Leh Ladakh, thuộc bang Jammu và Kashmir (viết tắt là J&K) của Ấn Độ vốn được mệnh danh là Tiểu Tây Tạng trên đất Ấn. Với địa hình hoang mạc bao la và trập trùng núi tuyết, Ladakh là nơi không dành cho những ai thích nghỉ dưỡng, mà chỉ dành cho những người đam mê khám phá. Có nhiều tour, hoạt động du lịch tại Ladakh: tour khám phá, tour biking, trekking, rafting... Mình mới đi lần đầu, chả có chút kinh nghiệm du lịch Ấn Độ nào nên chỉ đi tour khám phá để tìm hiểu về cuộc sống và con người Ladakh.
Leh Ladakh - Tiểu Tây Tạng trên đất Ấn.
Từ tháng 5 đến tháng 10. Đây là thời gian tuyệt nhất vì không có tuyết rơi, các con đường đều được thông tuyến. Từ tháng 11 đến tháng 4, Leh Ladakh có tuyết rơi dày đặc và các con đường từ Leh đi các điểm như đèo Khardung (5.600 m), hồ Pangong (4.300 m), đều bị đóng băng, không đi lại được. Nếu ai thích đi Leh Ladakh vào mùa đông thì cũng có những tour đi trek trên dòng sông băng như Chadar trek, hoặc đi thung lũng Spiti.
Tháng 5 mùa hoa táo nở.
Theo kinh nghiệm du lịch Ấn Độ thì tháng 4 tuy còn lạnh nhưng là mùa hoa mơ nở rất đẹp, tháng 5 là mùa khách Ấn từ Mumbai, New Delhi đến nghỉ mát ở Ladakh. Tháng 6, 7, 8, 9 là mùa khách du lịch nước ngoài. Cũng trong thời gian này có rất nhiều tour xe máy từ các vùng khác đến Ladakh nhưng sẽ rất đông đúc, toàn thấy từng đoàn xe máy đi phượt khắp nơi. Tháng 10 là mùa thu, những ngôi làng như Turtuk ngập tràn trong lá vàng lá đỏ rất đẹp. Mình đi tháng 5, cũng may được ngắm hoa táo đẹp ngỡ ngàng, lại ít khách du lịch nên mình thấy rất thú vị.
Dưới vườn hoa táo.
Ấn Độ cho phép xin visa online nên rất thuận tiện. Phí visa là 70 USD (tăng từ đầu tháng 7, hồi tháng 5 mình đi là 50 USD), có thời hạn 60 ngày với hai lần nhập cảnh. Các bạn khai visa online tại đây. Có thể xin visa sớm nhất là 3 tháng và muộn nhất là 2 tuần trước khi đi. Nhớ chuẩn bị sẵn ảnh (cỡ vuông) và bản scan hộ chiếu (file pdf dưới 300 KB) để nộp nhé.
Visa của mình được cấp online.
Khi thanh toán nhớ đừng chọn thanh toán bằng thẻ, vì hình như liên kết giữa các ngân hàng chưa tốt, mà nên chọn SBIePay, kết nối với tài khoản PayPal nên thuận tiện hơn nhiều. Khi điền thông tin cũng hơi mất thời gian chút xíu, nhưng nếu lỡ đang khai thông tin mà bận làm gì khác thì các bạn vẫn có thể lưu lại, rồi nhớ mã số để lần sau nhập vào khai tiếp nhé. Các bạn ở Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh có thể xin visa trực tiếp tại Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán. Nếu xin cách này thì phí là 100 USD nhưng visa có hạn 1 năm lận nha. Xin visa online thì nhớ in ra mang theo để làm thủ tục khi đến sân bay Ấn nhé.
Ngoài visa, khi vào một số vùng thuộc Ladakh các bạn cũng cần có giấy phép. Mình đi tour nên người ta xin giúp mình. Nếu ai tự đi thì cứ đến bất cứ văn phòng du lịch nào, họ cũng sẽ làm giúp bạn. Chi phí khoảng 9 USD/ người cho thời hạn 7 ngày.
Từ Việt Nam bạn có thể bay thẳng đến New Delhi với hãng Vietjet Air hoặc bay quá cảnh sang Bangkok, Singapore hoặc Kuala Lumpur rồi bay đến New Delhi. Từ New Delhi đến Leh có thể đi bằng ô tô, xe máy, nhưng thuận tiện nhất vẫn là máy bay. Có nhiều hãng bay từ New Delhi đến Leh như JetAirways, Vistara, SpiceJet, Go Air, Air India... Các bạn nên đi Air India, JetAirways, Vistara vì các hãng này bay đi bay đến đều từ Terminal 3, thuộc nhà ga quốc tế luôn, còn các hãng khác thì các bạn phải di chuyển qua nhà ga nội địa Terminal 1. Sân bay New Delhi lớn kinh khủng, di chuyển từ Terminal 1 và Terminal 3 cũng mất 30 phút, dĩ nhiên có shutter bus miễn phí nha.
