏ qua trò tán u. Trò chơi gồm có 2 đội tham gia, đứng đối diện nhau qua một vạch kẻ nằm giữa sân. Người chơi ở đội A có thể chạy qua phần sân của đội B nhưng miệng phải kêu chữ “u” kéo dài và cố gắng chạm vào một thành viên của đội B.

trò chơi dân gian tán u

Thử thách lớn nhất của người chơi là phải giữ được hơi. @Shutterstock

Các thành viên của đội B có nhiệm vụ giữ chặt thành viên đội A cho đến khi người đó ngừng nói “u”. Thành viên của đội A được quyền sang giải cứu bằng cách chạm vào người đang giữ thành viên mắc kẹt, đồng thời miệng phải kêu “u” trong suốt thời gian ở bên phần sân đối phương. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải có hơi dài, đội nào bị bắt nhiều thành viên hơn sẽ là đội thua cuộc.

49. Ken trái cây

Ken trái cây là trò chơi dành cho tập thể, đòi hỏi sự nhanh nhạy và khả năng ghi nhớ. Những người tham gia sẽ cùng nhau oẳn tù tì để chọn ra người đi bắt. Người đi bắt có nhiệm vụ di chuyển thật nhanh để chạm vào những người còn lại.

trò chơi ken trái cây

Người chơi phải gọi được tên của một loại trái cây để tránh bị bắt. @Shutterstock

Để tránh bị bắt, người chơi phải hô to tên của một loại trái cây, sau đó đứng yên tại một vị trí. Người chơi này chỉ được di chuyển trở lại khi có thành viên khác đến giải cứu bằng cách chạm vào người. Nếu người chơi không hô được tên bất kỳ loại trái cây nào khi bị người đi bắt chạm vào mà thì sẽ bị loại khỏi trò chơi.

50. Cua cắp

Cua cắp là trò chơi giúp rèn luyện sự khéo léo, phù hợp cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Đồ chơi là các con vật được cắt bằng giấy bìa, kích thước từ 3 – 4cm. Người chơi ngồi quây thành hình vòng tròn, ở giữa đặt các con vật. Người chơi sẽ nắm 2 bàn tay của mình lại, các ngón tay đan vào nhau chỉ chừa lại 2 ngón trỏ, tạo thành hình con cua với 2 chiếc càng.

Mỗi người chơi sẽ được quy định gắp một con vật riêng, khi gắp phải khéo léo để không làm rơi hoặc chạm vào các con vật khác. Nếu chạm vào con vật của những người cùng chơi thì người chơi sẽ bị mất lượt, nhường lại lượt chơi cho người kế bên. Chung cuộc, ai gắp được hết con vật của mình trước sẽ là người chiến thắng.

trò chơi cua cắp

Người chơi dùng tay gắp đúng hình con vật được quy định từ trước. @Shutterstock

Để tạo không khí sôi động cho cuộc chơi, các bạn sẽ cùng nhau đọc to bài đồng dao:

“Cua cua cắp cắp

Đi khắp thế gian

Tìm con tìm cái

Con gà, con vịt

Con tôm, con cá

Con nào con nấy

Cho ta chất đạm

Mau mau cắp về.”

Toạ độ lý tưởng để trải nghiệm các trò chơi dân gian

Du lịch sinh thái kết hợp với tham gia các trò chơi dân gian đang là xu hướng được nhiều du khách lựa chọn. Nếu muốn trải nghiệm mô hình vui chơi độc đáo này, bạn có thể tham khảo các địa chỉ sau đây.

1. Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh

Vị trí: Ấp Nhơn Mỹ, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ
Thời gian hoạt động: Từ 7h30 – 17h00
Giá vé: Từ 60.000 VND/ người

Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh tại Cần Thơ là toạ độ lý tưởng để bạn nghỉ ngơi, thư giãn và trải nghiệm các trò chơi dân gian. Đến với nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian xanh mát, đậm chất Nam Bộ với các công trình tiểu cảnh độc đáo, từ vườn cây, ao cá, kênh rạch cho đến những căn nhà nổi đều được tái hiện một cách chân thực.

làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh

Nhiều hoạt động thú vị được tổ chức tại khu du lịch. @Shutterstock

Bên cạnh đó, bạn còn có hội tham gia vào các trò chơi vận động thú vị như: kéo co, nhảy bao bố, đạp xe qua cầu khỉ, vượt cầu lắc…

2. Khu du lịch Lan Vương

Vị trí: Tỉnh lộ 887, ấp 2, xã Phú Nhuận, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre
Thời gian hoạt động: Từ 7h00 – 19h00
Giá vé: Miễn phí (chỉ tính phí vào cửa 30.000 VND trong các ngày lễ, tết)

Nếu bạn muốn trải nghiệm các trò chơi dân gian độc đáo thì có thể ghé thăm khu du lịch Lan Vương tại Bến Tre. Khu du lịch gây ấn tượng với du khách bằng không gian đậm chất sông nước miền Tây.

khu du lịch Lan Vương

Du khách thử sức cùng các trò chơi dân gian vui nhộn. @Shutterstock

Đến với nơi đây, bạn có thể thỏa sức nô đùa, vui chơi trong các vườn cây ăn trái trĩu quả hay hoá thân thành người dân đi bắt ốc, mò cua. Thú vị hơn, bạn còn được hoà mình với những trò chơi vui nhộn như: bịt mắt bắt vịt, đạp xe vượt cầu khỉ, tát mương bắt cá…

3. Khu du lịch Cồn Phụng

Vị trí: Ấp 10, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre
Thời gian hoạt động: Từ 7h30 – 16h00
Giá vé: Từ 30.000 VND/ người

Khu du lịch Cồn Phụng là một cù lao nhỏ nằm giữa dòng sông Tiền thơ mộng, là điểm đến mà bạn không thể bỏ lỡ khi đi du lịch Bến Tre. Đến với khu du lịch sinh thái này, bạn sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động thú vị, từ tham quan trại ong, chèo xuồng ba lá ngắm cảnh cho đến thưởng thức đờn ca tài tử.

khu du lịch Cồn Phụng

Đến khu du lịch Cồn Phụng thưởng thức nghệ thuật đờn ca tài tử. @Shutterstock

Ngoài ra, đây còn là điểm đến lý tưởng để bạn trải nghiệm các trò chơi dân gian đặc sắc, chẳng hạn như: đu dây thừng qua sông, chơi bóng nước, câu cá sấu, bắt cá dưới mương…

4. Phố đi bộ Hồ Gươm

Vị trí: Phố Gia Ngư, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian hoạt động: Từ 19h00 - 0h00 (thứ 6 - chủ nhật)
Giá vé: Miễn phí

Phố đi bộ Hồ Gươm là một trong những địa điểm sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn nhất tại thủ đô Hà Nội, mở cửa đón khách từ tháng 9/2016. Đi du lịch Hà Nội và ghé thăm nơi đây, du khách sẽ có dịp trải nghiệm các đa dạng các hoạt động, từ vui chơi, ăn uống, mua sắm cho đến thưởng thức nghệ thuật đường phố.

phố đi bộ Hồ Gươm

Các trò chơi dân gian thu hút cả du khách Việt và quốc tế. @Shutterstock

Đặc biệt, đây còn là nơi thường xuyên diễn ra các trò chơi dân gian đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Đến với phố đi bộ Hồ Gươm, bạn sẽ được hòa mình vào không khí sôi động và vui nhộn với các trò chơi tuổi thơ như: ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, đá cầu…

Di chuyển đến địa điểm tổ chức các trò chơi dân gian

Để không bỏ lỡ trải nghiệm khám phá các trò chơi dân gian siêu thú vị, ngay từ bây giờ bạn hãy lên kế hoạch và tìm kiếm phương tiện để đến các khu du lịch kể trên. Bạn có thể đặt vé xe khách hoặc tự di chuyển bằng ô tô hay xe máy. Nếu muốn tiết kiệm thời gian, bạn nên chọn máy bay làm phương tiện di chuyển.

đặt vé máy bay trên Traveloka

Di chuyển bằng máy bay giúp du khách tiết kiệm thời gian và công sức. @Shutterstock

Dưới đây là các đường bay ưu đãi mà Traveloka gợi ý cho bạn:

Du khách muốn đến làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh có thể đặt ngay vé máy bay đi Cần Thơ

Discover flight with Traveloka

Wed, 21 May 2025

VietJet Air

Hà Nội (HAN) đi Cần Thơ (VCA)

Bắt đầu từ 1.402.941 VND

Wed, 14 May 2025

Vietnam Airlines

Hà Nội (HAN) đi Cần Thơ (VCA)

Bắt đầu từ 1.856.142 VND

Sat, 17 May 2025

VietJet Air

Đà Nẵng (DAD) đi Cần Thơ (VCA)

Bắt đầu từ 804.266 VND

Vì Bến Tre chưa có sân bay nên du khách muốn đến khu du lịch Lan Vươngkhu du lịch Cồn Phụng cần đặt vé máy bay đi TP.HCM, đáp chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất rồi di chuyển về Bến Tre bằng xe khách.

Discover flight with Traveloka

Sat, 17 May 2025

VietJet Air

Hà Nội (HAN) đi TP HCM (SGN)

Bắt đầu từ 1.386.525 VND

Tue, 20 May 2025

Vietravel Airlines

Đà Nẵng (DAD) đi TP HCM (SGN)

Bắt đầu từ 916.040 VND

Fri, 23 May 2025

VietJet Air

Huế (HUI) đi TP HCM (SGN)

Bắt đầu từ 1.044.383 VND

Du khách muốn tham quan phố đi bộ Hồ Gươm hãy đặt ngay vé máy bay đi Hà Nội

Discover flight with Traveloka

Wed, 21 May 2025

Vietravel Airlines

TP HCM (SGN) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 1.186.512 VND

Thu, 15 May 2025

VietJet Air

Đà Nẵng (DAD) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 1.050.367 VND

Thu, 1 May 2025

VietJet Air

Nha Trang (CXR) đi Hà Nội (HAN)

Bắt đầu từ 1.175.055 VND

Ngoài ra, để chủ động lịch trình đi lại, bạn nên đặt dịch vụ đưa đón sân bay của Traveloka để di chuyển đến nơi mình cần.