Sân bay New Delhi lớn và rất đẹp.
Nếu có ý định đi Leh Ladakh thì mua vé sớm. Mình mua vé toàn bộ từ Việt Nam - Kuala Lumpur - New Delhi - Leh Ladakh khứ hồi chỉ có 9 triệu, mua trước 5 tháng. Có bạn mua cận ngày giá vé lên đến 17 triệu. Chuyến vừa rồi khi mua vé New Delhi - Leh, mình chọn giá vé rẻ nhất chiều đi của hãng JetAirways, chiều về của hãng Vistara. Nhưng may mắn không ngờ cả hai hãng đó đều bay từ Terminal 3 luôn, nên mình không mất thời gian di chuyển giữa các Terminal, mà lại còn được phục vụ ăn uống rất ngon nữa. Không hiểu sao hãng Vistara nâng hạng cho mình lên Premium Economy, ngồi sau lưng hạng thương gia. Nói chung là hên lắm luôn.
Bữa ăn sang chảnh trên máy bay Vistara.
Khi đi máy bay từ New Delhi đến Leh, nhớ xin được ngồi cạnh cửa sổ nhé. Mặt trời sẽ lên từ phía bên phải, nên nếu có máy ảnh tốt có thể chụp ảnh bình minh thì xin ngồi ở bên phải. Còn nếu chỉ cần chụp ảnh núi tuyết trập trùng thì ngồi bên trái nhé. Mà nếu “ma lanh” như mình thì các bạn cứ ngắm bên này cho đã, xong đứng dậy sang xin ngắm ké phía bên kia. Có nhiều người cũng như mình vậy, các cô tiếp viên cũng quen thế rồi nên các cô ấy vui vẻ không nói gì đâu, khách trên máy bay ai cũng vui vẻ nhường ghế cho bạn ngắm Himalayas.
Himalayas hùng vĩ nhìn từ cửa sổ máy bay.
Có hai cách. Một là rủ rê bạn bè lập thành nhóm 3,4 người trở lên, tối đa là 6 người. Cũng đừng đi nhóm đông quá vì nhiều người nhiều ý lại sợ không hợp nhau. Với lại đi nhóm nhỏ lúc nào cũng vui hơn nhiều. Nếu lập được nhóm kiểu này thì chi phí rất rẻ. Ngoại trừ vé máy bay như mình đã nói ở trên thì chi phí cho 1 tuần ở Ladakh khoảng tầm 500 USD/ người (ăn, ở, giấy phép vào các vùng...). Mình lập được nhóm 3 người, nên đã chọn anh Jigmet hướng dẫn.
Anh Jigmet này rất có duyên với khách Việt Nam nhé. Anh bảo nhóm khách Việt đầu tiên của anh là nhóm anh Thắng Sói, sau đó anh còn đi với anh Tâm Bùi, chị Nhị Đặng, và nhiều blogger nổi tiếng khác. Thảo nào anh ấy có rất nhiều bạn Việt Nam. Có năm Jigmet sang Việt Nam ở hẳn gần 2 tháng đi xuyên Việt.
Jigmet Lhundup, hướng dẫn nhóm tụi mình.
Cách thứ 2, là khi không rủ được bạn đồng hành thì cứ sang thị trấn Leh trước, vì đằng nào bạn cũng phải ở lại nghỉ ngơi 2 ngày cho quen độ cao (Leh cao 3.500 m). Theo kinh nghiệm du lịch Ấn Độ của mình lần này thì trong hai ngày đó bạn cứ lang thang ở trung tâm (khu Fort Road), có rất nhiều văn phòng du lịch, họ thông báo tìm người share taxi để đi đến tất cả các vùng như đèo Khardung, thung lũng Nubra, hồ Pangong, hồ Moriri... Tha hồ tuyến cho bạn lựa chọn. Dĩ nhiên là phải chấp nhận đi với nhiều người bạn không hề quen biết. Nhưng cũng có cái hay là bạn sẽ được làm quen nhiều bạn mới.
Nếu không tìm được ai đi chung thì các bạn có thể thuê taxi riêng, giá cả thì được niêm yết nên không có chuyện bị chặt chém. Dĩ nhiên nếu mặc cả được rẻ hơn thì tốt. Xem giá taxi ở đây
Rất nhiều bảng thông báo tìm người đi chung taxi như thế này.