Lựa chọn khách sạn gần các điểm tổ chức trò chơi dân gian

Bên cạnh việc tìm kiếm phương tiện di chuyển, bạn cũng nên đặt trước phòng khách sạn để có được nơi ở ưng ý và gần điểm tham gia trò chơi. Bạn có thể truy cập Traveloka để tìm kiếm khách sạn giá tốt, đặt phòng sớm để có mức giá ưu đãi hơn.

Dưới đây là các khách sạn chất lượng mà Traveloka gợi ý cho bạn:

Khách sạn Mỹ Khánh, Phong Điền – Cần Thơ: Mekong Silt Ecolodge, My Khanh Resort, Le Garden Villa Homestay…
Khách sạn Bến Tre: Diamond Stars Ben Tre Hotel, Ben Tre Riverside Resort, Oasis Hotel,…
Khách sạn Hà Nội: Apricot Hotel Hanoi, Melia Hanoi Hotel, Lotte Hotel Hanoi…
Ben Tre Riverside Resort

Du khách nên đặt phòng sớm để có được nơi ở ưng ý và giá tốt. @Ben Tre Riverside Resort

Trên đây là các trò chơi dân gian Việt Nam đặc sắc, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng để tổ chức hoạt động vui chơi khi đi dã ngoại và team building. Hành trình khám phá của bạn sẽ càng hoàn hảo hơn khi có sự đồng hành của Traveloka, vô vàn deal “giá sốc” đang chờ bạn khi đặt phòng khách sạn, vé máy bay.

Tuyệt vời hơn, bạn còn có cơ hội nhận về hàng ngàn ưu đãi hấp dẫn khi đặt du thuyền, vé vui chơi và tham quan giải trí tại Traveloka, truy cập ứng dụng ngay để nhận quà nhé!

Trong bài viết này

• Các trò chơi dân gian Việt Nam đặc sắc nhất
• 1. Ô ăn quan
• 2. Bịt mắt bắt dê
• 3. Kéo co
• 4. Đấu vật
• 5. Đập niêu đất
• 6. Cờ người
• 7. Cướp cờ
• 8. Ném còn
• 9. Đánh đu
• 10. Nhảy bao bố
• 11. Đánh đáo
• 12. Dung dăng dung dẻ
• 13. Chi chi chành chành
• 14. Tả cáy
• 15. Đánh quay
• 16. Đua thuyền trên cạn
• 17. Chơi chuyền
• 18. Cướp cầu
• 19. Diều sáo
• 20. Đánh roi múa mộc
• 21. Kéo cưa lừa xẻ
• 22. Mèo đuổi chuột
• 23. Vật cù
• 24. Kéo chữ
• 25. Leo cầu ùm
• 26. Ném lon
• 27. Vây lưới bắt cá
• 28. Cá sấu lên bờ
• 29. Nu na nu nống
• 30. Úp lá khoai
• 31. Một hai ba
• 32. Bong bóng nước
• 33. Thìa là thìa lảy
• 34. Du de du dích
• 35. Nhảy dây
• 36. Tập tầm vông
• 37. Đi cà kheo
• 38. Lùa vịt
• 39. Nhảy cóc
• 40. Đá gà
• 41. Đi câu ếch
• 42. Ném vòng
• 43. Lựa đậu
• 44. Dẫn nước
• 45. Trốn tìm
• 46. Khiêng kiệu
• 47. Đi tàu hoả
• 48. Tán u
• 49. Ken trái cây
• 50. Cua cắp
• Toạ độ lý tưởng để trải nghiệm các trò chơi dân gian
• 1. Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh
• 2. Khu du lịch Lan Vương
• 3. Khu du lịch Cồn Phụng
• 4. Phố đi bộ Hồ Gươm
• Di chuyển đến địa điểm tổ chức các trò chơi dân gian
• Lựa chọn khách sạn gần các điểm tổ chức trò chơi dân gian

Các chuyến bay nổi bật trong bài viết này

Wed, 21 May 2025
VietJet Air
Hà Nội (HAN) đi Cần Thơ (VCA)
Bắt đầu từ 1.402.941 VND
Đặt Ngay
Wed, 14 May 2025
Vietnam Airlines
Hà Nội (HAN) đi Cần Thơ (VCA)
Bắt đầu từ 1.856.142 VND
Đặt Ngay
Sat, 17 May 2025
VietJet Air
Đà Nẵng (DAD) đi Cần Thơ (VCA)
Bắt đầu từ 804.266 VND
Đặt Ngay
Khách sạn
Vé máy bay
Things to Do
Luôn biết thông tin mới nhất
Đăng ký nhận bản tin của chúng tôi để biết thêm các khuyến nghị về du lịch và phong cách sống cũng như các chương trình khuyến mãi thú vị.
Đăng ký