Leh Ladakh và cả vùng J&K có nhiều điểm thú vị lắm. Nhưng hành trình cơ bản mà ai đến Leh Ladakh lần đầu cũng nên dành 7 ngày, 6 đêm.
Ngày đầu nghỉ ngơi ở thị trấn Leh cho quen dần độ cao. Ngày thứ 2 chỉ đi những điểm gần như tu viện Thiksey có từ thế kỷ 15, là một trong những tu viện lớn nhất và đẹp nhất của Ladakh. Đây cũng là nơi mà ngài Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thường xuyên đến mỗi khi Ladakh tổ chức lễ hội.
Tu viện Thiksey.
Trường Secmol, nơi được xem là có nền giáo dục đặc biệt. Trường nổi tiếng về các khóa đào tạo về sử dụng năng lượng mặt trời. Là nơi đào tạo ra rất nhiều nhân tài cho Ấn Độ, với nhiều phát minh kỹ thuật, nhưng cuộc sống của thầy trò trường Secmol hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không hề bị lệ thuộc vào công nghệ. Mình rất khâm phục thầy trò trường Secmol.
Quang cảnh trường Secmol.
Hệ thống lấy năng lượng mặt trời ở trường Secmol.
Chùa Nhật Bản - Shanti Stupa - còn được gọi là Tháp Hòa Bình. Nghe bảo việc xây dựng tháp Hoà Bình là một hoạt động dành cho tinh thần hòa bình thế giới và không bạo động. Tháp cao 38 m, đường kính đáy 36 m và đường kính vòm 20 m, toàn bộ được sơn màu trắng. Đến đây có thể ngắm toàn cảnh thị trấn Leh.
Shanti Stupa - Tháp Hòa Bình.
Toàn cảnh thị trấn Leh.
Ngày thứ 3 bắt đầu đi xa. Cách thị trấn Leh 40 km là con đèo cao nhất thế giới - đèo Khardung cao 5.600 m. Đây là một trong những điểm check-in mà ai đi Ladakh cũng phải đến cho bằng được, để biết rằng mình đã từng đến con đèo cao nhất thế giới, nơi có những ngọn núi phủ tuyết dày tận mấy mét cả ngàn năm qua.
Đèo Khardung cao 5.600 m là con đèo cao nhất thế giới.
Sau khi qua đèo Khardung, đi thêm 120 km nữa là đến Nubra, một thung lũng rất đẹp. Ở Nubra có rất nhiều khu trại (camp) cho khách du lịch ở trọ. Ở đây không có điện, không có wifi nhưng cảnh quan rất đẹp, rất yên bình, tha hồ tận hưởng những phút giây thảnh thơi. Nubra còn có hoạt động cưỡi lạc đà giữa sa mạc cát mênh mông cũng rất thú vị.
Khu trại cho du khách nghỉ qua đêm ở thung lũng Nubra.
Nghỉ ngơi ở Nubra.
Cưỡi lạc đà ở thung lũng Nubra.
Chăn lừa ở thung lũng Nubra.
Ngày thứ 4 đến làng Turtuk giáp biên giới với Pakistan để khám phá cuộc sống của một ngôi làng ẩn mình. Người Turtuk sống tách biệt với thế giới bên ngoài, hễ thấy người lạ là họ che mặt và không muốn bị chụp hình đâu nhé. Nên các bạn phải cẩn thận kẻo đưa máy ảnh lên là họ phản đối gay gắt lắm đó.
Người dân làng Turtuk thồ hàng bằng những chú lừa.
Các em học sinh ở làng Turtuk che mặt khi phát hiện bị chụp hình.
Ngày thứ 5 đi hồ Pangong. Đây là điểm mình mong chờ nhất bởi đó là nơi quay cảnh cuối trong bộ phim nổi tiếng Ba Chàng Ngốc (3 idiots). Hồ Pangpong rất rộng lớn, màu nước thay đổi theo màu trời nhưng hầu như lúc nào cũng xanh trong rất đẹp. Hồ cao 4.300 m nên dù trời nắng nhưng đứng bên cạnh hồ một lát là cảm thấy vô cùng lạnh. Quanh hồ có rất nhiều lều trại cho thuê, và có cả khách sạn nữa. Tốt nhất là các bạn thuê khách sạn vì ở độ cao 4.300 m thì nhiệt độ ban đêm có thể xuống âm độ, rất lạnh.
Hồ Pangong.
Các lều trại cho thuê bên hồ Pangong.
Ngày thứ 6 từ Pangong vượt con đèo Changla cao thứ nhì thế giới (cao 5.200 m) để trở về Leh. Lại thêm một ngày được đi qua những con đường hun hút đẹp đến nao lòng, lại có cả dòng sông băng trắng muốt. Cảm giác đầu đội nắng chân đứng trên băng thật kỳ diệu. Cả nhóm 3 khách, 1 hướng dẫn viên, 1 tài xế không quên chụp một bức ảnh kỷ niệm ở đây.
Đèo Changla cao thứ 2 thế giới.
Cả nhóm chụp ảnh trên sông băng.
Ngày thứ 7 đi Lamayuru moonland (địa hình mặt trăng) và tham quan tu viện Lamayuru cách Leh 120 km. Trên đường sẽ dừng chân xem nơi hợp lưu của sông Indus (xuất phát từ Tây Tạng) và sông Zanskar (Ấn Độ) thành sông Indus chảy qua Pakistan.
Hợp lưu của sông Indus và sông Zanskar.
Trên đường về trở về sẽ ghé tham quan tu viện Alchi, tụ viện có từ thế kỷ 11 và đồi Magnetic Hill. Con đường ở Magnetic Hill được xem là con đường đẹp nhất. Cả nhóm mình thích thú ra đứng giữa đường chụp ảnh kỷ niệm vì ngày hôm sau là đã rời Ladakh rồi.
Người Ladakh đi lễ ở tu viện Lamayuru.
Magnetic hill.
Những bạn nào có nhiều thời gian hơn có thể đi thêm thung lũng Zanskar, hồ Moriri... Nói chung Ladakh còn nhiều điểm khám phá lắm.
Theo kinh nghiệm du lịch Ấn Độ của mình và nhiều người khác, nên uống thuốc hoạt huyết dưỡng não nửa tháng trước khi đi. Hai ngày trước khi đi nhớ uống thuốc chống sốc độ cao Diamox, hoặc thuốc có chất Acetazolamide là được, và vẫn duy trì uống mỗi ngày 2 viên cho đến khi rời Ladakh nhé. Lúc ở Huế mình đi mua thuốc này, thấy hướng dẫn sử dụng là để điều trị một số loại vấn đề về mắt, mình cũng sợ không biết có đúng loại không. Rồi mình đi hỏi nhiều người thì đúng là loại thuốc đó là thuốc lợi tiểu, có tác dụng chống sốc độ cao.
Ngoài ra nhớ mang theo kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, son dưỡng môi, vaseline bôi mũi, kính mát chống UV, nhiều áo ấm. Bạn nào cảm thấy không khỏe và khả năng dễ thiếu oxy thì đến Leh nhớ thuê bình oxy trước khi đến vùng cao hơn nhé. Giá thuê bình trong 4 ngày là 2.000 rupee (khoảng 700.000 VND).
Cùng ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn Leh lần nữa.
Thời tiết ở Ladakh rất khắc nghiệt, ban ngày nắng chang chang, nhưng gió lạnh kinh khủng, nhất là lúc ở đỉnh đèo. Còn ban đêm thì lạnh dưới âm độ. Cũng vì nhiệt độ chênh lệch quá cao nên mình bị dị ứng da, cứ gãi sột soạt. Bạn nào sợ dị ứng thì hỏi mua thuốc trước. Nhưng đến khi về Việt Nam thì mình không còn ngứa nữa. Ngoài ra nếu bạn là người ăn uống kém thì nên mang theo một số thức ăn Việt như mì tôm, chà bông. Nhưng mình khuyến khích các bạn phải thử món ăn Ấn nhé, nhập gia tùy tục mà.
Thali - món cơm Ấn Độ.
Món momo của người Tạng, giống món há cảo, mình rất thích.
Trong tất cả những nơi mình đã đi qua thì Leh Ladakh là nơi hớp hồn mình nhiều nhất. Trở về từ Ladakh cả tuần rồi mà mình vẫn còn nhớ da diết từng nơi mình đã đi qua, từng con người mình đã gặp gỡ. Mình chắc chắn sẽ quay lại vì Ladakh còn rất nhiều điều thú vị nữa để khám phá.
Con đường đẹp đến nao lòng. @Jigmet Lhundup
Trên đây là chút kinh nghiệm du lịch Ấn Độ, đặc biệt là Leh Ladakh mà mình góp nhặt được trong chuyến đi lần này. Chia sẻ với mình điểm đến ở Ấn Độ mà bạn yêu thích nhé!
Tác giả: Nguyễn Thị Mai Trang